“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
(Ca dao, Tục ngữ)
Có lẽ chính trong sự đau khổ, mất mát quá nhiều mà tổ tiên chúng ta đã đúc kết học hỏi nhiều kinh nghiệm về tình tương thân, tương ái, chia ngọt sẻ bùi để mong có được sự đổi thay tốt hơn cho cuộc sống.
Bill Gate từng có câu nói rất nổi tiếng là:
“Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó.”
Thật vậy, cuộc sống này luôn luôn có sự bất công do vậy, chúng ta nên cố gắng thích nghi. Vì không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, nhưng chỉ có con người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Chúng ta nên học sống chấp nhận và nên cố gắng vượt qua những tình huống khó khăn, và hãy cố gắng sống thật tốt mặc dù hoàn cảnh chúng ta không được như mong muốn. Hãy sống trọn vẹn cuộc đời thật của chính mình, đừng bao giờ mơ ước, hay so sánh rằng tại sao ta sẽ được giống như một ai đó? Bởi mỗi người có mỗi sự vĩ đại riêng và mỗi người đều có nỗi khổ riêng theo cách nói và diễn đạt riêng của mỗi người. Khi chúng ta so sánh chúng ta với ai khác rồi cảm thấy mình nhỏ bé, yếu hèn hoặc ganh tỵ với họ thì cũng có nghĩa rằng chúng ta đang sỉ nhục chính mình trong cuộc sống.
Có một câu danh ngôn luôn dùng làm đầu đề của những bài văn nghị luận về cuộc sống mà mãi đến bây giờ tôi không quên được. Đó là:
“Ta không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống.”
Chuyện kể rằng có hai anh em nhà nọ sinh ra trong một gia đình có một người bố vô lo, rươu chè, nghiện ngập. Sau này, người em trở thành một luật sư nổi tiếng, luôn đi đầu trong công tác chống lại tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình. Còn người anh lại là phiên bản của người cha. Một phóng viên đến phỏng vấn hai anh em và đặt ra cùng một câu hỏi “Điều gì khiến anh lại trở nên như thế ?”. Và phóng viên kia đã nhận được cùng một câu trả lời “Anh muốn tôi trở thành người như thế nào khi có một người cha như thế”?
Số phận của mỗi người ra sao là do chính họ lựa chọn. Ai cũng có thể thành công chỉ cần họ thực sự cố gắng. Bởi vì “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Có nhiều người sinh ra trong hoàn cảnh không được như ý: nào là không cha hoặc không mẹ, nào là cha mẹ nghèo khó, nào là gia đình li dị, ly tán, bạo hành, nghiện ngập, hay sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh hay tai nạn bất ngờ ập đến, …Đây đều là những yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của con người chúng ta.
Chúng ta khóc ư ? nước mắt chỉ phủ đầy chua chát, đắng cay!
Chúng ta cười ư ? Khi chúng ta chưa hiểu gì về cuộc sống mà khinh khi nó; Cuộc sống này còn nhiều điều đáng để chúng ta tìm hiểu và trân trọng nó!
Chúng ta không được lựa chọn, cũng không thể thay đổi được nó… Vì thế, thay vì tự ti, mặc cảm, oán giận, ghen ghét, đầy bạo lực… hãy biết chấp nhận hoàn cảnh. Vì chỉ khi chấp nhận nó, ta mới có cơ hội vượt qua nó. Chúng ta hãy tự tin vào bản thân không mặc cảm, tự ti hay tự hào về gia đình, quê hương dù ở trong hoàn cảnh nào. Hãy sống trong sự yêu thương và sẻ chia là điều cần thiết để gắn kết những con người, những trái tim đau khổ, bất hạnh lại với nhau. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết lên những nốt nhạc: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng.”
Cần lắm biết bao những tấm lòng nhân hậu, bác ái, yêu thương và nhất là sự chia sẻ để thay đổi cuộc sống.
Chia là một dạng tình cảm được trao đi xuất phát từ trái tim, từ sự đồng cảm, thương yêu sâu sắc mà san sẻ cùng với những người xung quanh cuộc sống của mình. Sẻ chia chính là cho đi mà không mong muốn được nhận lại. Khi chúng ta san sẻ yêu thương, san sẻ niềm vui hay cùng đồng cảm với nhau trong những nỗi buồn, giúp nhau vượt qua khó khăn thì chúng ta sẽ nhận lại được rất nhiều thứ. Dù nó không phải là những thứ hiển hiện nhưng ít nhất bản thân mình sẽ cảm thấy bình an và vui vẻ hơn.
Một câu chuyện kể rằng, vào ngày 6/4/2006, cô bé Katherine Commale ở Pennsylvania, Mỹ xem đoạn phóng sự ở châu Phi trên TV, trong đó có nói ở châu Phi trung bình mỗi 30 giây sẽ có một đứa trẻ tử vong do bệnh sốt rét.
