Uncategorized

Tình Huynh Đệ

Từ khi con người hiện diện trên mặt đất, tạo thành xã hội, tình Huynh Đệ phát sinh và tồn tại qua muôn thế hệ, trong từng tầng lớp xã hội, trong từng tập thể cá biệt, trong từng tổ chức và môi trường sống.

Từ khi con người hiện diện trên mặt đất, tạo thành xã hội, tình Huynh Đệ phát sinh và tồn tại qua muôn thế hệ, trong từng tầng lớp xã hội, trong từng tập thể cá biệt, trong từng tổ chức và môi trường sống. Tình huynh đệ không phát sinh từ mái ấm gia đình, từ giáo dục của nhà trường, từ luật pháp của xã hội, nhưng, tình huynh đệ nẩy mầm từ khoảng không ranh giới của xã hội, nơi hai, ba, hay nhiều người cùng chung về một mối, cùng chia nhau khí trời, nhịp sống từng ngày, trong đó có vui-buồn-thử thách và dần dần ăn sâu, bám rễ trong từng giòng máu cuộn lưu vào từng tế bào của cơ thể. Tình huynh đệ tồn tại qua muôn gian truân thử thách, qua mọi bối cảnh bất ưng lịch sử và thảm hoạ của kiếp người, tình huynh đệ mãi mãi là một sự sống huyền nhiệm trong từng khoảnh tâm thức của con người.

Thầy Phó Tế H. [Phó tế (PT) vĩnh viễn, giáo phận Dallas, Texas-USA]-Bước vào phòng hồi sinh, nhiệt độ cực lạnh làm tôi rùng người, khác hẳn với cái nóng cháy bên ngoài của mùa hè Texas. Nhìn người bạn, Thầy PT H. nằm mê man với những ống dây thòng vào cuống cổ cấp dưỡng khí, chân tay bó băng nhiều dây ống chuyền thuốc, tôi đứng lặng thật lâu, nghe tim mình như ngừng đập. Lúc sau, cô Y Tá bước vào kiểm tra tình trạng sức khoẻ và thuốc men; thấy tôi, cô quay sang hỏi người con trai đầu lòng của Thầy, “Chú của em đây hã?”

Long ấp ứ, cố tìm câu trả lời . . .“Thưa không, . . . không phải chú, . . .nhưng là ‘BFF-(Best Friend Forever)’ của ba em.”

Tôi ngồi lại trong phòng hồi sinh mấy ngày liền, với chỉ chiếc áo polo ngắn tay, không chăn, không gối, người lạnh cứng như khối đá, vì nào ngờ mình sẽ phải ngồi trong phòng lạnh 24/7 để chăm sóc người bạn, không phải họ hàng, không phải láng giềng, không phải đồng môn hay bất cứ cái đồng nào khác, ngoài tình huynh đệ của những anh em sống vì một lý tưởng duy nhất–phục vụ tha nhân (Man For Others).

Hai hôm sau, Y tá và nhân viên nhà thương chuyển Thầy sang phòng riêng, tôi lại một mình chăm lo cho Thầy, trong khi con cái về đưa tang Mẹ, vợ của Thầy đã chết trong cùng vụ tai nạn, Thầy nào có hay biết.  Ngồi bên cạnh Thầy, đang thiêm thiếp, lòng tôi miên man dõi theo từng giờ, từng diễn tiến của đám tang người vợ đảm đang của Thầy, người Mẹ tuyệt vời của sáu (6) đứa con trai, mà ba đứa đã là bác sĩ. Một ngày cuối tuần lặng yên nơi nhà thương, mấy trăm dặm xa gia đình, bỏ lại đằng sau công việc và trách nhiệm thường ngày, không máy vi tính, không điện thoại di động kêu vang hằng giờ . . . bên cạnh người bạn qua tình huynh đệ, tôi miên man chiêm niệm về ý nghĩa và chân giá trị của “Tình Huynh Đệ.”

Anh Dương Hồng [Cựu tu sĩ Giuse, cùng lớp với Lm. Hà Huy Mai, Lm. Nguyễn Thái Thành (Florida), Ngô Kim Tiến (Texas), Đào Hưng Việt (Boston), Paul Đợi, Hoàng Hiệu (California), Nguyễn Văn Thu (Carolina), Bùi Quang Thanh (Australia), v.v.]- Những tế bào ung thư trong đầu anh Dương Hồng đã được bác sĩ nạo sạch và loại trừ chúng ra khỏi khối óc, còn lại chăng, toàn là những nhớ thương tuyệt vời, ấy chính là Tình Huynh Đệ Giu Se.

Năm ấy, anh Thân từ bang Connecticut lên nhà Hồ Bường, thành phố Boston, bang Massachusetts, Đào Hưng Việt, dân cư Boston cũng đến, và rồi chúng tôi, bốn anh em cùng đến thăm Dương Hồng đang nằm trong viện chăm sóc bệnh nhân. Vài tháng sau, tôi lại rũ anh Thân đến thăm nhà, nơi chị vợ anh Hồng đang sống, rồi đến thăm anh Hồng trong viện.

