Uncategorized

Hội chứng vô tâm và cô cảm

Vô là “không”. Tâm là trái tim, là trung tâm phát sinh tình yêu và những rung động tình cảm. Vô tâm, hiểu theo nghĩa bình dân là người không biết rung động, không biết xót thương, và không biết chia sẻ tình cảm với người khác. Người vô tâm cũng đồng nghĩa với người vô cảm. Họ lạnh lùng, khó giao tiếp, và khó đến gần.

Vô là “không”. Tâm là trái tim, là trung tâm phát sinh tình yêu và những rung động tình cảm. Vô tâm, hiểu theo nghĩa bình dân là người không biết rung động, không biết xót thương, và không biết chia sẻ tình cảm với người khác. Người vô tâm cũng đồng nghĩa với người vô cảm. Họ lạnh lùng, khó giao tiếp, và khó đến gần.

Hội chứng vô tâm, vô cảm rất dễ xảy ra cho những người có chức, có quyền, có danh vọng, có tiền của. Những người nắm giữ những địa vị quan trọng, và chung quanh luôn có những người hầu hạ, tâng bốc, nịnh bợ. Thánh Tiến Sỹ Têrêsa Avila gọi họ là những người thường ngày được kẻ dưới cho uống thuốc độc. Một loại độc dược ngấm từ từ và dễ dàng đi vào xương tủy, giết họ cách rất âm thầm nhưng hiệu quả như bệnh tiểu đường, và cao máu.

Để diễn tả vẻ lạnh lùng, vô cảm của họ qua cái nhìn tôn giáo, có lẽ không gì hơn bằng suy niệm và nhìn vào dụ ngôn “con chiên lạc” (Luca 15:1-7). Trong dụ ngôn này, người chăn chiên sẵn lòng để lại 99 con trong dàn và đi tìm một con bị lạc. Việc làm này nói lên trái tim và lối sống của người mục tử nhân lành. Người mục tử để ý đến từng con chiên trong dàn và không nỡ để mất một con. Nhưng nhìn vào hiện tại, người ta có thể buồn để nói lên rằng, thời bây giờ nhiều mục tử không những sẵn sàng để mất một, mà nếu cần thì nửa số chiên để an thân, để vui vẻ với nửa số chiên còn lại. Lý do vì những con còn lại không gây phiền phức, không làm họ mất thời giờ, và nhất là những con chiên này là những con biết điều, biết ý họ, và béo tốt.

Một trong những lời than thở, phàn nàn mà người viết vẫn thường được nghe là “sao mà gọi điện thoại, hẹn gặp, và xin được sự giúp đỡ của một chính xứ hay phó xứ khó thế! Khó còn hơn gặp tổng thống!”. Dĩ nhiên, đó chỉ là khoa ngôn để tăng thêm sự bực bội vì không được đón nhận câu trả lời, hoặc giải quyết nhu cầu mà họ đang cần được giúp đỡ mà thôi. Dẫu sao thì gặp một vị linh mục cũng dễ hơn gặp một tổng thống, nhất là tổng thống Hoa Kỳ chẳng hạn.

Nhưng khi nói về hội chứng thì phải kể ra những nguyên nhân. Thông thường, nguyên nhân của hội chúng này phát xuất từ mặc cảm tự ty và mặc cảm tự tôn. Ngoài ra, nguyên nhân tiềm ẩn khác như vừa trình bày trên, là hậu quả của thứ thuốc độc mà họ vẫn uống mỗi ngày.

Mặc cảm tự ty.

Điều này ta thấy từ những người có xuất xứ khó nghèo, vất vả, và chịu cực khổ nhưng nay đã may mắn vươn lên được trên bậc thang xã hội hay giáo hội. Để quên đi cái quá khứ của mình, họ thường muốn chứng tỏ cho mọi người biết họ thật sự đáng được kính nể. Họ không phải là những người tầm thường, xuất thân nghèo hèn. Để làm thế, họ thường hay dùng quyền, dùng luật lệ, và tỏ ra rất khắt khe, xa cách. 

