Giáo hội hoàn vũ

Một nhà tâm lý học Công Giáo yêu cầu các đại biểu Thượng Hội Đồng giải quyết vấn đề bạo lực gia đình

Vũ Văn An17/Mar/2024

https://vietcatholic.net/News/Html/288981.htm

Elise Ann Allen của tạp chí Crux, ngày 9 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về bạo lực bạn tình Christauria Welland từ lâu đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo Hội chú ý hơn đến các nạn nhân và thủ phạm của bạo lực gia đình, và bà hiện đang đưa ra lời kêu gọi đặc biệt tới những người tham gia Thượng Hội Đồng sắp tới để giải quyết vấn đề này.

Trong một lá thư gửi cho hàng chục đại biểu tại phiên họp tháng 10 năm ngoái của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thượng Hội Đồng, Welland nói: “Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những xúc phạm này đối với quyền lợi và sự thánh thiêng của con người!”

Bà nói, đã đến lúc “phải phẫn nộ, phá vỡ sự im lặng, đi theo bước chân can đảm của Đức Giáo Hoàng, tố cáo những gì chúng ta đều biết là xấu xa, và thực hiện hành động tập thể và hữu hiệu”.

Welland là nhà tâm lý học lâm sàng trong 25 năm và là giáo lý viên trong hơn 50 năm. Bà và chồng là Michael Akong trong hai thập niên đã đi khắp thế giới để giáo dục các nhân viên mục vụ, các chuyên gia và các cặp vợ chồng về thực tại lạm dụng gia đình và cung cấp các nguồn lực để ngăn ngừa và điều trị cho những người sống sót và những người lạm dụng bạn tình của họ.

Vào năm 2014, họ thành lập tổ chức Pax in Familia [hòa bình trong gia đình] chuyên ngăn chặn bạo lực và lạm dụng trong các gia đình Công Giáo, nhận thấy cơ hội khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên tục lên án bạo lực đối với phụ nữ.

Họ cùng nhau cung cấp các khóa học trực tuyến thông qua tổ chức của mình và đi khắp thế giới, chủ yếu là Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á, tổ chức các buổi hội thảo cho các gia đình, linh mục, giám mục, tu sĩ và giáo dân để nâng cao nhận thức về vấn đề được gọi là Bạo Lực Bạn Tình (IPV) trong các gia đình Công Giáo và dạy các kỹ năng phòng ngừa. Họ nằm trong số những diễn giả tại Đại Hội Gia Đình Thế Giới ở Rome năm 2022 và tại Philadelphia năm 2015.

Trước phiên họp thứ hai của Thượng Hội Đồng, diễn ra vào tháng 10 năm nay, Welland đang nhắc lại lời kêu gọi của mình với các đại biểu Thượng Hội Đồng.

Trong lá thư của mình, Welland cho biết bà muốn tiếp cận với những người tham gia thượng hội đồng thay mặt cho “những nạn nhân im lặng, không được lắng nghe, bị bỏ rơi và bị gạt ra ngoài lề xã hội cũng như những người sống sót sau bạo lực gia đình”.

Dựa trên chuyên môn hàng thập niên của mình với tư cách là một giáo lý viên và một nhà tâm lý học, Welland cho biết bà đã nghe hàng trăm câu chuyện bi thảm từ những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Công Giáo bị bạo lực trong gia đình, hầu hết trong số họ “nhận được rất ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ từ chính giáo xứ của họ”.

 

Bà nói, nhiều nạn nhân chọn không lên tiếng vì xấu hổ hoặc thiếu hiểu biết, đồng thời cho biết một số người đã bị đổ lỗi cho vụ bạo lực và được yêu cầu phải chịu đựng.

Bà nói, “Cầu mong tiếng kêu cứu của họ không bị bỏ qua trong cuộc tụ tập vĩ đại này! Mong sao mối đe dọa nghiêm trọng của bạo lực gia đình đối với hạnh phúc của các gia đình Công Giáo được thừa nhận và đưa vào lời cầu nguyện cũng như các cuộc thảo luận của các bạn”.

Welland yêu cầu các phản ứng mục vụ đối với bạo lực gia đình và các biện pháp phòng ngừa phải vừa toàn diện vừa nhân ái.

