Uncategorized

Thấy gì, nghĩ gì qua thành phần đại diện Công Giáo tại Hội Nghị các tôn giáo với TT Nguyễn Xuân Phúc?

Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hôm 20-12-2016 cho hay: “HĐGMVN nhận được thư của Ban Tôn Giáo Chính phủ ký ngày 09-12-2016 mời đại diện HĐGM đến dự “Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc cấp cao của các tổ chức tôn giáo. Hội nghị được tổ chức vào ngày 19-12-2016, tại Hội trường Thống Nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh…”

Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hôm 20-12-2016 cho hay: “HĐGMVN nhận được thư của Ban Tôn Giáo Chính phủ ký ngày 09-12-2016 mời đại diện HĐGM đến dự “Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với chức sắc cấp cao của các tổ chức tôn giáo. Hội nghị được tổ chức vào ngày 19-12-2016, tại Hội trường Thống Nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh…”

Về thành phần phái đoàn Công giáo tham dự Hội nghị, vẫn theo bản tin trên, gồm có: “Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm Tổng Thư ký HĐGM thay mặt Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM, không thể có mặt vì công tác mục vụ. Cùng tham dự với vị TTK/HĐGM còn có Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục TGP. TP.HCM, và Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục giáo phận Xuân Lộc.

Một sự chọn lựa “tốt đời, đẹp đạo”

Qua tên tuổi, chức danh và thành tích ba vị đại diện cho HĐGMVN tham dự Hội nghị các tôn giáo do ông Thủ tướng có hỗn danh “TT ma-dê” triệu tập, dù người khó tính nhất cũng phải nhìn nhận là tương thích.

* Trước hết vị Giám mục TTK/HĐGM Nguyễn Văn Khảm vốn xuất thân là một Lm thông thái, khôn ngoan, nổi danh về tài hùng biện từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Những bài giảng thuyết của ông trước thời gian đi du học ở Hoa Kỳ năm 2001 cũng như trước khi được phong làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn năm 2008, tưởng như những mũi gai nhọn cắm sâu vào tim gan chế độ ngay tại nhà thờ chính tòa Sài Gòn. Nhờ thế đã tạo được niềm tin nơi khá nhiều giáo dân đạo đức có tinh thần quốc gia thuở ấy. Không chỉ ở quốc nội mà còn lan tỏa tới tập thể CG tị nạn ở nước ngoài.

Tuy vậy, vẫn có một số giáo sĩ và không ít tín hữu cẩn trọng đủ để nêu lên câu hỏi: vào lúc chế độ đang tạo sức ép mạnh mẽ trên các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo – cách riêng Công Giáo -, (đến nỗi cả những khuôn mặt một thời bị chủ thuyết Mác-xít mê hoặc như Lm Chân Tín, giáo sư Nguyễn Ngọc Lan cũng bị lọt vào tầm nhắm của an ninh nhà nước), vậy mà tại sao lại nảy ra một Lm trẻ dám công khai chỉ trích chế độ ngay giữa lòng thủ đô miền Nam mà Bộ công an vẫn để yên, không hề hấn gì?

Từ giai đoạn hoài nghi đặt câu hỏi, dư luận đồng bào Công giáo trong và ngoài nước bắt đầu để tâm tìm hiểu. Cuối cùng người ta vỡ lẽ: ông là “con cưng”[1] của một giáo sĩ đầy quyền uy trong đạo ngoài đời mà đến cả Đức TGM Sài Gòn Nguyễn Văn Bình khi ấy cũng phãi nể sợ do thái độ “vị thần mà phải nể cây đa”. Đó là Lm Huỳnh Công Minh[2] người nắm giữ chức vụ Tổng Đại Diện TGP Sài Gòn trong mấy chục năm (qua hai nhiệm kỳ TGM của Đức cố Tổng Gm Nguyễn Văn Bình và Đức Tổng Gm HY Phạm Minh Mẫn) kiêm Cha Sở Nhà Thờ Đức Bà. Chính Lm Minh đã cất nhắc Lm Nguyễn Văn Khảm về làm cha phó cho mình tại ngôi Thánh đường danh tiếng này. Phát giác kể trên đã khiến nhiều người tin rằng trong đường dài, CS đã có kế hoạch cài cắm người của họ vào các tu viện[3] ngay từ giai đoạn tuyển sinh (không chỉ ở miền bắc mà cả ở miền nam trước 75 trong những năm tháng hỗn loạn, bị cộng sản xâm nhập nhiều). Với kế sách nham hiểm này, họ còn  chuẩn bị cho những ứng viên được cài vào sau khi lãnh chức Linh mục có cơ hội “trèo cao lặn sâu” vào hệ thống cầm quyền trong GHCGVN.

