Tối hôm qua sau “Bed time story”, trong thời gian thắc mắc, trao đổi, bé Thư hỏi ba: "Ba ơi, tại sao chúng ta phải đi lễ Chủ nhật và không được bỏ ngày này, con thấy các bạn con có ai phải giữ đâu ngoại trừ người Công Giáo mình?"
Các con thân mến!
Ba rất vui vì các con đang theo học các lớp giáo lý để tìm hiểu về đức tin Kitô giáo và học cách sống đạo…bên cạnh đó không tránh khỏi những thắc mắc về tôn giáo hay giáo lý mà chúng ta đang tin theo, và cũng rất ít người dám hỏi hay dám đi tìm hiểu nguyên nhân và giải thích tại sao.
Trước tiên ba muốn giải thích về từ ngữ “Ngày Chúa Nhật”. Thật ra vì từ “Chúa Nhật” là từ Hán-Việt: “Nhật” tức là “ngày’, nên các con chỉ cần nói Chúa Nhật, chứ không cần thêm chữ “ngày” vào phía trước nữa. Chính ra phải gọi là “Chúa nhật” là ngày của Chúa, nhưng vì có nhiều tôn giáo khác, người chưa tin vào Chúa nên muốn họ muốn tránh chữ Chúa nên gọi là trại đi thành Chủ nhật. Chữ “Chúa” hay chữ “Chủ” cũng chỉ là một từ trong tiếng Hán-Việt và những người tin Chúa Giêsu như các con không có lý do gì lại gọi là Chủ nhật mà không gọi Chúa nhật.
Một tuần lễ được phân chia ra làm 7 ngày với mỗi một cái tên tương ứng là Sunday, Monday, Tuesday, Wednesday, Thursday, Friday và Saturday là theo quan niệm của người châu Âu cổ và các nhà khoa học thời ấy về vũ trụ. Thời xa xưa, theo họ, Trái đất là trung tâm của vũ trụ, có 7 hành tinh quay xung quanh nó là Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành: Kim (Venus), Mộc (Jupiter), Thủy (Mecury), Hỏa (Mars), Thổ (Saturn). Con số 7 được người cổ xem là mầu nhiệm, một phần là do xa xưa người ta mới chỉ biết đến 7 nguyên tố kim loại là vàng (gold), bạc (silver), đồng (copper), sắt (iron), chì (lead), kẽm (zinc) và thủy ngân (mercury) nên khi chia thời gian theo tuần, tháng thì mỗi ngày tương ứng với một hành tinh, một nguyên tố kim loại nói trên và mang những ý nghĩa như sau:
Chủ Nhật (Chúa Nhật – Sunday) là ngày đầu tiên trong tuần, ngày của vị thần thân thiết nhất, quan trọng nhất đó là Mặt Trời và ứng với thứ kim loại quý nhất đó là vàng (gold).
Từ “Sunday” là từ được dịch từ tiếng Latin “dies solari” với ý nghĩa là “Ngày của Mặt trời – Day of the Sun”. Theo Kitô giáo ngày này là ngày lễ, hay còn gọi là Sabbath day – là ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa.
Kế tiếp là tại sao người Kitô giáo, cách riêng Công giáo thờ phượng Chúa vào Chúa nhật?
Đó là vì theo Kinh thánh, sách Sáng Thế Ký khi Đức Chúa Trời đã dựng nên trời đất, muôn vật cùng loài người chúng ta và Chúa thực hiện các kỳ công này trong 6 ngày, rồi Chúa dùng ngày thứ bảy làm ngày nghỉ ngơi. Đến khi Chúa ban giao ước với dân người ở núi Sinai là 10 Điều Răn thì điều răng thứ ba là ngày nghĩ đã trở nên một giới răn không được vi phạm. Hai chữ “Giới Răn” hay Điều Răn chúng ta đừng hiểu lầm như một sự khắt khe, bức bách, nhưng nếu đọc lại nội dung và hiểu Giới Răn này chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hoàn toàn vì yêu thương con người của chúng ta mà thôi: “ Ngươi hãy nhớ ngày Sabát, mà coi đó là ngày thánh. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào. Vì trong sáu ngày, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài, nhưng Người đã nghĩ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ngày Sabát và coi đó là ngày thánh.”(Kinh Thánh Cựu Ước)
Chúa muốn con người chúng ta sống xứng đáng địa vị làm con người, không phải là nô lệ trong công việc, tiền của và dục vọng mà phải lao thân vào những việc hư mất đến kiệt sức. Con người được Chúa ban tự do, hưởng phước, vì vậy Chúa ban cho ngày nghĩ để bổ dưỡng lại sức khỏe thân thể lẫn tâm linh (Thờ phượng Chúa). Nhiều người hiểu sai ngày nghĩ nên họ dùng ngày nghỉ để ăn chơi phung phí sức khỏe vào những việc vô ích, vô bổ, hay đi làm thêm kiếm tiền…trong khi Chúa nhấn mạnh hai lần trong Điều Răn nầy: “chúc phúc cho ngày Sabát và coi đó là ngày thánh” có nghĩa là ngày nghĩ thuộc về Chúa. Và Chúa đã kể riêng thuộc về Chúa nghĩa là tạm thời gác lại những việc đời nầy, nghỉ ngơi phần xác, học Kinh thánh, cầu nguyện với Chúa, ca ngợi Chúa và không quên bồi đắp hạnh phúc gia đình và xã hội.
