Năm 1957 tôi mới lên ba ở Brandenburg, Đông Đức. Cha tôi là mục sư Tin lành, mẹ tôi từng học sư phạm môn tiếng Anh và tiếng Latinh, nhưng mẹ tôi không được phép đi dạy ở Đông Đức. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng mường tượng là sẽ có ngày bức tường Berlin sụp đổ, tôi chưa từng dám mơ là tôi lại có ngày đến Mỹ, chứ đừng nói đến chuyện có mặt tại Quốc hội Mỹ như lúc này đây.
Miền đất hứa với cơ hội vô hạn cho mỗi người là giấc mơ không thể nào có đối với một thiếu nữ như tôi ở Đông Đức. Bức tường với hàng rào thép gai và lệnh bắn bỏ bất cứ ai làm chúng tôi tưởng như không bao giờ có thể tới được bến bờ của thế giới tự do. Tôi chỉ có cách hình dung nước Mỹ qua phim ảnh và qua những cuốn sách được xách tay nhập lậu về Đông Đức.
Tôi đã từng thấy gì, tôi đã từng đọc gì? Tôi đã từng tha thiết điều gì?
Tôi đã từng tha thiết về giấc mơ Mỹ – về cơ hội cho mọi người được thành công, cho mọi người tạo dựng được điều mong ước của đời mình bằng nỗ lực của bản thân. Tôi cũng như mọi người trẻ Đông Đức hồi ấy chỉ ước được chiếc quần jean chính hiệu mà lúc đó không tài nào kiếm được ở Đông Đức, còn tôi thì được người nhà ở Tây Đức thỉnh thoảng gửi cho.
Tôi đã từng tha thiết về hình ảnh bao la của nước Mỹ nơi mà không khí để thở cũng dường như tràn ngập tinh thần độc lập và tinh thần tự do. Đối với tôi cho đến tận năm 1989 thì nước Mỹ vẫn chỉ là một giấc mơ thôi. Rồi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9/11/1989 và đó chính điều mà tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới nước Mỹ.
Tôi xin cảm ơn 16 triệu người Mỹ đã từng làm nhiệm vụ ở Đức trong mấy chục năm qua. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, của những người lính, của những nhà ngoại giao và của tất cả những ai đã đóng góp thì đã không mang lại được kết quả như ngày hôm nay để châu Âu không còn bị bức tường chia rẽ.
Chúng tôi thật hạnh phúc được sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại Đức cho hôm nay và cho tương lai. Họ chính là những đại sứ của Mỹ tại đất nước chúng tôi, cũng như những người Mỹ gốc Đức cũng là những đại sứ của Đức tại nước Mỹ.
Tôi nhớ tới John F. Kennedy đã được những người dân Berlin đang tuyệt vọng vô cùng yêu quý bởi lời ông nói khi thăm Berlin năm 1963: “Ich bin ein Berliner.” (Tôi là một người Berlin.)
Ronald Reagan cũng đã nhìn thấy được bước chuyển của thời đại khi ông đứng trước cổng Brandenburg Gate năm 1987 kêu gọi: “Ông Gorbachev, hãy mở cổng này ra … Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này đi.” Sẽ mãi mãi không quên lời kêu gọi đó. Tôi cũng mới gặp lại Mikhail Gorbachev tuần trước và chúng tôi cũng xin tri ân ông.
Nhân dân Đức chúng tôi vô cùng biết ơn các bạn Mỹ. Nhân danh quốc gia và nhân danh cá nhân, chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Ở nơi trước đây là bức tường tăm tối, cánh cửa bất ngờ mở ra và tất cả chúng tôi bước qua cánh cửa ấy. Tất cả mỗi người từ đó bắt đầu có cơ hội xây dựng một điều mới để mang lại sự thay đổi và là bước đầu tiên cho hành trình mới.
Bản thân tôi cũng có sự mở đầu mới mẻ. Tôi từ bỏ việc nghiên cứu vật lý tại Viện Hàn lâm khoa học ở Đông Đức và bắt đầu sự nghiệp chính trị. Cuối cùng tôi đã có dịp làm một điều gì mới, tôi hiểu rằng tôi đã có thể mang lại sự thay đổi và tôi có thể làm được điều gì đó.
Kể từ ngày chúng tôi được trao tặng món quà tự do vô giá đến nay đã hai mươi năm. Không có gì có thể thúc đẩy tôi mãnh liệt hơn, không có gì làm cho tôi tràn ngập cảm xúc tích cực hơn là sức mạnh của tự do, như lời của Biill Clinton tại Berlin năm 1994: “Không có gì ngăn được chúng ta. Tất cả đều có thể.”
Đúng như thế, tất cả đều có thể. Một người phụ nữ như tôi có thể đứng trước quý vị hôm nay, cũng như Arnold Vaatz là thành viên của phái đoàn Quốc hội Đức có mặt ở đây hôm nay cũng đã từng phải ngồi tù ở Đông Đức chỉ vì tội là người bất đồng chính kiến.
Ở thế kỷ 21 này, ở thời đại toàn cầu hóa này, tất cả mọi điều là có thể. Mặc dù phải công nhận toàn cầu hóa còn đầy trở ngại nhưng cả nước Đức và nước Mỹ đều thấu hiểu rằng nếu không toàn cầu hóa thì người ta sẽ đóng chặt cửa để chỉ biết mình và không biết tới ai cả rồi từ đó sẽ chỉ đưa đến bước cùng của sự cô lập và nỗi đau khổ. Phải suy nghĩ để tạo ra liên minh để làm việc cùng nhau, để cùng nhau tiến lên phía trước là cách duy nhất dẫn chúng ta đến tương lai tốt đẹp.
Nền tự do ở Berlin cũng như tiếng chuông tự do ở Philadelphia là những biểu tượng nhắc nhở chúng ta rằng tự do không tự dưng mà có. Tự do chỉ có thể giành được bằng đấu tranh và tự do phải được bảo vệ từng ngày trong đời sống của chúng ta. Trong cuộc đấu tranh đó, lời hứa của tôi hôm nay trước quý vị, là nước Đức và châu Âu sẽ luôn luôn là đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy của nước Mỹ.
Views: 0