Uncategorized

Tản Mản Xuân Đinh Dậu 2017

Ông bà ta xưa kia thường dạy con cháu rằng:

Ông bà ta xưa kia thường dạy con cháu rằng:

  Có một nơi để về, đó là nhà.
  Có những người để yêu thương, đó là gia đình.
  Có được cả hai, đó là hạnh phúc.

Hạnh phúc có lẽ là nền tản cho Tết cổ truyền Việt Nam từ bao đời như mang đậm nét gia đình, quê hương và là biểu tượng của hạnh phúc mà ai cũng muốn mưu cầu tìm kiếm. Người Việt Nam quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng 2 tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn… thật chu đáo cho ngày Tết tống tiễn năm cũ để đón năm mới.

  Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
  Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…

Ngoài ra, tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem lại điềm gở trong nhà cũng bị vứt bỏ, mua mới hay làm lại (Có lẽ tục lệ này cũng tốt vì như thế có thể dọn dẹp nhà cửa, bỏ bớt các đồ hư, không xài…) 

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), là ngày mà người Việt gọi cúng ông Táo (Táo quân). Rồi theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở. Cây nêu thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ được coi là để dọa ma quỷ như: tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa.

Trước ngày Tết, người Việt cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh giầy còn ở miền nam thì loại bánh phổ biến là bánh tét và các món ăn thịnh soạn để dâng lên ông bà tổ tiên.

Bôn ba cả năm, cuối năm Tết đến, các công ty, xí nghiệp, thợ thuyền, con buôn, hay người lao động… tạm ngưng tất cả công việc vào các ngày khác nhau mà quay về nhà để vui chung không khí gia đình đoàn tụ những ngày năm hết, Tết đến.

         Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
         Xao xác gà trưa gáy não nùng,
         Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
         Chập chờn sống lại những ngày không. (Lưu Trọng Lư)

Năm nay, thiên can là Đinh, địa chi là Dậu nên năm mới là năm Đinh Dậu, năm con gà. Con Gà là loại gia cầm sống gần gũi với con người đã từ lâu, ở miền quê thôn dã con gà là chiếc đồng hồ báo thức tuyệt vời, bà con nông dân cứ nghe tiếng gà gáy sáng là biết giờ giấc để ra đồng cày cấy.

Gà trong ca dao tục ngữ Việt, con gà tượng trưng cho tình đoàn kết tương thân tương ái trong gia đình:

  “Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
  gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Buồn thay ngày nay, đồng tiền là căn nguyên cho mọi sự xâu xé, đấu đá giữa cha, mẹ, con, cái, và anh,chị em.

Con gà còn là loại thú tiêu khiển vùng quê trong đó có môn đá gà, bà con, bạn bè rủ rê nhau đến khu đất trống trải cho gà bắt cặp đá với nhau, hơn thua nhau và qua chai rượu, dĩa mồi, chủ yếu là mua vui. Con gà cũng là đầu câu chuyện trong các món mồi nhậu của các đức lang quân: “Nhất phao câu, nhì đầu, cánh…”

Gà…thì cũng có các loại khác nhau, gà đi bộ, gà đứng yên, gà móng đỏ, gà chạy xe tay ga, ga chạy xe hơi…gà đứng, gà đi thì cũng là các món ngon không thể thiếu của các bà nội trợ để lo cho mâm cơm gia đình thêm thơm ngon như : Gà kho gừng, gà hầm, gà luộc, gà nướng, gà ăn mày, gà sa tế, gà hầm tương, gà xào, gà quí phí, gà Hải Nam…Riêng gà móng đỏ và gà biết chạy xe thì hơi mệt cho các chị nhà; vì loại gà này không biết liêm sĩ là gì chuyên đi chài, đi câu các anh chồng, các quan tham, các đại gia hám của lạ, lại dư tiền, trửng mỡ…Loại này cướp chồng, phá gia can người ta không thương tiếc mà không biết thẹn là gì nên nhà nhà phải coi chừng không khéo năm nay gà móng đỏ dắt mất chồng mình

Xin quay trở lại các phong tục ngày Tết mà tôi muốn nhắc đến là các phong tục như: đón Giao Thừa, xông đất, xuất hành, hái lộc, chúc Tết, thăm viếng nhau, mừng tuổi…

Giao thừa: là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (Âm lịch). Trong thời khắc giao thừa mọi người trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường bắn pháo hoa ở những địa điểm rộng rãi, thoáng mát. Cúng Giao thừa là lễ cúng cổ truyền để đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Xông đất: Nhiều người quan niệm ngày Mồng Một rất quan trọng cho một năm mới. Họ cho rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Vì thế mà có cách chọn tuổi xông đất:

Tuổi Giáp hạp với Kỷ mà kỵ với Canh – Mậu.
Tuổi Ất hạp với Canh mà kỵ với Tân – Kỷ.
Tuổi Bính hạp với Tân mà kỵ với Nhâm – Canh.
Tuổi Đinh hạp với Nhâm mà kỵ với Quý – Tân.
Tuổi Mậu hạp với Quý mà kỵ với Giáp – Nhâm.
Tuổi Kỷ hạp với Giáp mà kỵ với Ất – Quý.
Tuổi Canh hạp với Ất mà kỵ với Bính – Giáp.
Tuổi Tân hạp với Bính mà kỵ với Đinh – Ất.
Tuổi Nhâm hạp với Đinh mà kỵ với Mậu – Bính.
Tuổi Quý hạp với Mậu mà kỵ với Kỷ – Đinh.

Xuất hành: khi lo xong giao thừa là thời khắc xuất hành, chính là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên của năm mới để đi tìm may mắn cho bản thân và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn giữ nguyên lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.

Thăm viếng nhau và chúc Tết: Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng, nhà hương hỏa để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên như là niềm tự hào hạnh phúc của cả gia đình, cả họ, cả tộc…

Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy

 
hay :

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy

Năm vừa qua với quá nhiều biến cố, chiến tranh , thiên tai , nhiều thảm họa xảy ra trên toàn cầu, riêng Việt Nam là năm thảm hại và thảm bại vì vẫn còn chế độ độc tài, Đảng và dòng họ trị…mong rằng Năm Đinh Dậu hòa bình cho tất cả các quốc gia đang chiến tranh, thế giới cùng nhau hợp tác làm ăn nâng cao đời sống, biết chia cơm sẻ áo mọi người dân nhất là những người khốn khó hơn mình, Con dân nược Việt biết tự lực tự cường, tự do dân chủ…Giai thoại về gà còn nhiều lắm, nhưng không khí rộn ràng của mùa xuân đã mấp mé bên thềm, mọi người còn phải lo sắm tết trang hoàng nhà cửa để đón xuân trở về nên tôi xin dừng lại ở đây và xin chúc mọi người :

  Đinh Dậu vừa sang
  Hạnh phúc mênh mang
  Ý chí vững vàng
  Niềm vui rộn ràng
  Tiền bạc lai láng
  Sức khỏe cường tráng
  Cả nhà cười vang
  Chúc mừng năm mới !!!

California, Xuân Đinh Dậu 2017

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.