Giáo hội địa phương

500 năm ánh sáng Tin Mừng qua cái nhìn Phúc-âm-hóa

Trần Mỹ Duyệt

Năm 2033 sẽ là năm Giáo hội Công Giáo Việt Nam kỷ niệm 500 năm Tin Mừng được loan báo trên quê hương bắt đầu từ năm 1533. Theo thống kê của Tổng Giáo Phận Hà Nội, “Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam gồm 27 Giáo phận với số giáo dân 7.294.713 người, chiếm tỉ lệ 7,21% trên tổng dân số Việt Nam. Hai mươi bảy Giáo phận hiện diện trên khắp mọi miền đất nước với những đặc điểm khác nhau: nông thôn hay thành thị; thuần túy người Kinh hoặc vừa có các tín hữu người Kinh vừa có các tín hữu thuộc dân tộc ít người; tùy theo địa bàn, tỉ lệ người Công giáo cao (10% – 30% dân số) hoặc rất thấp (từ 0,3% – 3%).” [1]

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với số giáo dân đứng thứ 5 trong các Giáo Hội Công Giáo ở Á Châu, sau Phi Luật Tân, Ấn Độ, Trung Hoa, và Nam Dương. Theo AsiaNews, thống kê phổ biến tháng Năm 2020, thì tính đến năm 2019, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có 5.000 linh mục, hơn 5.000 chủng sinh, 307 hội dòng với tổng số 33.087 tu sỹ nam nữ, trong đó có 28.099 nữ tu, 4.988 nam tu, và 1.670 linh mục dòng. [2]

Thống kê trên có thể coi là một thành quả đáng khích lệ. 7,21% người Công Giáo là con số không nhỏ trong một đất nước bị trù dập, bắt bớ và cấm cách dưới chế độ vua chúa và vô thần. Nhưng căn cứ vào những gì mà Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ trước khi về trời: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mátthêu 28:19), có lẽ chúng ta cần phải đọc lại và học hỏi thêm về Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nói về công tác “mang Tin Mừng” cho muôn dân, trong đó ngài xác định rằng Phúc-âm-hóa (Evangelization) là chuyển hóa đời sống con người qua sức mạnh thần linh của Phúc Âm.

Từ Phúc-âm-hóa được nhắc đến trong các văn kiện của Công Đồng Vaticano II, và được coi là sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới hôm nay. Nó mang ý nghĩa bao quát gồm nhiều hoạt động khác nhau như rao truyền, dậy giáo lý, và đối thoại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi còn sống đã có một tầm nhìn xa hơn vào những xã hội duy vật, vô thần bằng tinh thần “Tân Phúc-âm-hóa”. Theo đó, ngài diễn tả Giáo Hội cần đáp ứng với công tác truyền đạt Phúc Âm cho những xã hội văn minh, bao gồm việc tái thẩm định lại giá trị của việc đối thoại với những xã hội duy vật. Ngài nhắc đến công tác giới thiệu Phúc Âm cho những nơi chưa đón nhận Tin Mừng trên thế giới. Ngài cũng tin rằng Giáo Hội cần áp dụng những phương cách khác nhau để đến với những người đã được nghe nói về Tin Mừng, cũng như những người đã từ chối nó. [3]

Như vậy, làm cách nào để có thể rao giảng hay nói về Chúa Giêsu cho thế giới hôm nay? Giáo Hội đã tiếp tục con đường đối thoại trải qua triều đại của Đức Bênêđíct XVI và hiện nay là Đức Phanxicô. Nhưng liệu chúng ta có cần lợi dụng những kỹ thuật của khoa học, của văn minh nhân loại để ứng dụng vào việc rao giảng Tin Mừng hay không? Để Phúc-âm-hóa một cách có hiệu quả đòi hỏi không những phải rao giảng và giới thiệu Chúa Giêsu, chúng ta còn áp dụng bằng những   phương tiện hiện đại để con người có thể tiếp cận, đón nhận Chúa Giêsu và Phúc Âm của Ngài một cách thực tế và hữu dụng hơn. Đó chính là đem đạo vào đời bằng những phương tiện khoa học và văn minh hiện đại.