Dù các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ và tác động của chúng đối với Giáo Hội là “thực sự khủng khiếp”, bà nói, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong các gia đình Công Giáo “ảnh hưởng đến hàng triệu người dân của chúng ta”.

Bà trích dẫn Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng, trong đó yêu cầu những bước nào có thể được thực hiện để mang lại công lý cho các nạn nhân và những người sống sót sau các vụ lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng quyền lực và lương tâm của các đại diện Giáo Hội.

Bà cho hay, “Tôi đề nghị với các bạn và Thượng Hội Đồng rằng câu hỏi cực kỳ có giá trị và quan trọng này nên được đặt ra không chỉ đối với các nạn nhân/những người sống sót của các vụ lạm dụng của giáo sĩ và giáo hội, mà còn đối với tất cả các nạn nhân/những người sống sót của các vụ lạm dụng dưới mọi hình thức, kể cả trong các gia đình Công Giáo của chúng ta”.

Vô số nạn nhân phải chịu đựng một cách âm thầm và ở một số quốc gia và nền văn hóa, họ phải “chịu đựng sự sỉ nhục và những mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe và cuộc sống về thể chất, tình dục, tình cảm và tinh thần của họ mà không phàn nàn”.

Welland lưu ý rằng hiện tại, không có điều khoản nào trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội cung cấp cho người phối ngẫu bị lạm dụng cơ sở để tuyên bố vô hiệu vì lý do lạm dụng, vì việc lạm dụng “thường không xảy ra vào thời điểm tỏ ý ưng thuận”.

Trích dẫn số liệu thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Welland cho biết trung bình 30% phụ nữ trên 15 tuổi toàn thế giới từng là nạn nhân của bạo lực thể xác hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời.

Bà nói: “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các gia đình theo tôn giáo, kể cả Kitô Giáo, không có tỷ lệ bạo lực gia đình thấp hơn”, đồng thời cho biết hiện có 500 triệu phụ nữ Công Giáo trên 15 tuổi và nếu con số 30% được áp dụng cho con số này thì ước tính có khoảng 125-150 triệu người trong số họ đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực thể xác hoặc tình dục ít nhất một lần trong đời.

Bà nói, điều này có nghĩa là “Khi bạn nhìn quanh giáo đoàn của mình vào Chúa Nhật, cứ năm, bốn, ba hoặc thậm chí hai người phụ nữ nhìn lại bạn thì có một người đã trải qua sự kiện tàn khốc này trong cuộc đời”.

Bà cho hay, con số có thể nhiều hay ít tùy theo vùng miền, và nói rằng bà nhận ra những số liệu thống kê này có thể khó tin vì nhiều phụ nữ giữ im lặng về việc họ bị lạm dụng.

Bà than thở rằng bạo lực gia đình không được đề cập đến trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo hay Bản Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, “nhưng hàng triệu nạn nhân của nó lại nằm trong số chúng ta”.

Sau đó, Welland đưa ra một số gợi ý về những gì bà nói là các lĩnh vực thiết yếu của nhận thức và hành động mục vụ liên quan đến bạo lực trong các gia đình Công Giáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức được nhu cầu của những người sống sót và tập trung vào việc chữa lành.

Bà nói, các giải pháp cũng phải được đưa ra cho những kẻ lạm dụng gây ra bạo lực, đồng thời cho biết nhiều người trong số họ học được hành vi bạo lực khi lớn lên trong môi trường bạo lực và ngoài trách nhiệm giải trình, họ cần học các kỹ năng quan hệ mới.

Vì vậy, bà nói, những kỹ năng quan hệ lành mạnh này cũng phải được dạy cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các cặp vợ chồng trẻ và nhấn mạnh rằng vấn đề phòng ngừa và bạo lực gia đình phải được đưa vào các khóa học chuẩn bị hôn nhân.

