Uncategorized

Ai là anh em tôi?

Vào một ngày nọ, tôi đến một quán phở ven đường để ăn sáng, tại thị trấn Mỹ Ca, thuộc Thành phố Cam Ranh.

Vào một ngày nọ, tôi đến một quán phở ven đường để ăn sáng, tại thị trấn Mỹ Ca, thuộc Thành phố Cam Ranh. Trong lúc tôi đang ngồi chờ người mang thức ăn ra, tôi nhìn thấy một ông cụ trạc chừng trên 70 tuổi, áo quần xốc xếch, dơ bẩn, bước vào với dáng điệu rất mệt mỏi, đi ngang qua trước mặt tôi, đưa đôi bàn tay run run và nói: “Tôi đói quá, xin ông cho tôi ít đồng tiền lẻ để mua ổ bánh mì ăn cho đỡ đói, tôi từ Thành Phố Vinh về Phan Thiết để thăm con, nhưng chẳng may đi trên xe bị chúng móc bóp, lấy sạch hết tiền bạc, giấy tờ và cả xắc áo quần của tôi nữa, hai ngày nay tôi chẳng có miếng chi bỏ vào bụng, nên tôi đói quá và cũng chẳng còn tiền để đi tiếp vào thăm con…”

Tôi đã nghe nhưng giả điếc làm ngơ.  Ông cụ đi tiếp qua bàn khác, trước mặt tôi có một cậu thanh niên trạc chừng 20-22 tuổi cũng đang ngồi chờ đợi như tôi, câu ta ân cần bảo ông cụ: “Bác ngồi xuống đây, hãy đợi một tí.” Ông cụ nghe lời ngồi xuống, khi người phục vụ bàn mang tô phở tới vừa đặt xuống bàn, cậu thanh niên đã bưng đưa qua và mời:“Bác ăn đi cho đỡ đói”. Ông cụ có một chút lưỡng lự, nhưng vì đói quá nên ông cụ đã ăn ngấu nghiến một cách ngon lành…Cậu thanh niên không kêu tiếp, mà ngồi nhìn ông cụ ăn mà lòng rất thương cảm. Tôi vừa ăn vừa theo dõi thái độ của cả hai người, ông cụ ăn xong nhìn lên và hỏi: “Ủa, sao anh không ăn ?” Cậu thanh niên trả lời: “Dạ, cháu ăn rồi.” Cậu thanh niên trả tiền và mời ông cụ đi theo về nhà mình, tôi tò mò cũng đi theo và giả làm như người đi tìm nhà người thân.

Nhà cậu thanh niên nầy cách xa quán ăn khoảng chừng vài trăm mét. Khi đã vào nhà, cậu trịnh trọng mời ông cụ ngồi xuống ghế, rồi chạy ra đàng sau kêu: “Mẹ ơi, vào đây có người muốn gặp mẹ.” Người mẹ hộc tốc chạy vào, vừa nhìn thấy khách lạ trông rất tiều tụy, phờ phạc nên bà ngạc nhiên hỏi: “Ai đây con ?” Người thanh niên kể lại cho mẹ nghe hoàn cảnh đáng thương của ông cụ và thêm: “Mẹ ơi, cứu giúp ông cụ nầy với, hoàn cảnh bi đát tội nghiệp lắm.” Người mẹ ngần ngại, vì lúc nầy nhiều kẻ lợi dụng vào lòng nhân ái của người khác để trục lợi, xảy ra nhan nhản trước mắt, và chính bà cũng đã bị người ta lừa dối nên bà rất thận trọng. Cậu thanh niên nói tiếp :“Mẹ ơi, sáng nay mẹ cho con tiền ăn sáng, nhưng con không ăn, con dành cho ông cụ này đây, nhìn ông cụ ăn mà con thấy còn ngon hơn chính con ăn nữa mẹ ạ.” Người mẹ nghe con nói như vậy trong lòng rất vui, và người con cứ mãi nằng nặc, nên người mẹ cũng xiêu lòng. Hơn nữa sau khi hỏi han, dò xét thấy dáng vẻ của ông cụ thật thà, hiền lành, nên bà đồng ý qua nhà người hàng xóm mượn tiền để giúp ông cụ tiền xe, tiền ăn dọc đường. Cậu thanh niên khi biết mẹ đã nhận lời nên rất vui mầng. Cậu chạy vào tìm kiếm bộ áo quần còn tốt và sạch sẽ của người cha, đem ra cho ông cụ thay. Cụ rất vui và cám ơn rối rít. Tắm rửa xong, ông cụ thay đồ mới bảnh bao, rồi theo người thanh niên ra đón xe để  tiếp tục cuộc hành trình lên đường đi vào thăm con ở Phan Thiết.

