Xưa kia bên Nhật bản có một ông vua nọ sưu tập được 100 chiếc bình cổ rất quý hiếm. Nhà vua trưng bày trong một chiếc tủ kính cho triều thần chiêm ngưỡng. Một hôm có một viên quan đại thần tò mò cầm một chiếc bình ra quan sát và sơ ý đánh rơi bể nát. Vua tức giận thét thị vệ mang viên quan kia ra ngòai chém đầu. Bấy giờ một viên quan khác ở gần đó liền đến bên chiếc tủ đựng các bình quý hiếm kia, dùng vai đẩy cho tủ đổ làm tất cả 99 chiếc bình còn lại đều bể tan… Vua rất tức giận ra lệnh trừng phạt thật nặng kẻ đã cả gan làm điều này. Nhưng trước khi chém đầu, vua thắc mắc hỏi viên quan đại thần thứ hai rằng:
-Tại sao ta vừa ra lệnh chém tên quan kia vì làm bể lọ bình quí của ta, khanh không biết sợ mà lại dám làm chuyện tầy đình như vậy ?
Viên quan đại thần đáp:
-Hạ thần thấy chỉ vì sơ ý làm bể một chiếc bình cổ, mà bệ hạ truyền giết chết một bề tôi trung thành. Thế thì 99 chiếc còn lại kia có thể sẽ làm cho 99 người khác phải chết. Vậy còn ai giúp bệ hạ cai trị thần dân trăm họ? Ai sẽ giúp bệ hạ lo cho dân cho nước? Do đó hạ thần đã cố ý xô đổ để một mình hạ thần phải chết thôi để tránh cho các trung thần khác.
Sau khi nghe viên quan nói xong vua liền tỉnh ngộ nên đã truyền tha chết cho cả hai.
Khôn ngoan mà không đạo đức thì sẽ trở nên gian ác. Một con người được nhận định trưởng thành về nhân đức (người có đạo đức tốt) và nhân cách (người có phẩm cách tốt) thường lấy sự khôn ngoan, công bình, cản đảm và độ lượng là kim chỉ nam cho đời sống của mình; Trong đó sự khôn ngoan là một đức tính hàng đầu giúp ta nhận định rõ điều tốt phải làm và điều xấu cần tránh, nên dùng phương cách nào hữu hiệu nhất để đạt được điều tốt và tránh được điều xấu, điều nào nên làm trước điều nào nên làm sau. Sự khôn ngoan còn là sự nhìn xa trông rộng hay tiên liệu để phòng tránh những tai nạn và dự phòng trước để kịp thời ứng phó hữu hiệu với những tình huống bất lợi có thể xảy ra.
Câu chuyện vị Vua và 100 chiếc bình quí ở trên cho chúng ta thấy sự thiếu không ngoan và độ lượng của nhà Vua vì sự cám dỗ của vật chất đã làm sai việc…nhưng sự khôn ngoan và can đảm của vị đại thần biết hành động đúng để khuyên Vua nên sống trong khôn ngoan và công bình, bảo vệ nhân tài hơn là sống trong khôn ngoan và gian ác.
Tương tự thế, không biết tự bao giờ nhân dân Việt Nam ta truyền miệng câu:
“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”
Một cách nói cửa miệng để nói về sự liên kết dòng họ trong bộ máy cơ quan nhà nước mà mọi người hầu như nói thẳng là “bọn độc tài”, “Dòng họ trị” và nặng hơn là “Tham, ngu, ác” tại Việt Nam. Nó chưa bao giờ được phát triển mạnh và “đúng qui trình” đến vậy so với các nước khác làm nảy sinh một Việt Nam nghèo đói và thiếu nhân tài thật sự.
Việt Nam, truyền thông báo chí lề Đảng chỉ nói ít thôi, nhưng dư luận xã hội, các mạng xã hội thì bàn quá nhiều rồi. Mới hôm nào còn bàn luận chuyện dòng họ Bí thư Hà Giang, chưa kịp nguôi thì lại đến cả nhà làm quan cấp huyện ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) nổi lên, báo chí chưa đặt bút kết thúc câu chuyện trước thì đến nay lại phải nói về “dòng họ trị” tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, rồi Bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, khi còn đương chức “sốt sắng” muốn đưa con về làm lãnh đạo trước khi rời khỏi ghế.