Cô bé 5 tuổi thơ ngây ngồi trên sô pha đếm số bằng tay 1, 2, 3,… 30. Khi đếm đến 30, cô bé hoảng sợ nói:
-Mẹ ơi, có một bạn nhỏ ở châu Phi chết rồi, chúng ta nhất định phải làm gì đó!.
Mẹ cô bé lên mạng tìm thông tin và nói với Katherine:
-Bệnh sốt rét rất đáng sợ, trẻ em bị sốt rét rất dễ mất mạng.
-Vậy vì sao trẻ em lại bị sốt rét ạ?
-Sốt rét truyền nhiễm qua muỗi, ở châu Phi có quá nhiều muỗi.
-Vậy phải làm sao đây ạ?
-Hiện nay có một loại mùng (màn) được ngâm qua thuốc diệt muỗi, có nó sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt.
-Vậy vì sao họ không dùng mùng ạ?
-Bởi vì loại mùng này quá đắt đối với họ, họ không mua nổi.
-Không được, chúng ta phải làm gì đó!
Vài ngày sau, mẹ của Katherine nhận được điện thoại của cô giáo mẫu giáo nói rằng cô bé không đóng tiền ăn nhẹ.
Khi mẹ hỏi tiền đâu thì Katherine nói:
-Mẹ ơi, nếu con không ăn đồ ăn nhẹ ở trường, bình thường không ăn vặt, cũng không mua búp bê nữa, vậy thì có đủ để mua một chiếc mùng không ạ?
Mẹ đưa cô bé đến siêu thị, mua một chiếc mùng chống muỗi lớn có thể sử dụng cho 4 trẻ em có giá mười mấy đô la. Sau đó cô gọi điện thoại cho tổ chức làm từ thiện ở châu Phi hỏi cách làm thế nào để gửi được chiếc mùng đến đó.
Rất nhanh sau đó họ đã tìm cho cô tổ chức Nothing But Nets chuyên gửi mùng đến châu Phi cho trẻ em. Katherine tự tay gửi chiếc mùng đi, một tuần sau, cô bé nhận được thư cảm ơn từ tổ chức Nothing But Nets, trong thư họ cho biết cô bé là người quyên góp nhỏ tuổi nhất và nếu cô bé quyên góp 10 chiếc mùng thì sẽ được giấy chứng nhận.
Katherine yêu cầu mẹ cùng mình ra chợ bán đồ cũ để bày bán sách cũ, đồ chơi cũ, quần áo cũ của cô bé để lấy tiền quyên góp mùng. Nhưng bán cả một ngày mà không ai mua. Katherine nghĩ:
-Mình quyên tiền mua mùng, tổ chức Nothing But Nets sẽ cho mình giấy chứng nhận. Vậy người khác mua đồ của mình, đưa cho mình tiền, họ cũng nên nhận được giấy chứng nhận mới đúng chứ.
Thế là cô bé bắt đầu tự làm giấy chứng nhận, mẹ giúp mua vật liệu, bố giúp sắp xếp phòng làm việc, em trai giúp vẽ trái tim. Mỗi tờ giấy chứng nhận đều có dòng chữ “Nhân danh bạn, chúng ta mua một chiếc mùng để gửi đến châu Phi” do chính Katherine viết tay, đương nhiên còn có chữ ký chứng nhận của cô bé.
Chỉ cần quyên góp 10 đô la để mua một chiếc mùng là sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận. Hàng xóm nhìn thấy giấy chứng nhận của cô bé, họ cảm thấy vừa ngây thơ vừa cảm động, cô bé nhanh chóng bán được 10 tờ giấy chứng nhận. Katherine gửi tiền cho tổ chức từ thiện và nhận được “Giấy chứng nhận danh dự” đặc biệt làm riêng cho cô bé từ tổ chức Nothing But Nets, họ phong cho Katherine là “Đại sứ mùng chống muỗi”. Những người ở Hiệp hội nói với Katherine rằng những chiếc mùng mà cô bé quyên tặng đã gửi đến ngôi làng có tên là Stiga ở Ghana, ở đó có 550 gia đình. Nhưng chỉ có 10 chiếc mùng thì phải dùng sao đây?
Hàng xóm của Katherine không chỉ cùng cô bé mua mùng, mà các con của họ cũng tham gia giúp Katherine làm giấy chứng nhận và trở thành “đồng đội của Katherine”.
Mục sư trong khu vực cũng mời cô bé đến nói chuyện ở nhà thờ, cô bé chỉ nói vài phút ngắn ngủi, nhưng đã nhận được 800 đô tiền quyên góp. Lần này cô bé rất phấn khởi bắt đầu đến nói chuyện tại các nhà thờ khác. Khi vừa tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ được 6.316 đô la.
