“Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha thác gót con đen sì
Còn cha nhiều kẻ yêu vì
Đến khi cha thác ai thì thương con”
“Con không cha như nhà không nóc” …” (Ca dao – tục ngữ)
Có lẽ “gia trưởng” là một đặc tính điển hình của phái nam theo chế độ “phụ hệ”, người đàn ông đứng đầu và nắm mọi quyền hành trong gia đình. Dù muốn hay không quan niệm sống này của đàn ông vẫn di truyền, tiếp nối và tồn tại. Con trai chịu ảnh hưởng nặng về tính cách và sự giáo dục của bố, nên từ bé con trai đã được bố dạy là phải quyết đoán, mạnh mẽ, không cảm tính như đàn bà. Bố là trụ cột của gia đình, là người vừa chống đỡ với mọi giông tố của cuộc đời, lại là người bảo vệ tổ ấm gia đình ví như là cái nóc nhà, che mưa, nắng cho mọi người. Tính gia trưởng của đàn ông từ đó vừa có tính gia truyền, vừa có tính lịch sử xuyên suốt cả một ý thức hệ tồn tại biết bao đời cùng với hệ lụy của tư tưởng phong kiến Nho giáo “Quân-Sư-Phụ”.
Ngày nay, hai chữ gia trưởng thường mang hàm nghĩa xấu như là người đàn ông hay người phụ nữ trong nhà có tính độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo, ích kỷ, hay áp đặt ý chí của mình lên người khác. Tính cách “gia trưởng” này ngày càng bị phụ nữ bôi nhọ, xã hội lên án, chối bỏ…nhưng khi định hình thể chế hôn nhân, gia đình, luật pháp của các quốc gia Á Châu, cũng không nhắc gì đến cái thói “gia trưởng” này.
Đối với Việt nam chúng ta, chúng ta đừng lên án người Nam hay người Nữ “gia trưởng” trong gia đình mà hãy lên án cả một nền giáo dục “gia trưởng”, một quốc gia gia trưởng không dân chủ của chúng ta. Nguyên nhân căn bản nhất, là chúng ta được nuôi dạy trong gia đình “gia trưởng”, một xã hội “gia trưởng” . Chính trong giai đoạn hình thành nên nhân cách của một con người trong tiềm thức chúng ta thường xuyên bị ép phải làm mọi thứ theo sự áp đặt của người khác, và chứng kiến hàng ngày các thế lực mạnh mẽ hơn được quyền “áp đặt” của mình lên những người yếu đuối khác. Thí dụ: Bố mẹ nào cũng muốn con nhỏ phải “nghe lời” sớm, nên luôn áp đặt lên con cái bằng cách la mắng, đòn roi, hay cả bạo lực…
Thầy cô giáo nào cũng muốn học trò phải tuân theo thật nhanh. Phần lớn họ sẵn sàng sử dụng mọi ràng buộc, hành phạt cả thể chất lẫn tinh thần để áp đặt lên con trẻ.
Quốc gia không dân chủ thì người dân luôn bị áp đặt và mất tự do. Đảng độc tài thì sẽ áp đặt chủ thuyết lên mỗi người dân.
Việc áp đặt này của người lớn lên con trẻ không phải lúc nào mọi lí do hay mọi khái niệm của người lớn hay thầy cô cũng đều đúng, tuy nhiên có một điều không thể chối cải là trẻ em nhất nhất phải tuân theo. Nghĩa là sai hay đúng thì cũng phải tuân theo, nếu bị phản đối thì phần lớn người lớn hay thầy cô ít khi chịu thừa nhận mà chỉ tìm cách áp đặt, chối quanh hay đổ lỗi cho người khác… Điều này là vết nhơ, vết dầu loang hình thành tính cách “bảo thủ”, “gia trưởng” của con cái chúng ta khi chúng trưởng thành làm cha, lẫn mẹ trong gia đình, là những cấp lãnh đạo trong guồng máy xã hội…Đàn ông “gia trưởng” với cái mạnh mẽ ngang bướng, phụ nữ “gia trưởng” nhưng được sự giáo dục thêm là phải nhịn nhục, thục đức, lo toan.
