Những ai đã từng say mê thi ca Việt Nam, âm nhạc Việt Nam như sức sống của cả một dân tộc gởi hồn vào với sự hồn nhiền, trong sáng của ngôn ngữ dân tộc; thì chúng ta cũng không khỏi bàng hoàng khi nó lại được sử dụng như là dụng cụ tuyên truyền, lừa gạt…là chìa khóa đấu tranh giai cấp. Khi Tố Hữu viết về cái chết của Nguyễn Văn Trỗi trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” mà tôi đã dịp được đọc; chúng ta thấy thương cho chữ nghĩa Việt Nam, thương cho nhân dân Việt Nam vì khi chữ nghĩa văn học rơi vào tay Công Sản, cái đẹp, cái nên thơ trong sáng đã bị bọn chúng nhào nặn, bóp méo thành sự tuyên truyền mị dân…làm thành trò hề để dối trời, lừa dân:
Anh thét to: "Ta có tội gì đây?"
Chúng trói Anh vào cọc mấy vòng dây.
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt
Anh thét lên: "Chính Mỹ kia là giặc!"
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết. Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt! …
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm! Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ Anh gục xuống.
Không, Anh thẳng dậy Anh hãy còn hô: "Việt Nam muôn năm!"
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm!
Đọc bài thơ, chúng ta thấy một người bị trói cả hai tay vào "cọc mấy vòng dây" mà còn tay nào để "giật phắt mảnh băng đen?"…thậm chí ông Tố Hữu còn tự động nhét thêm vào mồm Nguyễn Văn Trỗi bắt anh phải hô: Hồ Chí Minh muôn năm, mà hô những ba lần kia chứ không phải là một hay là 10 lần khi hồn không biết còn trong thể xác anh không nữa ??? thậm chí anh gục xuống mà còn bắt phải đứng thẳng dậy để hô cho to vào ???
Khổ nỗi có bao thanh niên miền Bắc vì hai chữ “Việt Nam muôn năm” vì dân tộc Việt anh hùng như Nguyễn Văn Trỗi mà với bao hy sinh cố gắng, không tiếc đổ máu xương cho một cuộc chiến phi nghĩa anh em tương tàn…cho tới bây giờ bao đói khổ trầm kha, đất nước vẫn phải học theo miền Nam Việt Nam trước 1975 đi theo chiều hướng tư bản thị trường nhưng phải luôn mang ơn Bác, ơn Đảng và nhất là mang ơn “Trung Quốc”.
Than ôi, nước Việt ta, từ ngày bị anh em “ngoài Bắc” thống trị, ai trong chúng ta đã không dở khóc, dở cười về các từ đại “ngụy ngôn” và xảo trá như: cách mạng, đại thắng, giải phóng, học tập cải tạo, ngụy quân, ngụy quyền, thành thật khai báo, cách mạng khoan hồng, đồng chí, lý lịch, đỉnh cao trí tuệ, văn hóa phẩm đồi trụy… thêm vào đó chúng ta thấy cả một rừng chữ nghĩa đảo lộn trong một xã hội trả thù, giết chóc, cướp bóc đất đai, nhà cửa, gian khổ đọa đày cho nhân dân miền Nam. Dân Sài Gòn đã nhìn tận mắt những loại chữ nghĩa quái đản, sản phẩm của chế độ mới như “xưởng đẻ,” “cửa hàng thịt phụ nữ,” “nhà đái nam”, “nhà đái nữ”, “cửa hàng Thanh Niên”, “máy bay lên thẳng…”
Sau 1975, Cộng Sản Bắc Việt cho thay thế hầu hết chữ nghĩa của Miền Nam do cha ông các đời để lại bằng một lọai chữ "mới" đem từ Bắc vào. Họ không cho chữ nghĩa Miền Nam cùng sống chung có mặt trên sách báo, các quân nhân cán chính miền Nam họ không tin dùng (ngoại trừ lợi dụng bọn du kích 30/4 và đám nằm vùng) chúng cấm toàn bộ các bài báo, bình luận hay viết lách nói lên chính kiến của mình và đó là cách làm chết hẳn chữ nghĩa mà đồng bào Miền Nam đã dùng trong nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Chính phủ mới ra tay đốt sách của Miền Nam qua “văn hóa phẩm đồi trụy” chưa đủ; Cộng Sản còn giết chết chữ nghĩa của đồng bào Miền Nam bẳng các chương trình “cải cách giáo dục”, “bổ túc văn hóa”, tẩy não tù đày với các trại tù “cải tạo”, các vùng “kinh tế mới”, và “thanh niên xung phong” …
Chúng ta không phải vì lý do chính trị mà ghét đi ngôn ngữ “mẹ đẻ” của mình, nhưng chúng ta đã bị qua nhiều “dị ứng” với cách dùng từ, cách nói và cách viết cẩu thả “vô tội vạ” hay với lối nói “ngụy ngôn”, “xảo trá” của phe thắng cuộc đã làm mai một đi tiếng Việt của miền Nam Việt Nam…Chúng tôi xin mọi người hãy đừng vì thế mà mất đi tin yêu tiếng Việt, hãy cùng nói và viết dùng đúng từng từ, từng chữ và tôn trọng ngôn ngữ của chúng ta với tấm lòng tự hào và nhớ ơn những người khai sanh và làm giàu nó. Chúng ta không nên hoàn toàn vô ý thức và thiếu khôn ngoan để làm tiếng Việt đã thăng trầm lại càng thêm trên đà mất gốc, và mất đi bản sắc của nó.