Dĩ nhiên, tự mình Chúa Giêsu đã đủ để thu hút và hấp dẫn người nghe: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống.” (Gioan 14:6) Tự mình Ngài đã đủ để tất cả những nhà truyền giáo, những người tham gia vào công việc truyền giảng phải nói, phải trình bày, và giới thiệu. Nhưng chúng ta nghĩ gì khi nghe chính Chúa Giêsu đã nói về lý do mà đám đông dân chúng đang đổ xô đến với Ngài: “Thật vậy, thật vậy, Ta nói với các ngươi, các ngươi tìm Ta không phải vì được xem những dấu lạ, nhưng vì được ăn no.” (Gioan 6:26) Và trong phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana, cũng do Thánh Gioan ghi lại: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên ở Cana trong xứ Galilee để tỏ vinh quang ngài, và các môn đệ Ngài đã tin vào Ngài.” (2:11) Khi cho dân chúng ăn no nê, rõ ràng Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài thật sự quan tâm đến họ, không chỉ ban cho họ của  ăn thiêng liêng, mà còn nuôi sống họ bằng của ăn vật chất. Và khi Ngài thực hiện phép lạ trước các môn đệ là để đạt được niềm tin nơi các ông.

Đối với những người chưa tin “được ăn no” có thể hiểu là được ơn này, ơn khác khi cầu xin. Lời hứa “được gấp trăm” (Marcô 10:30) về nhà cửa, gia đình, ruộng đất cũng là một hấp dẫn đối với nhiều người để sẵn sàng đi theo Ngài. Trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống một số đông lãnh bí tích rửa tội không phải do Phêrô giảng về Chúa Giêsu Kitô, mà còn vì dấu lạ khi họ nhận ra một người Do Thái như Phêrô mà lại nói với họ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Do những ổ bánh, những chum nước hóa thành rượu, và ngôn ngữ lôi kéo sự chú ý, tạo sự thu hút, theo sau là hoán cải thực sự.

Nhưng Phúc-âm-hóa mang ý nghĩa gì trong thời đại của tôi?

Nói về Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay, một thế giới với nền văn hóa xem như Thiên Chúa không hiện hữu, không chỉ là một thử thách đối với Giáo Hội, mà còn đối với chúng ta những người rao giảng Tin Mừng, những Kitô hữu nhiệt thành. Theo Chúa để được gì? Được “ăn no”, được “gấp trăm” ở đời này, hay được “hưởng phép lạ”. Điều này xem ra không đúng lắm khi mà những người đơn sơ, hiền lành, tử tế, đạo hạnh, sống với lương tâm ngay chính lại trở thành mồi ngon cho sự trù dập, bắt bớ, tù đày, và bị ngược đãi, chà đạp. Ngược lại những kẻ gian ác, xảo kế lại thường ăn trên, ngồi trước, sống xa hoa, hưởng thụ, và được đời tôn kính. Ngay cả lời hứa Thiên Đàng cũng được xem như mơ hồ đối với nhiều người trong thế giới vô thần, duy vật, duy lý, duy tâm và hiện sinh hiện nay. Không chỉ riêng những người ngoài Công Giáo, mà  nhiều người mang danh Công Giáo cũng suy nghĩ, hành động như vậy. Ngày 19 tháng Giêng, 2025, một ngày trước khi rời Tòa Bạch Ốc, tổng thống Joe Biden đã được Hội Tam Điểm trao tặng danh hiệu Master Mason do Trưởng Đại Hội Đường South Carolina. Phải chăng ông đã đánh đổi niềm tin Công Giáo để trở thành một thành viên của Tam Điểm? Ngay trong lòng Giáo Hội Công Giáo cũng đang xảy ra những chuyện xấu xa, vô đạo đức khiến cho lòng tin của nhiều người bị thử thách.

