Uncategorized

Cái Nợ Chữ Nghĩa (1)

Hiện tượng chữ nghĩa là một vấn đề lớn trong chiều hướng bảo tồn và duy trì văn hóa hiện nay tại Việt Nam. Bởi vì văn hóa đã bị đồng hóa với chính trị.  Một nhà văn nguyên là nhân viên Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa, thỉnh thoảng diễu nhẹ: 

Hiện tượng chữ nghĩa là một vấn đề lớn trong chiều hướng bảo tồn và duy trì văn hóa hiện nay tại Việt Nam. Bởi vì văn hóa đã bị đồng hóa với chính trị.  Một nhà văn nguyên là nhân viên Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa, thỉnh thoảng diễu nhẹ: 

“Tao phải đề nghị cái thằng viết bức thông cáo kêu gọi quân nhân “ngụy” đi trình diện “học tập cải tạo” sau ngày 30/4/75 được lãnh giải Nobel về văn chương láu cá…?”

Chúng bắt binh sĩ, hạ sĩ quan tập trung “học” tại chỗ ba ngày, rồi cho về thật. Sĩ quan cấp úy cũng “được” đi học, và đem theo lương thực đủ 10 ngày. Cấp tá mang theo lương thực đủ một tháng. Thì thử hỏi bố ai mà không tin? Nuốt một hớp nước cho đỡ tức, anh ta tiếp:

“Khi thằng K. đứng lên hỏi: “Thưa cán bộ, tại sao trong thông cáo trình diện, Cách mạng nói học tập mườì ngày, mà bây giờ học đã hơn một năm rồi, chúng tôi chưa được về?” Thằng quản giáo cười khinh khỉnh, trả lời tỉnh bơ: “Đâu, anh chỉ tôi xem chỗ nào trong thông cáo Cách mạng nói các anh “học tập mười ngày”? Thông cáo chỉ bảo “mang theo lương thực đủ mười ngày”. Anh thấy không, mười ngày ăn hết thì Cách mạng cung cấp tiếp kia mà!”

Cứng họng. Anh bạn VTX lắc đầu chép miệng:

“Tiên sư chúng nó, đau như hoạn, tức như bò đá. Tao cũng không rõ, tại sao chúng mình ngu, tin chúng quá, hoặc tại chúng nó quá lưu manh trong từ ngữ? Láu cá trong văn chương… Ngừng một giây, anh ta phun tiếp: Hoặc là tại người quốc gia mình quá ngay thẳng, nếu không nói là ngây thơ hiểu tiếng Việt như sự trong sáng của nó, nên suốt đời bị chúng nó lừa, từ 1945 tới hôm nay.”

Một câu chuyện dở khóc, dở cười nhưng có thật hoàn toàn cho thấy cái nét chấm phá trong ngôn ngữ Việt mà khi kẻ lưu manh thạo dùng nó để lừa bịp, dối gạt, mà 400.000 quân, nhân các chính miền Nam Việt Nam có nhiều người đã đi nhưng chẳng bao giờ về…Từ ngữ đã trở thành công cụ lường gạt và thậm chí còn đè bẹp cả một dân tộc bao năm qua trong thống khổ, mất tự do…

Có lần mình về Việt Nam, tôi hỏi một số em có độ tuổi từ lớp 9 tới lớp 12 rằng tiếng Việt chúng ta có bao nhiêu chữ cái và chữ Quốc ngữ mình giao tiếp hằng ngày do ai tạo nên? Phần đông các em đều trả lời tiếng Việt có 24 chữ cái, còn một số thì cho rằng 26 chữ cái; còn phần đồng thì u mê cả về nguồn gốc của tiếng Việt, hay chữ Quốc Ngữ dùng ngày nay.

Mỗi dân tộc đều có 1 ngôn ngữ riêng cho đất nước mình, Việt Nam ta cũng không ngoại lệ. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt có mặt trên đời này là đã có tiếng Việt kèm theo, sự ra đời của nó là cả 1 quá trình dài, một lịch sữ cần trân trọng và biết ơn những người khai sinh ra nó và cả những người phát triển và gìn giữ nó. Qua thời gian, tiếng Việt đã có nhiều biến chuyển và trở nên giàu vốn từ, rộng nghĩa,  nhiều tính thơ và đậm đà màu sắc như lời ru của mẹ:

Gió mùa thu… Mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ vừa năm
Hỡi chàng… chàng ơi!
Hỡi người… người ơi!
Em nhớ tới chàng… Em nhớ tới chàng!
Hãy nín! nín đi con!
Hãy ngủ! ngủ đi con!
(Ca dao – Tục Ngữ)
   
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục Đau lòng cò con. 
  (Ca dao – Tục Ngữ)

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò
Gánh vàng đi đổ sông Lô
Đêm nằm tơ tưởng, đi mò sông Tương.
(Ca dao – Tục Ngữ)

