Người Việt thường gọi các cuộc bầu cử của Đảng CSVN ở trong nước là “ĐẢNG CỬ DÂN BẦU”, nhưng người Việt tỵ nạn lại gọi Mỹ là “siêu cộng sản”, tức còn mưu lược gấp trăm lần cộng sản. Nhìn vào các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, chúng ta thấy nhận xét này đúng: Tuy được coi là nước dân chủ nhất thế giới, nhưng việc bầu cử người lãnh đạo đất nước này không phải “của dân, do dân và vì dân” như Tổng Thống Abraham Lincoln đã nói, mà là “ĐẢNG CỬ ĐẢNG BẦU”!
Chuyện khó nghe nhưng lại có thật!
Không phải chỉ ở Mỹ mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi thấy ứng cử viên Thổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump múa may quay cuồng và la hét trên truyền hình, và số phiếu ủng hộ ông ta ngày càng gia tăng, nhiều người đã đặt câu hỏi: Một người chẳng hiểu biết gì về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao… mà còn ăn nói hồ đồ như ông ta, nếu ông ta đắc cử thổng thống Hoa Kỳ, chuyện gì sẽ xảy ra cho nước Mỹ và thế giới?
Sở dĩ họ đặt vấn đề như vậy là vì họ đang xem KỊCH BẢN mà lại cứ tưởng như đang chứng kiến những sự việc đang thật sự xảy ra trong cuộc sống, nên mới đặt câu hỏi như vậy. Nếu trong Đại Hội 12, Đảng CSVN đã xử dụng các kịch bản tinh vi để loại một tên tham nhũng nhất nước và đầy tham vọng là Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi guồng máy đảng và nhà nước một cách dễ dàng, thì các nhà lãnh đạo ở đàng sau hậu trường của Mỹ cũng đã dự liệu đầy đủ “tam thập lục kế”, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để ngăn chận không cho những người không có khả năng hay sẽ không đi theo đường lối do họ hoạch định… lên nắm chính quyền. Khi tình thế gay cấn, họ thường tạo ra những KỊCH BẢN khác nhau để đánh lạc hướng dư luận rồi cuối cùng đưa “con gà” của họ ra. Giả thiết có một người nào đó đã được chọn, nhưng khi thi hành nhiệm vụ đã bất thần thay đổi đường lối, không đi theo đường lối chung đã được họ vạch ra, người đó phải bị thanh toán ngay. Đó là trường hợp của Tổng thống John Kennedy bị ám sát năm 1963.
Với một hệ thống truyền thông to lớn nằm trong tay, các nhà đại tư bản Mỹ có thể lèo lái công luận đi theo chiều hướng mà họ muốn áp đặt không có gì khó khăn.
AI THẬT SỰ ĐIỀU KHIỂN NƯỚC MỸ?
Trong thế kỷ qua, có rất nhiều nhân vật chính trị, các tổ chức nghiên cứu và các chuyên gia đã đặt câu hỏi: “Who Really Rules America?” (Ai thật sự điều khiển nước Mỹ?). Và cũng đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu trả lời câu hỏi này, nhưng rất khó xác định đâu là sự thật, vì các tập đoàn quyền lực thường hoạt động theo phương thức của các xã hội đen và mỗi giai đoạn lịch sử có một tập đoàn quyền lực nắm ưu thế khác nhau. Các tập đoàn quyền lực thường được nói đến là các tập đoàn quốc phòng, các tập đoàn võ khí, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ, các tập đoàn dầu khí, các tập đoàn y tế, các tập đoàn ngân hàng và địa ốc, các tập đoàn về chứng khoán, v.v. Hai tổ chức được đặc biệt chú ý là Treasury Department Federal Credit Union và Securities and Exchange Commission. Họ nắm nhiều cơ quan truyền thông lớn để lèo lái dư luận, đưa nhiều người vào Thượng và Hạ Viện Hoa Kỳ và dùng nhiều phương thức khác nhau để chi phối chính quyền.
Trong một lá thư gởi cho một cộng tác viên của mình đề ngày 21.11.1933, Tổng Thống Franklin Roosevelt đã viết:
“Sự thật của vấn đề, như bạn đã biết, là yếu tố tài chánh trong các trung tâm rộng lớn đã làm chủ chính quyền của nước Mỹ kể từ thời Andrew Jackson."
Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Liên Bang Felix Frankfurter đã từng nói:
“Những người thật sự cai trị ở Washington là vô hình, và thực thi quyền hành từ sau hậu trường.”
Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2000, ngày 28.10.2000 chương trình Agenda của Mỹ đã mở một cuộc phỏng vấn bình luận gia và nhà văn nổi tiếng Gore Vidal về cuộc tranh cử giữa Gore và Bush. Câu hỏi được đặt ra như sau: “Có cái gì khác biệt giữa Gore và Bush?” Gore Vidal đã phán những câu nẩy lửa như sau:
“Ồ, chúng ta nắm chắc hệ thống chính trị của nước Mỹ trong 50 năm gần đây. Chúng ta có bầu cử nhưng không có quan điểm chính trị. Chúng ta có một đảng chính trị – đảng công ty Mỹ quốc, một đảng về tài sản (We have one political party – the party of corporate America, the property party) – và đảng đó có hai nhánh. Một nhánh được gọi là Dân Chủ, một nhánh được gọi là Cộng Hòa. Vậy, chính yếu là cùng một người vừa tài trợ cho Gore vừa tài trợ cho Bush….”
Được hỏi họ đã lãnh đạo chính quyền như thế nào, ông G. William Domhoff, Giáo sư Đại Học California đã trả lời:
“Đó là một câu chuyện phức tạp, nhưng câu trả lời ngắn gọn là thông qua vận động hành lang, tham gia công khai và trực tiếp vào việc hoạch định chính sách chung về những vấn đề lớn, tham gia các chiến dịch và các cuộc bầu cử chính trị (phần lớn là đóng góp tiền bạc) và thông qua việc bổ nhiệm vào các vị trí đưa ra quyết định quan trọng trong chính phủ”.
DÙNG LUẬT GIÀNH THẾ CHỦ ĐỘNG
Luật bầu cử của Mỹ rắc rối hơn bất cứ luật bầu cử nào trên thế giới. Chúng tôi đã viết khoảng 10 bài nói về vấn đề này. Hôm nay chúng tôi chỉ nói qua về những luật lệ mà các đảng phái đã đưa ra để lèo lái các cuộc bầu ứng cử viên tổng thống, làm cách nào để ứng cử viên mà họ muốn phải trúng cử.
Tổng thống Mỹ là tổng thống của liên bang và được các tiểu bang bầu, nên dân chúng không có quyền bầu trực tiếp mà chỉ được bầu các đại diện tiểu bang để các đại diện này bầu tổng thống. Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định rằng theo thể thức do cơ quan lập pháp tiểu bang qui định, mỗi bang sẽ cử ra Một số Đại cử tri (Number of Elactors) bằng tổng số Thượng nghị sĩ và Dân biểu của bang đó tại Quốc hội Liên bang để các Đại Cử Tri này bầu ra tổng thống.
Hiến Pháp liên bang không quy định việc bầu ứng cử viên tổng thống (Presidential Candidates), nên thể thức bầu cử các ứng cử viên này do luật của các tiểu bang và Điều Lệ của các đảng phái chính trị ấn định. Hoa Kỳ hiện có 37 đảng phái chính trị, trong đó có 5 đảng lớn và 32 đảng nhỏ, có cả Đảng Cộng Sản. Năm đảng lớn là:
1.- Đảng Cộng Hòa (Republican Party) thành lập năm 1854, có mặt tại 50 tiểu bang và DC, hiện có 24 nghị sĩ và 246 dân biểu.
2.- Đảng Dân Chủ (Democratic Party) thành lập năm 1828, có mặt tại 50 tiểu bang và DC, hiện có 44 nghị sĩ và 188 dân biểu.
3.- Đảng Tự Do (Libertarian Party) thành lập năm 1971, có mặt tại 48 tiểu bang và DC.
4.- Đảng Xanh (Green Party) thành lập năm 1991, có mặt tại 36 tiểu bang và DC.
5.- Đảng Hiến Pháp (Constitution Party) thành lập năm 1996, có mặt tại 26 tiểu bang.
Tuy có 5 đảng lớn, nhưng từ trước đến nay, ngoài hai đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa ra, chưa có đảng nào có người được bầu làm tổng thống.
Vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ được bầu là George Washington, nhận chức ngày 30.4.1789, tính đến nay đã 227 năm, qua 56 lần bầu cử tổng thống và 44 đời tổng thống. Trong một quá trình lịch sử dài như vậy, nước Mỹ chắc chắn cũng đã trải qua nhiều cơn sóng gió như vụ Donald Trump và có nhiều lúc còn hơn nữa. Từ những biến cố đó, các đảng phái và những người lãnh đạo nước Mỹ đã điều chỉnh luật lệ bầu cử dần để chính họ có thể chỉ định người làm ứng cử viên tổng thống. Phường bát nháo và những người họ cho rằng không thích hợp, dù ca cải lương hay, cũng không thể lọt vào được.
NHỮNG QUY ĐỊNH LẮC LÉO
Thể thức bầu cử ứng cử viên của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có nhiều điểm khác nhau, nhưng đại khái gồm những nét chính sau đây:
1.- Ấn định và phân chia số đại biểu.
Trước khi tổ chức bầu cử ứng cử viên tổng thống, cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng Hòa đều đã lập danh sách các đại biểu cho từng đơn vị bầu cử dựa theo số cử tri đã ghi danh vào đảng họ.
Các cử tri (tức đảng viên) không có quyền bầu ứng cử viên tổng thống mà chỉ bầu số đại biểu để các đại biểu nầy thay họ đi dự các đại hội đảng toàn quốc để bầu.
Đảng Dân Chủ đã ấn định số đại biểu cho 58 đơn vị bầu cử, lớn nhất là California với 548 đại biểu, New York 291, Texas 251, Florida 246, Illinois 182… Ít nhất là American Samoa và Northern Marianas với 11 đại biểu. Tổng số đại biểu là 4.765. Siêu đại biểu là 714. Ứng cử viên phải đạt được ít nhất một nữa tổng số đại biểu, tức được 2.383 đại biểu mới được bầu chọn.
Đảng Cộng Hòa đã ấn định số đại biểu cho 56 đơn vị bầu cử, lớn nhất là California với 172 đại biểu, Texas 155, Florida 99, New York 95, North Carolina 72… Ít nhất là American Samoa, Hawai và Northern Marianas với 9 đại biểu. Tổng số đại biểu là 2.432. Siêu đại biểu là 106. Ứng cử viên phải đạt được ít nhất một nữa tổng số đại biểu, tức 1.237 đại biểu mới được bầu chọn.
2.- Hai hình thức bầu cử ứng cử viên tổng thống
Trong thời kỳ tiên khởi, cử tri Mỹ bầu theo lối Bầu Cử theo Nhóm (Caucus): Đó là các cuộc họp của các đảng phái chính trị tại địa phương để bầu đại biểu, từ cấp quận đến cấp khu vực rồi cấp tiểu bang để các đại biểu này đi bầu ứng cử viên. Thủ tục này mất nhiều thì giờ và tốn kém nên bị bỏ dần. Hiện nay chỉ còn 14 tiểu bang, District of Columbia và 4 lãnh thổ Hoa Kỳ còn tiếp tục bầu theo Nhóm mà thôi.
Đa số các tiểu bang đã tổ chức Bầu Cử Sơ Bộ (Primary): Đó là những cuộc phổ thông đầu phiếu được các chính quyền tiểu bang, các chính quyền địa phương và các đảng phái chính trị thực hiện ở những nơi không có hình thức Bầu Cử theo Nhóm. Các cử tri bỏ phiếu để chọn đại biểu của mỗi ứng cử viên và các đại biểu này đi dự các đại hội đảng toàn quốc để bầu ra ứng viên tổng thống của mỗi đảng.
3.- Hai loại đại biểu (delegates)
Có hai loại đại biểu được chọn. Loại thứ nhất là Đại biểu thường (normal delegte hay pledged delegate): Các đại biểu này bị ràng buộc phải bỏ phiếu dựa trên kết quả của cuộc bầu cử sơ bộ hoặc theo nhóm tại địa phương. Loại thứ hai được gọi là Siêu đại biểu (superdelegate): Các đại biểu này muốn bầu cho ai cũng được.
ĐIỀU CHỈNH KẾT QUẢ BẰNG LUẬT!
Đại hội Đảng Dân Chủ sẽ diễn ra tại Philadelphia từ 25 đến 28.7.2016 với khoảng 4.765 đại biểu trên toàn quốc tham dự. Đại hội Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra tại Cleveland, Ohio, từ 18 đến 21.7.2016 với khoảng 2.472 đại biểu. Đây là nơi quyết định ai sẽ ra ứng cử chứ không theo số phiếu của cử tri.
