Uncategorized

Viết cho một cánh phượng rơi

Chị Qui thân mến,

Chị Qui thân mến,

Thứ Sáu, 23 tháng 2 năm 2018, trong buổi đọc kinh cầu nguyện cho chị tại nhà quàn An Lạc, tôi cũng muốn lên tâm sự với chị ít điều nhưng thời gian không cho phép. Tuy vậy, tôi cũng đã được cái hân hạnh nhìn chị lần cuối, và đặc biệt hơn hôm mồng một Tết Mậu Tuất, vợ chồng chúng tôi đã đến thăm chị trong nhà thương. Chỉ tiếc là lúc đó chị đang hôn mê nên không biết có nhận ra chúng tôi hay không? Tôi cũng đã chuyển lời xin lỗi của Kim Luông, người bạn thân thương của chị, vì lý do sức khỏe đã không đến gặp chị lần cuối. Và trong thánh lễ an táng của chị tại thánh đường Saint Barbara, tôi thật sự xúc động về những tâm tình người con trưởng của chị đã tâm sự với chị. Hôm nay, mọi chuyện đã xong, chị đã ra đi về miền viên miễn, bỏ lại sau lưng tất cả, để thanh thản mỉm cười trên cõi vĩnh hằng nên tôi có đôi lời với chị. 

Tôi không nhớ rõ trong tình cờ nào mà chúng ta đã biết nhau, có lẽ sau một khóa Nazareth. Cũng qua Gia Đình Nazareth, tôi mới biết thêm chị là một nhà văn, một nhà văn mà tôi vẫn thầm thán phục ở lối diễn tả, lối viết, nhận xét tinh tường, tỷ mỷ mỗi khi chị muốn ghi lại một dấu ấn nào trong đời chị. Từ việc người con trai chị lập gia đình đến đứa cháu ngoại của chị chào đời, hoặc những lần chị đi làm việc từ thiện, những lần chị dong duổi trên những hành trình du lịch hầu như khắp thế giới.

Một ký ức nữa về văn chương của chị, đó là chị luôn luôn ưu tư đến vẻ đẹp, sự tinh khôi, cũng như giá trị đời sống tận hiến của linh mục, tu sỹ nam nữ. Chị rất nghiêm khắc về những lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sỹ, và chị cũng rất muốn cho các nữ tu được làm linh mục. Tôi cho những tư tưởng ấy của chị mang tính khai phá, táo bạo, và can đảm của một ngòi bút nữ. Chị thường xuyên cộng tác với trang nhà Nazareth. Chị cũng là cây viết thường xuyên có bài trên Nhật Báo Viễn Đông, Nguyệt San Hiệp Nhất. Những bài viết của chị luôn được độc giả đón nhận bằng tình cảm thân quí và trân trọng. 

Ngoài văn tài của chị, tôi còn nhớ được gì nữa về chị?

Vâng, trong vùng ký ức của tôi, phải kể đến chị là một giáo sư văn chương, từng sinh hoạt nhiều trong lãnh vực giáo dục, văn hóa từ Việt Nam ra đến hải ngoại. Chiều hôm cầu nguyện cho chị, các bạn học, các môn sinh Sương Nguyệt Anh của chị đã rất cảm động đến gặp chị lần cuối. Họ đã khóc, đã kể lại cho nhau nghe về người thầy kính yêu của họ. Họ đã hát cho chị nghe những tình khúc Trịnh Công Sơn mà sinh thời chị luôn yêu thích. Ngoài vai trò một nhà giáo, một nhà văn, chị còn là một người luôn quan tâm đến dân tộc và đất nước. Không mấy lần những buổi trình diễn của nhóm Du Ca, những lần tu nghiệp giáo chức mà chị không tham dự, và viết bài.

Đó là những sinh hoạt xã hội, trong nội tâm, chị là một người tha thiết với sự vẹn toàn, với giá trị tinh thần, và truyền thống gia đình. Chị đã can đảm gánh vác trách nhiệm “chị trưởng” của nhóm Monica, – sinh hoạt dành riêng cho các chị em độc thân, những người mẹ đơn côi – trong Gia Đình Nazareth. Chị có nhiều sáng tạo, và những hoạt động hấp dẫn khiến các chị em rất mến phục. Nội tâm phong phú của chị được thể hiện do lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt. Chị đã từng hành hương hầu hết các trung tâm Thánh Mẫu tại Việt Nam như La Vang, Trà Kiệu, Bến Tre, Măng Đen, Tàpao, và trên thế giới như Fatima, Lộ Đức, Mễ Du, Đức Bà Đen…Có thể nói do lòng yêu mến ấy mà Đức Mẹ đã đến đón chị về Thiên Đàng vào ngày thứ Bẩy, ngày dành riêng để tôn kính Mẹ.     

Hôm nay ngồi ôn lại những kỷ niệm đã có về chị, tôi càng lưu luyến hơn với cái bút hiệu rất dễ thương của chị, bút hiệu Phượng Vũ. Tôi tưởng tượng chắc hồi còn là nữ sinh Gia Long, là sinh viên Văn Khoa chị cũng lãng mạn, cũng có duyên với phượng vỹ lắm. Qua bút hiệu của chị, mỗi lần đọc bài chị, tôi thấy như một vũ điệu của loài phượng vỹ, trong đó những cánh phượng tung bay theo gió, lan tỏa trong bầu trời, và rơi nhẹ xuống sân trường. Mỗi lần hè về chắc chị cũng xao xuyến con tim, cũng bồi hồi thổn thức. Hôm nay tôi muốn nhờ Thanh Tuyền chuyên chở những hòai niệm về sự ra đi trống vắng của cô nữ sinh Gia Long, của cô nữ sinh viên Văn Khoa mỗi độ hè về.

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau hết rồi,
giờ như nước trôi qua cầu.

Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có hay?

Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Màu hoa phượng thắm như máu con tim,
mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm ?

(Nỗi Buồn Hoa Phượng – Thanh Sơn) 

Và đó cũng là nỗi buồn của những học trò cũ của chị, những bạn bè quen thân của chị khi nhìn chị như cánh phượng vỹ rơi trong chiều vàng trên sân trường của cuộc đời. Họ cũng như tôi sẽ giữ mãi những kỷ niệm về chị như một dòng lưu bút ngày xanh qua tiếng hát có lẽ đã một thời được chị yêu thích của Hoàng Oanh: 

Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi. Nhắc lại câu chuyện buồn.
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu. Nơi kỷ niệm êm ái.
Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ.
Ngày hai đứa dìu nhau đến sân trường.
Cùng đuổi bướm hái hoa.

(Lưu Bút Ngày Xanh – Thanh Sơn) 

Để rồi trong cái trống vắng của sa mạc cuộc đời, trong những mùa hè đơn côi trên hành trình cuộc sống, sẽ có người như chồng chị, con cháu chị, anh chị em chị, các môn sinh của chị, các bạn hữu của chị mỗi khi nghĩ đến chị sẽ hỏi chị bằng giọng hát Khánh Ly qua những nốt nhạc buồn của Trịnh Công Sơn, người nhạc sỹ mà chị rất say mê:

Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

Vâng, dù nắng có hờn ghen, mưa có buồn, thì “Từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng” (Như Cánh Vạc Bay).

Vĩnh biệt chị Qui, vĩnh biệt Phượng Vũ.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.