Trong nhiều cách viết và cách nói chữ Quốc ngữ, tựu trung chúng ta đã rất không “care” cho cái hồn của người am hiểu tiếng Việt. Xin đưa một vài tham khảo mà theo các bạn, chúng ta phải viết và đọc ra sao trong sự chọn lọc, hay những từ vay mượn mà khi nói và viết cho đúng những từ thuần Việt khác với từ Hán-Việt để tiếng Việt thêm trong sáng, không tối nghĩa như:
“Quán Cây Dừa” hay “Cây Dừa Quán”
“Nhà báo nữ” hay “Nữ nhà báo” hay “nữ ký giả”
“mau, lẹ” hay là “khẩn trương, tranh thủ”
“bài giảng” hay “giáo án”
“thuốc tây” hay “ tân dược”
“ăn khớp” hay “đồng bộ”
“ngân khố” hay “ngân hàng nhà nước”
Tiếng Việt, về lợi chúng ta không phủ nhận được sự ích lợi và tiện nghi của chữ Quốc Ngữ khi dùng mẫu tự La Tinh so với chữ Nôm, loại chữ tượng hình của tiếng Hán. Tiện nghi trong chử Quốc ngữ là dễ đọc, dễ học và chỉ cần vài tháng là mọi người có thể đọc và viết được chữ Quốc Ngữ. Trong khi đó học chữ Hán phải cần một thời gian dài và phải nhớ từng chữ một vì chữ Hán là một loại chữ tượng hình; và chữ Nôm còn khó hơn vì chữ Nôm là những kết hợp của chữ Hán viết theo phong thái An-Nam và có rất nhiều nét. Mặt khác, trong việc in, phát hành sách báo, chữ Quốc Ngữ chỉ cần vài chục mẫu tự để ghép lại; trong khi đó chữ Nôm và chữ Hán phải có rất nhiều và rất nhiều "mẫu tự" khác nhau.
Tiếng Việt, chữ Quốc ngữ về phương diện nghiên cứu, khác với chữ Hán là loại chữ tượng hình, cho nên ta có thể phân tích chữ Hán như những chữ viết mà giải thích lối suy nghĩ của người xưa qua phương pháp chiết tự. Thí dụ: Cửa có một cánh gọi là hộ 戶, hai cánh gọi là môn 門, Cửa mở ở nhà gọi là hộ 戶, ở các khu vực gọi là môn, như lí môn 里門, thành môn 城門…
Cũng như các nước Á Châu, Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc (các nước kia là Nhật Bản và Hàn Quốc – và quốc gia đồng chủng Triều Tiên) nhưng nước ta không lệ thuộc và cần phải học tiếng Hán như Nhật Bản và Hàn Quốc vì đa số các quốc gia này sử dụng quá nhiều từ Hán để nói và tra cứu. Còn Việt Nam ta chỉ cần phiên âm ra chữ Quốc ngữ và viết bằng từ Hán-Việt, Pháp-Việt, Anh-Việt… là chúng ta có từ và đủ hiểu nghĩa. Thí dụ: Nữ ký giả, Cây Dừa Quán (Hán-Việt), cái toa-lét (toilet), cái rô mi nê nước(tiếng Pháp-Việt), sì-tin (Style), Ô-kê (tiếng Anh-Việt)…
Không phải chữ Quốc ngữ hình thành do sự ngẫu nhiên từ những chữ phiên âm tiếng Việt, thực ra chữ Quốc ngữ hình thành theo hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương, họ muốn La Tinh hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ. Riêng tại Việt Nam, thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ có thể chia ra làm 2 giai đoạn : Giai đoạn phiên âm và giai đoạn cấu tạo câu.
