Vũ Văn An
Vietcatholic.net, 16/Jun/2020
“Synodale Weg” hay Con đường Đồng nghị ở Đức hiện đang diễn tiến và theo nhà bình luận tin tức Sandro Magister (http://magister.blogautore.espresso.repubblica.it/2020/06/15/the-synod-of-germany-has-at-least-three-antecedents-all-ended-with-a-schism/), mỗi ngày mỗi cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với “đường đi” của Giáo Hội Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ.
Theo Magister, Con đường Đồng nghị này thực ra bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo. Magister giới thiệu một bài viết của một nhà sử học ở Đại Học Bergamo, Ý, và là một chuyên gia về các mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Đó là giáo sư Roberto Pertici. Bài viết có tựa đề là “Giáo Hội Đức giữa ‘sức hấp dẫn quốc gia’ và tính tối thượng của Rôma”.
Theo Giáo sư Pertici, dù không phải là một nhà chuyên môn về lịch sử tôn giáo rất phức tạp của Đức, sử gia nào, khi đọc về “Synodale Weg” tức Con đường Đồng nghị đang diễn tiến ở Đức, đều có cảm tưởng như đã gặp nó đâu đó trong lịch sử, một thứ “déjà-vu” nào đó.
Thực vậy, dù với những nội dung mới mẻ một phần, được áp đặt bởi các khai triển văn hóa xã hội trong 50 năm vừa qua, chúng ta vẫn đang giáp mặt với một mưu toan khác của các cá nhân và các nhóm trong Đạo Công Giáo Đức muốn thiết lập một thứ Giáo Hội quốc gia, nhằm tái lập từ trung đến dài hạn tính thống nhất về tôn giáo cho nước Đức, và tái lập Giáo Hội này qua việc thệ phản hóa nền thần học, phụng vụ, và cơ cấu nội bộ.
Nếu người ta không lưu ý tới kỳ vọng quốc gia này – nhiều người khác gọi là cơn cám dỗ quốc gia – họ sẽ có nguy cơ giản lược mọi chuyện vào một thứ trôi dạt về thần học, một cuộc đấu tranh giữa chính thống và dị giáo, một cuộc xung đột trong nội bộ giáo hội: tất cả những thứ này đều đang hiện diện ở đó, nhưng có lẽ chúng không đủ để giải thích trọn vẹn hiện tượng chúng ta đang có trước mắt.
Đúng hơn, Đạo Công Giáo Đức thường dao động giữa “sức hấp dẫn quốc gia” (national appeal) (trên thực tế, là một sự lôi cuốn, có lẽ chưa được tuyên xưng, đối với Phong trào Thệ Phản, mà nó vốn cộng sinh với – không nên quên điều đó -) và việc thừa nhận tính tối thượng của Rôma: một sự dao động càng làm cho đau đớn và bi đát hơn bởi sự kiện này là từ Luther và Ulrich von Hutten trở đi, bản sắc Đức được hình thành chính trong việc đối lập với Rôma “Babylon”. Liệu người ta có thể là một “người Đức tốt” và đồng thời là một người Công Giáo, nghĩa là vâng theo một thế lực xa xôi vốn bị rất nhiều đồng bào ghét bỏ hay không? Câu hỏi này đã được khai mở trong nhiều thế kỷ của lịch sử Đức, cho đến Kulturkampf của thời Bismarck và chính sách tôn giáo của Đệ tam Quốc xã.
Vào đầu thế kỷ 19, nhân vật nổi tiếng nhất về “sức hấp dẫn quốc gia” này, và về đề nghị giáo dục thần học nâng đỡ nó chính là Heinrich Ignaz von Wessenberg (1774-1860), tổng đại diện và giám quản giáo phận Konstanz, người đã đề nghị và bảo vệ chương trình của ông về một Giáo hội quốc gia Đức không kém gì Đại hội Vienna. Đàng sau Ông là những luận đề chống Rôma cổ điển của truyền thống “Febronian” (giản lược các đặc quyền của giáo hoàng, coi ngài chỉ tối thượng về danh dự chứ không về quyền tài phán; tầm quan trọng lớn hơn được dành cho giám mục đoàn; ưu thế của công đồng trên vị giáo hoàng; và ưu quyền của nhà nước chống lại việc can thiệp của Giáo Hoàng) và cuộc đấu tranh của Đạo Công Giáo Khai sáng chống lại sự cuồng tín của các cuộc hành hương, sùng kính các thánh tích, tính độc đoán của các cơ cấu giáo hội.
