Sao chổi Halley, tên được đặt chính thức là 1P/Halley một sao chổi được đặt tên theo nhà thiên văn học người Anh Edmund Halley, có thể nhìn thấy cứ mỗi 75 đến 76 năm.
Theo ghi chép thì những người đầu tiên phát hiện thấy sao chổi Halley là hai nhà thiên văn học người Trung Quốc, họ đã phát hiện thấy dấu hiệu của một ngôi sao di chuyển với tốc độ rất lớn vào năm 239 trước Công nguyên. Sao chổi Halley cũng là sao chổi đầu tiên được phát hiện trong lịch sử thiên văn.
Khi sao chổi Halley trở lại vào năm 164 tCN và 87 tCN, có lẽ nó được lưu ý trong các ghi ghép của người Babylon, nay được lưu trữ tại Bảo tàng Anh quốc ở London. Lần xuất hiện nổi tiếng nhất của Halley xảy ra không bao lâu trước cuộc xâm chiếm nước Anh năm 1066 của đội quân William. Người ta nói rằng Wiliam đã cảm thấy ngôi sao chổi báo trước sự thành công của ông. Dù sao thì sao chổi ấy đã được đưa vào Thảm thêu Bayeux để tôn vinh William.
Một lần xuất hiện khác của sao chổi Halley vào năm 1301, có lẽ đã truyền cảm hứng cho họa sĩ người Italy Giotto di Bondone vẽ bức tranh ngôi sao Bêlem trong “Ba đạo sĩ chiêm bái Chúa” theo từ điển Bách Khoa Britannica.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn trong những thời đại này mỗi người xem sao chổi Halley là một sự kiện riêng. Các sao chổi thường được xem là điềm báo thảm họa hoặc biến cố.
Ngay cả khi Shakespeare viết vở kịch "Julius Caesar" vào khoảng năm 1600, đã viết rằng, các sao chổi là điềm báo: "Khi những kẻ ăn mày chết gục, không có sao chổi nào xuất hiện cả; chính bầu trời báo hiệu sự ra đi của hoàng tử."
Edmond Halley xuất bản cuốn "Toát yếu Thiên văn học Sao chổi" vào năm 1705, lập danh mục những gì ông tìm thấy từ việc nghiên cứu số liệu lịch sử 24 sao chổi, xuất hiện gần Trái đất từ năm 1337 đến 1698. Ba trong số những quan sát này dường như rất giống nhau về quỹ đạo và những thông số khác, khiến Halley đề xuất rằng, đó chính là một sao chổi đến viếng Trái đất nhiều lần.
Sao chổi đó xuất hiện vào năm 1531, 1607 và 1682. Halley nêu ý kiến rằng chính sao chổi đó có thể trở lại Trái đất vào năm 1758. Ông đã không sống đủ lâu, để chứng kiến sự trở lại của nó. Ông qua đời vào năm 1742, nhưng khám phá của ông đã truyền cảm hứng cho những người khác lấy tên của ông đặt cho sao chổi đó. Lần gần đây nhất nó xuất hiện là vào năm 1986 và dự đoán nó sẽ trở lại vào năm 2061. (ngaynayngayxua, Trước công nguyên phát hiện sao chổi Halley nổi tiếng)
Dẫu khoa thiên văn chưa khẳng định sao chổi Halley là ngôi sao Bêlem, nhưng biết đâu đó chính là ánh sao đã dẫn dắt ba vị Đạo sĩ đến chiêm bái Hài Nhi Giêsu, như danh hoạ Giotto di Bondone đã cảm hứng vẽ bức tranh “Ba đạo sĩ chiêm bái Chúa.” Tin Mừng Matthêu hôm nay thuật lại ba Đạo sĩ theo ánh sao lạ, tìm đến chiêm bái Hài Nhi. Đến Giêrusalem thì ngôi sao biến mất, các vị vào nhờ nhà vua Herôđê chỉ giúp. Sau khi đến bái lạy Hài Nhi, ba vị Đạo sĩ được báo mộng về lối khác tránh vị hôn quân khát máu.