Nếu vào đại hội mà không ai đủ số quy định, đại hội sẽ trở thành “Đại Hội Thương Thảo” (Brokered Convenntion). Lúc đó các đại biểu muốn bầu cho ai cũng được và Ủy Ban Toàn Quốc của Đảng có quyền giới thiệu bất cứ người nào ra tranh cử ứng cử viên cũng được.
Nếu có người có đủ số phiếu quy định, nhưng trong lần bầu thứ nhất mà không ai đạt được đa số, Đại Hội sẽ bầu theo kiểu như Đại Hội Thương Thảo.
Vì những quy định lắc léo như vậy, nên trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008 giữa ông Obama và bà Hillary, ông Obama chỉ được 17.584.692 phiếu, còn bà Hillary được đến 17.857.501 phiếu, tức cao hơn Obama 272.809 phiếu, nhưng Obama đã được chọn làm ứng cử viên nhờ phiếu của các siêu đại biểu.
LỊCH SỬ ĐANG TÁI DIỄN
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, chuyện “xóa bàn làm lại” đã xảy ra rất nhiều lần trong Đại Hội Toàn Quốc của hai Đảng. Vì thế, có những nhân vật ít ai biết đến, được gọi là “Con Ngựa Tối” (Dark Horse) bất thần lại được Đảng đưa ra làm ứng của viên và được bầu làm tổng thống Mỹ.
Trường hợp đầu tiên là năm 1844, James K. Polk, một chính trị gia ở Tennessee tương đối ít ai biết đến, nhưng lại được đại hội toàn quốc của Đảng Dân Chủ bầu làm ứng cử viên tổng thống trong lần bầu thứ 9 và ông đã trở thành tổng thống thứ 11 của Hoa Kỳ. Nhiều ứng cử viên tổng thống về sau cũng ở trong trường hợp tương tự như Franklin Pierce của Đảng Dân Chủ năm 1852, Abraham Lincoln của Cộng Hòa năm 1860, Rutherford B. Hayes năm 1876, James A. Garfield năm 1880, Warren G. Harding năm 1920 và Jimmy Carter 1976.
Trong cuộc bầu cử hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai đảng không muốn chọn những “con gà” đang múa may quay cuồng trên các sân khấu.
Về Đảng Dân Chủ, chúng ta nhận thấy ứng cử viên Bernie Sanders đang cố giành phiếu để bà Hillary Clinton không đạt được số phiếu quy định hay không có số phiếu áp đảo, dựa vào đó Đại Hội Đảng có thể xóa bàn và giới thiệu các con gà khác ra tranh cử.
Về đảng Cộng Hòa, ba ứng cử viên Ted Cruz, Marco Rubio và John Kasich đang giành phiếu để Donald Trump không đạt số phiếu quy định và Đại Hội Đảng sẽ bầu cho người mà đảng muốn.
Chưa ai có thể đoán được “Dark Horse” của hai đảng trong cuộc bầu cử sắp tới là ai.
Với một số tài liệu và sự kiện mà chúng tôi vừa trình bày trên, độc giả có thể nhận ra rằng luật lệ bầu cử Mỹ đã biến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thành cuộc bầu cử “ĐẢNG CỬ ĐẢNG BẦU”. Tại sao?
Dù người dân Mỹ đã có một mức sống ổn định và có một trình độ hiểu biết khá cao, nhưng đa số vẫn không thể nắm vững được tình hình đất nước và tình hình thế giới thật sự đang diễn biến như thế nào, và người lãnh đạo quốc gia phải có những hiểu biết và khả năng như thế nào mới có thể đối phó với những vấn đề trước mắt, tránh những biến loạn và đưa đất nước đi lên… Vì thế người dân thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, cứ nghe ông bà nào ăn nói lưu loát, tán tỉnh khéo léo và nhất là nói đúng tâm lý của họ là ủng hộ ngay, không cần biết người đó có thể lãnh đạo được đất nước trong tình trạng hiện tại và đang đến hay không. Ngoài ra, quyền lợi của giới tư bản được phân chia trong từng giai đoạn cũng phải được bảo vệ. Do đó, định chế ĐẢNG CỬ ĐẢNG BẦU đã được hình thành trong luật bầu cử Tổng Thống của Mỹ. Không làm như thế, nước Mỹ đã sụp đổ từ lâu.
Ngày 14.4.2016
Lữ Giang
Views: 0