Vừa bước vào phòng anh Hồng, mùi tanh hôi làm tôi cảm thấy khó thở, nhưng nhìn thấy bạn mình với dáng người tiều tuỵ, tôi gằng nén những cảm giác tự nhiên và hướng lòng về thân phận cô đơn của Hồng. Hỏi thăm qua loa, chợt, Hồng hỏi tôi, “MH, Hạnh khoẻ không?” Tôi rất đỗi ngạc nhiên, vì Hồng chỉ gặp nhà tôi khoảng vài lần hơn 20 năm trước. Ba anh em cùng đọc vài kinh, cùng cầu nguyện. Nhắc đến Hướng Đạo, tôi hỏi Hồng, “Còn nhớ bài hát nào của Hướng Đạo không?” Thay vì trả lời, Hồng cất tiếng hát, “Nâng cao lá cờ Hướng Đạo nhuộm oai hùng sáng ngời, ta cùng đi, cùng xây đời mới . .”  Tôi hát theo, nhưng rồi chết liệm cả người, nước mắt lại trào dâng khi nào chẳng hay biết. Cầm sao được nước mắt, khi hình ảnh của thời còn sống trong dòng hiện về rõ nét – Hồng là đoàn trưởng Thiếu Đoàn Liên Sơn, và tôi là đoàn phó, đã cùng nhau sinh hoạt với các em đệ tử hằng tuần–nào là thám du, sinh hoạt không biết bao nhiêu nơi, bao nhiêu lần, với những chuyến cắm trại và chiếu phim tại giáo xứ Hoà Nghĩa, Hoà Do, Cam Ranh, giáo xứ Dục Mỹ, Ninh Hoà, v.v. Cái mê hay Hướng Đạo của Hồng, cũng chính là cái đam mê sinh hoạt và sống với thiên nhiên của riêng tôi. Mê say ấy, gắn liền với Hồng đến hơi thở cuối đời.

Hôm tôi đang đi công tác, khoảng 4 giờ sáng, anh Thân gọi, “MH ơi, Dương Hồng mất rồi!” Thế là một ngày bồi hồi, buồn vời vợi. Tôi gửi gấp email báo cho tất cả anh em khắp nơi.

Ngày đám tang Hồng, tôi không về được; nhưng hôm ấy, tâm thần cứ như người mất trí, mãi dõi theo từng giờ, từng diễn tiến của lễ tang – giờ cầu nguyện ở nhà quàng, giờ thánh lễ, giờ tiễn đưa Hồng vào lòng đất lạnh giữa mùa đông tha phương, xa đất mẹ muôn trùng, xa quê hương biền biệt. Mỗi người sinh ra trên đời, đều có nơi chôn nhau cắt rốn, dầu kiếp sống tha hương, nhưng đau đáu mãi trong lòng giấc mơ được quay về nằm lại.

Mới hôm qua, ghé lại thăm vợ chồng Hồ Bường trước khi rời Boston, anh em lại nhắc nhau về tình huynh đệ, hai người vẫn nhắc mãi đến Hồng, rất chân tình, rất dễ thương, người anh em với tình huynh đệ thiêng liêng tuyệt vời.

Tuần rồi, liên lạc lại được với Phạm Hồng (La Ngà) qua điện thoại, anh ta nói, “Mi về đây sống với tau, nhà rộng thênh thang, con cái lớn, sống riêng hết, về hưu mấy năm rồi, giờ sống một mình thôi.” Rồi lại một hồi thổn thức, suy tư, miên man về chút tình huynh đệ thiêng liêng, tưởng chừng như đã lịm tắt, tưởng chừng đã bị không gian ngàn vạn dặm chôn vùi, và thời gian hơn 40 năm xoá sạch những chút giây tơ ràng buộc (bond) chúng ta nên một–thấy đáng thương, đáng trân quí, đáng ôm thật chặt mãi, siết giữ mãi trong từng ngăn tim, như chút nhựa sống tinh thần còn vương đọng lại.

Tình Huynh Đệ là gì mà mãi gần một nửa thế kỹ xa nhau, đến lúc cuối chân cuộc đời, chúng ta còn thổn thức mãi, còn thèm mong mãi chút tình huynh đệ, chút gì đó không màu, không sắc, không hương, không vị, không chiều kích, không trọng lượng, không định vị được, không thể giải thích ra, nhưng nó bao la, huyền nhiệm và tồn đọng mãi trong tâm thức, trong từng ngăn tim, trong từng nhịp thở của con người.

Tình huynh đệ là gì mà chúng ta luôn sẵn sàng mở toan cửa nhà, mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay ra đón nhau về, về lại trong cung lòng vẫn còn những khoảng trống, hay con tim đã được khâu vá lại lần lượt năm ba phen, không điều kiện, không kế hoạch, không tính toán trước sau, lợi hại.

Tình huynh đệ còn tồn đọng vì trong đó, có sự quan tâm, kính trọng, trân quí, nâng đỡ, bênh vực và trung tín.