Từ năm 1632 với những phiên âm của Gasparo d'Amiral, trong giai đoạn nầy, chúng ta thấy vai trò đóng góp cho sự hình thành chữ Quốc ngữ của Gasparo d'Amiral rất quan trọng, ông phiên âm có phương pháp. Tài liệu dẫn sau đây cho chúng ta thấy rõ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã theo phương pháp của ông để phiên âm trước khi dựa vào quyển tự điển Bồ Đào Nha – Annam cũng của ông, để Đắc Lộ soạn quyển tự vị "An Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh "
Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người Pháp được coi là người có công nhiều trong việc định chế chữ quốc ngữ (Chúng ta nợ ông một lời cảm ơn) qua cuốn tự điển phiên âm “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” mà ông soạn và in ra năm 1651. Tuy là người Pháp nhưng ông lại dùng tiếng Bồ Đào Nha trong cuốn tự điển cùng những đóng góp của tiếng Ý và tiếng Pháp. Soạn giả còn ghi rõ ông mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt, vô hình trung tiếng Việt hình thành và phong phú như ngày nay, thí dụ:
Onsaij : Ông sãi
Quanghia : Quảng Nghĩa
Nuoecman : Nước mặn
Da, an, nua : Đã ăn nữa,
Da, an, het : Đã ăn hết
Omgne : Ông nghè
Tuijciam,biet: Tui chẳng biết
Onsaij di lay : Ông Sãi đi lại
Bàncò : Bàn Cổ
Maa : Ma
Maqui, Macò : Ma quỉ, ma quái
Bũa : Vua
Chiuna : Chúa
Vậy, chữ Quốc Ngữ (có nghĩa là ngôn ngữ của một quốc gia) được sáng tạo ra bởi cả một số đông giáo sĩ truyền giáo tới Việt nam trong quá trình ghi chép, phiên âm và sử dụng hàng mấy chục năm. Trong giai đoạn đầu chữ Quốc Ngữ còn rất nhiều khuyết điểm là chưa có các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), viết dính nhau và còn thiếu nhiều nguyên âm (a,ă,â,e,ê,o,ô,u,ư,i…và các nguyên âm kép ua,oa,ưa,ai…)
Năm 1651 khi quyển tự điển Việt-Bồ-La (Việt Nam – Portugese – Latin) và quyển Giáo Lý của de Rhodes ra đời. Sự ra đời của quyển Từ Điển này là một cái mốc quan trọng trong quá trình hình thành chữ Quốc Ngữ. Đây là quyển từ điển đầu tiên, nó tiêu chuẩn hóa một hệ thống chữ Quốc Ngữ. Quyển từ điển này gồm có ba phần: Phần thứ nhất viết bằng tiếng La Tinh, nói về ngữ pháp của tiếng Việt, nói về chữ, dấu, động từ, danh từ và cú pháp tiếng Việt. Đây có lẽ là cuốn ngữ pháp đầu tiên của Việt Nam. Phần thứ hai là phần chính, đó là tự điển Việt Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh. Phần thứ ba là tự điển La Tinh – Việt Nam. Phần có thể coi là quyển tự điển La-Việt đầu tiên. Quyển Giáo Lý (Cathechismus) là quyển sách song ngữ, được viết bằng hai thứ tiếng La Tinh và Việt. Sách này chia ra làm tám phần, mỗi phần là một ngày học. (Nguồn-Lịch sử Việt Nam)
Alexandre de Rhodes không phải là ông tổ duy nhất của chữ Quốc Ngữ và cũng không phải là một trong những ông tổ của chữ Quốc Ngữ. Sự phiên âm cho tiếng Việt đã có trước khi de Rhodes chưa đến Việt Nam. Chúng ta cộng nhận những công trình của de Rhodes đối với chữ quốc ngữ, như quyển tự điển do chính ông soạn là quyển từ điển Quốc Ngữ lâu đời nhất (1651) tiêu chuẩn hóa chữ Quốc Ngữ mà chúng ta còn giữ lại được.
Năm 1772 Bá Đa Lộc (P.De Béhaine) và Hồ văn Nghi và một số người Việt Khác hoàn thành tiếp quyển từ điển Annam-Latin. Đây là lần hiểu chỉnh đầu tiên để thống nhất các phụ âm đầu và loại bỏ các phụ âm thừa.
Năm 1832, tự điển Taberd ra đời. Tự điển Taberd là sử dụng và bổ sung quyển tự điển của Béhaine (Bá Đa Lộc), Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam khác đã có công hoàn tất hai quyển tự điển: Annam-Latin và Latin-Annam. Tự điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển tự điển đã làm trước đó. Tự điển Annam-Latin của de Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838) có 4959 từ. Nên biết rằng trong việc biên soạn quyển từ điển này, Giám Mục Taberd chỉ chủ trương và phối hợp, còn công việc biên soạn phần Nôm, phần Quốc Ngữ và giải thích nghĩa là công việc của một số người Việt Nam.
Cho đến năm 1862, chữ Quốc Ngữ chỉ được sử dụng trong giới truyền giáo, nhưng khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, chữ Quốc Ngữ đã trở nên phổ thông. Cần sử dụng chữ Quốc Ngữ làm phương tiện cai trị nên người Pháp đã ra sức phổ biến chữ Quốc Ngữ và vì chữ Quốc Ngữ rất là dễ học so với chữ Nôm hoặc chữ Hán, chữ Quốc Ngữ trở nên thông dụng. Trong giai đoạn này đã có nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ được ấn hành như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Gia Huấn Ca, Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám, tự điển song ngữ của Trương Vĩnh Ký, v.v. Đặc biệt là quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) …
Views: 0