Biết làm sao định nghĩa được tình yêu
Lòng yêu thì cho mà đâu biết nhiều
Yêu như khung trời bao la
Yêu trong như dòng suối vắng
Hay yêu là nghe cay đắng.
(Yêu – Trần Thiện Thanh)
Tình yêu tự nó đã khẳng định giá trị bất biến muôn thuở đó là “Yêu có nghĩa cho đi”. Chính khi cho đi thì tình yêu đó trở nên rất cao vời vì đó chính là sự kết tinh của hy sinh, quên mình, không toan tính, không bao giờ ích kỷ nghĩ cho riêng mình. Nhưng đôi khi giá trị của tình yêu lại là một sự cảm nhận đơn côi, trống vắng, tĩnh lặng đáng sợ có chút cay đắng, như trách hờn giận dỗi khi chưa được thỏa mãn đáp trả.
Chúng ta cứ cho rằng xã hội ngày nay đã chôn vùi mẫu người phụ nữ mà đàn ông muốn như “Yếu đuối, Ủy mị, Nhẹ nhàng, Xinh đẹp, Nóng bỏng.” Đây chính là “định nghĩa” của phần lớn đàn ông khi được hỏi về sự quyến rũ của một người phụ nữ. Phụ nữ luôn được cho là khó hiểu, và phức tạp. Họ nói có nhưng đôi khi lại là không và ngược lại. chính vì thế, đàn ông ít ai có thể hiểu rõ được người phụ nữ của mình. Các chị thì hay than thở rằng đã tuyệt chủng những đàn ông mà phụ nữ chúng tôi hằng mơ như “cá tính, tin tưởng, tôn trọng và sự chân thành.” Nhưng thật ra nhận định này nhiều khi lại rất phức tạp đến khó hiểu khi người phụ nữ đang yêu.
Có những định nghĩa yêu rất ư hiện đại của thời đại thông tin đại chúng trị vì như internet, Facebook, Zalo, Messenger …mà khi yêu nhau phải được định nghĩa là upload nhiều hình của nhau lên Facebook cá nhân, nhắn tin từng phút, từng giờ qua Zalo, Messenger, hay phải xem Navigartor coi người yêu mình đến đâu và ở đâu??? Xin hãy coi chừng vì đó là con dao hai lưỡi giết chết lần mòn sự trân trọng của tình yêu, sự chân thành và lòng tin vào nhau. Tình yêu, hôn nhân, gia đình dưới cái nhìn của Thượng Đế không tầm thường như những trò đời “đổi chác bán mua” hay “”đổi trắng thay đen” . Nó đòi hỏi sự hy sinh, và sự trung tín.
Sau những năm tháng đầu rất hạnh phúc của gia đình chỉ một con, tôi có trong tay một cửa hàng tự kinh doanh với 3 nhân viên giúp việc, còn anh làm văn phòng với lương tháng tạm ổn định. Chúng tôi bắt đầu nghĩ tới việc để dành tiền và miên man nghĩ đến những chuyến đi du lịch xa cùng nhau sắp tới…Nhưng mọi việc không như tôi nghĩ, và cuộc đời không như là mơ, chồng tôi thường ngày sau khi từ sở dùng cơm vội xong thì vào phòng bám riết cái phone hết Facebook, Zalo, chít chát rồi game cho đến hết cả đêm rồi ngã lưng ngủ.
Mới đầu tôi thấy anh cũng không gì quá đáng nên cũng không để tâm; lần hồi tôi cảm giác ra rằng anh vui rất thật tình với những thông tin, trò chuyện này và quên dần có mẹ con chúng tôi hiện diện. Gia đình chúng tôi có những trận cãi nhau rất “sòng phẳng”, tôi cảnh báo anh về những cô, những bạn bè anh đã làm quen, hẹn hò trên Facebook, Zalo…hay đã lỡ quá đà đi ăn, uống nước cùng thì hãy ngưng ngay cho sớm. Anh bớt xài phone trong lén lút được vài ngày thì anh vẫn chứng nào tật nấy, tôi nói vẫn trơ trơ vì anh cãi với tôi “anh có quyền riêng tư của anh”. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, tôi cảm thấy chán chường cho mối quan hệ vợ chồng với cái phone ở giữa. Trong thâm tâm tôi suy nghĩ và bắt đầu nổi lên ý thức chống đối: “Ông ăn chả, bà sẽ ăn nem.”
Thế là tôi bắt đẩu học hỏi mạng xã hội Facebook, Zalo, …và bắt đầu kết bạn. Chỉ cần Upload một cái hình thời con gái, trẻ, đẹp nên thơ một chút lên cái “Cover Photo – Ảnh đại diện” của mấy mạng xã hội là các anh, các ông háo gái “request friend – kết bạn” ào ào. Tôi kết nối cùng các bạn bè quen có, lạ cũng có và vô tư kết bạn. Tin nhắn luôn “ton ton” cả ngày trong của hàng, rồi chít chát chuyện trò, với trai có, với gái cũng có và chả biết “hư, thực” ra sao về những con người này trên khắp cả miền Việt Nam cùng nước ngoài…những câu văn chít chát như càng thân mật, mặn nồng làm tôi như quên đi cái đắng cay của hiện tại…tôi vẫn giữ liên lạc nhưng từ chối các cuộc hẹn hò gặp mặt của những người mà họ muốn đi tới cùng tôi. Rồi cái ngày định mệnh nó đến đã phải đến.
