Giáo hội hoàn vũ

Bài Giảng và Lời Kêu Gọi Hòa Bình trong Ngày Gặp Gỡ Quốc Tế Cầu Cho Hòa Bình

20-10-2020

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ

Bài Giảng

Church of Saint Maria in Aracoeli: Tuesday, 20 October 2020

Thật là một tặng ân khi cùng nhau cầu nguyện. Tôi xin thân ái và tri ân gửi lời chào mừng đến, đặc biệt là người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Batolomeo, và Đức Giám Mục Heinrich thân yêu, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hội Tin Lành Đức Quốc. Rất tiếc,  Đức Tổng Giám Mục Justin ở Canterbury, vì dịch bệnh nên không thể có mặt ở đây.

Đoạn trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Chúa chúng ta vừa nghe xẩy ra trước khi Chúa Giêsu chết một chút. Đoạn này nói về chước cám dỗ mà Người trải qua giữa cơn thống khổ của cây thập tự giá. Ở vào chính giây phút cực khổ đau và yêu thương của Người, nhiều người có mặt vào lúc ấy đã tỏ ra tàn nhẫn nhạo báng Người bằng những lời lẽ: “Ngươi hãy tự cứu lấy bản thân mình đi!” (Marco 15:30). Đó là một cơn cám dỗ cả thể. Nó không tha cho một ai, bao gồm cả Kitô hữu chúng ta. Cơn cám dỗ mang ý nghĩ chỉ cứu lấy mình và những ai liên hệ với mình. Chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của riêng mình, như thể ngoài ra không còn gì khác đáng kể nữa. Đó chính là bản năng của con người, nhưng lại là những gì sai lầm. Nó là cơn cám dỗ cuối cùng của Vị Thiên Chúa bị đóng đanh.

Hãy tự cứu lấy bản thân mình đi. Những lời này, trước hết, được phát ngôn từ “những kẻ qua đường” (câu 29). Họ là thành phần dân chúng bình dân, những con người đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy, cùng chứng kiến các phép lạ Người làm. Bấy giờ họ bảo Người rằng “hãy tự cứu lấy bản thân mình mà xuống khỏi thập giá”. Họ chẳng biết thương hại là gì, mà chỉ muốn thấy phép lạ; họ muốn thấy Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá. Đôi khi chúng ta cũng thích một vị thiên chúa làm sự lạ hơn là vị Thiên Chúa cảm thương, một vị thiên chúa quyền lực trước mắt thế gian, vị tỏ ra quyền năng của mình và đánh tan những kẻ muốn chúng ta bị những gì là bất hạnh. Thế nhưng, đó không phải là Thiên Chúa, mà là những gì chúng ta tạo nên. Biết bao lần chúng ta muốn một vị thiên chúa theo hình ảnh của chúng ta, hơn là trở nên giống hình ảnh của Ngài. Chúng ta muốn một vị thiên chúa như chúng ta, hơn là trở nên như Thiên Chúa. Như thế là chúng ta ưa chuộng thứ tôn thờ bản thân mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa. Việc tôn thờ này được dung dưỡng và gia tăng bằng thái độ dửng dưng lãnh đạm với người khác. Thành phần qua đường này chỉ chú trọng đến Chúa Giêsu là để thỏa mãn những ước muốn của riêng họ. Chúa Giêsu, bị biến thành một kẻ bị ruồng bỏ trên cây thập tự giá, không còn thu hút họ nữa. Trước mắt của họ, Người thật là xa vời với cõi lòng của họ. Thái độ dửng dưng lạnh lùng đã khiến họ trở thành xa lạ với dung nhân đích thực của Thiên Chúa.

