Uncategorized

Chủ Nợ chí ái

Trong điện văn gởi về quê hương từ Vatican, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục thủ đô Caracas, Venezuela, đã khích lệ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của tổng giáo phận Caracas, hãy cầu nguyện cho linh hồn của cố tổng thống Hugo Chavéz.

Trong điện văn gởi về quê hương từ Vatican, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, Tổng Giám Mục thủ đô Caracas, Venezuela, đã khích lệ các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân của tổng giáo phận Caracas, hãy cầu nguyện cho linh hồn của cố tổng thống Hugo Chavéz.

Ngay sau khi biết tin Hugo Chavéz qua đời hôm thứ Ba 5 tháng Ba, năm 2013, Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, 70 tuổi, đang tham dự các cuộc khoáng đại của các vị Hồng Y để bầu Giáo Hoàng tại Vatican, cho biết ngài sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho sự an nghỉ của linh hồn Hugo Chavéz.

Chavez thường xuyên đụng độ với Đức Hồng Y và thường lên truyền hình để mắng nhiếc ngài. Hồi năm 2008, ông ta nói: "Nếu Chúa Kitô hiện ra ở đây bằng xương bằng thịt, Ngài sẽ nện cho Urosa mấy roi nên thân, rồi ném ông ta ra khỏi Giáo Hội, bởi vì ông ta là người vô đạo đức và chẳng quan tâm gì về đạo đức hay chức tư tế của mình."

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Kuriakose Bharanikulangara của tổng giáo phận Faridabad, Ấn Độ vừa lên tiếng tiết lộ là vào năm 2002 chính ngài đã cứu mạng Hugo Chávez trong cuộc đảo chính vào năm ấy. Vào thời điểm này, ngài là phụ tá sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela.

Ngài nói: "Chávez đã nài nỉ tôi để cứu anh ta. Anh ta nói: Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Tôi và gia đình đang bị giữ làm con tin bị chĩa súng vào đầu. Hãy đến cứu tôi, và các con tôi."

"Tôi nói với Chávez bằng tiếng Tây Ban Nha rằng Giáo Hội Công Giáo không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng tôi tôn trọng cuộc sống. Ông Tổng thống, tôi sẽ làm mọi thứ để cứu mạng sống của ông. Và tôi đã quyết định để giúp anh ta bất cứ giá nào."

Đức Tổng Giám mục Bharanikulangara, đã đi kèm với một Hồng Y và một linh mục để thương lượng với quân đảo chính cho ông rời khỏi đất nước. Chávez đã đồng ý làm như vậy, nhưng trong vòng vài ngày sau đó ông lật lại được thế cờ.

Từ đó về sau Chávez lại đem lòng oán giận các Giám Mục nước này nghi ngờ các ngài cấu kết với các tướng lãnh nhằm lật đổ ông ta. Chính vì thế, trong một thập niên qua, Chávez thường xuyên đụng độ với giáo quyền Công Giáo tại Venezuela. (Đặng Tự Do, Gương tha thứ của một vị Hồng Y Venezuela, Vietcatholic)

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino đã noi gương Thầy Giêsu tha thứ, quên đi hết những xúc phạm của Tổng thống Hugo Chávez, để chân thành kêu gọi mọi người cầu nguyện cho người quá cố.

Trong Tin Mừng Chúa nhật XI hôm nay, Đức Giêsu bộc lộ công khai là Chủ Nợ chí công, chí ái và rất bao dung với hai con nợ: ông Biệt phái Simon và người thiếu phụ tội lỗi, qua ứng xử và hành động nhân từ.

Chí công

Ông Biệt phái Simon tưởng mình công bằng với đời, phân biệt đúng đắn tốt xấu, cư xử đúng mực với kẻ lành, người dữ, nên khá bất bình, thầm nghĩ rằng: "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi." Ông không chấp nhận người ngoan đạo có thể tiếp xúc gần gũi với kẻ vô đạo. Ông cũng không chấp nhận cho người ô uế được chạm vào đấng tiên tri, ngôn sứ của Thiên Chúa. Quan niệm đó chẳng quá đáng, cũng chẳng trái nghịch với nếp sống đạo xưa lẫn nay. Vì nam nữ thọ thọ bất thân, lại càng nên tránh xa kẻ tai tiếng, khỏi bị người đời thị phi, đàm tiếu đồng loã.