Chứng kiến lòng nhân ái tuyệt vời của một người thanh niên ngoại giáo, tôi cảm thấy hổ thẹn; bởi vì tôi là người lớn tuổi hơn nhiều, đã từng trải hơn nhiều, tiền bạc trong túi cũng rủng rỉnh, tôi lại là người Công giáo nòi.… Kể từ đó tôi thường hay lui tới, tìm cách nọ cách kia để làm quen với gia đình đó, một thời gian sau, tôi trở thành người thân tín của gia đình họ. Nhờ đó, tôi mới biết ra tông tích của dòng tộc họ rất đáng nể. Ông nội của cậu thanh niên là bạn thân học cùng trường, cùng lớp, cùng ăn, cùng ngủ với Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, nhưng ông không vào đạo được, vì ông là con trai trưởng. Nhờ từ cốt lỏi tốt lành đó, nên gia đình cậu thanh niên trở thành một gia đình tuy nghèo, nhưng có sự giáo dục vững vàng rất tốt đẹp, có căn bản đạo đức làm người thật tuyệt vời. Tôi đã học được ở nơi họ rất nhiều điều tốt lành, và cũng nhờ họ mà tôi đã thay đổi cách sống, từ một người sống rất ích kỷ, vô cảm, chỉ biết sống cho riêng mình… (Hải Chi, Tấm gương lòng nhân ái, web Gp Phan Thiết)

Chàng thanh niên kể trên quả có tấm lòng thương xót, một con tim nhạy cảm, đôi tay nhân ái, môt tinh thần trách nhiệm, tựa người Samaria trong dụ ngôn Tin Mừng Chúa nhật 15 hôm nay.

Con tim nhạy cảm

Không giống trái tim bị chai cứng, đông lạnh của ngài tư tế và ngài Lêvi, con tim nhạy cảm của người Samaria nhìn thấy nạn nhân thừa sống thiếu chết, liền chạnh lòng thương. Với trái tim vô cảm, người ta chẳng thấy điều gì khác, người nào khác ngoài bản thân vị kỷ. Với trái tim đông lạnh, người ta coi tha nhân chỉ là bậc thang để leo lên đỉnh danh vọng. Với trái tim hoá đá, người ta coi tha nhân là đối thủ thù địch để tranh giành, cấu xé, chửi bới, đánh đấm, rủa xả, xúc phạm, thậm chí coi tha nhân là hoả ngục!

Cả ba người khách đi đường cùng đều nhìn thấy nạn nhân đáng thương, nhưng hai đấng tư tế và Lêvi đều giả mù, giả điếc, coi như không thấy, không nghe, không biết người bị nạn. Chỉ duy nhất người Samaria cám cảnh nhìn thấy, động lòng, dừng lại đến gần, cúi xuống ân cần lấy dầu rượu chăm sóc băng bó vết thương.

Vị kỷ, chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo bảo vệ, gìn giữ và hết sức ý tứ, đề cao cảnh giác, khỏi bị cướp bóc, bị lợi dụng, bị lừa gạt, bị ô uế vì đụng vào xác người, thầy tư tế và thầy Lêvi đều mù loà tâm hồn, vong thân, đánh mất tình người, tình nhân ái, lòng thương xót.