Hãy tự cứu lấy bản thân mình đi. Thành phần thứ hai phát ngôn những lời lẽ này là các vị trưởng tế và các ký lục. Họ là những người đã lên án Chúa Giêsu, vì họ coi Người là một kẻ nguy hiểm. Dầu sao chúng ta cũng là những chuyên viên đóng đanh kẻ khác để cứu lấy bản thân mình. Còn Chúa Giêsu thì lại để cho mình bị đóng đanh, hầu dạy cho chúng ta biết đừng đổ sự dữ cho người khác. Các vị trưởng tế đã tố cáo Người chính vì những gì Người đã làm cho kẻ khác: “Hắn đã cứu được những người khác mà lại chẳng thể cứu được mình” (câu 31). Họ đã biết được Chúa Giêsu như thế nào rồi; họ còn nhớ những việc chữa lành và các phép lạ giải phóng được Người thực hiện, thế nhưng họ lại tung ra một đúc kết hiểm ác như vậy. Đối với họ, việc cứu các kẻ khác, giúp đỡ những kẻ ấy là những gì vô ích; Chúa Giêsu, Đấng không ngừng hiến mình cho nguười khác đã đánh mất chính bản thân mình! Giọng điều nhạo báng của việc cáo giác ấy được trang điểm bằng thứ ngôn ngữ đạo nghĩa, khi sử dụng 2 lần động từ “cứu lấy“. Thế nhưng, “thứ phúc âm” cứu lấy mình không phải là Phúc Âm Cứu Độ. Nó là những gì sai lầm nhất trong số các loại ngụy phúc âm, bắt kẻ khác gánh vác thập giá. Trong khi đó Phúc Âm đích thực lại mời gọi chúng ta vác lấy thập giá của kẻ khác.

Hãy tự cứu lấy bản thân mình đi.  Sau hết là những kẻ bị đóng đanh với Chúa Giêsu cũng hợp tiếng chế nhạo Người. Thật là dễ dàng để phê bình chỉ trích, để nói phạm đến kẻ khác, đổ sự dữ cho người khác chứ không cho bản thân mình, thậm chí chê trách cả các con người yếu kém và bị ruồng bỏ nữa! Thế nhưng tại sao họ lại bực tức với Chúa Giêsu chứ? Vì Người không mang họ xuống khỏi thập giá như họ đã nói với Người: “Ngươi hãy cứu lấy bản thân mình và cả chúng tao nữa” (Luca 23:39). Họ đã nhìn đến Chúa Giêsu là để giải quyết vấn đề của họ thôi. Tuy nhiên Thiên Chúa không đến chỉ để giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề hiện tại thường nhật của chúng ta, mà là giải phóng chúng ta khỏi vấn đề thực sự, đó là vấn đề thiếu thốn yêu thương. Đó là căn nguyên chính yếu của các thứ bệnh hoạn về bản thân, xã hội, quốc tế và môi sinh của chúng ta. Chỉ nghĩ đến bản thân mình: đó là cha đẻ của tất cả mọi sự dữ. Tuy nhiên, một trong hai kẻ trộm sau đó nhìn vào Chúa Chúa Giêsu và thấy ở nơi Người một tình yêu khiêm hạ. Anh ta đã được về trời chỉ bằng một việc duy nhất, đó là hướng quan tâm của hắn từ bản thân hắn sang Chúa Giêsu, từ bản thân hắn đến người gần hắn (câu 42).