Cũng vì muốn che dấu cái quá khứ kém cỏi, không may mắn, hoặc nghèo nàn của mình, họ luôn tỏ ra bề ngoài quan liêu, kiểu cách, hoặc hống hách, coi thường những ai sa cơ, thất thế, và dưới quyền mình. Họ thể hiện suy nghĩ và lối sống này trong cung cách cư xử, lời nói, và hành động. Hầu như ai trong những bạn bè của người viết cũng đã từng có kinh nghiệm bị từ chối hoặc coi thường khi để lại lời nhắn, hoặc gửi một email mà không được trả lời từ phía các nữ tu, linh mục, và cả giám mục nữa. Trong những trường hợp ấy, tâm lý nhục nhã, bị khinh khi, và coi thường là tâm lý nổi bật nhất. Tất cả đều cho đó như một thái độ coi người rẻ rúng và không tôn trọng phẩm giá con người của nhau. Là gì đi nữa, dù ở bất cứ địa vị nào thì cũng phải tôn trọng kẻ khác. Lắng nghe là một nhân đức của khôn ngoan. Câu truyện mà tôi nhớ mãi từ một tư tưởng rất bình dân, nhưng cũng mang ý nghĩa một bài học có giá trị giáo dục:

Một vị kia chức cao danh trọng đang ngửa mặt nhìn về phía trước, bước đi những bước dõng dạc, oai nghiêm. Bên vệ đường có em bé chăn trâu đang ngồi dưới một gốc cây. Thấy vị ấy sắp sửa đạp phải đống phân trâu trên đường, đã lên tiếng:

-Thưa ngài.

-Cái gì? Vị kia không thèm nhìn đứa trẻ vẫn hất mặt bước về phía trước.

Bỗng nhiên, ông cảm thấy có một cái gì dính vào giầy mình gây khó chịu, nên dừng chân, và đã quay lại hỏi đứa trẻ một cách rất hách dịch:

-Thằng kia, mày gọi ông có chuyện gì?

-Dạ, không có gì nữa ạ.

-Ơ hay! Sao mày gọi tao mà giờ lại nói không có chuyện gì là làm sao. Mày muốn giỡn mặt với tao hả? Mày có biết tao là ai không?

-Dạ, con biết ông là ông lớn. Lúc con gọi ông vì con thấy ông sắp đạp vào đống cứt trâu, nhưng ông đã không nghe con. Bây giờ thì ông đã đạp vào nó rồi, nên con không có chuyện gì để gọi ông ạ!   

Những câu truyện mang tính dân gian như trên tưởng không phải là ít. Nhưng để dẫn chứng về phía những bậc tu hành, người ta không quên câu truyện rất ý nghĩa giữa mẹ con của Thánh Giáo Hoàng Piô X.

Truyện kể là sau khi được tấn phong Giám Mục, tân Giám Mục Giuseppe Sarto vinh qui bái tổ về quê thăm mẹ. Vị Giám Mục trẻ giơ chiếc nhẫn giám mục cho mẹ xem và hỏi:

-Mẹ xem chiếc nhẫn này có đẹp không?

Bà mẹ quê liền đưa ngón tay nhăn nheo với chiếc nhẫn cưới ngày nào và nói với con:

-Đẹp. Những con sẽ không có chiếc nhẫn ấy nếu không có chiếc nhẫn mẹ đang đeo trên tay này.

Một lời nhắn nhủ rất thâm thúy và ý nghĩa. Có lẽ vì thế mà sau này trên ngôi giáo hoàng, ngài đã để lại một câu truyện khác phản ảnh điều mà ngài đã học được từ thân mẫu của mình:

Sau khi Tổng Giám Mục Milan qua đời, một phái đoàn tổng giáo phận được cử đến gặp Đức Piô X. Họ đã xin với ngài bổ nhiệm cho họ một tổng giám mục với điều kiện vị đó phải có bằng tiến sỹ. Nghe vậy, ngài liền trả lời họ:

“Các ông đòi hỏi như vậy là điều không nên. Vậy để đền tội, tôi muốn các ông nghe câu truyện này: Tôi biết có một linh mục nhà quê không có bằng tiến sỹ nhưng đã được Chúa chọn lên làm giám mục. Tôi cũng biết một giám mục không có bằng tiến sỹ mà đã được bầu làm hồng y. Và tôi cũng biết một vị hồng y không có bằng tiến sỹ nhưng đã được chọn làm giáo hoàng. Và giáo hoàng ấy là người đang kể cho các ông nghe câu truyện này.”

