Lâu lắm rồi, gã được nghe một câu nói thuộc hạng danh ngôn, đại khái như thế này:
-Đàn bà con gái giống như con mèo, nếu con mèo ngoáy cái đuôi bên trái, thì chắc chắn nó sẽ nhảy sang bên phải.
Cũng trong chiều hướng ấy, gần đây ở Việt Nam giới choai rất khoái một bài hát mang tựa đề là “đừng nghe những gì con gái nói”.
Bài hát này được liệt vào “tốp ten” nghĩa là mười bài hát được thiên hạ ưa chuộng nhất với những lời lẽ thật dí dỏm và dễ thương.
“Con gái nói có là không, con gái nói không là có. Con gái nói một là hai, con gái nói hai là một.Con gái nói ghét là thương, con gái nói thương là ghét. Con gái nói giận là yêu, con gái nói yêu là giận. Đừng nghe những gì con gái nói. Đừng nghe những gì con gái nói. Con gái nói không biết ghen là ghen như điên đấy nhé. Con gái nói không biết yêu là yêu tới quên đường về. Đừng nghe những gì con gái nói. Đừng nghe những gì con gái nói….”
Gã có một thằng bạn, thâm niên quân vụ về cái khoản đàn bà con gái. Sau nhiều phen bị các nàng đá lên đá xuống, nó đã tích lũy được một số vốn kinh nghiệm khá đồ sộ, đáng mặt sư phụ.
Ngày kia vị sư phụ này đã truyền cho đệ tử bài học vỡ lòng về tâm lý con gái như sau:
-Con ơi, con nên nhớ rõ điều này: khi cô nàng nói với con “ghét anh ghê…à”, nhất là lại kèm theo một cái liếc nhìn, nheo mắt có đuôi, thì con có thể yên chí nhớn mà hét toáng lên rằng: ôi sung sướng quá nhẽ vì đời toàn là màu hồng. Bởi vì đó chính là lúc cô nàng đã chịu đèn, yêu con khủng khiếp. Con hãy nhào vô liền tù tì để kiếm chút cháo, kẻo dịp may qua đi thì khó mà trở lại đó, ngốc ạ!
Đối với một tên đại ngố như gã, thì đàn bà con gái quả thật là một mầu nhiệm, toàn là những chuyện ngược đời và nghịch lý, nhiều kiểu rắc rối, đến quỷ thần cũng không lường nổi.
Đọc lại sách Sáng thế ký, gã nhận thấy ban đầu, thượng đế lấy bùn đất nhào nặn mà làm thành Adong. Sau khi ban cho Adong sinh khí bằng cách thổi hơi vào lỗ mũi, Ngài đã cho Adong sống trong vườn địa đàng. Với khu vườn kỳ diệu này, dù chim hót có véo von, cây cối có trổ bông khoe sắc, thì Adong cũng chỉ cu ki một mình, lặng lẽ đếm từng bước chân âm thầm.
Chính thượng đế cũng cảm cảnh trước sự cô đơn đậm đặc ấy, Ngài thầm nghĩ:
-Người đàn ông ở một mình không tốt, Ta sẽ dựng nên một người nội trợ giống như nó.
Nói là làm. Thượng đế chờ cho tới lúc Adong ngủ say, bèn rút một chiếc xương sườn của Adong mà dựng nên Eva, rồi dẫn Eva tới ra mắt Adong.
Thoạt nhìn thấy Eva cặp mắt Adong long lên còng cọc và miệng ông sững sờ kêu to:
-Này đây xương tôi và thịt bởi thịt tôi.
Nếu lúc bấy giờ Adong biết dùng tiếng Việt Nam để diễn tả ý tưởng tuyệt vời này, thì hẳn ông chỉ cần rên lên hai tiếng ngắn gọn:
-Mình ơi!
Bởi vì chữ “mình” vừa là thân xác, vừa là anh, vừa là em, vừa là chúng ta nữa. Ôi hai tiếng “mình ơi” sao mà ngọt như đường cát, mát như đường phèn, thấm tới lục phủ ngũ tạng, làm chết lịm cả con tim. Ôi, mình ơi!
Thế nhưng, đời không như là mơ. Sau cái phút gặp em tinh tú quay cuồng, “sau cái” thuở ban đầu lưu luyến ấy, sau cái cảm giác ngọt lịm của hai tiếng “mình ơi” và bốn mắt liếc nhìn nhau, thì khởi sự cho những ngược đời và nghịch lý, những nhiêu khê và rắc rối.