Anh chị em thân mến, Đồi Canvê là nơi của một cuộc đấu “tay đôi” giữa Thiên Chúa, Đấng đã đến để cứu chúng ta, và con người, kẻ chỉ muốn cứu lấy bản thân mình; giữa đức tin vào Thiên Chúa và thứ tôn thờ bản thân mình; giữa con người cáo tội và Vị Thiên Chúa tha tội. Cuối cùng thì Thiên Chúa đã vinh thắng; lòng thương xót của Ngài đã đổ xuống trên trái đất này. Từ cây thập tự giá, ơn tha thứ được tuôn trào và tình yêu thương huynh đệ được tái sinh: “Thánh Giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em” (BENEDICT XVI, Address at the Way of the Cross at the Colosseum, 21 March 2008). Hai cánh tay của Chúa Giêsu, giang ra trên cây thập tự giá, đánh dấu một bước quanh, vì Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai mà là ôm lấy hết tất cả mọi người. Bởi chỉ có yêu thương mới có thể dập tắt hận thù ghen ghét, chỉ có yêu thương cuối cùng mới chiến thắng bất công. Chỉ có tình yêu thương mới giành chỗ cho người khác. Chỉ có tình yêu thương mới là con đường dẫn tới mối hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn lên Vị Thiên Chúa bị đóng đanh và hãy xin Người ban cho chúng ta ơn biết hiệp nhất hơn và huynh đệ hơn. Khi chúng ta bị cám dỗ theo đường lối của thế gian này, chớ gì chúng ta được nhắc nhở những lời của Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất nó; và ai đánh mất sự sống mình vì Thày và vì Phúc Âm thì lại giữ được nó” (Marco 8:35). Những gì bị cho là bị mất mát trước mắt thế gian thì lại là ơn cứu độ đối với chúng ta. Chớ gì chúng ta học từ Chúa, Đấng đã cứu chúng ta bằng việc hư không hóa bản thân mình (xem Phil 2:7) và trở nên người khác: từ vị thế là Thiên Chúa thành con người; từ là thần linh trở nên xác thịt; từ là vua chúa trở thành nô lệ. Người đã xin chúng ta hãy làm như vậy, hãy hạ mình xuống, hãy trở nên “người khác” để vươn tới những người khác. Chúng ta càng gần với Chúa Giêsu chúng ta mới càng cởi mở và “quốc tế”, vì chúng ta mới cảm thấy trách nhiệm đối với người khác. Và người khác mới trở thành phương tiện cho ơn cứu độ của chúng ta: tất cả những người khác, hết mọi con người, bất kể quá khứ và niềm tin của họ. Bắt đầu với người nghèo, thành phần giống Chúa Kitô nhất. Đức Tổng Giám Mục cao cả thành Contantinopoli là Thánh John Chrysostom đã từng viết: “Nếu không có người nghèo, thì phần lớn ơn cứu độ của chúng con sẽ bị thiệt hại” (On the Second Letter to the Corinthians, XVII, 2). Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau hành trình trên con đường huynh đệ, nhờ đó trở nên những chứng nhân khả tín của Vị Thiên Chúa hằng sống.

Lời Kêu Gọi Hòa Bình

Piazza del Campidoglio: Tuesday, 20 October 2020

 Giờ đây, chúng tôi xin trân trọng quyết tâm nhận lấy cho mình,

cũng như đề ra cho các vị lãnh đạo của các quốc gia,

cùng cho những người công dân trên thế giới Lời Kêu Gọi Hòa Bình này

Hợp nhau ở Roma, theo “tinh thần Assisi”, và liên kết một cách thiêng liêng với các tín đồ khắp thế giới, cũng như với tất cả mọi con người nam nữ thiện chí, chúng tôi đã sát cánh với nhau để nguyện cầu khẩn xin cho thế giới của chúng ta tặng ân hòa bình. Chúng tôi đã nghĩ đến những vết thương của nhân loại, chúng tôi liên kết các lời cầu nguyện âm thầm của rất nhiều anh chị em đau khổ của chúng tôi, tất cả những người anh chị em thường vô danh và bị quên lãng. Giờ đây, chúng tôi xin trân trọng quyết tâm nhận lấy cho mình, cũng như đề ra cho các vị lãnh đạo của các quốc gia, cùng cho những người công dân trên thế giới Lời Kêu Gọi Hòa Bình này.

Ở trên Đồi Capitoline này, sau cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử, các quốc gia lâm chiến đã thực hiện một hiệp ước, dựa trên một giấc mơ hiệp nhất mà sau đó đã trở thành hiện thực, đó là giấc mơ của một Âu Châu hiệp nhất. Ngày nay, vào những thời khắc bất ổn này, như chúng ta cảm thấy các tác dụng của dịch bệnh Covid-19, đang đe dọa hòa bình, bởi những thứ bất quân bình và lo sợ càng ngày càng trầm trọng hơn, chúng tôi mạnh mẽ quả quyết rằng không ai có thể được cứu thoát một mình: không người nào, không một cá nhân nào!