Khi được danh tiếng và thành đạt, quên cội nguồn, quên thân phận của mình là một cám dỗ rất ít người thoát khỏi. Nhưng làm cách nào để trở về với cái gốc, cái nguồn của mình trong tâm tình biết ơn Thiên Chúa và sống với ơn gọi của mình một cách tốt đẹp mới là điều quan trọng. Người viết vẫn nhớ lời thân sinh của mình nói và dạy khi còn sống: “Quan nhất thời chi quan. Dân vạn đại chi dân.” Người làm quan, làm lớn chỉ là nhất thời và thường cũng phát xuất từ cái gốc thứ dân. Không ai sinh ra chỉ để làm quan, và không ai sinh ra đã làm quan. Hiểu và ý thức được điều này sẽ giữ cho lòng mình khỏi kiêu căng, tự phụ và hống hách. Và nó cũng là một phương thức trị liệu mặc cảm tự ty. Để trị liệu mặc cảm tự ty, đòi hỏi bệnh nhân phải can đảm đối diện với sự thật về mình.  
  
Mặc cảm tự tôn.

“Hòn đất cất lên ông bụt”. Bỗng chốc thay đổi hoàn toàn đời sống, vai trò xã hội. Từ thầy thành cha, từ cha thành đức cha, từ hàng dân giả lên hàng khanh tướng, vọng tộc, được mọi người tôn trọng, quí mến dễ gì mà khiêm nhường nổi. Họa may chỉ là tự tôn, hãnh diện nhiều hay ít mà thôi. Hiếm hoi lắm mới có những trường hợp như vậy mà người ở trong những vai trò đó vẫn giữ được đức tính khiêm tốn, hòa đồng, bình dân và thông cảm. 

Xét về mặt kinh tế xã hội, định luật cung cầu có thể giải thích được hiện tượng này. Khi cung ít, cầu nhiều đương nhiên sản phẩm được cho là hiếm quí, mặc dù tự bản chất những sản phẩm ấy cũng chẳng có gì là đáng quí. Kim cương hay vàng bạc trở nên có giá trị bởi lẽ chúng ít và bởi vì chúng khó tìm. Nếu kim cương, vàng bạc dễ tìm như sỏi đá, người ta cũng chẳng phải mất công tranh giành, hoặc đeo chúng trên cổ, trên tay hoặc trên tai. Cũng chỉ là bùn đất, sỏi cát, nhưng sự quí trọng và giá trị của viên kim cương, vàng bạc được định hình do sự chấp thuận của xã hội và dĩ nhiên, cũng mang tính hiếm hoi của chúng.

Nếu giáo hữu có tỏ lòng quí mến một vị tu hành thì không hẳn là vì sự đáng kính xuất phát từ bản thân và con người đó, mà còn vì những con người đó “ít”, và hiếm. Lại nữa, một cách minh nhiên, ai ai cũng công nhận giá trị của cái ít và hiếm ấy. Thêm vào đó, nó được lồng vào ý nghĩa của tôn giáo. Những tư tưởng Chúa gọi, Chúa chọn luôn luôn được dùng để đánh bóng, để tăng thêm vẻ hào quang bao quanh cá nhân cũng như giới tu hành. Nhưng theo một tư tưởng đời thường thì “chức linh mục đáng giá mấy đồng?”