Nếu trẻ được giáo dục trong sự tôn trọng và hỗ trợ phát triển từ lúc sinh ra, không bị áp đặt…thì các em sẽ biết tôn trọng ý kiến và quyết định của kẻ khác và có thể sống dung hòa với mọi khác biệt, không áp đặt thậm chí là đối ngược lẫn nhau. Như vậy thì một con người được giáo dục trong sự tôn trọng và không áp đặt sẽ không có sự “gia trưởng”, sống biết tôn trọng ý kiến, lời nói của người khác (thay vì đàn áp), bớt lo lắng và tập tha thứ, sống đơn giản, cho đi và giúp đỡ và có thể sống dung hòa với mọi khác biệt của người khác. Gia đình và xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi không còn tính “gia trưởng”, tính “bảo thủ” trong từng cá nhân…
Hãy để thời gian, cơ hội và sức mạnh của tri thức sẽ thay đổi gia đình và thế giới …nhưng trước tiên, chúng ta hãy có cái nhìn thoáng hơn trong hôn nhân, gia đình ở Việt Nam ngày nay để hướng cho các bạn trẻ có cái nhìn đúng cho gia đình tương lai của họ.
“Bước qua dòng sông, hỏi từng con sóng
Rằng người con gái nếu không yêu có được không ?”
(Duyên Phận)
Phận là con gái nếu có được tấm chồng vừa giỏi, vừa yêu thương chiều chuộng vợ, vừa thương và lo lắng cho con cái, gia đình thì chắc chẳng còn gì để nói. Nhưng đâu phải ai cũng tìm được người đàn ông vẹn toàn như thế, nhiều người còn hay bông đùa rằng là loại đàn ông này đã tuyệt chủng trên trái đất rồi… Nên nếu phải lựa chọn, con gái muốn chồng phải ra sao? Chúng ta không lựa chọn được ở bên một người hoàn hảo, nhưng hãy đủ tỉnh táo để thấy đâu là sự yêu thương, quan tâm, lo lắng thực sự, và đâu là sự kiểm soát đến ích kỷ, hay nghi ngờ, ghen tuông, độc đoán của những chàng trai mang hơi hướng bị cho là “gia trưởng” quá đáng.
Riêng phía đàn ông, con trai chọn vợ thì sao? Đàn ông thường thích những cô gái quyến rũ, dễ thương, tuyệt vời ở trên giường, song để kết hôn thì chưa chắc. Việc đàn ông chọn phụ nữ để kết hôn không liên quan gì tới phòng ngủ. Sự thật, họ muốn lấy một người phụ nữ làm cho họ tốt hơn, biết chăm lo cho họ và gia đình của mình và cho họ bao điều không thể quên. Đối với một người đàn ông, muốn họ trở nên tốt hơn, nên cho họ không gian và cơ hội chứ không phải người phụ nữ về để dạy dỗ, cải tạo họ được tốt. Một cô gái biết đem đến cho họ cơ hội và không gian để yêu thương chính là người phụ nữ họ sẽ chọn để đi suốt cuộc đời. Đàn ông chọn vợ bản chất là đi tìm phân nữa của mình, điều này có được qua sự đồng cảm, yêu thương và sẽ chia từ vợ. Từ đó người đàn ông cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn và tự họ thay đổi chính mình để sống tốt hơn với những người mà họ yêu thương, gắn bó.
Khi xưa ông bà ta dạy rằng:
“Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”
Tiêu chuẩn tìm vợ , tìm chồng khi xưa đã lỗi thời, ngày nay, lập tiêu chuẩn để chọn vợ, bạn H.H đưa ra 3 mẫu đàn bà mà đàn ông không nên lấy làm vợ đó là:
“Không chung thủy”,
“Đứng núi này, trông núi nọ”,
“Lười biếng” và “độ hóng shopping cao” …
Ngay lập tức N.T, người hóm hỉnh góp lời ngay:
“Cả 3 cái này giờ độ phủ sóng đến 90% toàn quốc rồi nhé, vậy nên nhu cầu cần cả thôi.”
Còn chàng nghèo chung thủy thì cho ý kiến:
“Có thể chọn người phụ nữ tốt nhưng không đẹp chứ không thể chọn người phụ nữ đẹp nhưng không tốt!”
Sơn Trần C. góp lời:
“Nồi nào úp vung đó…trước khi đòi hỏi người khác thì xem lại mình là ai nhé. Đại gia, đẹp trai, bản lĩnh, học thức như tôi đây cũng không giám đặt ra các yêu cầu vây đâu.”