Trước thái độ chưng hửng ấy, Tây Thi đã phát cười nắc nẻ. Nhưng rồi khi địch quân vây hãm thực sự, dù lửa báo động đã nổi lên, thì cũng chẳng có ma nào đến tiếp cứu, khiến Ngô Phù Sai phải thua chạy.
Từ những bằng chứng cụ thể ấy thiên hạ đã kết luận:
-Vua nghe vợ, mất nước.
Một chính trị gia mà lem nhem, gây nên sì căng đan với đàn bà con gái, thì chỉ có nước thân bại danh liệt mà thôi.
Bình thường chúng ta gọi đàn ông là phái mạnh đàn bà là phái yếu. Thế nhưng nếu đem ra cân đong đo đếm, chưa chắc đàn ông đã ăn được đàn bà và phái nam chưa chắc đã xơi tái được phái nữ.
Thực vậy, đàn ông phải thức trắng một vài đêm, thì tứ chi bải hoải, ngồi đâu ngáp đấy. Trong khi đó, làm sao có thể kể hết những giấc ngủ đứt đoạn và những đêm thức trắng của các bà mẹ để chăm sóc cho đứa con của mình.
Xét về góc cạnh bền bỉ, dẻo dai để chịu đựng, thì đàn bà hơn hẳn đàn ông. Vì thế, đàn bà con gái thường sống thọ hơn đàn ông con trai. Nói cách khác, các ông thường ngủ sớm hơn các bà. Sự kiện này để lại một hậu quả trầm trọng, đó là số đàn bà góa chồng đông hơn số đàn ông góa vợ bội phần.Chẳng biết có ai đã lưu tâm tìm cách giải quyết vấn đề xã hội này chưa?
Bình thường đàn bà con gái vốn dịu hiền và tế nhị, thế nhưng hãy đợi đấy. Nói vậy mà hổng phải vậy đâu. Con mèo tuy hiền thật, nhưng khi nó chỉ cào cho một phát, là toặc da và vãi máu, vì móng của nó rất nhọn và răng của nó rất sắc.
Đàn bà con gái một khi đã nổi máu tam bành thì hiền cũng hóa dữ. Gã đã từng chứng kiến những cô em bé bỏng tựa như nai vàng ngơ ngác, dịu hiền như …ni cô, hổng dám như ma xơ đâu, thế mà khi cơn giận bừng bừng bốc lên, tẩu hỏa nhập ma, cũng lồng lộn như con bò điên nước Ăng lê, cũng xỉa xói như con choi choi, cũng chửi rủa có bài có bổn như mấy cô đào cải lương ca sáu câu vọng cổ thật mùi.
Gã xin đưa ra một vài nạn nhân của quý bà chằng lửa:
Trước hết là Socrate. Ông là triết gia nổi tiếng của Hy Lạp, một bậc thầy trong thiên hạ, nhưng oái oăm thay, ông lại là nạn nhân của bà vợ. Bà khinh bỉ ông là thứ trói gà không chặt. Ngày kia, ông định đi ra phố, thì liền bị bà tặng cho một chậu nước dơ vào mình sau cơn giận lôi đình.
Thế nhưng, ông vẫn bình tĩnh nói:
-Có sấm có sét, ắt trời phải đổ mưa.
Và ngán ngẩm trước mụ vợ đanh đá, ông đã phát biểu một cách chua chát:
-Trời sinh ra biết bao thú dữ, nhưng đàn bà mới thật là con thú dữ đáng sợ nhất.
Đó là chuyện bên Tây, còn chuyện bên Đông thì kể lại:
Thi hào Tô Đông Pha có một người bạn là Trần Qúy Thường. Qúy Thường có người vợ hay ghen tức và hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, đều bị nghe những tiếng chửi bới la hét ầm ĩ. Thấy vậy, họ Tô bèn làm thơ chế diễu như sau:
“Hốt văn Hà Đông sư tử rống.
Trụ trượng lạc thủ tâm mang mang.”
Có nghĩa là:
-Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống
Tay run gậy rớt lòng kinh hãi.
Từ đó, bốn chữ “sư tử Hà Đông” thường được dùng để chỉ người vợ có tính tình hung dữ. Tuy nhiên, Hà Đông ở đây là Hà Đông bên Tàu, chứ không phải Hà Đông bên Ta, vì thế quý bà quý cô gốc Hà Đông, đừng vội lòng động lòng lo mà sinh ra buồn bã.
……………………………………………………………………….
……………………………………………………………………….
GS
Views: 0