* Về TGM Bùi Văn Đọc người tín hữu Công Giáo trong và ngoài nước đã có quá nhiều bằng chứng cụ thể về lập trường chao đảo của đương sự. Thứ nhất: trong bài giảng tại nhà thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Rôm năm 2007, chỉ vì mục tiêu biện minh cho sự im lặng của bản thân trước những vấn nạn của GH quê nhà đã khiến ông cam tâm cắt xén cả Lời Chúa. Thứ hai: ông đã nhắm mắt làm ngơ trước sự kiện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị chế độ toan tính xua đuổi suốt thời gian qua. Thứ ba: ông nhân danh Chủ tịch HĐGM ra thông báo hôm 30-4 khuyên giáo dân không nên phản ứng mạnh trong vụ Formosa phá hoại môi trường biển. Thứ tư: ông ký chung văn thư với Chủ tịch UBND thành phố Sài Gòn Đinh La Thăng, hô hào giáo dân tiếp tay Công an nói là để giữ gìn trật tự giao thông công cộng. Trong khi ấy hẳn ông thừa biết CA lưu thông từng bị người dân lên án là bọn cướp ngày, chuyên nghề chặn đường để “mãi lộ” kiếm ăn.

* Trường hợp Đức cha Đinh Đức Đạo, có lẽ vì sống quá lâu ở hải ngoại nên khi được tấn phong Giám mục và được cử về Giáo phận Xuân Lộc ông không hiểu được hoàn cảnh GH trước tình hình đất nước, do đó đã tỏ ra thiếu thận trọng khi tiếp xúc với nhà cầm quyền cộng sản, đưa tới những ngộ nhận đáng tiếc. Nương theo một số Giám mục khác như Gm Nguyễn Chu Trinh, Vũ Đức Minh, Bùi Văn Đọc, Đức cha Đạo đã bị sa đà vào mạng lưới ma mị do chế độ giăng ra qua những giáo dân bất xứng mà điển hình nhất là một nhân vật mang danh Hiệp Sĩ Tòa Thánh từng làm mưa làm gió trong Giáo hội Công Giáo quê nhà những năm gần đây[4]. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử cái gọi là Quốc hội CSVN vừa qua, ông đã mắc một sai lầm đáng tiếc. Dù sống xa đất nước, với sự tiến bộ của tin học gần đây, ông phải biết điều gọi là “đảng cử dân bầu” trên đất nước ta từ nhiều thập niên qua là gì? Chưa kể trường hợp hàng trăm trí thức, ký giả, nghệ sĩ ngoài đảng tự lập hồ sơ ứng cử dịp này đã bị đảng và nhà nước đối xử độc tài phi dân chủ, bị gạt khỏi danh sách ứng cử ra sao? Ấy vậy mà ông lại khơi khơi gửi thư chung kêu gọi giáo dân “tích cực đi bỏ phiếu” nói là để chọn “người tài đức” (!?)” vào tòa nhà Quốc hội!

Vài hàng sơ lược về nhân thân và thành tích của ba vị đại diện cao cấp trong HĐGMVN tại Hội nghị với các chức sắc tôn giáo do người cầm đầu ngành hành pháp CSVN triệu tập, giúp dư luận hiểu được vì sao từ đầu đến cuối diễn từ nói trước Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc đã hết lời ca ngợi “Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua…” đồng thời công khai ghi nhận “thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động.”

Nội dung bài phát biểu của Gm Nguyễn Văn Khảm

Sau đây, chúng ta thử duyệt qua bài phát biểu của Đức cha Nguyễn Văn Khảm, TTK HĐGMVN tại Hội nghị được post nguyên văn trên trang mạng HĐGM.

