Cha Manuel Dorantes, linh mục thuộc tổng giáo phận Chicago Hoa Kỳ, phụ tá tiếng Tây Ban Nha cho Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã thuật lại cho thông tấn xã Công Giáo CNA rằng, sau khi Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, tuyên đọc sắc lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, công nhận Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero là vị tử đạo vì đức tin và tuyên phong Chân Phước cho ngài… Lúc ấy, “một hiện tượng rất kỳ lạ đã xảy ra”. Cha Manuel cho biết tiếp: “Khi thánh tích được rước ra, và chúng tôi đang hát Kinh Vinh Danh, thì bất ngờ, trời như mở ra trên chúng tôi, mặt trời ló dạng. Một vòng tròn hào quang tuyệt hảo hình thành phía trên mặt trời, mà khoa học gọi là hiện tượng “solar halo.” Ngài cho biết, mọi người không ai bảo ai đều nhìn lên. “Có những linh mục bắt đầu khóc. Tôi cũng khóc, nhiều linh mục khóc. Các Giám Mục đứng trong khán đài có mái che không thấy nên bước hẳn ra ngoài để nhìn cho rõ chuyện gì đã xảy ra.”
Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero sinh ngày 15/08/1917 trong một gia đình có 8 người con. Ngài được thụ phong linh mục tại Rôma vào ngày 04/04/1942. Sau khi thụ phong linh mục cha Romero tiếp tục ở lại Roma để theo học chương trình tiến sĩ thần học. Nhưng vì cuộc nội chiến tại El Salvador và Giáo Hội tại nước này thiếu linh mục, ngài được gọi về nước. Và trong hơn 20 năm sau đó, ngài làm cha xứ và thư ký cho Tòa Giám mục San Miguel. Năm 1970, cha Oscar Romero được tấn phong Giám mục và làm phụ tá cho Đức Cha Chavéz, Tổng Giám Mục San Salvador và ngày 23/02/1977, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của San Salvador. Ngày 12/03/1977, một linh mục dòng Tên, là cha Rutilio Grande, một trong những linh mục đầu tiên được ngài truyền chức và là một người can đảm đấu tranh cho những người nghèo, bị sát hại. Ðức cha Romero đã phản ứng rất mạnh. Ngài đã ra lệnh đóng cửa trường học do Giáo Hội điều hành trong ba ngày và đình hoãn mọi thánh lễ trên toàn quốc trong tuần lễ kế tiếp, ngoại trừ một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ chính tòa San Salvador. Trong bài giảng tại thánh lễ đặc biệt đó cũng như trong các thánh lễ các Chúa Nhật tiếp theo, ngài đã lên tiếng tố cáo những tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên. Để phản đối việc chính phủ liên quan đến, hay thinh lặng trước các vụ bắt bớ, giết hại, ngài đã không tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống của nước này. Ngài tuyên bố: “Giáo Hội không được đo lường bằng sự hỗ trợ của chính phủ, mà bằng chính tính trung thực, tinh thần cầu nguyện theo tinh thần Tin Mừng, lòng tin tưởng, sự chân thành và công lý, nhất là khi Giáo Hội chống lại các lạm dụng”. Một cử chỉ khác được coi là mạnh dạn là việc ngài quyết định cho mở cửa chủng viện tại trung tâm thủ đô San Salvador vào ngày thứ hai Phục Sinh năm 1978, để đón tiếp bất cứ nạn nhân nào của các vụ bạo động. Hàng trăm người vô gia cư, đói rách và bị hành hung đã đến chủng viện. Và một quyết định nữa nói lên việc ngài toàn tâm toàn lực đấu tranh cho công lý, cho người nghèo là việc ngài cho ngưng xây cất nhà thờ Chính tòa San Salvador. Ngài nói: “Khi nào chiến tranh chấm dứt, những người đói khổ được ăn uống đầy đủ và trẻ con được giáo dục, lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục xây cất nhà thờ chính tòa”. Chính vì sự cương quyết và can đảm đó, ngài đã trở thành cái gai trong mắt những người có quyền, có thế lực tại El Salvador. Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Chiều ngày 24/3/1980, Đức Cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn, tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Ngài bị bắn chết ngay sau bài giảng nảy lửa của mình.
Án phong Chân Phước cho Đức Tổng Giám mục Romero đã vấp phải những quan ngại cho rằng, ngài đã bị giết vì tham gia chính trị, chứ không phải vì đức tin của mình. Năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã khai thông mọi bế tắc trong tiến trình phong Chân Phước. Ngài nói rằng Đức Tổng Giám Mục Romero “đáng được phong Chân Phước, tôi không bao giờ hồ nghi về điều đó” (Đặng Tự Do, Những hiện tượng siêu tự nhiên trong Lễ Phong Chân Phước cho ĐTGM Oscar Romero, Vietcatholicnews)
Những bài giảng của Đức TGM Oscar Romeo rực lửa tình yêu, bênh vực những người nghèo khổ bị áp bức. Sứ mệnh ngôn sứ đã không cho phép ngài im lặng, đồng loã, thoả hiệp với sự dữ. Ngài thực sự noi gương Đức Giêsu, đem Lửa Trời thanh luyện thế gian, cùng sẵn sàng đón nhận phép Rửa trong Thánh Thần và lửa.
Trong Tin Mừng Chúa nhật 20 Thường niên hôm nay, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên.” Với Lòng Thương Xót vô biên, Người tha thiết mong muốn ngọn lửa tình yêu nồng nàn, lửa chân lý rạng ngời và lửa hồng ân tái sanh, cho con người được hưởng phúc vĩnh cửu.