Hiện nay, trong nước lẫn cả nước ngoài hiện tượng dùng chữ nghĩa kỳ cục do chính quyền áp đặt rồi mỗi năm lại cải cách giáo dục nên vừa nhào nặn ra nét lai căng, vừa sản sinh chữ với nghĩa vừa khó khi phát âm, đánh vần và tạo hình trong nét viết; có rất nhiều từ ngữ mới nghe rất ngô nghê, tối nghĩa và rất xa lạ đối với phần đông dân chúng miền Nam, những người nặng tình yêu mến với tiếng Việt. Hệ thống giáo dục xuống cấp trầm trọng, không chú trọng về chất lượng, nhiều bạn trẻ đã mất đi cái gốc từ vựng cơ sơ từ trường học mà các thầy cô không sửa cho các em, rồi vô tư, mà quên mất mình đang nói và viết tiếng Việt…từ vô tình tới cố ý, các thế hệ tiếp nối dần dà mất đi ý thức gìn giữ tiếng Việt chuẩn như ban đầu. Chữ với nghĩa ngày nay làm đau lòng thêm cho những con người cả cuộc đời cố gắng giữ gìn sự trong sáng và đẹp đẽ của Tiếng Việt và những người ngày ngày ngồi làm bạn cùng tiếng Việt như chúng tôi:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”

(Tôi yêu tiếng nước tôi – Phạm Duy)

Nếu tiếng Việt mà những sự thay đổi 42 năm qua là tốt và hay thì là điều đáng mừng cho dân tộc; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi trong suốt 42 năm qua là những thay đổi xấu, từ ngữ văn chương đã không làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc mà từ ngữ phố chợ (slang language), ngôn ngữ thô tục (dirty language) được đưa vào còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm, lạm dùng từ ngữ, dùng sai nghĩa và đậm chất bình dân phố chợ…như một số từ mà khi viết tôi còn phải ngỡ ngàng:

chuyển tải (tối nghĩa nên viết đưa, trao đổi)
buổi đêm (ta có thể nói ban đêm),
bức xúc = cảm thấy bực tức (từ lai căn khó định nghĩa),
cảm giác (ta có thể nói cảm nghĩ ra sao),
cải tạo (mọi người đều hiểu nghĩa đen là ở tù)
chất lượng (phẩm chất là từ dùng đúng nghĩa hơn)
cuộc gặp (chưa trọn nghĩa như gặp mặt, gặp gỡ)
đại trà (dùng từ qui mô lớn hay hơn)
đầu ra, đầu vào (nghe phô, tục quá, ta có thể dùng vốn đầu tư, kết quả)
giải phóng (đôi khi dùng thật tối nghĩa so với từ giải tỏa, tha, thả)
hiển thị (ta có thể dùng từ thấy rõ, hiện rõ)
hùng hiểm = hùng vĩ + hiểm trở (từ lai căn tối nghĩa)
liên hệ (qui chung là nói chuyện thôi mà!)
thống nhất ý kiến (tại sao không dùng là đồng ý với ai đó)
kích cầu (tối nghĩa hơn chất xúc tác, yếu tố kích thích)
trải nghiệm (tối nghĩa nên viết kinh nghiệm trải qua)
nhập siêu (tối nghĩa nên viết nhập số lượng lớn)
khống chế tốc độ (tại sao không nói là giãm tốc độ)

Trong phạm vi bài viết tôi rất mong sự đóng góp ý kiến và hợp tác của mọi người để cùng chúng tôi vì sự trong sáng của tiếng Việt, vì sự độc lập ngôn từ và tính thơ đậm màu sắc nói và viết trong sự trân trọng đúng nghĩa.

Trước hết, chúng ta hãy xét về cái hay của tiếng Việt trước rồi sẽ bàn về nguồn gốc tiếng Việt sau. Trước khi chữ Quốc Ngữ ra đời, chúng ta đã dùng chữ Hán, chữ Nôm. Chữ Hán là chữ Tàu nhưng đọc theo giọng Việt, khác hẳn giọng của những người Tàu mặc dù nước Việt đã trải qua hàng ngàn năm đô hộ của giặc phương Bắc.

Nhiều người mặc cảm cho rằng chữ Quốc Ngữ là loại chữ "mượn" những mẫu tự La Tinh và do người ngoại quốc sáng chế vì vậy không có gì là hãnh diện khi dùng chữ Quốc Ngữ. Có lẽ chúng ta nên xét lại và trả lại công đạo và lòng biết ơn đối với những người ngay từ ban đầu đã có lòng với chữ Quốc ngữ cho Việt Nam ngày nay. Thứ nhất là chữ Hán là chữ của người Tàu mà chúng ta đã bị ép buộc phải dùng trong vài ngàn năm trong sự vâng phục và đô hộ, vì sự ép buộc này nên cha ông ta đã "đẻ" chữ Nôm, loại chữ dùng chữ Hán. Thứ hai chúng ta không có gì là tự ti mặc cảm khi dùng chữ viết mượn của nước khác vì đó giống như là một qui luật từ Đông sang Tây, hòa nhập và phát triển. Nước ta mượn chữ Hán để hoàn thành chữ Nôm, dùng mẫu tự Latin, vốn từ  Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Ý, Tàu để hoàn thành chữ Quốc Ngữ. Còn nước Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, v.v. họ cũng mượn chữ Latin để hoàn thành chữ của họ. Người Pháp họ hãnh diện về chữ viết của họ, người Anh, người Mỹ cũng thế, Nga thì do anh em Kirille dịch quyển thánh kinh để truyền đạo và đẻ ra chữ Slaves. Người Nga biết trọng anh em Kirille, chúng ta mến trọng Alexandre de Rhodes (Bá Đa Lộc), Barbosa thì đâu có gì lạ hơn các nước khác.

(Còn Tiếp)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.