Núi Tabor là một núi của Israel ở vùng Galilea Hạ, nằm ở đầu phía Đông của thung lũng Jezreel, cách biển Hồ Galilee 17 km về phía Tây. Xe buýt sẽ đưa người hành hương đến chân núi, sau đó chuyển lên xe chuyên dụng, để bắt đầu hành trình lên núi. Đó là một chặng đường rất đẹp, đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn cam xanh ngút mắt, rồi những đoạn dốc cao, cheo leo, ngoằn ngoèo, theo vòng xoáy trôn ốc.
Từ đỉnh núi, nhìn về hướng Nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ả Rập sinh sống, nơi Chúa cho con trai bà góa sống lại; hướng Tây là một thị trấn sầm uất; phía Đông là mênh mang biển hồ Galilê. Tabor, như một ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Và cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời của Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung.
Theo Phúc Âm Nhất Lãm, lúc Chúa đem ba môn đệ lên đây, và Chúa biến hình trước Thánh Phêrô, Gioan, Giacôbê, không gian rất im ắng, chỉ có gió vi vu và mây trắng, với rừng cây thắm màu xanh hùng vĩ.
Người Kitô hữu luôn tin rằng, biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một sự kiện đặc biệt. Tưạ như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối đầy gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức các môn đệ. Còn là một điểm tựa, trợ lực cho đức tin các ngài trong suốt hành trình theo Chúa Giêsu.
Trên đỉnh núi Tabor, nhà thờ Chúa biến hình, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Antonio Barluzzi. Trong nhà thờ, một bức tranh huy hoàng mô tả việc Chúa Giêsu biến hình. Và đặc biệt trong ngày Lễ Chúa biến hình (còn gọi là lễ Hiển Dung) bắt đầu ngày 6 tháng 8, thì bức tranh được chiếu sáng rạng rỡ bởi tia nắng phản chiếu từ một tấm gương đặt ở sàn nhà thờ. (TST Tourist)
Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay tường thuật Đức Giêsu hiển dung trước ba môn đệ thân tín Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Lên núi thoát tục
Sáu ngày sau khi Đức Giêsu loan báo lần đầu cuộc khổ nạn, ông Phêrô đã phản ứng theo bản năng, vô tình vấp phạm nặng nề. Dẫu vậy, Người nhân từ tha thứ và sửa dạy, còn dẫn các ông lên núi, củng cố lòng tin vững chãi, niềm hy vọng thánh thiện.
Lên núi yên tịnh, vắng vẻ, xa chốn phồn hoa ảo ảnh, thoát khỏi thế gian dối trá, bịp bợm, tham sân si, xa rời người thân yêu, bạn hữu, tách khỏi cái bả chức tước danh vọng. Lên núi, cảm thấy mình chỉ là sinh vật nhỏ nhoi, yếu đuối, đơn côi giữa trời đất bao la, cũng như nhìn thấy công trình con người dù lớn lao, đều trở nên bé nhỏ giữa tuyệt tác thiên nhiên hùng vĩ, kỳ diệu do Thiên Chúa tạo nên. Nhờ ý thức thế, con người dễ từ bỏ, tránh xa hấp lực thế gian.
Lên núi theo Chúa là thay đổi, sám hối, lột xác, canh tân, như thánh Phaolô đã hết sức khẩn khoản mời gọi tín hữu: “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xưa kia, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc.” (Ep, 4, 22) Từ bỏ con người cũ là tránh xa, dứt bỏ lối sống theo xác thịt tội lỗi xấu xa: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống vậy.” (Gl 5, 19-21)
Lên núi được biến đổi
Lên núi được nghe Lời Chúa phán dạy, cảm hoá và thánh hoá, thì tâm hồn tín hữu cũng được biến đổi, trở nên rạng ngời từ trong ra đến ngoài, như Đức Giêsu đã hiển thị thiên tính của Người,“mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết.”
Dẫu phàm nhân luôn thiếu sót, lầm lỗi, vấp phạm, nhưng tình yêu Chúa luôn có thể hoán cải, canh tân, đổi mới tâm hồn những ai trung kiên lên núi với Người, như thánh Phaolô chân thành xác nhận tình yêu Chúa đối với nhân loại: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.” (Pl 3, 21)
Lên núi còn có nghĩa hoàn toàn rũ bỏ những ảo ảnh thế gian thấp hèn, để Đức Chúa Thánh Thần khai sáng, canh tân toàn diện. “Hãy để Thần khí canh tân đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã được dựng nên tạo theo Thiên Chúa, trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật.” (Ep 4, 23-24)
Một khi ăn năn, sám hối, đổi mới, dấn thân theo Chúa lên núi, thì “tất cả chúng ta, mặt không che màn (tội lỗi), chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí. “(2 Cr 3, 16 & 18)
Lên núi hạnh ngộ
"Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia." Thánh Luca còn cẩn thận ghi tâm trạng: “Ông Phêrô không biết mình đang nói gì.” Làm sao có thể giữ kín nổi niềm vui tràn trề, niềm hạnh phúc trọn vẹn, niềm sung mãn chứa chan, khi được sống bên Chúa toàn năng? Ông Phêrô không bao giờ quên được giây phút đại phúc, chiêm ngưỡng vinh quang tột cùng của Đức Giêsu.
Chỉ có bên Chúa, mới có bình an, niềm vui, hạnh phúc vững bền. “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che : tôi chẳng hề nao núng.” (Tv 62, 2-3)
Trong thư gửi “những khách lữ hành” Thánh Phêrô ân cần nhắc lại niềm hạnh phúc vô biên, một đặc ân.“Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người… Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán ra khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2Pr 1, 16-18)
“Con đừng lấy làm lạ, lúc theo Chúa, con nghe tiếng gọi của khoái lạc, của danh vọng, của cả bản thân, cha mẹ, quyến rũ con bỏ đường Chúa. Cứ tiến lên, Chúa đã nói trước: "Ai cầm cày còn ngoảnh mặt lui, không đáng làm môn đệ Ta." (Đường Hy Vọng số 71)
Lạy Chúa Giêsu, sau khi hiển dung sáng láng rạng ngời, Chúa dẫn các môn đệ xuống núi. Xin Chúa thương dẵn dắt chúng con xuống núi, cùng đồng hành vác thánh giá, chịu khổ nạn với Người, hầu chúng con xứng đáng được ơn cứu rỗi.
Kính xin Mẹ Maria cầu bầu chúng con luôn đi theo Chúa cho trọn, đừng dở dang, sa chước cám dỗ, mà lìa xa Chúa. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0