Franz Schnabel, nhà sử học vĩ đại của nước Đức thế kỷ XIX, tóm tắt những ý tưởng tôn giáo của Wessenberg như thế này: thay thế khoa học duy lý bằng khoa học kinh viện; định chế hóa các nghị viện giáo hội trong các giáo phận; đào tạo hàng giáo sĩ theo khoa học hiện đại nhất; nghi vấn việc độc thân trong giáo hội; cải cách sinh hoạt phụng vụ, biến việc thuyết giảng thành “phần quan trọng nhất của việc chăm sóc các linh hồn”; dùng tiếng Đức trong Thánh lễ và Đức hóa sách nguyện, việc ca hát và các sách sùng kính; thù địch đối với các cuộc hành hương và các dòng khất sĩ; cải cách kiến trúc giáo hội theo cung cách Tin lành hay Thanh giáo, càng giản dị và u ám càng hay (đối với bàn thờ chính, chỉ một Chúa Kitô được trưng bầy, tránh hình tượng các vị thánh, ngoại trừ các thánh quan thầy của nhà thờ, tuy nhiên chỉ được đặt ở bàn thờ phụ “bao lâu vẫn còn các bàn thờ này”). Một trong những qui định của ông về hôn nhân cho phép việc chúc lành cho các cuộc kết hôn liên phái, với điều kiện các con trai tuân theo tín phái của người cha và các con gái theo tín phái của người mẹ.
Tuy không muốn kéo lịch sử lại gần, song há đó không phải là một thứ bà con họ hàng với các luận điểm của “Synodale Weg” hiện nay sao?
Một thí dụ gây chấn động khác về “sức hấp dẫn quốc gia”, đó là cuộc ly giáo của linh mục Joahannes Ronge người Silesia vào giữa thập niên 1840, khi ba thập niên đã trôi qua kể từ Đại hội Vienna, những thập niên, trong đó ý thức dân tộc Đức đã phát triển rất lớn và được kích thích quá mức, trong khi chủ thuyết giáo hoàng độc tôn (ultramontanism) đã thống trị nền chính trị của giáo hoàng.
Ronge cũng theo truyền thống “Febronian”, một truyền thống lúc ấy vẫn còn sống động ở Silesia. Tháng 10 năm 1844, ông viết một bức thư ngỏ gửi giám mục Trier là Arnoldi để tố cáo sự phô trương mà ông gán cho một thánh tích nổi tiếng, đó là “Chiếc áo dài của Chúa Kitô”, được cả hàng nửa triệu người hành hương đến kính viếng. Ronge buộc tội Arnoldi cố ý thao túng các tín hữu Công Giáo khinh suất qua “các trò đóng kịch phi Kitô giáo” với mục đích vỗ béo các kho bạc của giáo hội và cổ vũ “việc Đức làm nô lệ vật chất và tinh thần cho Rôma”. Vị linh mục người Silesia này ngỏ lời với 2 lớp thính giả khác nhau, cung ứng cho mỗi lớp một đích nhắm chuyên biệt: ông mời các nhà duy lý hiện diện trong hàng giáo sĩ Công Giáo phản đối chủ nghĩa tuân phục thần học, và “các đồng bào Đức, cả Công Giáo lẫn Thệ phản” thắng vượt cảnh chia rẽ tuyên tín của nước Đức. Sau khi bị tuyệt thông vào tháng 12 năm 1844, ông công bố thiết lập một “Tổng Giáo Hội Đức” (xem Todd H. Weir, “Chủ nghĩa thế tục và tôn giáo ở Đức thế kỷ XIX: Sự Xuất hiện của tuyên tín thứ Tư”, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2014).
Giống nhiều tín đồ của Wessenberg sau năm 1830, Ronge cũng cực đoan hóa các lập trường chính trị và tôn giáo của mình: ông tham gia các biến cố của quốc hội Frankfurt năm 1848-49, sau đó lưu vong qua Vương quốc Anh, nơi ông trở thành quán quân của “chủ nghĩa duy tục” và tự do tư tưởng.