Dĩ nhiên, không thể dùng tiền bạc để định giá những giá trị tâm linh, nhưng nếu coi bộ áo nhà tu như một chiếc áo giáp, chiếc bùa hộ mệnh để rồi không cần phải quan tâm đến những gì xảy ra quanh mình thì người tu hành sẽ mang tội, mang tiếng lợi dụng. Một vị linh mục cao niên, trong lúc thân mật đã tâm sự với đàn em, đại khái, “giá bán chức linh mục được, tao cũng bán lấy mấy đồng mua kem ăn”. Hy vọng đây chỉ là lời nói chơi thôi, nhưng thực tế, qua câu nói ấy nó cũng gói ghém một cái gì khiến cho người nghe phải suy nghĩ. Một vị khác cũng trong lúc bạn bè gặp gỡ, đã rất thành thật nói với người viết, “linh mục hay không linh mục thì cũng chỉ là một bậc sống, một ơn gọi. Nhiều linh mục cũng biết mình chẳng ra gì, nhưng làm sao bây giờ, vì Chúa đã vẽ trên trán mình chức đó, nên cũng ráng mà mang nó suốt đời thôi!” Điều này phản ảnh tư tưởng: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Tuy nhiên, mang nó một cách khiêm tốn, mang nó một cách vui vẻ, hạnh phúc khác với mang nó một cách miễn cưỡng. Mang nó để làm đẹp, làm ích cho đời hay để lợi dụng đưa mình lên, và tự tôn, tự đại?! Không muốn nhìn nhận cội nguồn, không muốn quen thân với những người bình dân, nghèo khó, những tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhu. Đó là lối sống của những người mang mặc cảm tự tôn.

Theo tâm lý học, những người mang hội chứng tự tôn superiority complex cũng phản ảnh suy nghĩ và lối sống của những người mang huyền thoại Narcissus (mythology). Những người luôn luôn tự cho mình là nhất, siêu việt không có đối thủ. Họ sẽ rất buồn lòng khi có ai đó dám coi thường, hoặc không kính nể họ. Họ tỏ ra bất cần và không để ý đến ai, ai cần họ thì cần, họ không cần ai. Một thái độ sống tự đặt mình trên tất cả, coi thường tất cả. Đối với những người như vậy, việc trả lời một cú phone, việc thăm hỏi ai đó một lời là việc làm không xứng đáng và không cần thiết, chứ thật ra không phải vì lý do bận mà không có thời giờ!

Hội chứng vô tâm, vô cảm được xem như tâm lý phổ biến trong hàng ngũ tu trì. Nó còn len lỏi trong những vị được coi là bậc thầy về đàng nhân đức, đó là giám mục. Tâm lý này đã được phản ảnh qua nhận định của một giáo dân gửi cho một trong những vị đó:
 
“Con nghe người ta nói “Trên đời này có hai loại người rất thờ ơ trước cái chết của người khác: một là các bác sĩ, hai là các linh mục”. (dĩ nhiên có thể người ta ngầm ám chỉ cả giám mục đấy). Lúc đầu con nghe mà chẳng hiểu gì, vì sao lại là hai loại người chẳng liên quan gì đến nhau? Nhưng rồi cho đến một ngày … con mới vỡ lẽ ra rằng, thật đơn giản, bác sĩ thì thờ ơ với cái chết về phần xác của đồng loại, còn linh mục thì… thờ ơ với cái chết về phần hồn của Dân Chúa và Dân Chúng. Ai cũng muốn tự nhận mình là “tôi tớ của Lời”, song thực tế xem ra hơi khôi hài, vì trong cách hành xử thì nó lại giông giống “đầy tớ nhân dân”. 

Độc dược đời thường.

Như đã trình bày ở trên, một trong những lý do nữa đưa đến hội chứng vô tâm, vô cảm là vì những người tự cho mình là quan trọng, là làm lớn, là có quyền đầu óc của họ bị đầu độc, và tâm thần bị lẫn lộn, chao đảo. Cái tốt thì cho là xấu và cái xấu lại nghĩ là tốt, và thường xuyên cư xử trong mê hồn trận như vậy.

Ai mà chẳng thích người khác ca tụng mình. Ai chẳng muốn mình được ăn trên ngồi trước. Ai mà lại muốn hạ mình trở về với vai trò làm thường dân, thấp cổ, bé miệng, trong khi đã phải trải qua bao khó khăn, có khi trầy da tróc vảy mới có được vị trí như hôm nay. Hàng ngày họ bị bao vây bởi những kẻ dua nịnh, bọn người tâng bốc nên càng tưởng mình có thật như vậy. Hậu quả là họ sẽ rất khó chịu khi nghe ai đó trình bày hoặc nói sự thật cho họ nghe, hoặc sự thật ấy là của chính họ.