Chắc chắc nếu chúng ta mà muốn kể đến mối quan hệ trong một dòng họ ở bộ máy nhà nước thì… nói và “đếm mỏi cả miệng”. Điển hình như gia đình nhà ông Nguyễn Nhân Chiến – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh có tới 24 người thuộc mối quan hệ gia đình ở bộ máy của tỉnh Bắc Ninh và huyện Tiên Du. Còn nếu đếm hết con số gần 60 mối quan hệ gia đình, dòng họ trong cơ quan cả nước như bộ Nội vụ Việt Nam đã thống kê và những gì chưa được nhìn thấy thì có lẽ sẽ tốn nhiều điều để nói và khổ nhục cho nhân dân Việt Nam.
Hỡi ơi nếu sự khôn ngoan của họ được nhân dân để mắt và bầu lên (Không biết Việt Nam có cái quyền bầu này không ?) nhầm mưu cầu hạnh phúc cho đất nước, cho mọi người, cho dân giàu nước mạnh, cho ấm no bình đẳng là mục đích tối hậu, là ý muốn của người dân…nhưng đằng này sự khôn ngoan của họ chỉ nhắm tới các mục tiêu là cái ghế của quyền lực, là vật chất giàu sang và tham vọng cho gia đình, cho dòng họ nên sự khôn ngoan này đã biến thái thành sự độc tài, gian ác, tham lam và “dòng họ trị”, là sự tham nhũng, hối lộ, đục khoét của công hại nước, hại dân…Sự khôn ngoan của bọn này còn tính tới là một mô hình liên kết kiểu bền vững của các dòng họ trong bộ máy nhà nước mà Đảng là động cơ giúp kéo nhau lại, vươn dài cánh tay quyền lực khi có những “chỉ tiêu”. Sự đùm bọc và bảo vệ nhau đó còn có thể gọi theo kiểu hướng “bầy đàn”, tham ngu, dẫn đến gian ác vì nếu một người gặp sai phạm, bị kỷ luật thì cũng không có vấn đề gì lo lắng bởi biểu quyết tán thành sẽ lấy đa số, mà đa số là ai? Đa số là người trong gia đình, là người trong dòng họ, đa số là Đảng cộng sản… Nếu tham nhũng, thì thay vì ăn một mình khó nuốt còn ăn chung sẽ “an toàn” hơn nhiều, chiếc bánh lợi ích được chia đều và không sợ thất thoát ra bên ngoài, không sợ cả trời và cả nhân dân nữa…
Sự thừa kế theo kiểu “cha truyền con nối” ở lĩnh vực chính trị trên thế giới cũng không hề xa lạ với chúng ta. Hình ảnh một nhà Clinton và nhà Bush có khả năng đấu, đá trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tức 24 năm gặp lại. Gia tộc Gandhi ở Ấn Độ, Triều Tiên cha truyền, con nối thay nhau nắm quyền chính trị, cha con ông Lý Quang Diệu lãnh đạo đất nước Singapore, gia đình Bush hai đời cha con làm tổng thống Mỹ, hình ảnh của gia đình Trump hiện nay…nhưng chúng ta nhìn thấy cái hay, cái dở của nền dân chủ và chế độ độc tài khác nhau cũng như người tài và đức ở các nước dân chủ được bầu lên và các nước cộng sản độc tài lại còn khác xa nhau…
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”
Nếu một gia đình mà các thành viên được nhân dân bầu lên vươn lên nắm quyền chính trị mà từ năng lực đến phẩm chất của họ tốt, thì gia đình đó sẽ làm hết sức để cống hiến cho quốc gia dân tộc theo đúng nghĩa; còn việc cơ cấu cán bộ, nhân sự lại là con ông, cháu cha, “đúng qui trình” người thân trong gia đình … không những mang lại nhiều hậu quả xấu cho sự phát triển của đất nước mà biết đến bao giờ sự tham lam, hối lộ, tham nhũng, cửa quyền mới được dẹp bỏ.
Chúng ta hãy học hỏi sự khôn ngoan trong 3 ý niệm để trưởng thành trong tư tưởng và mưu cầu hạnh phúc cho gia đình, và cho xã hội. Đó là thông minh, hiểu biết và đạo đức. Hạnh phúc tùy thuộc vào thái độ sống của mình thông qua sự khôn ngoan, và kinh nghiệm sống trực tiếp sử dụng để xử lý các vấn đề. Việc rèn luyện kỹ năng sống mỗi ngày sẽ giúp chúng ta vững vàng bước đi và trở thành một con người khôn ngoan có trách nhiệm, biết tôn trọng mọi người và trở thành người có ích cho xã hội. Đừng học lấy thói khôn ngoan, gian ác tác nghiệt trong một lúc, một thời nhưng sẽ gây hại cho mình, cho gia đình, cho quốc gia, cho dân tộc và mãi mãi về sau.
Vì: “Lưới trời tuy thưa nhưng không bỏ xót ai.”
Và: “Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Ngoan Nguyễn
Views: 0