Một cuộc ly giáo của các giáo sư và các nhà trí thức – dù vẫn có sự gắn bó đối với một nhà tiên tri và nhà sử học lừng lẫy như Ignaz von Döllinger – là cuộc ly giáo của Altkatholiken, những người Công Giáo Cũ, vào năm 1871, để phản đối việc tuyên bố tín điều Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm được Công đồng Vatican I chấp thuận vào ngày 18 tháng 7 năm 1870. Theo một trong các nhà lãnh đạo của họ, tức nhà giáo luật vĩ đại Johann Friedrich von Schulte, tín điều đó đã thay đổi bản chất của Giáo hội và hiến chế tông truyền của nó và gây ra mối đe dọa cho các quốc gia, vì nó sẽ mang lại cho Tòa Thánh nhiều khả thể can thiệp rất lớn vào đời sống nội bộ của họ, đòi hỏi sự phục tùng mù quáng của hàng giám mục, giáo sĩ và tín hữu. Mối nguy hiểm này đặc biệt hiển nhiên đối với Đế quốc Đức mới được thành lập vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, trong đó, có sự hiện diện mạnh mẽ của Công Giáo, có ảnh hưởng đặc biệt ở một số tiểu bang, và một đảng Công Giáo mới, Zentrum, có nguy cơ trở thành “longa manus” (cánh tay vươn dài) của Vatican trong Chính trường Đức.
Do đó, các quan tâm tín điều và tôn giáo, cũng như các quan tâm quốc gia và chống Rôma cùng hiện hữu trong Schulte và trong Altkatholiken, trong ảo tưởng tìm được sự hỗ trợ của hàng giám mục Đức, vốn tham gia khối đa số ủng hộ tín điều vô ngộ – với rất ít ngoại lệ -. Sau đó, phái Altkatholiken đã đi tìm người đối thoại cầm đầu Nhà nước (Reich) mới, đặc biệt nơi ông hoàng Bismarck, và người ta biết rằng liên minh này lúc đó là một trong những căn bản cho Kulturkampf sau đó.
Ba nỗ lực trên đã gặp phải sự lên án mạnh mẽ của Tòa Thánh, bằng các phiên xử và vạ tuyệt thông theo giáo luật, và có rất ít người theo trong hàng ngũ giáo sĩ và giáo dân, mặc dù phái của Ronge, phái Deutschkatholiken, đã tồn tại trong nhiều thập niên và Giáo Hội Công Giáo Cũ vẫn sống còn cho đến nay. Xin nhắc lại, tuy không phóng đại các điều tương tự trong lịch sử, ngày nay, dường như, “hành trình đồng nghị” đang chinh phục được toàn bộ hàng giáo phẩm của Đức (tuy tính triệt để của nó chắc chắn làm cho Wessenberg phải ngạc nhiên và có lẽ cả Ronge và Döllinger nữa).
Giáo sư Pertici tin rằng triết lý làm nền của “Synodale Weg” ngày nay đã được xác định từ nhiều năm trước bởi một giáo sĩ nổi tiếng người Đức là Đức Hồng Y Walter Kasper. Giáo sư Pertici đã có dịp nói tới một hội nghị về Luther được tổ chức vào ngày 18 tháng 1 năm 2016 (W. Kasper, “Martin Luther. Một viễn cảnh đại kết”, Brescia, Queriniana, 2016) và đề xuất chứa trong đó về “việc phi tín phái hóa” cả các tín phái Thệ Phản lẫn Giáo Hội Công Giáo: một kiểu quay trở lại “nguyên trạng lúc trước”, tức trước việc bùng nổ các cuộc xung đột tôn giáo trong thế kỷ XVI. Vì một việc phi tuyên tín hóa như vậy cũng đã diễn ra trong môi trường Lutheranô, nên thế giới Công Giáo hẳn phải can đảm lắm mới tiến hành theo hướng này: Kasper nói đến việc “khám phá lại tính Công Giáo nguyên thủy, chưa bị giới hạn bởi quan điểm tín phái”. Điều rõ ràng là các đề xuất của Kasper được ngỏ với Giáo hội hoàn vũ, nhưng gốc rễ Đức của chúng cũng rõ ràng không kém.
“Cuộc hành trình đồng nghị” mà hàng giáo phẩm Công Giáo Đức đề xuất chính là theo quan điểm của “sự phi tín phái hóa” này và do đó cũng là quan điểm gặp gỡ với các thành tố khác của Kitô giáo Đức.
Giáo sư Pertici cho rằng lập trường trên có thể có những lý do thần học của nó. Nhưng phần lớn các giáo phẩm Đức ngày nay lưu ý đến khía cạnh chính trị nhiều hơn.
Views: 0