Vậy điều gì Giáo Hội cần phải làm khi nói đến Phúc-âm-hóa môi trường và Phúc-âm-hóa thế giới? Kinh nghiệm của những ai đã từng tham gia vào các công tác tông đồ đều nhận ra điều này là “một điều gì đó” khi giới thiệu về Chúa Giêsu:

Với những tiến bộ vượt bực của khoa học, trí khôn nhân tạo, truyền thông đại chúng hiện nay có thể trở thành một công cụ giúp phát triển công tác tông đồ. Tuy nhiên, nó cũng là khí giới của kẻ thù Giáo Hội dùng để phá vỡ niềm tin và những giá trị của đạo đức. Truyền thông xấu hàng ngày phổ biến hàng ngàn, vạn những tin tức sai lầm về Giáo Hội với chủ ý đánh phá và thu hút giới trẻ. Trên thực tế, tuổi trẻ ngày nay đang là miếng mồi ngon cho những thế lực ngầm, những kẻ thù của Giáo Hội và xã hội.

Song song với việc đồng hành với giới trẻ. Phúc-âm-hóa còn đòi hỏi phải đi tới những nơi mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là những vùng “ngoại biên” để có dịp gặp gỡ, an ủi và nói với những con người ở những nơi ấy về Chúa Giêsu. Ngài nhắc đến từ “vùng ngoại biên”, ám chỉ những nơi xa xôi mà ở đó dân cư nghèo đói cả tinh thần lẫn vật chất, sống chen chúc trong những khu ổ chuột, những nơi phẩm giá con người bị chà đạp. Thánh Phanxicô Xavier trong một lá thư gửi Thánh Igantio Loyola đã viết:

“Nhiều, và nhiều người ở đây đã không trở thành Kitô hữu vì một lý do duy nhất: Không có ai biến họ thành những Kitô hữu. Con ước ao được đi vòng quanh các đại học ở Âu Châu, một cách đặc biệt là Paris, và ở bất cứ nơi nào đó để kêu to như một người điên hầu lôi kéo sự chú ý rằng, ít người quan tâm đến việc học hành uyên bác hơn là bác ái: “Thật là đáng thương: Có bao nhiêu linh hồn bị ngăn cảm vào thiên đàng đã rơi xuống hỏa ngục!”[4]

Thật vậy, mỗi khi nói đến Phúc-âm-hóa, ít người quan tâm đến những hành động xem như nhỏ nhoi, vô nghĩa, tầm thường như mời một người bạn thân đến tham dự một buổi chầu Thánh Thể, một thánh lễ Chúa Nhật, một thánh lễ an táng, một lễ cưới, hoặc một công tác từ thiện hay thăm viếng một bệnh nhân. Thay vì giảng giải, lý luận hàng giờ về Giáo Hội, về Chúa Giêsu, người tông đồ hiểu được nhu cầu và tâm lý quần chúng cần nhớ lại bài học ổ bánh mì và những chum rượu của Thánh Kinh. Nếu tình yêu thường bắt đầu bằng cách đi qua dạ dày, thì việc thực hiện những công tác bác ái, thực tiễn chính là những bài giảng hùng hồn về giáo lý, và về Chúa Giêsu.

Một cách tương tự trong đời sống giáo xứ, khi những gia đình mới bắt đầu đến với giáo xứ – hoặc những người ngoài Công Giáo bắt đầu tìm kiếm trở thành người Công Giáo – họ thường chú ý  đến tình bạn đón tiếp của các người trong giáo xứ hơn là bị thu hút bởi giáo lý, nhưng nghi thức phụng vụ. Trong một nền văn hóa đặt nặng những sản phẩm tốt nhưng nghèo đói về tình bạn, những điều này được xem như “thêm vào” trong hành trình Phúc-âm-hóa.

Rao giảng về Chúa Giêsu dĩ nhiên luôn luôn cần thiết, nhưng thường thì không mang lại thành quả thực tiễn ngay lập tức. Như được nhắc đến trong Phúc Âm, nó cần sự giúp đỡ của những tấm bánh. Niềm tin của các môn đệ cũng cần được củng cố bằng những ly rượu hóa từ nước lã. Rất tiếc, trong thực tế, đa số chúng ta chỉ theo đạo, giữ đạo nhưng không hành đạo. Đọc kinh nhiều nhưng nghĩ đến những điều cần làm cho Chúa và tha nhân thì ít. Lễ lạy, rước sách linh đình nhưng chung quy cũng chỉ quanh quẩn trong khuôn viên nhà thờ, còn những anh chị em lương dân sống quanh ta thì không quan tâm hoặc để ý tới.