Bài phát biểu đếm được vỏn vẹn khoảng trên 800 từ bao gồm cả hai phần thủ tục chào kính, cám ơn và kết thúc.

Nội dung có 4 điểm tích cực.
1.- “Vui mừng thấy cuộc gặp gỡ lần thứ sáu của Nhóm hỗn hợp Việt Nam và Toà Thánh Vatican đã diễn ra cách tốt đẹp”.
2.- “Vui mừng khi nhìn thấy hình ảnh Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm Đức giáo hoàng Phanxicô ngày 24-11-2016. Hi vọng những cuộc gặp gỡ và viếng thăm này sẽ củng cố và làm tiền đề cho những bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican”.
3.- “Rất vui vì Chính quyền chấp thuận việc thành lập Học viện Công giáo Việt Nam, qua đó phản ánh mối quan tâm của Nhà nước trước những nhu cầu của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”.
4.- “Những tín hiệu vui cũng thấy được từ Luật tín ngưỡng, tôn giáo, được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018”.

Bên cạnh 4 điểm tích cực kể trên, theo nhận định của GM TTK HĐGM cũng có vài điểm tiêu cực sau đây:
1.- “Ngay trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật này quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất. Hơn nữa, còn có thể nói bộ luật này có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây, ví dụ về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội (x. Dự thảo 5).”
2.- “Đã có những căng thẳng giữa Chính quyền địa phương và một số cộng đoàn tín hữu Công giáo nơi này, nơi khác”.

Vài nhận định thoáng qua của người viết

Phải nói ngay rằng vị đại diện HĐGMVN đã khéo căn đo để có một bài phát biểu phải đạo, nhất thời tạm làm vừa lòng cả chủ lẫn khách. Chủ ở đây là ông Thủ tướng “ma-dê”. Và khách là những “nhĩ mục quan chiêm” từ bên ngoài quần chúng. Đối với cả những lời khen lẫn tiếng chê, cho dẫu khen nhiều hơn.

Tuy vậy cả trong hai khía cạnh tích cực và tiêu cực được Gm Khảm nêu ra đều có những góc cạnh phải xem xét lại.

* Về điểm tích cực thứ nhất cần được đối chiếu với 5 cuộc gặp gỡ trước đây của Nhóm hỗn hợp Việt Nam và Vatican, người ta mới thấy lời khen “đã diễn ra tốt đẹp” qua phát biểu về lần gặp gỡ thứ 6 này có giá trị đến mức nào? Cũng thế, điều Gm Khảm “vui mừng thấy hình ảnh Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm Đức giáo hoàng Phanxicô ngày 24-11-2016” cũng phải nhìn lại những hành vi CA nhà nước đã gây ra cho người Công Giáo ở quốc nội ngay sau các cuộc hội kiến tương tự của các ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các vị giáo chủ GHCG hoàn vũ hồi trước ra sao mới hiểu được sự có mặt của ông Trần Đại Quang ở Vatican mới đây có đáng vui mừng thật không?

* Về điểm tích cực thứ ba liên quan tới sự kiện Hànội chấp thuận việc thành lập Học viện Công giáo Việt Nam không thể không nhớ lại những phản biện gay gắt của giới trí thức Công Giáo trong và ngoài nước khi tin này vừa được loan ra, mới có đủ dữ kiện để lượng giá niềm vui trong lời phát biểu vừa qua của vị Gm TTK HĐGM.

* Điểm tích cực cuối được GM Khảm coi như “những tín hiệu vui từ Luật tín ngưỡng, tôn giáo” vừa thông qua hôm 18-11 gói chung với điểm tiêu cực thứ nhất cũng trong đạo luật này do ông chỉ ra, cũng cần đối chiếu với nội dung bản kháng thư của Hội Đồng Liên Tôn có chữ ký của 27 chức sắc đại diện các tôn giáo gồm Cao đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Tin Lành công bố hôm 20-10-2016[5], bác bỏ hoàn toàn nội dung và tư cách một thứ nhà nước vô thần đứng ra soạn luật này.

