Uncategorized

Lời nguyện đẹp lòng Chúa

Trong hơn 100 năm qua, các nữ tu dòng kín được biết với tên Các Nữ Tu Hồng đã thay phiên nhau cầu nguyện liên tục không ngừng nghỉ tại nhà nguyện Divine Love (Chúa Tình Yêu) ở Philadelphia.

Trong hơn 100 năm qua, các nữ tu dòng kín được biết với tên Các Nữ Tu Hồng đã thay phiên nhau cầu nguyện liên tục không ngừng nghỉ tại nhà nguyện Divine Love (Chúa Tình Yêu) ở Philadelphia. Hiện nay để tiếp tục việc cầu nguyện liên lỉ thêm một kỷ nguyên nữa trong lúc nhân số giảm dần, các nữ tu dòng Kính Thánh Thể Công Giáo đã bắt đầu trong âm thầm tìm cách phát triển nhà dòng, trong khi vẫn đang duy trì sống đời sống tách biệt với thế giới bên ngoài nơi dòng kín.

Năm ngoái, các nữ tu đã treo biểu ngữ bên ngoài nhà nguyện và tu viện để mời công chúng vào tham dự thánh lễ mỗi ngày. Các nữ tu cũng dành nhiều cuộc phỏng vấn cho các phóng viên. Thậm chí còn có những tờ truyền đơn kêu mời tham gia cầu nguyện được treo ngay trước cửa của nhà nguyện. Trong đó có ba câu hỏi được đặt ra là: Bạn có yêu Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể không? Bạn có nhận thấy sức mạnh của việc cầu nguyện trước Thánh Thể không? Chúa Giêsu có mời bạn nói “Có” với đời sống cầu nguyện trước Thánh Thể không?

Trước đây có khoảng 40 nữ tu sống tại tu viện Philadelphia. Hiện nay thì chỉ còn 20, chị trẻ nhất là 52 tuổi và chị lớn nhất là 90 tuổi. Đây là một đời sống quên mình, tập trung vào việc cầu nguyện xin ơn cho những người, mà các nữ tu chưa hề gặp gỡ hay quen biết. Các nữ tu cầu nguyện hầu như suốt ngày, cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng luân phiên trước Thánh Thể, thông thường các nữ tu thức dậy lúc 5:15 sáng và đi ngủ lúc 8:00 tối.

Ai cũng có việc của mình. Người thì làm thẻ Thánh Lễ, người thì làm tràng hạt, tất cả tiền bán sản phẩm được dùng cho việc chi tiêu của nhà dòng. Những nữ tu khác thì trả lời thư tín, người thì trực điện thoại. Những người gọi tới thường là những người cô đơn hay chán đời muốn tự tử. Các nữ tu chỉ lắng nghe, vậy mà lại có kết quả an ủi khác thường. Nữ tu Mary Angelica, 55 tuổi nói rằng chị muốn cho những người đã mất đức tin biết rằng, luôn luôn có người cầu nguyện cho họ “về bất cứ việc gì họ cần.”

Nữ tu Mary Angelica giải thích rằng: “Chúng tôi sống đơn giản chừng nào tốt chừng ấy để hoàn toàn chú tâm vào Thiên Chúa. Chúng tôi đơn giản trong mọi thứ, kể cả thức ăn, tuy vậy chúng tôi cũng có kem lạnh vào những dịp lễ đặc biệt.” (theo AP, Gương cầu nguyện Các Nữ Tu Hồng đã liên lỉ cầu nguyện 100 năm và đang tiến hành thêm 100 năm nữa)

Các Nữ Tu Hồng quên mình, liên lỉ cầu nguyện cho tha nhân, là gương mẫu cho tất cả Kitô hữu noi theo. Tin Mừng Thánh Luca hôm nay thuật dụ ngôn người Biệt phái và người thu thuế cùng lên Đền Thờ cầu nguyện. Nhưng chỉ có lời cầu nguyện của người thu thuế được Chúa thương nhận lời. Bởi vì người thu thuế chân thành cầu nguyện với lòng khiêm hạ, khiêm tốn và khiêm nhu.