Vì quan tâm (care), chúng ta mải mãi ưu từ về kiếp sống an bình, thịnh vượng của nhau (well-being), chúng ta muốn giang rộng vòng tay bảo dưởng, chăm sóc, lo lắng, ân cần để anh em vơi đi nỗi muộn phiền về gánh nặng của nhu cầu thể xác, giảm thiểu những giao động, những buồn lo, hay căng thẳng của nhịp sống. 

Vì kính trọng (respect), chúng ta không hề biết so sánh, đánh giá, hay luận tội nhau, nhưng chỉ biết đón nhận nhau như món quà thượng đế gửi đến cho cuộc đời mình, không phàn nàn trách cứ, không so đo tiền tài tước vị, không màng vì sự giàu sang phú quí.

Vì trân quí (appreciation), chúng ta là món quà thượng đế ban cho nhau, để chúng ta sống cùng, sống với, sống vì nhau, sống cho nhau – rồi từ đó, chúng ta cùng sống cho tha nhân.

Vì nâng đỡ (support), món quà tuyệt vời nhất, không phải là món quà nhận được nhiều, nhưng chính là cho đi nhiều–Hãy gánh vác gánh nặng của nhau, anh em ơi, chúng ta sẽ chu toàn luật đức Kitô (Galatians 6:2). Một lời nói mất lòng thôi, đừng nói chi những lời châm biếm mĩa mai, hay những hành động, dầu vô tình, chúng ta đã đè nặng thêm lên trên vai anh em những cái ách ngộp ngạc, ám khí, gây cho anh em tổn thương và quị ngã.

Vì bênh vực (defense), chúng không thể vô cảm, thờ ơ khi anh em cần đến, nhưng chúng ta tích cực và đan vai phòng vệ, bảo vệ, chở che, và giúp chống trả mọi hiểm nguy gây tổn thương cho nhau.

Vì trung tín (trust), chúng ta tín thác vào nhau với trái tim chân thành, rộng mở, san sẻ cho nhau những niềm vui lẫn muộn phiền. Vì niềm vui thiếu người chia sẻ là niềm vui chưa trọn vẹn. Những khổ đau chồng chất mà thiếu người ủi an, biển khổ đau không bao giờ vơi. Hãy là người– anh em luôn mong chạy đến, mong gần kề, mong được chia sẻ mọi nỗi niềm.

Tình huynh đệ vượt xa tầm ranh giới tình yêu vợ chồng, tình yêu đôi lứa, vì tình huynh đệ không đòi hỏi trách nhiệm và không cần có quyền lợi qua lại (reciprocal). Tình yêu huynh đệ là tình yêu thiêng liêng và huyền nhiệm, vượt qua không gian và thời gian, vượt qua mọi ý thức hệ và sống sót giữa những thử thách cùng phong ba của kiếp người. Tình huynh đệ là nhựa sống, chất dinh dưỡng thiêng liêng cho tâm hồn.  Người cho đi tình huynh đệ, sẽ không bao giờ biết vơi, và người nhận lại được tình huynh đệ, sẽ không bao giờ cảm thấy thừa.

Ba mươi năm,  bốn mươi năm, tôi mãi mãi quằn quại trong nỗi nhớ, nhớ cái nôi của mình, nôi ấy, ấp ủ, nuôi đưỡng và quệnh vào trong từng tế bào của thân xác tôi, thân thể từng anh em, giây ràng buộc thiêng liêng mà không ai có thể tháo gỡ hay dứt bỏ được.  Ngày xưa, thoáng nghe qua một bản nhạc “Tình Nhân Loại” của Nguyễn Trung Cang, tôi nào cố tình học biết hay ký thác trong ngân hàng của trí nhớ, nhưng sau hơn 40 năm qua, từng lời, từng cung nhạc mãi mãi lai vãng bên bờ môi:

Lang thang như thú hoang ta đi khắp phương trời
Đời ta như cỏ cây lấy thiên nhiên làm vui

Vui tươi như đóa hoa ta yêu hết nhân loại
Tình yêu đem sớt chia thứ tha trên bờ môi

Thương nhau không dối trá giúp nhau trong ân cần
Mọi người là anh em tình thương là bạn thân

Vô tư như đóa hoa ta yêu hết nhân loại
Tình yêu đem sớt chia thứ tha trên bờ môi

Chia sẻ với anh em trong nỗi nhớ . . . nhớ từng người, từng khuôn mặt. Nhớ, nhớ mãi những anh đã ra đi vội vàng.  Nhớ, nhớ những em giờ tóc đã hai màu. Nhớ, nhớ gương lành và lời răn dạy của từng cha, thầy. Nhớ, nhớ từng toà nhà, từng hàng cây khuynh diệp, từng sân banh, nhớ, nhớ vô vàn . . .những ngày tháng cũ, nơi tình huynh đệ đã được gieo mần, đã khai sinh, lớn lên và mang theo trong trái tim từng người rải rác khắp bốn phương trời.

Nhớ, nhớ, và mong quay trở về lại, để được hụp lặn trong tình huynh đệ bao la tuôn tràn về lại nơi Nhà Mẹ.

Bernard Nguyên-Đăng
BernardLawDR@Gmail.com

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.