Tổ chức Nothing But Nets đăng tải câu chuyện về cô bé Katherine trên mạng và đã thu hút được rất nhiều người. Một ngày nọ, Katherine nhìn thấy đoạn quảng cáo công ích cho tổ chức Nothing But Nets của siêu sao bóng đá người Anh David Beckham trên TV. Cô bé lập tức viết một lá thư cho Beckham để cảm ơn anh, đương nhiên cũng gửi cho anh một tờ giấy chứng nhận. Beckham có chia sẻ giấy chứng nhận của Katherine lên trang cá nhân và được chia sẻ rộng rãi.
Vào ngày 8/6/2007, Katherine nhận được thư gửi đến từ làng Stiga, các bạn nhỏ trong làng viết: “Cảm ơn mùng mà bạn đã gửi cho chúng mình, chúng mình đã thấy ảnh của bạn, mọi người đều cảm thấy bạn rất xinh!”. Katherine vui lắm khi nhận được sự khích lệ này, khiến cô bé có động lực lớn hơn, cô và các “đồng đội” cùng chung tay làm 100 tờ giấy chứng nhận để gửi cho mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes mỗi người một tờ.
Trên một lá thư có viết: Kính gửi ông Bill Gates, không có mùng chống muỗi, các bạn nhỏ ở châu Phi sẽ bị mất mạng do bệnh sốt rét. Họ cần tiền, nhưng nghe nói tiền đều ở chỗ của ông…
Ngày 5/4/2011, Quỹ từ thiện Bill Gates tuyên bố quyên góp 3 triệu đô la cho tổ chức Nothing But Nets. Bill Gates cho biết ông nhận được một tờ giấy chứng nhận cùng một lá thư, trong thư nói rằng số tiền mà trẻ em ở châu Phi cần để mua mùng chống muỗi đều ở chỗ ông. Có vẻ như ông “không đưa tiền ra là không được đâu”.
Năm 2008, Quỹ từ thiện Bill Gates đã quay một bộ phim tài liệu công ích có tên là “Trẻ em cứu trẻ em”, nhờ đó mà Katherine đã đến châu Phi. Cô bé nhìn thấy các bạn nhỏ dùng bút viết lên mùng chữ “Katherine”, các bạn đều gọi những chiếc mùng cứu mạng này là “mùng Katherine”. Chiếc mùng đầy tình yêu thương này sẽ bảo vệ cho các bạn mỗi đêm. Làng Stiga bây giờ có tên là “Làng mùng Katherine”!. (Discovery Girls)
“Mùng Katherine” là biểu tượng của sự chia sẻ và vì chia sẻ chính là làm thay đổi bộ mặt của cuộc sống, bộ mặt của xã hội và của thế giới. Xã hội cần lắm những tấm lòng biết yêu thương, biết cho đi mà không đòi hỏi nhận lại. Có biết bao nhiêu mất mát, đau thương được xoa dịu chính bằng sự yêu thương, giúp đỡ và sẻ chia. Chia sẻ và cho đi là niềm vui, là nhịp cầu của sự nối kết và của sự tiến bộ, vậy chúng ta vì cớ gì mà không thể san sẻ chia bớt niềm vui, niềm hạnh phúc đến mọi nhà.
Một tỷ phú Bill Gate, một cầu thủ nổi tiếng David Beckham, một Mục sự và nhiều người không phân biệt phái tín, màu da cũng đã vào cuộc vì sự chia sẻ và mong muốn có sự thay đổi cho hạnh phúc của con người và của thế giới. Đừng sống như rất nhiều người sống ích kỉ, chỉ biết cho riêng mình, chỉ biết nhận lại chứ không biết cho đi. Họ chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà không quan tâm đến người khác muốn gì, nghĩ gì, cần giúp đỡ những gì. Những người như vậy sẽ bị xa lánh, cô độc trong xã hội, họ chỉ là bọn “tham, ngu, và ác” đối với thế giới này mà thôi.
Chia sẻ và cho đi chính là sự thay đổi…thay đổi chính mình là một trong những điều giúp hoàn thiện bản thân mình hơn. Chia sẻ sẽ làm thay đổi cuộc sống hôm nay của mình, của xã hội ngày mai và thế giới trong tương lai. Hãy sống cho cuộc sống mình chọn, không ngừng cố gắng, không ngừng phấn đấu vì bản thân và vì những người xung quanh mình và vì thế giới còn nhiều điều chúng ta đáng trân trọng và đáng quý!
California ngày 20 tháng 3 năm 2018
Ngoan Nguyen
Views: 0