Khiêm hạ thân phận

Trước tiên, thái độ cầu nguyện của hai người hoàn toàn tương phản nhau, như trắng đen, như lửa với nước. Trong khi “người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện,” thì trái lại “người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện cầu.” Đứng thẳng là biểu lộ tương quan bình đẳng, ngang hàng, bằng vai đồng lứa với người đối thoại. Cúi đầu là tự nhận mình là kẻ bề dưới khúm núm, kính trọng người đối thoại là bề trên. Người Biệt phái tự hào đẳng cấp trên thiên hạ, quyền thế, mẫu mực, đạo đức, nên mặc nhiên cho mình đặc quyền cư xử trịch thượng với mọi người, kể cả với Thiên Chúa. Thay vì cảm tạ Chúa, nhờ lãnh nhận biết bao hồng ân, mới được dư giả, mới có thể giữ trọn và hơn Lề Luật, thì ông tự phụ, vô ơn bạc nghĩa, coi như tất cả mọi sự tốt lành đều do công lao của riêng mình. Rồi đây, ”Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.” (Lc 1, 53)

Người thu thuế ý thức thân phận hèn kém, bất xứng, đứng xa xa cuối Đền Thờ, khiêm hạ khấu đầu bái lạy. “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1, 53-54)

Khiêm tốn biết lỗi

Nhận biết mình chẳng đạo đức, lỗi đức công bằng, cũng chẳng giữ luật, người thu thuế không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực, khiêm tốn ăn năn, sám hối. Chỉ khi nào hạ mình xuống, chân thành nhìn vào tâm can, thẳng thắn xét mình, mới có thể nhận biết rõ ràng những vết nhơ trong đời. Dẫu tiền bạc rủng rỉnh, cơ ngơi bề thế, kẻ ăn người ở, đầy tớ phục dịch, người thu thuế vẫn cảm thấy mình đê tiện, nghèo hèn, bất xứng trước Thánh Nhan.

Mea culpa! Mea culpa! Mea maxima culpa! Lỗi tại tôi mọi đàng. Không dám so sánh với bất cứ ai, không dám sỗ sàng phê phán, xét đoán tha nhân, như người Biệt phái, hãnh diện, kênh kiệu, khoe khoang, kiêu căng, tự đắc, cao ngạo nhận mình tinh tuyền, không bê tha, xấu xa như người thu thuế: “Tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia.” Đức Giêsu đã cực lực cảnh báo và nghiêm cấm chớ hàm hồ miệt thị, kinh chê, phán đoán, xét nét tha nhân: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy.” (Mt 7, 1-2)

Hơn nữa, người Biệt phái còn hãnh diện, tự cao, tự đại, tự mãn, nhân đức, trọn lành hơn cả Lề Luật ấn định: “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi.” 

Người thu thuế tự cảm nhận đói nghèo tình thương, thiếu đức ái, thiếu lương thiện với tha nhân, nên hết lòng thống hối. Còn ông Biệt phái tự phụ, sung túc phủ phê của cải lẫn nhân đức, chẳng cần nài xin. Vì thế, “kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1, 53)

Khiêm nhu trông cậy

Biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi là thái độ khiêm nhu chân thành sâu sắc của người tử tế, tự trọng, quân tử, nhất là con chiên của Chúa. “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.” Người thu thuế biết mình hèn nhát, hư đốn, yếu đuối, khó cưỡng nổi lòng tham, khó yêu thương đồng bào, khó tuân giữ Lề Luật, nên hết lòng khấn xin, hoàn toàn trông cậy vào Lòng Thương Xót cứu vớt, giải thoát khỏi tội lỗi. Lời kêu xin đó không tự dưng biến người thu thuế trở nên công chính, nhưng được Chúa chạnh lòng đoái thương, công chính hoá. “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không.”

“Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng khi suy nghiệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, con Thiên Chúa hạ mình chịu mọi sự ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta.” (Đường Hy Vọng, số 510)

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức phận phàm hèn, để biết ăn năn, thống hối, hầu được Chúa thương xót ban ơn cứu độ.

Kính xin Mẹ Mân Côi, cầu bầu, giúp đỡ, hướng dẫn chúng con noi gương Mẹ khiêm nhường cầu nguyện, để tâm tình chúng con xứng đáng được Chúa chấp nhận. Amen.

AM. Trần Bình An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.