Trước lạ, sau quen, cái lối suy nghĩ, hành động hãnh diện hão huyền ấy từ từ sẽ thấm nhập và trở thành nếp sống, nếp suy tư của họ. Họ sống với lối sống “ngôn hành tương phản” như Thánh Kinh đã nói về họ:

“Rồi Chúa Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Ngài: “Các kinh sư và Pharisiêu ngồi trên tòa Maisen. Hãy làm và thực hành những gì họ dậy anh em. Nhưng đừng bắt chước họ, vì họ nói mà không làm…” (Mat 23:1-3. Nếu đây không phải là những lời của Chúa Giêsu thì không ai có thể và dám nói như vậy về hàng tu sỹ và giáo sỹ.  

KẾT LUẬN THỰC HÀNH

Trước đây tôi có nghe nói về Đức Cố Giám Mục Phạm Ngọc Chi với một đức tính mà bây giờ rất nhiều người trong giới tu hành, đặc biệt là các linh mục, tu sỹ phải bắt chước. Đức tính ấy là bất cứ ai, hễ gọi điện thoại hoặc nhắn tin cho ngài, ngài đều dành giờ để trả lời một cách tận tình. Điều nghe nói về Đức cố Giám Mục Chi thì tôi không được kiểm chứng, nhưng với Đức Cố Giám Mục Mai Thanh Lương thì tôi đã thường ngày chứng kiến. Ngoài ra, tại giáo phận Orange này, trong số các linh mục Việt Nam có một vị mà tôi nghe có người làm chứng rằng dù bất cứ ai hễ gọi điện thoại hoặc để lại lời nhắn thì ngài đều trả lời. Cảm tạ Chúa. Hoan hô tinh thần lắng nghe và tôn trọng người dưới của hai cố Giám Mục Phạm Ngọc Chi và Mai Thanh Lương. Hoan hô vị linh mục đã lịch sự, và tôn trọng người đã gọi, đã để lời nhắn cho ngài.

Trả lời điện thoại, trả lời tin nhắn, trả lời email là những việc làm không chỉ nói lên thái độ lịch sự, và kính trọng người gọi, người nhắn; nó còn là một dấu chỉ mang tính chuyên nghiệp nữa. Trong văn phòng tôi, nếu một thơ ký nào bị bệnh nhân gọi vào than phiền và tố cáo đã không trả lời điện thoại họ, hoặc nói năng bất lịch sự, coi thường họ khi trả lời điện thoại, người thơ ký ấy bị cảnh cáo lần thứ nhất. Nếu tái phạm lần hai sẽ bị cho nghỉ việc tạm thời cảnh cáo, và nếu vẫn tiếp tục lần thứ ba, người đó sẽ bị sa thải.

Tôi không nghĩ các linh mục trong các giáo xứ có thể bị sa thải, hoặc cho nghỉ việc chỉ vì coi thường, hoặc lơ là đối với giáo dân. Ngược lại, tôi cũng không nghĩ một linh mục, tu sỹ bận bịu quá đến nỗi không có giờ để trả lời một cú điện thoại. Thật ra, họ vẫn có nhiều thời giờ cho nhiều việc không tên khác. Nhưng làm như vậy chỉ là thiệt hại cho chính cá nhân tu sỹ ấy, linh mục ấy và sứ mạng tông đồ của họ. Ngoài ra, sẽ đánh mất đi sự kính trọng và thương mến của giáo dân. Còn như nếu đó là một lối sống cố hữu không sửa đổi, họ có thể là căn cớ cho nhiều tín hữu đánh mất niềm tin vào giới tu trì, rời qua xứ khác, hoặc bỏ đạo.

Hội chứng vô tâm, vô cảm, do đó, là một hội chứng làm hoen ố gương mặt dịu hiền của Chúa Giêsu, làm cho đời sống đạo trở nên khó khăn hơn đối với nhiều giáo dân. Những giáo sỹ, tu sỹ có thói này, chắc chắn không phản ảnh sự trọn lành mà Chúa Giêsu mục tử hiền từ và khiêm nhường đang muốn thấy nơi họ.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.