Uncategorized

Chân dung ngôn sứ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung và ngài khích lệ giới trẻ trở thành chứng nhân về lòng thương xót của Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung và ngài khích lệ giới trẻ trở thành chứng nhân về lòng thương xót của Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 13-10-2016, dành cho đoàn 1 ngàn người gồm các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther từ miền Đông Đức, quê hương của Luther về Roma hành hương trong 1 tuần lễ nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.                                                 

Cuộc hành hương mang tựa đề ”Với Luther đến gặp ĐGH”. Đây là một dự án đại kết lớn nhất trong khuôn khổ năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. 50% những người trẻ tham dự đoàn hành hương này dưới 30 tuổi.                               

Đồng hành với họ về phía Công Giáo có Đức Cha Gerhard Feige, GM giáo phận Magdeburg, và về phía Tin Lành Luther có nữ GM Ilse Junkermann.                                       

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ”dâng lời cảm tạ Chúa vì ngày nay các tín hữu Luther và Công Giáo đang tiến bước trên con đường từ xung đột đến hiệp thông. Chúng ta đã cùng nhau đi qua một đoạn đường quan trọng. Dọc đường chúng ta cảm thấy những tâm tình trái ngược: đau khổ vì còn chia rẽ giữa chúng ta, nhưng vui mừng vì tình huynh đệ đã tìm lại được.”

ĐTC nhắc đến Giáo huấn của Thánh Phaolô Tông đồ, theo đó ”do bí tích rửa tội, tất cả chúng ta họp thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô. Các chi thể khác nhau họp thành một thân mình duy nhất, vì thế chúng ta thuôc về nhau và khi một chi thể đau khổ, thì tất cả cùng đau khổ, khi một chi thể vui mừng thì tất cả đều vui mừng (1Cr 12, 12-26).

Chúng ta có thể tiến bước trong tin tưởng trên con đường đại kết, vì chúng ta biết rằng ngoài những vấn đề còn bỏ ngỏ chia rẽ chúng ta, chúng ta đã hiệp nhất với nhau. Điều liên kết chúng ta thì nhiều hơn là những điều chia rẽ chúng ta.” (G. Trần Đức Anh. ĐTC kêu gọi Công Giáo & Luther làm chứng tá chung, Radio Vatican)

Trong tinh thần đại kết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết kêu gọi tất cả tín hữu Kitô giáo trên hoàn cầu, nhất là giới trẻ, hăng hái làm chứng nhân Lòng Thương Xót. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh sử Gioan đã phác hoạ thật sắc sảo chân dung ngôn sứ Gioan Tiền Hô qua ba nét chính: Khiêm hạ, phục vụ và chứng tá.

Khiêm hạ

“Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.” Ngôn sứ Gioan khiêm tốn công khai vai trò “tiền hô,” sẵn sàng dọn đường Chúa ngự đến. Ngài minh định rõ ràng vị thế thấp kém trước Đấng Cứu Thế cao sang, uy lực. Thậm chí ngài còn tự nhận “không xứng đáng cởi dây giày cho Người." (Ga 1, 27)

Không chỉ ý thức thân phận hèn mọn, ngôn sứ Gioan còn quyết tâm dồn tất cả khả năng, nỗ lực làm sáng danh Đức Giêsu với danh ngôn tuyệt diệu, xứng đáng muôn đời làm kim chỉ nam cho tất cả Kitô hữu:“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Không lợi dụng chức vụ được trao phó, không kiêu hãnh, không quan trọng hoá chức năng, địa vị, cũng chẳng tơ tưởng cậy quyền, ỷ thế gần gũi Đức Giêsu, hầu vụ lợi tinh thần hay vật chất.

Khi Đức Giêsu từ Galilê đến sông Jordan, xin ông Gioan làm phép rửa. Nhưng ngài một mực can Người: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. (Mt 3, 13-15) Vâng lời trọng hơn của lễ là như thế.

Phục vụ

“Và tôi, tôi đã không biết Ngài,”ngôn sứ Gioan thực sự chẳng hề giấu diếm trình độ kém cỏi, hiểu biết hạn hẹp, nhận thức khiếm khuyết về Con Người vĩ đại đến sau. Đơn giản, Ngài chỉ được mạc khải một dấu chỉ duy nhất, để nhận ra Đấng Cứu Thế và giới thiệu rộng rãi cho muôn dân. “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.”

Hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, Ngôn sứ Gioan đã chẳng hề ngần ngại công khai hoá ý nghĩa công việc, mà ngài đang phục vụ đắc lực cho công cuộc cứu độ của Đức Giêsu.“Nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước."

Ngôn sứ Gioan không chỉ chuyên làm phép rửa thống hối, mà còn đanh thép lớn tiếng cảnh báo thói giả hình với nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Sađốc: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”(Mt 3, 7- 8)

Chứng tá

Một khi đã được soi sáng để nhận diện Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai là ai, ngôn sứ Gioan hoan hỉ, sốt sắng, trân trọng giới thiệu Người cho các môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1, 29)

“Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa." Ngôn sứ không những làm chứng nhân cho Đấng Cứu Thế bằng lời nói, giảng dạy, khuyên nhủ, mà còn bằng chính mạng sống của mình. Cuộc đời của ngôn sứ Gioan kết thúc bằng hình phạt xử trảm trong chốn lao tù, vì ngài can đảm bênh vực cho công lý, đạo lý và sự thật, dám lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê không được loạn luân, lấy bà chị dâu Hêrôđiađê làm vợ. (Mt 14, 3-12)

“Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn đều là dại trước mặt người đời, nhưng cao trọng trước mặt Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật.” (Đường Hy Vọng, số 110)

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con noi gương ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, trở nên muối men, ánh sáng, sống khiêm hạ, vâng phục, dấn thân phục vụ và làm chứng tá cho người đời nhận biết Chúa.

Khấn xin Mẹ Maria, an ủi che chở chúng con đang chịu đau khổ, gian nan, thử thách, trên cuộc lữ hành theo Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con trung kiên bền đỗ đến cùng, như thánh Gioan Tiền Hô. Amen.

AM. Trần Bình An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.