Uncategorized

Phục vụ theo gương Thầy Giêsu

Nhìn vào thực tế của nhiều đôi vợ chồng, người ta phải công nhận rằng cuộc sống lứa đôi không luôn luôn dễ dàng. Hạnh phúc gia đình luôn bị đe doạ bởi những áng mấy đen bất ngờ xông tới. Khiến cuộc sống chung luôn cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Đến  nỗi ca dao đã từng nói:

Nhìn vào thực tế của nhiều đôi vợ chồng, người ta phải công nhận rằng cuộc sống lứa đôi không luôn luôn dễ dàng. Hạnh phúc gia đình luôn bị đe doạ bởi những áng mấy đen bất ngờ xông tới. Khiến cuộc sống chung luôn cảm thấy buồn nhiều hơn vui. Khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Đến  nỗi ca dao đã từng nói:

Chồng gì anh, vợ gì tôi?
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!
Mỗi người một nợ cầm tay,
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.

Con đường tình yêu không êm xuôi nhưng luôn lên xuống gập ghềnh, suối thác. Vì, cuộc “trăm năm” nào cũng đầy những thử thách. Biết bao cặp vợ chồng đang hạnh phúc rồi bỗng dưng cả hai cùng phàn nàn về nhau: không ngờ người ta đổi thay đến thế. Lúc đầu thì thế nào cũng được, miễn là yêu nhau. Nhưng rồi người ta thấy thế này là bất công, thế kia là khó chấp nhận: lẽ nào mình cứ phải quét nhà rửa bát mãi! Tại sao mình cứ phải nấu cơm đi chợ?

Rồi luôn nghĩ thiệt hơn và luôn tìm lợi cho mình mà chẳng ai chịu ai. 

Khi mà không còn yêu nhau, người ta thường dễ tố cáo nhau là ích kỷ, là hẹp hòi, chẳng bao giờ làm cho mình được như ý. Quả đúng như lời nhà tâm lý Jacques Dyssord: “Tình yêu thường mở đầu bằng khoa hùng biện và rồi đổi dần ra khoa triết lý”. Từ chỗ nói cho hay trở thành cãi cho hăng. Từ chỗ chín bỏ làm mười đến chỗ kết án hờn ghen.

Thế là đời sống gia đình trở nên như một nhà tù. Có khi vì danh dự gia đình, hay để tránh không cho con cái biết, hai vợ chồng cố gắng đóng kịch, một bi kịch rất não nề thê thảm, thường tệ hại hơn cả những cuộc cãi vã lớn tiếng. Vì cãi vã xong còn nói chuyện được với nhau nhưng khi không còn gì để nói với nhau thì cuộc sống dài lê thể trong đau khổ.

Sở dĩ hôn nhân thất bại là vì họ hết còn hy sinh cho nhau, hết quan tâm chăm sóc nhau. Nhiều người khi chiếm được nhau thì họ không còn quan tâm người bạn đời, có khi còn hắt hủi, bỏ rơi nhau, khiến người bạn đời cô đơn trong chính mái ấm gia đình mình.

Đây là lúc người Kytô hữu cần sống tinh thần phục vụ quên mình của Đức Giêsu. Ngài đã yêu là yêu cho đến cùng. Tình yêu Ngài không so đo tính toán. Ngài chỉ dồn hết tâm sức để mang lại niềm vui, bình an cho người mình yêu.

Lời Chúa hôm nay mô tả một ngày làm việc thật bận rộn của Chúa Giêsu. Ngài giảng dạy trong Hội đường. Ngài cứu chữa một người bị quỷ ám. Ngài đến tận nhà nhạc mẫu Phêrô để chữa lành cho bà. Ngài còn dành thời giờ đón tiếp rất đông khách thập phương đến để cầu cứu Ngài. Ngài đã đặt tay và chữa lành bệnh tật cho họ. Cả ngày dường như Ngài chẳng nghỉ ngơi. Ngài đã dùng cả thời giờ của một ngày để phục vụ cho lợi ích tha nhân.

Vâng, nếu cuộc đời hôm nay có nhiều tấm lòng phục vụ như Chúa, thì gia đình sẽ hạnh phúc biết bao! Nếu cuộc đời ai cũng sống có trách nhiệm với nhau, sẽ không còn những nỗi đau của cô đơn và tuyệt vọng. Nếu vợ chồng biết hy sinh cái tôi của mình để hy sinh cho nhau thì hạnh phúc sẽ ngập tràn trong mái gia đình.

Thế nhưng, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn và tuyệt vọng vì lối sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm của người bạn đời. Vẫn còn đó những người con mặc cảm, tủi hận vì cha mẹ bỏ rơi, thiếu quan tâm. Vẫn còn đó những giọt nước mắt buồn đau của phận người bị ngược đãi, bị xúc phạm, bị chà đạp lên danh dự và phẩm giá làm người. Vẫn còn đó tiếng khóc than cho phận số nghèo đói, bệnh tật, già nua đang bị anh em đồng loại bỏ rơi.

Ước gì mỗi người chúng ta có được trái tim như Chúa để có thể chạnh lòng thương xót những mảnh đời khổ đau của anh em. Ước gì mỗi người chúng ta cũng có tấm lòng như Chúa để sẵn lòng dấn thân quảng đại vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho mỗi người chúng ta luôn có trách nhiệm với nhau, với cuộc đời. Xin đừng để ai đau khổ, thất vọng vì sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.