Như thế, điều gọi là “những tín hiệu vui” do Gm TTK HĐGM “tìm thấy từ luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016” bắc lên bàn cân đạo lý và công lý nặng nhẹ ra sao thiết tưởng ai cũng đã rõ. Riêng vài chi tiết Gm Khảm phê phán luật tín ngưỡng và tôn giáo là “chưa được bộ luật này quan tâm và đáp ứng đúng mức”, là “có những bước thụt lùi so với những Dự thảo trước đây, ví dụ về việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào lĩnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội” người ta tự hỏi nó có thật sự phát xuất từ tâm của người phát biểu hay nó chỉ có giá trị tượng trưng cho có như một hành vi vuốt đuôi khi cả tháng trước đó, 27 đại diện của 5 tôn giáo lớn đã công khai bác bỏ và phủ nhận toàn bộ luật này? (Để thấy rõ vấn đề xin coi thú thích 5).

Lời cuối trước khi kết thúc

Như trong quá khứ, mỗi lần chẳng đặng đừng phải lên tiếng về những vấn đề không đẹp trong lòng Giáo hội Công giáo quê nhà, tôi không khỏi băn khoăn, thao thức. Khi phải đụng tới những vết thương – dù là thương tích thuộc về thể chất, tinh thần hay tâm linh- đều gây nên nỗi đau đớn!

Đối diện lương tâm người tín hữu Chúa Kitô, tôi luôn tự vấn: liệu những lời nói thẳng, nói thật của tôi có trở nên cớ vấp phạm cho anh chị em tôi không? Điều này suy cho đến cùng chỉ có Chúa biết. Riêng tôi, tôi xác tín những gì tôi nghĩ, nói và viết ra đều xuất phát từ lòng tin, sau khi đã cẩn trọng cân nhắc giữa cái hại, cái lợi, cái gì nặng hơn?

Lần này cũng không khác. Nhất là bài viết được cưu mang, kết thúc trong Đêm Cực Thánh ghi dấu hơn hai ngàn năm trước Thiên Chúa Hài Đồng sinh xuống làm người.

Tới dòng chót bài viết chúng tôi nhận được bản tin thời sự liên quan sau đây:

Bà Trần Thị Hồng, vợ MS Nguyễn Công Chánh (tù nhân tôn giáo đang thọ án 11 năm) vừa cho đài VOA hay tin GH Tin Lành Lutheran Việt Nam bị Hànội cấm không cho tổ chức lễ Giáng Sinh. Hôm 22/12 một thầy truyền đạo dân tộc thuộc giáo hội này bị đánh vì phản đối lệnh cấm. Ngoài ra từ hôm 15/12 cho đến những ngày áp lễ Giáng Sinh 2016, nhiều anh em đồng đạo trong Giáo Hội Tin Lành Lutheran Việt Nam Hoa Kỳ ngày nào cũng bị công an tỉnh bắt lên khảo tra, cấm không cho hành đạo! Trong khi ấy, một clip video phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội những ngày này, người ta được thấy tận mắt một nhóm công an thường phục đe dọa trục xuất Ðức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa vì lý do ngài đi dâng lễ Giáng Sinh cho bà con dân tộc H’Mông tại xã Suối Bau huyện Phù Yên, Sơn La, dù trước đó đã thông báo cho tỉnh và huyện. Sự kiện này xảy ra vào lúc 16 giờ 30′ ngày 22 tháng 12, 2016.
Tự hỏi: không rõ các vị đại diện HĐGMVN tham dự Hội nghị của ông TT với chức sắc cao cấp thuộc các tôn giáo hôm 19-12 đã coi clip video này chưa?
Nam California ngày 26-12-2016

