Uncategorized

Tôi đứng ở chỗ nào?!

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, và bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, và bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.

Suy niệm về Tuần Thánh, có hai biến cố đã và đang làm ta phải suy nghĩ, phải hồi tâm để tìm cho mình câu trả lời chính xác, đó là: “Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và Ngày Thứ Sáu Chúa chịu nạn tôi ở đâu? Tôi đứng ở chỗ nào trong đoàn người đông đúc chen lấn đón Chúa vào thành Giêrusalem, hay trước dinh Philatô để cùng mọi người gào thét lên án đóng đanh Ngài.

Chúa vào thành thánh, dù khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, nhưng Ngài đã được đoàn người đông đảo hoan hô, chúc tụng: “Vạn tuế, vạn tuế con vua Đavít. Hoan hôn đấng nhân danh Thiên Chúa. Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21:9).

Niềm vui, lòng sốt sắng nhiệt tình của đám đông hôm đó đã tan biến mau! Mới đó mà bây giờ tình hình đã đổi khác. Ngày thứ Sáu tiếp sau đó, con vua Đavít đã không những không làm vua mà lại trở thành một tội đồ, một kẻ đang chờ bị kết án tử hình. Do sự khích động của các kỳ lão và thượng tế, quần chúng, những kẻ mấy hôm trước đã tung hô, ca tụng Ngài, nay lại giận dữ gào thét: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh nó vào thập giá” (Gioan 19:6).

Tại sao lại “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh nó vào thập giá” (19:15). “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi” (Luca 23:21; Mark 15:13). Phải chăng vì con người ấy giờ đây nhìn không còn lý do để hy vọng, không còn tin tưởng được gì nữa hơn là một tội nhân đáng khinh bỉ, đáng bị khai trừ. Một kẻ xúi dân làm loạn chống lại César. Một tội phạm còn tệ hơn cả tên cướp khét tiếng Babara. Một người mà ngay chính môn đồ Giuđa Iscariot, một trong nhóm 12 thân tín cũng bán rẻ. Phêrô người được coi như trung thành và can đảm, đã có lúc mạnh miệng tuyên bố: “Dù có phải chết với thầy tôi cũng không chối thầy” (Mt 26:35), cuối cùng cũng thề sống thề chết không biết thầy mình là ai dù chỉ là đứng trước một đầy tớ của nhà thượng tế!

Chúa Giêsu thật đáng thương trong những ngày này. Ngài hoàn toàn cô đơn, bị bỏ rơi, bị phụ bạc trước phiên tòa bất công do Philatô làm chánh án, và quần chúng bị các thượng tế, kinh sư, những kẻ làm đầu trong dân Isarel xúi dục để trở thành những công tố viên. Một phiên tòa với bản án thật oan uổng. Chính Philatô đã nói: “Ta không thấy người này có tội gì để kết án” (Gioan 19:4).

Một bài hát đã diễn tả ý nghĩa của hai chữ đáng thương dành cho Ngài khi lý hình hành quyết Ngài trên đồi Golgotha:

-Bạn có ở đó khi người ta đóng đinh Chúa tôi?
-Bạn có ở đó khi người ta treo Ngài trên thập tự?
-Bạn có ở đó khi người ta chôn Ngài trong huyệt mộ?

Và đâu đó nghe như có tiếng nức nở:

-Ôi! Tôi run rẩy, hãi hùng mỗi khi nghĩ đến những giây phút ấy!

Suy niệm về cuộc khổ nạn và cái chết nghiệt ngã trên thập giá của Chúa Giêsu vì thương nhân loại, ai là người còn chút thương cảm đối với Ngài sẽ không khỏi run rẩy. Run rẩy khi nhận ra rằng, trong hai biến cố lớn lao vào những ngày cuối đời của Chúa, mình cũng có mặt ở đó. Cũng là một Giuđa bán rẻ thầy, một Phêrô chết nhát chối thầy. Nhưng nhất là, chính mình cũng là kẻ đã phản đối việc Philatô định tha cho Ngài, để hô to xin kết án Ngài.

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Vâng, trong thinh lặng nhìn vào nội tâm, con hình dung ra cả hai biến cố cuối đời của Chúa con đều có măt. Con đều tham gia một cách tích cực. Con vừa tung hô Chúa, nhưng cũng vừa đả đảo Chúa. Không những thế, con còn theo Chúa đến tận đồi Golgotha để chứng kiến cảnh lý hình đóng đinh Chúa, nhìn xem Chúa đau đớn, quằn quại khi thập giá khi được nâng lên cao, khi Chúa hấp hối và tắt thở, và khi thân xác rách nát của Chúa được tháo khỏi thập giá, được táng trong huyệt mộ. Trong tất cả những khoảnh khắc ấy con không hề run rẩy, vì con rất thù ghét Chúa, và Chúa thật đáng chết! Tại sao? Tại vì Chúa đối với con vẫn là người xa lạ.

Nhưng hôm nay lạy Chúa,
Xin ban cho con chút lòng mến, để con nhận ra Chúa là ai, và để con cảm được cái chết đớn đau của Chúa. Cái chết vì thương yêu con, và vì muốn giải cứu con khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Với chút tình mến ấy, con sẽ run rẩy nhưng tràn ngập niềm tin tung mình vào lòng thương xót Chúa. Đấng yêu thương con, và đã chết vì con.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.