Lửa tình yêu
Lửa chính là biểu tượng cao cả chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Từ ngọn lửa bừng cháy trong bụi cây tại núi Khôrép, Thiên Chúa đã thương yêu phán dạy cùng ông Môsê (Xh 3, 2). Kinh Thánh có lẽ dựa vào đó, để khái quát phác hoạ tính siêu việt tột đỉnh: “Thiên Chúa của anh em là một ngọn lửa thiêu.” (Đnl 4, 24 & Dt 12, 29) Lửa còn là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do Thái trong sa mạc (Xh 13, 21). Tóm lại theo Cựu Ước, lửa là hình ảnh biểu lộ quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa. (Is 1, 25; Dcr 13, 9)
Lửa cũng còn là tình yêu nồng cháy của Đức Giêsu nhập thể. Vì tình yêu, Người đã xin vâng Thánh Ý, đến cứu độ nhân loại. Yêu thương tất cả mọi người, Người không phân biệt, kỳ thị, loại bỏ bất kỳ ai. “Ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.”(Mc 2, 17) Người đặc biệt quan tâm chăm sóc, cứu vớt những ai nhỏ bé, khiêm nhường, ưu sầu, nghèo khổ, bệnh hoạn, tật nguyền, lầm lạc, tội lỗi, bơ vơ, cùng khốn, tù đầy, bị từ khước và bị bỏ rơi. “Vì Con người đã đến để tìm sự đã hư đi." (Lc 19, 10)
Chính Đức Giêsu đã mạc khải cho ông Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16) Bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu.”(1Ga 4, 8), nên ngọn lửa cũng ẩn dụ hình bóng tình yêu nồng nhiệt của Chúa dành cho nhân loại. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” (Ga 15, 13) Lửa tình yêu của Chúa cao cả tuyệt đỉnh, vô song, chói lọi, rực sáng, xua tan bóng đêm thù hận, oán ghét, chia rẽ, đố kỵ giữa nhân loại. “Tình yêu là ngọn lửa của Đức Chúa, mà những dòng nước lũ không thể dập tắt được.” (Dc 8, 6)
Lửa chân lý
Thời Tân Ước, lửa trở thành biểu tượng của Chúa Thánh Thần, như ông Gioan Tẩy Giả đã trân trọng giới thiệu: “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt 3, 11) Vì thế, Đức Giêsu muốn ngọn lửa tình yêu đốt cháy cả thế gian, đang vô cảm, vô tình, bất nhân, bất nghĩa, xơ cứng, đông lạnh vì thói vị kỷ, lãnh đạm, dửng dưng trước nỗi đau đớn của đồng loại.
“Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên.” Lửa Chúa Thánh Thần chính là chân lý, sự thật, sẽ đốt cháy những gì giả dối, gian manh, trá hình, dẫn đưa mọi người về đường ngay nẻo chính. Nhưng chính ý muốn chân thật, thánh thiện này lại trở nên nguyên cớ gây bất bình, chia rẽ, chống đối, báng bổ, như người công chính Simêon đã công khai tiên báo: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng." (Lc 2, 34)
Lửa chân lý phân minh xua tan bóng tối giả hình, lật tẩy những kẻ tà tâm, soi dọi ánh sáng vào những mưu toan đê hèn, bất nhân, lên án thói háo danh, háo lợi. “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4, 16)
Những ai không chấp nhận chân lý, không dám đối diện sự thật, thường tìm mọi cách che giấu, ém nhẹm, bưng bít những hành xử xấu xa, những thủ đoạn gian manh… Đồng thời bằng mọi cách ám hại những ai can đảm lên tiếng cảnh tỉnh, bịt miệng những tiếng nói lương tâm. Đức Giêsu không hề sợ hãi quyền lực sự dữ. Người thẳng thắn vạch mặt chỉ tên những ai lạm dụng chức tước, địa vị và quyền uy để mưu lợi. “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” (Mt 23, 14)
Chính vì bảo vệ chân lý, Đức Giêsu trải qua bao âm mưu sát hại. Người bị vu oan cáo vạ cũng vì sự thật. Người chẳng hoạt động chính trị, chẳng mộng phục quốc, chẳng mưu đồ bá vương. Nhưng sau cùng vẫn bị kết án chính trị.“Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.” Chính lửa chân lý gây chia rẽ giữa thiện và tà, chính sự thật làm phân hoá, khuynh đảo toàn thể xã hội, đang điên cuồng mê say thói thực dụng và gian xảo.
Lửa tái sinh
Lời Chúa còn tựa như lửa tái sinh dành cho những ai biết lãnh nhận, lắng nghe, và đem ra thực hành, sẽ cảm biến cuộc đời, rồi sau này qua cái chết, sẽ được hưởng phúc vĩnh cửu: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.(Ga 5, 24)
Ngay các Tông đồ đã cảm nghiệm sâu sắc tác động của Lời Chúa: “Dọc đường, khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32) Lửa Lời Chúa luôn đem lại cho người nghe niềm vui, bình an và hy vọng.
Đức Giêsu còn mong muốn những Tông đồ, những tín hữu theo Người, đem ngọn lửa Tin Cậy Mến chiếu giãi thế gian, để cho mọi người đều được chung hưởng phúc trường sinh. Hiệp ý cùng, thánh Phaolô đã khuyến khích giáo dân Philipphê: “Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống, để tôi được hiên ngang hãnh diện trong ngày Ðức Kitô quang lâm, vì tôi đã không chạy uổng công và đã không lao nhọc vô ích.” (Pl 2, 15-16)
“Chiếu sáng đời con bằng đức tin và đức ái. Đốt cháy thế gian với ngọn lửa Chúa đặt trong tim con.” (Đường Hy Vọng, số 226)
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
Xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa,
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
Khấn xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng con trở thành ngọn lửa nhiệt thành tràn đầy tình yêu Chúa và tha nhân, để chúng con có thế chiếu sáng cho thế gian. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0