Trong tầm nhìn rộng rãi hơn, chúng ta đã vô tình bỏ qua hay chưa lợi dụng được giá trị và ảnh hưởng của truyền thông, của kỹ thuật số, của trí khôn nhân tạo, của những sinh hoạt Công-giáo-tiến-hành. Hoặc bỏ rơi giới trẻ, những người nghèo. Trong hoàn cảnh Giáo Hội Việt Nam hiện nay, chúng ta cần những ban truyền thông chuyên nghiệp ở các cấp giáo phận và Giáo Hội để hướng dẫn dư luận, giáo dục đại chúng, để đưa ra các chương trình hữu ích, để điều hành và tổ chức những khóa hội thảo, huấn luyện, và hướng dẫn cho giới trẻ, những người có gia đình, và cả những người đã và đang bước vào tuổi về hưu. Chúng ta cũng cần những văn phòng tâm lý, những trung tâm hướng nghiệp, và những dịch vụ y tế nhằm giúp những người đang gặp khó khăn về tâm lý, về công ăn, việc làm, và về sức khỏe.

Một trong những tiếng kêu ai oán nhất của nhiều anh chị em hiện nay là cách giải quyết những khó khăn, và ngăn trở về hôn nhân. Gần đây khi tôi định viết về đề tài này và đã gửi câu hỏi tham khảo đến một số giáo sư các đại chủng viện, một số văn phòng hôn phối địa phận tại Việt Nam để xin ý kiến về cách giải quyết các vụ liên quan đến hôn nhân, đến việc xin tiêu hôn, câu trả lời là SỰ IM LẶNG! Xin đề nghị những vị có thẩm quyền đọc lại và nghiên cứu thêm bài “ĐỨC GIÁO HOÀNG CHO BIẾT CẢI CÁCH TIÊU HÔN ĐƯỢC THIẾT KẾ ĐỂ ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI LÀM SUY YẾU MỐI QUAN HỆ HÔN NHÂN” được phổ biến trên Vietcatholic.net [5]

Lợi dụng những tiến bộ của khoa học, tầm ảnh hưởng của truyền thông. Tổ chức những nhóm bác ái, những nhóm sinh hoạt xã hội để đi vào những gia đình, những anh chị em đang cần được sự giúp đỡ trực tiếp về mặt tài chính, về miếng cơm, manh áo, thuốc men. Vươn mình ra tới những vùng “ngoại biên” để gặp gỡ Đức Kitô trong những túp lều xiêu vẹo, những tấm áo rách tả tơi, và những giấc ngủ chập chờm vì cái bụng đói. Tóm lại, họ đang cần được ăn no, uống no (tinh thần và vật chất) trước khi nghe và hiểu về Đấng đã ban những của ăn, của uống ấy cho họ.

 

____________

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội đồng Giám mục Việt Nam: Bản tổng hợp toàn quốc cho Thượng Hội đồng Giám mục Cấp giáo phận. Thượng Hội đồng Giám mục 2023 / 17/08/2022 /

https://www.tonggiaophanhanoi.org/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ban-tong-hop-toan-quoc-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-cap-giao-phan/

  1. https://www.asianews.it/news-en/Vietnam-is-rich-in-vocations,-adaptable-to-the-current-moment-49998.html
  1. https://www.google.com/search?client=firefox-b-1-d&q=new+evangelization+john+paul+ii
  1. Is Jesus enough? Saturday, January 25, 2025. Fr. Raymond J. de Souza

The Catholic Thing. https://www.thecatholicthing.org/2025/01/25/is-jesus-enough/

  1. J.B. Đặng Minh An dịch01/Feb/2025. https://vietcatholic.net/News/Html/294013.htm

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến