Uncategorized

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow 2016

Các bạn trẻ thân mến, các bạn đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Hôm nay, Phúc Âm nói cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với một người đàn ông tên là Dakêu, tại Giêrikhô (Lc 19:1-10). Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là rao giảng hoặc gặp gỡ mọi người, mà như Thánh sử đã kể cho chúng ta, Ngài còn đi vào trong thành phố ấy (v. 1).

Các bạn trẻ thân mến, các bạn đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Hôm nay, Phúc Âm nói cho chúng ta biết về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với một người đàn ông tên là Dakêu, tại Giêrikhô (Lc 19:1-10). Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là rao giảng hoặc gặp gỡ mọi người, mà như Thánh sử đã kể cho chúng ta, Ngài còn đi vào trong thành phố ấy (v. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đến gần mỗi người chúng ta, để cùng bước đi cho đến hết cuộc hành trình của chúng ta, vì vậy mà cuộc đời Ngài và cuộc đời của chúng ta thực sự có thể gặp nhau.

Thế rồi diễn ra một cuộc gặp gỡ tuyệt vời với ông Dakêu, vốn là một viên chức đứng đầu giữa những người thu thuế. Do vậy, Dakêu là một cộng sự giàu có của những người Rôma đô hộ đáng ghét, người đã bóc lột chính đồng bào của mình, thậm chí vì ô danh đó mà ông không được đến gần các Thầy giảng. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc đời ông, nó thực đã làm thay đổi, và từng ngày nó vẫn có thể làm thay đổi cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng Dakêu đã phải đối mặt với một số trở ngại khi gặp Chúa Giêsu. Ít ra là ba trong số những trở ngại sau đây cũng có thể nói lên điều gì đó với chúng ta.

Trở ngại đầu tiên là tầm vóc nhỏ bé. Dakêu không thể nhìn thấy Thầy vì ông quá nhỏ bé. Thậm chí ngày nay chúng ta cũng có nguy cơ không thể thấy Chúa Giêsu, vì chúng ta không cảm nhận mình đủ lớn, vì chúng ta nghĩ rằng mình không xứng tầm. Đây là một cám dỗ lớn; nó không chỉ là về lòng tự trọng, nhưng còn là về đức tin. Vì đức tin cho chúng ta biết rằng chúng ta là "con Thiên Chúa… mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa" (1 Ga 3:1). Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã tỏ bày bản thân Ngài cho chúng ta biết và trái tim Ngài sẽ không bao giờ tách lìa khỏi chúng ta; còn Chúa Thánh Thần thì muốn đến ngự giữa chúng ta. Chúng ta được mời gọi để cùng được phước hạnh với Chúa muôn đời!

Đó mới thật sự chính là "tầm vóc" của chúng ta, căn tính linh thánh của chúng ta: chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa, luôn là như vậy. Vì thế, các bạn có thể cảm rằng khi không chấp nhận chính bản thân mình, mà cứ sống u buồn, tiêu cực, thì có nghĩa là các bạn đã không nhận ra căn tính thẳm sâu nhất của chúng ta. Giống như là ta đang chạy trốn khi Thiên Chúa muốn tìm ta, ta cứ cố làm hỏng giấc mơ của Ngài dành cho ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta mặc cho chúng ta là ai, mặc cho tội lỗi hoặc sai lầm của chúng ta, nó đều không làm thay đổi ý niệm ấy của Ngài. Như Phúc Âm đã kể, trong tiềm thức của Chúa Giêsu, Ngài không để ý đến chuyện ai là không xứng đáng. Không có ai gọi là không xứng đáng cả. Ngài yêu thương tất cả chúng ta bằng một tình yêu đặc biệt; đối với Ngài thì tất cả chúng ta đều quan trọng: các bạn đều quan trọng! Thiên Chúa nhìn nhận các bạn vì các bạn là ai, chứ không phải vì những gì các bạn đang có. Trong ánh mắt của Ngài, những bộ quần áo các bạn đang mặc hoặc các loại điện thoại di động mà các bạn sử dụng thì Ngài hoàn toàn không quan tâm đến. Ngài không quan tâm cho dù bạn là người có hợp mốt hay lỗi thời; Ngài chẳng quan tâm đến điều đó! Trong ánh mắt Ngài, các bạn điều trân quý, và nhân phẩm của các bạn mới điều là vô giá.

Có những thời điểm trong cuộc đời, chúng ta hạ thấp hơn là đề cao. Những lúc đó mới là dịp tốt để nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn chung thủy, thậm chí là “bướng bỉnh”, trong tình yêu mà Ngài cho chúng ta. Thực tế là Ngài yêu thương chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta yêu thương bản thân mình. Ngài đặt niềm tin vào chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta tin vào chính mình. Ngài luôn là "tâng chúng ta lên"; Ngài là người hâm mộ lớn nhất của chúng ta. Ngài vẫn ở đó, chờ đợi chúng ta với lòng nhẫn nại và hy vọng, ngay cả khi chúng ta đang đang bận lòng với những rắc rối và tổn thương trong quá khứ. Nhưng cứ bận lòng như vậy thì không xứng đáng với tầm vóc tâm thế của chúng ta! Đó là một loại virus lây lan và ngăn chặn tất cả mọi thứ; nó chiếm đóng và ngăn trở chúng ta thức tỉnh và làm lại từ đầu. Mặt khác, Thiên Chúa không tuyệt vọng! Ngài tin rằng chúng ta luôn có thể vực dậy, và Ngài không muốn nhìn thấy chúng ta nhăn nhó và sầu thảm. Bởi vì chúng ta luôn là những đứa con yêu dấu của Ngài. Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về những điều này trong ánh bình minh của một ngày mới. Thật tốt nếu chúng ta cầu nguyện mỗi buổi sáng rằng: "Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì đã yêu thương con; giúp con biết yêu thương trong cuộc đời của riêng con!". Đừng cứ nhìn về lỗi lầm của chúng ta, mà cần phải sửa chữa, rồi nhìn về chính cuộc đời, đó là một hồng ân tuyệt diệu, vì đây là thời điểm để yêu thương và được yêu thương.

Dakêu phải đối mặt với một trở ngại thứ hai trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu: đó là lòng hổ thẹn chiếm ngự. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đã diễn ra trong tâm hồn của ông ấy trước khi ông leo lên cây sung. Đó phải là một cuộc đấu tranh giữa – một mặt là sự hiếu kỳ lành mạnh vì mong mỏi được biết Chúa Giêsu; mặt khác là nguy cơ trở thành trò giễu cợt cho người ta. Dakêu là một quan chức, một người đàn ông có quyền lực. Ông biết rằng, nếu cố leo lên cây sung đó thì ông sẽ trở thành một trò cười cho mọi người. Tuy nhiên, ông đã chế ngự được sự hổ thẹn của mình, bởi vì sự hấp dẫn của Chúa Giêsu đã mạnh hơn. Các bạn biết những gì sẽ xảy ra khi có một ai đó rất hấp dẫn đến độ khiến chúng ta có cảm tình với họ: rồi thì chúng ta cũng sẽ làm điều mà chúng ta nghĩ là sẽ chẳng bao giờ làm.

Một điều tương tự đã xảy ra trong tâm hồn của Dakêu, khi mà ông nhận ra rằng Chúa Giêsu rất quan trọng khiến ông muốn làm bất cứ điều gì cho Ngài, vì chỉ có mình Chúa Giêsu mới có thể kéo ông ấy ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và ngã lòng. Lòng hổ thẹn đã không còn chiếm ngự. Phúc Âm kể cho chúng ta rằng ông Dakêu "chạy lên phía trước", "leo lên cây", và sau đó, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông đã "vội vàng tụt xuống" (cc. 4, 6). Ông đã tạo cho mình một ngạc nhiên, ông đặt cuộc đời mình trên sợi dây. Đối với chúng ta cũng vậy, đây là bí quyết của niềm vui: đừng kìm hãm sự hiếu kỳ lành mạnh, nhưng hãy tạo ra một đột phá, bởi vì cuộc đời không có nghĩa là cứ thu mình lại. Khi đến với Chúa Giêsu, chúng ta không thể cứ ngồi đó mà khoanh tay chờ đợi; ngài đã ban cho chúng ta cuộc sống – chúng ta không thể đáp lại bằng cách chỉ nghĩ về nó thôi, hoặc là "nhắn" (texting) một vài lời!

Các bạn trẻ thân mến, đừng hổ thẹn khi phải kể cho Chúa nghe mọi thứ khi thú nhận, đặc biệt là những yếu kém của các bạn, đó là cuộc đấu tranh của các bạn với tội lỗi của mình. Ngài sẽ làm các bạn ngạc nhiên bằng sự tha thứ và bình an của Ngài. Đừng sợ khi phải nói "xin vâng" với Ngài bằng cả trái tim của các bạn, mà hãy quảng đại đáp lại và đi theo Ngài! Đừng để tâm hồn mình nên chai đá, nhưng hãy nhìn về cùng đích của một tình yêu tươi đẹp mà cũng đòi hỏi sự hy sinh. Quyết đoán nói "không" một cách hữu hiệu trước những mê muội mỗi khi phải lượng giá, thì những lo âu của các bạn sẽ được xoa dịu và các bạn nhận được sự thỏa lòng cho riêng mình.

Sau tầm vóc nhỏ bé và lòng hổ thẹn chiếm ngự, có một trở ngại thứ ba mà Dakêu đã phải đối mặt. Nó không còn là về nội tại nhưng là về khách quan. Đó là sự giận dữ của dân chúng, những người trước đây đã ngăn chặn và sau đó chỉ trích ông rằng: Làm thế nào mà Chúa Giêsu có thể bước vào nhà ông, nhà của một kẻ tội lỗi!

Thật là khó để mà đón nhận Chúa Giêsu, thật là khó để nhận ra một "Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót" (Ep 2:4)! Người đời sẽ cố gắng ngăn chặn các bạn, làm cho các bạn nghĩ rằng Thiên Chúa thì xa vời, khô khan và không có lòng trắc ẩn, tốt hay xấu cũng vậy thôi. Thay vào đó, Chúa Cha chúng ta trên trời "sẽ cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt" (Mt 5:45). Ngài đòi hỏi chúng ta lòng can đảm: can đảm để được mạnh mẽ hơn cái xấu bằng cách yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta. Người đời có thể chê cười các bạn vì các bạn đã tin vào sức mạnh mỏng manh và khiêm nhường của lòng thương xót. Nhưng đừng sợ. Hãy nghĩ về chủ đề của Đại Hội này: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương" (Mt 5: 7). Người đời có thể đánh giá các bạn là những người ảo tưởng, bởi vì các bạn đã tin có một nhân loại mới, nơi đó đã loại trừ được hận thù giữa các dân tộc, nơi đó đã dẹp bỏ những biên giới làm rào cản và nơi đó có thể chan hòa những truyền thống riêng của từng người mà không có sự tự đắc hay hẹp hòi. Đừng nản lòng: bằng một nụ cười và vòng tay rộng mở, các bạn hãy loan báo niềm hy vọng rồi các bạn sẽ mang được phúc lành đến cho gia đình nhân loại của chúng ta, mà ở đây các bạn chính là những người đại diện tiêu biểu!

Ngày hôm đó, đám đông dân chúng đã phán xét Dakêu, họ nhìn bề ngoài của ông, từ trên xuống dưới. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều ngược lại: Ngài nhìn thẳng vào chính ông (câu 5.). Chúa Giêsu gạt ra ngoài những lỗi lầm rồi nhìn còn con người ấy. Ngài tạm cất đi những tội lỗi đã qua, nhưng lại nhìn về tương lai tốt đẹp. Ánh nhìn của Ngài vẫn không thay đổi, ngay cả khi nó không được đáp lại; ánh nhìn lấy tìm cách kết nối và hiệp thông. Không có trường hợp nào khiến ánh mắt ấy nhìn vào vẻ bề ngoài, nhưng dường như luôn nhìn vào trái tim. Qua ánh nhìn của Chúa Giêsu, các bạn có thể mang trên mình một con người khác, không nhìn về sự tự thú nhưng nhìn về những điều tốt đẹp vì lợi ích riêng của nó, phẩm chất duy trì một trái tim tinh sạch và đấu tranh một cách hòa bình cho sự ngay thẳng và công bằng. Đừng nghĩ về bên ngoài của sự việc; đừng tin vào sự sùng bái bộ mặt thế gian, đừng nỗ lực tô vẽ ngoại hình của chúng ta nữa. Thay vào đó, hãy "tải xuống" (download) "đường link" tốt nhất, đó là một trái tim đã nhận ra và truyền tải sự thiện hảo mặc cho những mệt mỏi đang lớn dần. Niềm vui mà các bạn đã nhận được một cách nhưng không từ Thiên Chúa, thì cũng cho đi một cách nhưng không (x Mt 10: 8): vì rất nhiều người đang chờ đợi nó!

Cuối cùng, chúng ta hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu đã nói với ông Dakêu, dường như cũng có nghĩa là nói với chúng ta ngày hôm nay: "xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" (câu 5.). Chúa Giêsu cũng cất tiếng gọi ấy với các bạn: "Hôm nay ta phải ở lại nhà của con!". Chúng ta có thể nói rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bắt đầu từ ngày hôm nay và sẽ tiếp tục vào ngày mai, trong ngôi nhà của các bạn, vì đó là nơi mà từ nay Chúa Giêsu muốn được gặp các bạn. Chúa không muốn lưu lại trong thành phố xinh đẹp này, hoặc ở trong ký ức đáng yêu này. Ngài muốn vào ngôi nhà của các bạn, để sống trong cuộc đời thường ngày của các bạn: trong việc học tập của các bạn, trong năm tháng sự nghiệp đầu tiên của các bạn, trong tình bạn và tình cảm yêu đương của các bạn, trong hy vọng và ước mơ của các bạn. Ngài tha thiết muốn các bạn mang tất cả các mọi thứ đến với ngài trong lời cầu nguyện! Ngài hy vọng tất cả các bạn sẽ "liên lạc" (contacts) và "tán gẫu” (chat) với Ngài mỗi ngày, đó là nơi xứng đáng mang đến sợi chỉ vàng của việc cầu nguyện!

Ngài muốn lời của Ngài có thể dùng để nói chuyện với các bạn ngày này qua ngày khác, để các bạn có thể làm Phúc Âm của Ngài là của riêng các bạn, để nó được trở thành một kim chỉ nam cho các bạn trên con đường xa lộ của cuộc đời! Khi muốn đến ngôi nhà của các bạn, Chúa Giêsu sẽ gọi tên các bạn như Ngài đã gọi tên ông Dakêu. Tên của các bạn là điều đáng trân quý đối với Ngài.

Cái tên "Dakêu" đã làm cho người ta nhớ đến ký ức với Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào “bộ nhớ” (memory) của Thiên Chúa: bộ nhớ của Ngài không phải là một "ổ đĩa cứng" (hard disk) để "lưu" (save) và "giữ" (archives) tất cả những “dữ liệu” (data) của chúng ta, nhưng đó là một trái tim đong đầy lòng từ bi dịu dàng, ở đó sẵn lòng "xóa đi" (erasing) mọi dấu vết tội lỗi của chúng ta. Bây giờ chúng ta cũng nên thử bắt chước bộ nhớ trung tín của Thiên Chúa và trân trọng những điều tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được trong những ngày này. Trong thinh lặng, chúng ta hãy nhớ về cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy gìn giữ ký ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời của Ngài, một lần nữa chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu khi Ngài gọi tên chúng ta. Vì vậy, giờ đây chúng ta hãy thinh lặng cầu nguyện, nhớ lại và cảm ơn Chúa vì Ngài đã muốn chúng ta đến đây và Ngài cũng đã ở đây để gặp chúng ta.

Chân Phương

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.