Đức Giêsu trái lại, không hề chấp nhất, khinh khi, hoặc tránh né kẻ giả hình hay tội lỗi, mà vui vẻ nhận lời mời, đến dùng bữa nhà ông Biệt phái Simon, cũng như vui lòng để người thiếu phụ đến phủ phục dưới chân, khóc lóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Người chẳng phân biệt, chẳng kỳ thị, cũng chẳng từ chối bất cứ ai thành tâm đến với Người. Như thế, Người mới đích thực chí công, hoàn toàn đối xử công bình, tử tế mọi người. Vì ”Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc 5, 32) và “Con người đến để tìm cứu những gì hư mất” (Lc 19,10).

Tuy nhiên, nay con cái Chúa vẫn còn quen tập tục đối xử phân biệt với những người phạm tội trống, như cờ bạc, dâm ô, nghiện ngập, trộm cắp,… Vẫn còn thường áp dụng hình phạt dứt phép thông công, thay vì khoan dung kêu gọi, tìm cứu như Đức Giêsu.

Chí ái

Trong Kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, đã hân hoan, cảm tạ, ngợi ca, chúc tụng Thiên Chúa chí ái, luôn mãi tràn trề tình yêu: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1, 50)

Yêu thương, muốn thức tỉnh ông Biệt phái Simon, Đức Giêsu hỏi:"Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Với nhận thức uyên bác, ông Simon dễ dàng trả lời ngay: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn." Người bảo ông: "Ông đã xét đoán đúng."

Lúc đó, Người mới so sánh hai thái độ đón tiếp của ông và phụ nữ kia, một bên khá lạnh nhạt, hững hờ, một bên quá nồng nàn mến thương, quý trọng: “Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi.” Hai ứng xử hoàn toàn trái ngược với nhau, biểu lộ rõ tâm tình chân thành dành riêng cho Đức Giêsu. “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5, 20)

Thiên Chúa chí ái, hằng thương xót những ai chân tình hồi tâm, ăn năn, sám hối, trở về. “Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít." Đức Giêsu công khai đáp lời ai yêu mến, chạy đến Người. “Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá hủy công việc của ma quỷ.” (l Ga 3, 8)

Bao dung

Người đã hành xử như Chủ Nợ bao dung với các con nợ, căn cứ tiêu chuẩn, mức độ yêu đương để tha thứ, để xoá nợ, tuy con nợ chẳng công trạng gì, cũng chẳng biết lấy gì đền đáp, ngoài lòng mến thiết tha, lòng trông cậy và lòng tin."Tội con đã được tha rồi."

Đức Giêsu không muốn những người khác vấp phạm vì lòng thương xót của Người, nên đã diễn tả bằng cách khác: "Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an." Vua Đavít đã hết lòng ca ngợi lòng khoan dung vô cùng, vô tận của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội.” (Tv 32, 1-2)

“Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng; Chúa không phải là Đấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Đấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn.” (Đường Hy Vọng, số  288)

Lạy Chúa Giêsu chí công, chí ái đầy lòng khoan dung, xin luôn thức tỉnh chúng con, nhận ra thân phận yếu đuối, phàm hèn, tội lỗi, để sốt sắng tìm về, trở lại, ăn năn, sám hối, như người phụ nữ kia khiêm hạ, nhận ra mình xấu xa, hết sức trông cậy vào Lòng Thương Xót của Chúa thứ tha, cảm hoá, đổi mới và tái sinh.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ thương yêu cầu bầu cho chúng con được thêm niềm tin, lòng cậy, lửa mến, để không thất vọng khi lỡ xa Chúa, khi làm mất lòng Chúa, khi xúc phạm đến Chúa, mà luôn sốt sắng quay trở về, cậy nhờ vào lòng khoan dung của Chúa. Amen.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.