Xả kỷ vị tha, chẳng lo thủ thân, chẳng hề đắn đo cân nhắc thua thiệt, hao tiền tốn của, mất thì giờ, trễ nãi hành trình, mà quên mình, nhiệt thành quan tâm đến tha nhân, người anh em xa lạ dở sống dở chết, cần được cấp cứu, săn sóc băng bó, chữa trị, hồi sức, người Samaria dấn thân phục vụ. Cứu người như cứu hoả, ông chẳng từ nan để cứu chữa người đang nghìn cân treo ngọn tóc.

Đôi tay nhân ái

Lòng thương xót đi từ trái tim đến đôi tay, người Samaria liền xuống lừa, xắn tay áo lên giúp đỡ. “Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc.” Sơ cứu xong, người Samaria còn đem theo về nơi mình trú trọ tận tình chăm sóc, thể hiện trọn vẹn tình nhân ái.

Tình thương yêu, lòng nhân ái thật sự không chỉ bằng lời nói mà cần thể hiện qua hành động, việc làm, như trong thư thứ nhất thánh Gioan, đã hết sức ân cần dặn dò điều chính người Kitô hữu hôm nay, cũng cần thiết thực hành theo: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1Ga 3, 18)

Đôi tay chỉ thực sự nhân ái tràn trề lòng thương xót, khi âm thầm, kín đáo, lặng lẽ, vô tư, bất vụ lợi, mở rộng đón nhận, giúp ích tha nhân, chẳng cần lời khen, bằng ghi ơn, chẳng cần huy chương, vang danh trên truyền thông. Nếu không thì coi như đã nhận lãnh phần thưởng thế gian, chẳng còn chút gía trị với Nước Trời. “Hãy coi chừng, đừng phô trương công đức trước mặt người ta, để hòng được thấy; chẳng vậy, các người mất công nơi Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời.” (Mt 6, 1)

Trách nhiệm trọn vẹn

Tình hình tạm ổn, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, cần tiếp tục tĩnh dưỡng để phục hồi sức khoẻ. Người Samaria mới yên tâm lên đường, tiếp tục cuộc hành trình dang dở. “Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông.”

Yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, hết lòng phục vụ tha nhân, nhất là những người đang hoạn nạn, nguy khốn, cô đơn, là bổn phận và trách nhiệm của ai theo Chúa, Đấng giàu Lòng Thương Xót. Đó là việc lành bắt buộc, là nghĩa vụ cấp bách, ưu tiên không thể nào từ chối hay nhẫn tâm bỏ qua, nếu thực sự là Kitô hữu.

Đức Giêsu đã cặn kẽ dạy những ai muốn trở nên người môn đệ chân chính của Người: “Không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên trời.” (Mt 7, 21) Người đã thân thương nhắc ông thông luật tái xác nhận điều cốt tuỷ của đạo lý yêu thương:"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình." Vậy qua dụ ngôn người Samaria tốt lành, hẳn người Kitô hữu đã biết tỏ tường ai chính là anh em, ai là người thân cận của mình.

Vậy để thực hành được yêu cầu của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương thì ngươi sẽ được sống,” thì tín hữu Kitô luôn cần trang bị một trái tim thiệt nhạy cảm trước nỗi khổ của tha nhân, một đôi tay nhân ái mở rộng, sẵn sàng xoa dịu, cứu chữa, một tấm lòng yêu thương tràn đầy trách nhiệm, chân thành dấn thân phục vụ tha nhân.

“Song bổn phận hiện tại không phải là thụ động, nhưng:
là liên lỉ canh tân,
là quyết định chọn hay chối Chúa,
là tìm nước Chúa,
là tin ở tình yêu vô bờ của Chúa,
là hành động với tất cả hăng say,
là thể hiện mến Chúa yêu người,"ngay trong giây phút này."
(Đường Hy Vọng, số 26)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con thấm nhuần đạo lý yêu thương, xin dạy chúng con biết tha nhân chính là anh em, chính là bản thân chúng con, để chúng con có thể thương yêu, vui vẻ chia sẻ, giúp đỡ và phục vụ.

Lạy Mẹ Maria, khấn xin Mẹ dạy chúng con noi gương Mẹ yêu người, biết chân thật yêu thương tha nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào, để chúng con mãi xứng đáng là con Mẹ. Amen.

AM. Trần Bình An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.