Các cuộc chiến tranh và hòa bình, các thứ dịch bệnh và việc chăm sóc y tế, tình trạng đói khổ và được có lương thực, hiện tượng hâm nóng toàn cầu và việc phát triển khả chấp, tình trạng phân tán của các thành phần dân chúng, việc loại trừ các thứ đe dọa về nguyên tử và việc giảm bớt những gì là bất bình đẳng: những sự này không phải là các vấn đề liên quan đến riêng một quốc gia nào. Ngày nay, trong một thế giới đang liên hệ với nhau hơn nữa, nhưng lại thường thiếu cảm quan huynh đệ, chúng ta lại càng hiểu được điều này hơn nữa. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau! Chúng ta hãy cầu cùng Đấng Tối Cao, sau cơn thử thách này, không còn là “những người khác”, mà là “chúng tôi” rộng lớn, phong phú tính cách đa dạng. Thời giờ đã điểm để tái mạnh mẽ mộng mơ rằng hòa bình là những gì khả dĩ, là những gì cần thiết, một thế giới không có chiến tranh không phải là những gì ảo tưởng. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn kêu gọi một lần nữa rằng: “Không còn chiến tranh nữa”!

Thảm thương thay, đối với nhiều người, chiến tranh, một lần nữa, dường như là phương tiện khả dĩ để giải quyết các thứ tranh cãi quốc tế. Không phải thế. Trước khi quá muộn, chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng chiến tranh bao giờ cũng biến thế giới thành tệ hơn. Chiến tranh là thứ thảm bại về chính trị và nhân loại.

Chúng tôi kêu gọi các vị lãnh đạo chính quyền hãy loại trừ thứ ngôn ngữ chia rẽ, thường gây ra bởi sợ hãi và ngờ vực, cũng như hãy tránh đi vào những con đường sa lầy bất khả vãn hồi. Cùng nhau chúng ta hãy nhìn tới thành phần nạn nhân. Đang xẩy ra quá nhiều tất cả các thứ xung đột hiện nay.

Chúng tôi kêu gọi các vị lãnh đạo quốc gia là chúng ta hãy cùng nhau thực hiện việc kiến tạo nên một kiến trúc mới cho hòa bình. Chúng ta hãy hợp lực để cổ võ sự sống, sức khỏe, giáo dục và hòa bình. Đã đến lúc cần phải chuyển hướng các nguồn lợi được sử dụng vào việc sản xuất các thứ vũ khí càng hủy hoại và chết chóc hơn, vào việc chọn sự sống cùng chăm sóc cho nhân loại cũng như cho ngôi nhà chung. Chúng ta đừng phí giờ nữa! Chúng ta hãy bắt đầu với những đích nhắm khả đạt: chớ gì chúng ta bắt tay ngay vào việc liên kết các nỗ lực của chúng ta, để ngăn chặn tình trạng lây lan thứ vi khuẩn này, cho đến khi có một thứ chủng ngừa thích hợp và thuận lợi cho tất cả mọi người. Dịch bệnh này đang nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những người anh chị em ruột thịt với nhau.

Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi tín đồ, cũng như các con người nam nữ thiện tâm: chúng ta hãy trở nên những tay thủ công nghệ sáng tạo của hòa bình, chúng ta hãy xây đắp mối thân tình về xã hội, chúng ta hãy chấp nhận nền văn hóa đối thoại. Việc đối thoại chân thành, liên lỉ và dũng cảm là kháng tố cho tâm trạng ngờ vực, cho tình trạng chia rẽ và hành vi bạo động. Việc đối thoại ngay từ đầu lột trần các thứ luận điệu về những thứ chiến tranh hủy hoại tình huynh đệ, mà gia đình nhân loại được kêu gọi sống với nhau.

Không ai được cảm thấy mình được miễn trừ khỏi việc này. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chung. Tất cả chúng ta cần tha thứ cho nhau và được nhau tha thứ. Những thứ bất công của thế giới và của lịch sử không được chữa lành bởi lòng hận thú ghen ghét và bằng việc trả đũa rửa hận, mà bằng việc đối thoại và thứ tha.

Xin Thiên Chúa tác động nơi chúng ta, trong quyết tâm theo đuổi các lý tưởng ấy, và thực hiện cuộc hành trình chúng ta đang cùng nhau thực hiện. Xin Ngài đụng chạm đến hết mọi cõi lòng, và làm cho chúng ta trở thành người loan tin vui hòa bình.

Roma, Đồi Capitoline, ngày 20 tháng 10 năm 2020

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20201020_omelia-pace.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch.  

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.