_____
[1] “Con cưng” theo nghĩa được nâng đỡ đặt biệt do một nguyên nhân sâu kín nào đó, chứ không phải là con “thiêng liêng” trong hệ thống tu trì theo truyền thống Giáo hội.
[2] Sau năm 1975, Lm Huỳnh Công Minh được coi là người đứng đầu tứ trụ Minh-Cần-Từ-Bích (Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ. Vương Đình Bích) mà giáo dân gọi mỉa là nhóm “LM Quốc Doanh” trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn kết Công Giáo Yêu nước, hậu thân của Ủy Ban Liên lac Công giáo Yêu Hòa bình, Tổ quốc do CS dựng lên ở miền Bắc trước 75 nhằm chi phối sinh hoạt của Giáo hội. LMQD Huỳnh Công Minh ngay từ thời kỳ làm phó cho cha sở nhà thờ Tân Định là Lm Huỳnh Văn Nghi đã lén lút “nằm vùng” hoạt động cho phía bên kia và thường lấn lướt qua mặt Lm Chánh xứ đêm đêm đưa cán bộ vào sinh hoạt trong khuôn viên nhà xứ. Sau này với tư cách kiêm nhiệm chức Tổng Đại Diện bên cạnh các TGM Nguyễn Văn Bình, Phạm Minh Mẫn, nhờ thế nhà nước ông trở thành một nhân vật quyền uy ở địa vị này trong suốt mấy chục năm, một biệt lệ chưa từng có xưa nay trong GHVN.

Mời độc giả đọc đoạn hồi ký sau đây của cố GM Lê Đắc Trọng, GM phụ tá TGP Hànội thời Đức TGM NQK khi nhận định về UBĐKCG và riêng LMQD Tổng Đại Diện HCM thời Đức Tổng Bình:

“… Giáo Hội khổ nhiều vì nhóm đó trong nhiều năm, vì đó là công cụ để phá đạo, bách hại đạo, giống kiểu Julien Apostats: lấy đạo chống đạo, lấy người có đạo đập người có đạo, lấy con cái chống lại cha mẹ…. Người Công giáo chịu bao khốn khó, tù đầy cũng là do nhóm này… Cũng may là những linh mục hay giáo dân lãnh đạo được lựa chọn ở những thành phần không đạo đức, nên ít ai theo; nhưng họ lại có quyền của nhà nước, mà họ dốt nát, nên càng dữ tợn, người ta vừa sợ, vừa biết bộ mặt thật của họ. Vì thế, nó đã sắp tàn nếu không có miền Nam đến tiếp sức và hồi phục nó dưới nhãn hiệu mới “Ủy ban Đoàn kết”. Uỷ ban này có lãnh đạo trí thức (các linh mục bằng cấp), tìm được đất màu mỡ ở miền Nam và sống mạnh, nhờ vào việc thay đổi chiến thuật….” (HK toàn tập, Phần Hai – Giáo Hội CGVN Trước Cơn Bão Thời Đại, trang 260-261)

Đức cha xác tín: dù thay tên đổi họ thì bản chất của những tổ chức này vẫn chỉ là một thứ tay sai của chế độ. Vì thế ngài khẳng định:
“Forme có đổi, fond vẫn không thay đổi. Tuyên bố không tách khỏi Giáo hội, lại còn giúp in những sách đạo, phổ biến Phúc Âm giáo lý, giúp cho các cha các xứ được quyền lợi nọ kia, đạo được dễ dàng, nhưng thực tế vẫn là tách khỏi Giáo hội, vì họ làm mọi việc đó nhân danh họ, ngoài quyền bính chính thức của Giáo hội” (Trang 261).

Bàn sâu vào những hệ quả nguy hại mà các thành phần đi theo tổ chức phản đạo kia phải gánh chịu, kể cả giới lãnh đạo trong Giáo hội thân cận với nó, chuẩn nhận nó, dủ chỉ để lợi dụng cách này cách khác, thí dụ như để được giúp đỡ khi tiếp xúc với nhà nước, được in sách giáo lý v.v…, đức cha viết tiếp:
“… phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là mất tất cả (…) Kinh nghiệm xưa là thế, nay vẫn thế. Nay mọi cái mọi nơi đều thay đổi, chỉ con người có tinh thần ly khai, chống Giáo hội thì vẫn y nguyên. Một Đức Giám Mục nói về Tổng Đại Diện của mình đang thao túng mọi việc trong Giáo phận mà vị đó đã là và nay vẫn còn tinh thần patriot, Toà Thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Đức Giám Mục nói: “Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết, tức khắc ông ấy hết quyền”. Bi đát làm sao! Truyện thật 100%! Những ấn loát muốn được ra mắt, phải dán nhãn hiệu “Đoàn Kết”. Các tác phẩm mất giá một phần, bị nghi ngờ. Nay dưới nhãn hiệu “Xuất bản của Toà Tổng Giám Mục”.