Đối với các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, “chính phản ứng mục vụ của chúng ta sẽ bắt đầu quá trình chữa lành và biến đổi,” bà nói và cho rằng phản ứng này phải tập trung vào Chúa Kitô.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc với những người đàn ông bạo hành, Welland cho biết cần có một “mô hình cài đặt mới” đòi hỏi “học cách khác để trở thành một người đàn ông” và đòi hỏi sự chia sẻ, kiến thức, công việc cá nhân sâu sắc và rèn luyện những cách liên hệ mới với người khác, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Bà cho biết tình trạng lạm dụng quyền lực đang diễn ra trên khắp thế giới, tại các gia đình cũng như các nhà xứ và giáo xứ. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ song song” trong việc chống lạm dụng quyền lực trong gia đình “không làm giảm đi” tầm quan trọng sống còn của việc vượt qua “chủ nghĩa giáo sĩ trị và chủ nghĩa tự tôn nam nhi vốn loại trừ phụ nữ và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội khỏi các tiến trình phân định”.

Welland chỉ ra tầm quan trọng trong quá trình biến đổi của tính khiêm tốn và lắng nghe cũng như nuôi dưỡng sự sẵn sàng thay đổi, nói rằng: “Chúng ta có thể dạy những kỹ năng tự điều chỉnh và quan hệ cần thiết này cho những người mà chúng ta tiếp xúc, trong những môi trường ưu tuyển của nền giáo dục và giáo lý Công Giáo, vì chúng hoàn toàn tương thích với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

“Chúng ta đừng quên những người không có tiếng nói, những người bị lãng quên, những người ẩn giấu, những người đau khổ trong im lặng, trong sợ hãi và thường vô cùng tủi hổ,” bà nói thế, đồng thời cho biết yêu cầu của bà với các đại biểu Thượng Hội đồng “luôn giữ cho hiện diện trong các cuộc thảo luận Thượng Hội Đồng của các bạn nhu cầu nâng cao nhận thức về bạo lực trong các gia đình Công Giáo.”

Bà cũng yêu cầu các đại biểu tập trung vào nhu cầu “đào tạo các nhân viên mục vụ để họ đáp lại bằng lòng cảm thương và thực hiện các thư giới thiệu cần thiết để họ được hỗ trợ về chuyên môn, thực tế và hỗ trợ tinh thần”.

Bà nói: “Chúng ta hãy ưu tiên đào tạo để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng giữa giới trẻ với những người lớn nam cũng như nữ, dựa trên sự bình đẳng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và phẩm giá nội tại”.

Ngoài các đại biểu Thượng Hội Đồng, Welland còn viết thư trực tiếp cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, như bà đã làm trong một số dịp khác.

Trong một lá thư vào tháng 2 năm 2021 gửi Đức Giáo Hoàng, Welland yêu cầu ngài mở một trung tâm đào tạo và nghiên cứu mục vụ trước tiên ở Rome, sau đó ở những nơi khác trên thế giới.

Bà nói, tại các trung tâm này, “các nhân viên mục vụ thuộc mọi loại có thể học cách ứng phó với bạo lực chống lại phụ nữ trong các gia đình Công Giáo, nỗ lực chấm dứt bạo lực của đàn ông đối với đàn bà và học cách kết hợp các chiến lược phòng chống bạo lực vào tất cả các chương trình dạy giáo lý và giáo dục từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành”.

Bà lưu ý rằng trong các tài liệu lục địa của Thượng Hội Đồng, người ta thường xuyên đề cập đến bạo lực đối với phụ nữ và mong muốn của họ trở thành “công cụ chữa lành và hòa bình trong gia đình”.

Welland bày tỏ lòng biết ơn đối với các đại biểu Thượng Hội Đồng đã cam kết nêu lên vấn đề này, cũng như đối với tài liệu tổng hợp bế mạc phiên họp tháng 10 năm 2023, trong đó thừa nhận rằng “tiếng kêu của những người nghèo đã vang vọng giữa chúng ta”, bao gồm cả những nạn nhân của bạo lực.

Bà ca ngợi sự kiện tài liệu tổng hợp liên tục đề cập đến sự cần thiết phải lắng nghe những người đã chịu đau khổ để học hỏi từ họ, đồng thời cho biết bà và Akong tiếp tục cầu nguyện với những người đàn ông và đàn bà trên khắp thế giới để có những bước tiến lớn hơn trong việc lắng nghe và phản hồiđối với họ một cách hữu hiệu và lòng cảm thương.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.