Nhà thơ Allan Peterson kể câu chuyện: “Tôi đọc câu chuyện một bé trai ngày nào cũng đi học về trễ. Một ngày nọ, cha mẹ em cảnh cáo, em phải đi học về đúng giờ. Vậy mà ngày hôm đó em lại về trễ hơn mọi hôm. Mẹ em đứng đợi ngoài cửa và không nói gì. Tối hôm đó, em nhìn vào đĩa cơm của mình. Chỉ có một lát bánh mì và một ly nước. Em nhìn qua đĩa cơm của bố, một đĩa đầy đồ ăn, rồi em nhìn bố, bố em im lặng. Em quá buồn.
Người cha chờ em nhận ra trong chính sâu thẳm lòng mình, hệ quả nào cho lỗi của mình, rồi ông lẳng lặng lấy đĩa cơm của em để trước mặt ông, còn đĩa cơm đầy đồ ăn của ông để trước mặt em và cười với em. Đứa bé lớn lên để trở thành một người đàn ông. Ngày hôm nay, ông nói: “Suốt đời tôi, tôi hiểu thế nào là Chúa qua những gì cha tôi làm tối hôm đó.”
Cũng vậy, vì tội bất tuân của chúng ta lặp đi lặp lại, Chúa Giêsu trả giá bằng từ bỏ vinh quang của mình, Ngài cho chúng ta bằng cách mang lấy sự khốn cùng và tội lỗi của chúng ta. (Marta An Nguyễn dịch, “Điều kỳ diệu qua tình yêu của Chúa!”)
Lòng Thương Xót quảng đại
Các con số trong ba dụ ngôn giảm dần rất ý nghĩa, từ số 100, đến 10, cuối cùng chỉ còn số 1. Chủ chăn bỏ lại 99 con chiên đi tìm 1 con chiên lạc đàn, người phụ nữ để lại 9 đồng bạc, đi tìm 1 đồng mất, người cha nhân hậu trông ngóng 1 đứa con đi hoang trở về. Thiên Chúa chẳng hề bỏ mất một ai. Ngài không loá mắt trước số lượng ấn tượng, mà bỏ quên đơn vị nhỏ bé, tầm thường.
“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất."(Mt 18, 14) Mỗi cá nhân, mỗi phận người đều được Đức Giêsu tận tình quan tâm, chăm sóc và cứu giúp, vì Đức Chúa Cha đã trao phó cho Người. Hơn nữa, Người còn ra sức chiến đấu, bảo vệ từng người thoát khỏi vòng kiểm toả của sự dữ: “Cha tôi, Ðấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.” (Ga, 10, 29)
Lòng Thương Xót tìm kiếm
Người không dửng dưng, hờ hững, thụ động, ngồi chờ những thân phận yếu đuối, lạc đường, lấm lem tội lỗi, đầy mặc cảm tự ti, muốn trở về với Chúa. Nhưng Người tích cực hy sinh, vất vả, lặn lội, tìm kiếm."Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao?” Vượt qua gian lao, hiểm nguy, gai góc, sói dữ, Người chẳng nề hà tìm cho bằng được. Người cũng cần kiệm như bà cụ nghèo chắt chiu từng đồng bạc: "Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao?”
Đó chính là sứ vụ Cứu Thế cao cả của Người đến thế gian: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.” (Lc 19, 10) Người ân cần tìm kiếm những người tự cảm nhận, khiêm tốn thấy mình hèn mọn, bệnh tật, yếu đuối, tội lỗi, chứ Người không đến với những kẻ kiêu căng, tự phụ, cao ngạo. Bởi chưng: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn". (Lc 5, 31-32)
Lòng Thương Xót tha thứ
Chiều nào, Người Cha Nhân Từ cũng lóng ngóng ra đầu ngõ, mòn mỏi ngóng chờ đứa con đi hoang trở về. “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu.” Người đã hoàn toàn tha thứ, khi vừa nhác thấy bóng dáng tiều tuỵ, thất thểu của chàng trai.
Thiệt khó tin, vì xem ra Người Cha kém trí nhớ, chẳng hề nghĩ đến những tội tày trời của đứa con hoang đàng. “Chúng ta thấy ở đây trí nhớ của Chúa Giêsu dường như không còn làm việc nữa! Ngài quên vô điều kiện, quên tức khắc tất cả quá khứ không hay không tốt của ta, mỗi khi chúng ta quay trở về. Ngài chỉ nhớ mỗi người là con Cha Ngài, là em Ngài, nên khi ta quay lại gặp Ngài, thì tức khắc ta lại được mặc áo vinh hiển sự sống của Thiên Chúa.” (ĐTGM Fx Nguyễn Văn Thuận, 10 Khuyết điểm của Chúa Giêsu)
Hân hoan trùng phùng
Cả ba dụ ngôn đều kết thúc có hậu. Nhờ Lòng Thương Xót, con chiên lạc lối được tìm thấy, đồng bạc nhân phẩm được tái hiện, nhất là người con hoang đàng trở về với Người Cha Nhân Từ. “Cả thiên đàng vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15, 7) Làm sao diễn tả cho đủ niềm hân hoan trùng phùng, giữa Người Cha và đứa con sám hối trở về nhà Cha.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: Ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát…(Kinh Năm Thánh LTX)
Khấn xin Mẹ Maria, cầu bầu cho chúng con mãi cảm nhận sâu sắc Lòng Thương Xót vô bến bờ của Thiên Chúa, để sau những lầm lỡ, vấp phạm, chúng con có thể tỉnh ngộ, sám hối trở về Nhà Cha Nhân Từ. Amen.
AM. Trần Bình An
Views: 0