Các anh có vợ với rồi cũng góp tiếng:
“Ngày trước tôi gặp và yêu một cô gái, chỉ gặp 5 phút mỗi ngày thôi là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi. Giờ lấy làm vợ rồi cũng chỉ mong gặp 5 phút mỗi ngày thôi là rất vui, hơn 5 phút là hết vui rồi, hahaha”
Theo khảo sát của Google thì đứng đầu danh sách tìm kiếm trên thế giới là cụm từ “Làm sao để giữ được chàng?". Khảo sát này làm chúng ta giật mình cho thấy con gái rất coi trọng “tình yêu”, hôn nhân và gia đình và họ muốn gìn giữ “chàng” luôn mãi. Nếu ngày xưa con gái chọn chồng tránh các anh chàng “tứ đổ tường”, thì bạn nữ B.D.T ngày nay đưa ra tiêu chí các mẫu đàn ông không nên lấy làm chồng phải là:
Tứ đổ tường + 1: đó là Cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút chích và thêm cái thứ năm là không tiền mà sĩ diện ảo…chị La vie góp vào:
“Quan trọng nhất là mục tiêu của cuộc đời bạn là gì, chọn người đồng hành có cùng mục đích sống, khi tìm được nhau họ sẽ không bị lung lạc bởi những thứ phù du khác. Sắc đẹp và tiền bạc rồi cuối cùng cũng làm người ta chán ngán.” Bạn the-quyen thì có cái nghĩ khác:
“Thế gian này không ai hay cái gì hoàn hảo cả chỉ là 2 con người cùng tạo nên sự hoàn hảo nhất định nào đó khi có thể.”
Riêng bạn T.D thì góp ý đưa ra cách chọn chồng khác hơn sau cái “tứ đổ tường”:
“Lấy người giàu hay người nghèo?
“Có nên lấy người quá thật thà?”
“Nên lựa chọn môn đăng hộ đối?
“Nên lấy người học vấn cao hay thấp?”
“Nên lấy chồng già hay chồng trẻ?”
“Nên lựa chọn con người của công việc hay con người của gia đình?”
Đa số các bạn nữ đều có những mẫu số chung cho những câu hỏi trên là:
Hãy lấy người dám vì bạn mà tiêu tiền, hy sinh và không keo kiệt.
Đàn ông rất sĩ diện, họ sẽ tự ti nếu thua kém vợ mình, nên với họ “môn đăng
hộ đối” đã có tính rồi.
Các bạn nữ không sợ lấy chồng già chỉ sợ lấy chồng trẻ. Nếu người đàn ông của bạn còn rất trẻ thì bạn chỉ nên yêu, không nên kết hôn. Nam giới phải tầm ngoài 30 tuổi mới thích hợp với cuộc sống gia đình.
Có người rất thật thà, nhưng kết hôn nên chọn người thật thà mà tinh tế hơn chọn một anh vừa chém gió, vừa cù lần.
Theo quan niệm truyền thống nên lựa chọn con người của gia đình, anh ta sẽ biết lo cho bạn và con cái, nên sẽ hạn chế tối đa các cuộc bầu bạn, nhậu nhẹt bên ngoài. Khi có sóng gió gì, với anh ta, vợ con sẽ là trên hết.
Nên lấy người có trình độ tương đương với mình, không nên có sự chênh lệch quá về trình độ, nếu không hai người sẽ không có điểm chung và thường bất đồng ý kiến. Không phải chúng ta coi thường những người học vấn thấp mà chỉ là tư tưởng khác nhau nên không thể hòa hợp trong đời sống vợ chồng.
Chúng ta có cần quá quan trọng về một căn nhà phải to lớn, đẹp đẻ với đầy đủ tiện nghi cùng tiền bạc hay chúng ta chỉ cần căn nhà không quá lớn mà chỉ cần ở trong đó có đủ yêu thương hay không? Sự chính chắn của một người nam hay nữ không phải do tuổi tác mà là do sự từng trải. Thời gian là cảnh giới của đời người trải qua bao nhiều chuyện và thấu hiểu được bao nhiêu sự quan tâm, lo lắng cho nhau ra sao trong cái nhìn chung của gia đình.
(Còn tiếp)
Views: 0