Ánh sao dấu chỉ
Ngôi sao lạ là dấu chỉ cho ba Đạo sĩ khao khát tìm Chúa Cứu Thế. Tuy sáng vằng vặc giữa trời đêm, nhưng chỉ những ai thành tâm, thiện chí, mới nhìn thấy, mới có thể thấu hiểu được đó là dấu chỉ vĩ đại “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa Ở Giữa nhân loại.”
Dưới thiên hình vạn trạng, dấu chỉ có thể là hiện tượng thiên nhiên như ngôi sao lạ, động đất, sóng thần, có thể tin vui, tin buồn, có thể tình huống, hoàn cảnh éo le, khó khăn, thành công, thuận lợi, hay thất bại, trớ trêu. Dấu chỉ cũng có thể là chính thái độ của tha nhân gần gũi, hay xa lạ. Tất cả đều có thể là điều Chúa muốn gửi đến, nhắn nhủ, cảnh báo, hay hướng dẫn những ai thiện tâm, tích cực hướng thượng. Biết nhìn lên, thoát khỏi những phù phiếm thế gian, để tận tình tìm hiểu Thánh Ý Chúa chỉ dạy.
“Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi.” (Mt 16, 3) Thiếu thiện chí tìm sự thật, thì làm sao thấu hiểu được công trình cứu độ của Đấng Thiên Sai? Làm sao nhận được Thánh Ý Chúa lặng lẽ gửi đến qua dấu chỉ?
Ánh sao rực rỡ
“Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở.” Dấu chỉ này chứng tỏ cho mọi người, tất nhiên cả dân ngoại, nhận biết rằng, Hài Nhi là Ngôi Sao cực kỳ rực rỡ vô song, muốn tỏ mình cho mọi người. Người không phải là một đại minh tinh hay một super star nhất thời, mau chìm vào lãng quên như dàn sao Hollywood lẫy lừng.
Ngôi sao Hài Nhi âm thầm, lặng lễ giáng thế, chẳng cần truyền thông loan tải ầm ĩ, chẳng cần chiêng trống rềnh rang. Chỉ có các ngôn sứ tiên báo và bấy giờ chỉ có thiên thần hân hoan ngợi ca trên trời. Dẫu vậy, riêng những tâm hồn bé mọn, chân chất, đơn sơ, như các mục đồng, thành tín, chân thật, cung kính, như ba Đạo sĩ, mới được mời gọi đến chiêm bái Hài Nhi, trong khi thiên hạ đều dửng dưng, hờ hững chẳng đoái hoài đến Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1, 11)
Ánh sao dẫn đường
Sau khi vâng lời thiên thần báo tin, các mục đồng vội vã lên đường đến bái lạy, chiêm ngưỡng Hài Nhi.“Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.” (Lc 2, 17-18) Ba Đạo sĩ sau khi bái lạy và dâng lễ vật cho Hài Nhi, nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình. Hẳn nhiên, họ không đem Tin Mừng đến cho vua Hêrôđê bất chính, bất nhân, mà đem đến những ai thành tâm muốn tìm đến Hài Nhi.
Như thế các mục đồng và ba Đạo sĩ đều trở nên những ánh sao nhỏ, Tuy chỉ sáng lung linh, nhưng cũng có thể dẫn đường cho những ai ao ước, yêu mến chân lý, sự thật và sự sống viên mãn.
“Mất để được, chết để sống, từ để gặp. Ba Đạo sĩ liều hiểm nguy, chế nhạo; Phanxicô liều xa cha mẹ, mất của cải, thú vui, Goretti liều mạng sống.” (Đường Hy Vọng, số 8)
Lạy Chúa Hài Đồng, xin soi sáng dẫn đường chúng con luôn tìm thấy Chúa, nguồn ánh sáng cứu độ, cho chúng con luôn gặp Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, để canh tân chúng con, biến cải chúng con thành ngôi sáng đến với tha nhân.
Kính xin mẹ Maria, Ngôi Sao sáng giữa đêm đen thế gian, xin luôn chỉ đường cho chúng con tìm thấy Chúa, cho chúng con khỏi lạc bước, xa Chúa. Kính xin Mẹ gìn giữ chúng con luôn mãi trong tình yêu của Chúa. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0