Anh hùng hổ xông vào tiệm tôi đang làm mắng chưởi, đập phá và đánh đập tôi thẳng tay. Anh chửi tôi là mất nết, dám ngoại tình, hẹn hò cùng trai trước mắt của bao người cùng 3 nhân viên của tôi. Anh không cho tôi lời giải thích và thẳng thắn đòi chia tay vì tôi là con “dâm phụ.”
Tôi té quỵ vì trên người bao thương tích bầm tím cùng sự nhục nhã anh dành cho tôi. Sự uất ngẹn, cay đắng xen lẫn sự nuối tiếc này có lẽ là nỗi đau không bao giờ khép lại của hạnh phúc mà tôi gầy dựng cho con, cho chồng cho gia đình này.
Đơn li dị tôi đã gởi đi, sự việc đã không còn có thể quay trở lại. Tôi chỉ đành chấp nhận với câu nói đã thành chân lý: “Phụ nữ sướng hay khổ… hơn nhau ở tấm chồng”. Song hạnh phúc thật sự đâu chỉ phụ thuộc vào sự may mắn…
Câu chuyện trên là bằng chứng của chữ yêu trong sự định nghĩa thiếu trưởng thành, nông nổi của những cặp dám yêu nhau, hy sinh cho nhau, có con có cái nhưng lại lại chọn những phương pháp giải quyết mâu thuẫn rất ư tầm thường ngày nay là: “nghe dân mạng xúi dạy” hay “người ngoài xúi bậy”.
Thứ nhất, logic trong tình yêu là sự chân thành khi khuyên ngăn và tìm cách sửa sai cho nhau. Không ai có quyền xúi giục hoặc ép buộc vợ chồng chúng ta phải ly dị ngoại trừ chính người chồng, người vợ. Việc chia tay là do vợ, chồng quyết định khi tình trạng hôn nhân mẫu thuẫn đến mức trầm trọng, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được. Đừng hạ thấp lấy bản thân mình khi người kia làm sai mình không khuyên sửa được rồi đi làm bậy theo “cho mày thấy, mày biết” thì cũng giống như “người ta không kêu mình ăn cứt mà mình vẫn cứ ăn.”
Thứ hai, khi chúng ta hành động thiếu suy nghĩ hay non nớt trong quyết định chúng ta vợ hay chồng có ngồi xuống cùng nhau nghĩ đến hậu quả về gia đình ly tán, con thơ sẽ nheo nhóc không? Và cả hai sẽ định nghĩa lại cuộc đời chúng ta không khi gia đình đã sang trang? Ly dị là một kinh nghiệm khó khăn đối với một người phụ nữ, vậy khi sự việc xảy ra rồi chúng ta có dám đối diện với sự thật, với ba bên, bốn họ để làm lại từ đầu không? Chúng ta có dám quên đi quá khứ và sống lại từ đầu không?
Khi bạn biết rõ rằng ly dị là điều tốt nhất cho cả hai nhưng đó vẫn là một sự mất mát, một tình yêu, một mối quan hệ, một giấc mơ đã mất. Tương lai và viễn cảnh của một gia đình hạnh phúc mà bạn mong ước cũng bị mất…nỗi đau làm chúng ta đau đến tận xương tủy. Thánh nhân cũng còn mắc sai lầm thì con người làm sao không vướng phải? Nhưng chúng ta không phải là thánh nhân nên lại sao chúng ta có thể đối tốt với nhau khi đã yêu cho đến trọn vẹn được.
Đừng đổ lỗi cho người bạn đời của mình, bởi chúng ta nên hiểu lỗi không bao giờ thuộc về một người: Có hai người trong cuộc mới có xung đột, mới có tranh cãi được và có hai người mới xảy ra muôn điều tác tệ…Hàn gắn và tha thứ cho nhau cũng là do chính hai người vì “dân mạng xúi dạy” hay “người ngoài xúi bậy” cũng không giúp gì bạn được vì họ không phải là chồng, là vợ, là gia đình của bạn ngoại trừ đưa bạn càng xa gia đình mà bạn bỏ công bồi đắp.
Mỗi món đồ hay món hàng có một cái giá của nó và có hạn sử dụng, đừng hạ thấp giá trị nhân cách và lòng tự trọng của mình với hạn sử dụng như đồ bỏ đi khi chúng ta bám víu vào những cái phao bấp bênh của cuộc đời để đứng lên như ham chuộng hư danh, tiền bạc, ăn chơi, sa đọa, rượu chè, cờ bạc… Có thể cuộc hôn nhân đã qua là một sai lầm và khi ly hôn chúng ta sẽ học được cách để không lặp lại những sai lầm đó nữa.
Ngày xưa ấy hoa tình chớm nở
Câu hẹn thề chồng vợ sắc son
Cho dù nước chảy đá mòn
Gia đình hạnh phúc bên con chẳng rời
Mà nay vội chia đôi hạnh phúc
Mà bao ngày vinh nhục bên nhau
Hỏi ai chia cắt nhịp cầu
Để cho cách trở sông sâu đôi dòng.
(Hương Giang)
(Còn tiếp)
Views: 0