Đức cha cay đắng kết luận: “Lãnh tụ đã vào ngự toà rồi!” (trang 261-262 hồi ký đã dẫn)
Thực tế lời ĐC Binh nói khi ngài chết ông Minh sẽ hết quyền đã không xảy ra, vì ông ta vẫn trụ lại với chức danh TĐD rất nhiều năm sau đó thời ĐC Mẫn. Điều này cho thấy uy thế của ông lớn ra sao! Điều này cũng gián tiếp chứng tỏ vị thế của người được ông cất nhắc.
[3] Đọc bài “Hai diện mạo một tấm lòng” (từ tấm gương can đảm của Đức TGM Nguyễn Kim Điền tới tâm sự rướm máu của người tín hữu giáo dân Nguyễn Văn Chất) trong tuyển tập “Ba mươi năm CGVN dưới chế độ CS 1975-2005” của nhiều tác giả do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân (HK) và PTGDVNHN cơ sở Đức quốc xuất bản và phát hành lần thứ nhất tháng 8 năm 2005 từ trang 605 đến trang 649.
[4] Đời sống luân lý của nhân vật này ra sao? Từ đấy đến nay y đã dùng quyền lực thế tục và tiền bạc ra sao để làm biến dạng khuôn mặt Thánh thiêng của Giáo hội Chúa trên đất nước ta? Những Đấng Bậc nào đã tô son điểm phấn cho đương sự để, từ một kẻ bất lương, công cụ của một nhà nước vô thần, trong sớm chiều danh tính của y tới Vatican để trong sớm chiều được khoác cho một tước hiệu cao quý mà bản thân y ngàn lần không xứng đáng? “Trăm dâu đổ đầu tằm!” Nếu biết được “xì-căng-đan” này kẻ ngoại đạo sẽ nghĩ gì về Tòa Thánh, về Đức GH Biển Đức? Dĩ nhiên, riêng với người tín hữu Công Giáo mọi người thừa biết những ai, những Đấng Bậc nào là thủ phạm gây nên nông nỗi?
[5] Tiếp theo 4 lý do cơ bản, trong phần kết luận, kháng thư ngày 20-10-16 của HĐLTVN kết luận:
“Chính vì thế, trong tư cách những lãnh đạo tinh thần đang đấu tranh cho tự do độc lập của Tôn giáo cũng như cho Nhân quyền và Dân quyền của Đồng bào, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ toàn văn và mọi điều khoản Luật Tín ngưỡng Tôn giáo mà đảng và nhà cầm quyền cộng sản sắp dùng công cụ Quốc hội để ban hành rồi áp đặt. Nó là một văn kiện pháp lý không thể có và không được có trong thế giới loài người văn minh, nhân bản và dân chủ. Chúng tôi thấy các Tôn giáo và Tín hữu chẳng có nghĩa vụ phải chấp hành nó.

Khoác vào ách tròng cổ đó là liều mình tự đánh mất danh dự của một con người có phẩm giá, của một cộng đồng sống đức tin, là chấp nhận được thí ban những Tự do Tôn giáo phụ tùy (xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, đi ra nước ngoài…) và bị tước đoạt những Tự do Tôn giáo cơ bản (độc lập trong điều hành, tự quyền trong sinh hoạt, truyền đạo ra xã hội, giáo dục thanh thiếu niên, có phương tiện truyền thông riêng, có tín đồ tham gia hàng lãnh đạo chính trị…). Chấp nhận Luật Tín ngưỡng Tôn giáo là tiếp tục góp phần dung dưỡng chế độ vô thần độc tài toàn trị !

This entry was posted on 29/12/2016 lúc 11:16 and is filed under Chính trị, Dân chủ/Nhân Quyền, Tôn giáo, Đảng/Nhà nước. Tagged: Nguyễn Xuân Phúc, Trần Phong Vũ. You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. Responses are currently closed, but you can trackback from your own site.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.