Chúa yêu thương muốn bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho con người là thứ con người không thể mua được. Chúa lại không muốn con người, nhất là con người của thời đại công nghiệp hiện đại – chỉ lo làm mà quên đi hạnh phúc gia đình, xã hội nên Chúa ban ngày nghĩ. Hãy tưởng tượng một ngày nghĩ trong một tuần để vợ chồng, con cái, mọi người thân chung quanh có chút thì giờ một ngày bên nhau, một ngày thăm viếng nhau, bên nhau cùng thờ phượng Chúa, bên nhau cùng đi shopping, bên nhau một bữa ăn chung… Đó không phải là mơ ước của mọi người sao?
Vậy không đi thờ phượng Chúa vào Chúa nhật thì có tội không?
Như chúng ta đã biết về Giáo lý Công giáo, điều răn thứ ba trong 10 Điều Răng là : “Giữ ngày Chúa Nhật”, và điều răn thứ nhất trong Sáu điều răn Hội Thánh là: “Xem lễ ngày Chúa nhật cùng các ngày lễ buộc”.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2181, quy định: “Thánh lễ Chúa nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. Điều 1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng”.
Luật tham dự thánh lễ buộc người Công giáo tận trong lương tâm. Tức là luật buộc theo lương tâm đặt nền tảng trên một nhu cầu nội tâm mà các Kitô hữu thuộc các thế kỷ đầu đã cảm nhận cách mạnh mẽ. Giáo Hội đã không ngừng xác nhận bổn phận đó, mặc dù Giáo Hội đã nghĩ rằng không cần phải bắt buộc ngay từ đầu. Chỉ sau này khi thấy một số người nguội lạnh hoặc khinh thường bổn phận đó, thì Giáo Hội mới phải xác định rõ rệt bổn phận phải tham dự thánh lễ Chúa Nhật: thông thường nhất là Giáo Hội khuyến khích họ làm tròn bổn phận, nhưng thỉnh thoảng Giáo Hội cũng phải dùng cả những biện pháp do giáo luật ấn định rõ ràng. Đó là điều Giáo Hội đã làm qua những công đồng riêng khác nhau kể từ thế kỷ thứ tư (thí dụ như ở công đồng Elvire năm 300: công đồng này không nói đến bổn phận, nhưng lại nói đến những hình phạt nếu vắng mặt ba Chúa nhật), nhất là kể từ thế kỷ thứ sáu trở đi (như công đồng Adge vào năm 506 quy định điều đó). Tất cả những sắc lệnh này của các công đồng riêng đã dấn đến một thói quen chung có tính cách bắt buộc như một bổn phận, như một sự việc hoàn toàn bình thường.
Những ai không thể tham dự vì những lý do tương đối nghiêm trọng: như gặp những khó khăn quá lớn hay có khả năng gây hại cho mình hay cho người khác về thể xác hay tinh thần, hoặc do bản chất đặc biệt của công việc. Cách riêng, những người sau đây được miễn dự lễ:
– Người bệnh và người đang dưỡng bệnh, mà nếu dự lễ có thể gây thiệt hại.
– Người ở xa nhà thờ hay không có phương tiện đi lại (đi bộ mất một giờ nếu là người khoẻ…)
– Người quá nghèo không có y phục tươm tất hay không thể trả phí tổn đi lại.
– Người bị ngăn trở do nghĩa vụ nghề nghiệp hoặc nghĩa vụ của cuộc sống, do nghĩa vụ phải cấp cứu hay do các công tác bác ái khẩn cấp.
– Con cái, vợ hay người làm thuê có thể bị thất sủng nặng nề với cha mẹ, chồng hay chủ nếu đi dự lễ.
Tại nước Mỹ này, có những người Việt Nam vì lý do nào đó muốn đi nhà thờ Mỹ gọi là thờ phượng Chúa. Nghe thì hợp lý, nhưng đòi hỏi sự hiểu biết và hiệp thông trong Thánh Lễ chia sẻ đức tin với anh em không cùng ngôn ngữ, góp phần gây dựng Hội thánh, làm chứng về Chúa tốt nhất.
Trong mọi nơi, mọi lúc, chúng ta cần tìm kiếm Thiên Chúa, sống trong đức tin và niềm an vui hạnh phúc và nhất là nhớ ngày của Chúa!
Thương các con
Orange county tháng 3 ngày 31 năm 2016
Views: 0