Uncategorized

Đóng đinh là gì. Chúa Giêsu chịu đóng đinh như thế nào?

Sự kiện đóng đinh, dĩ nhiên, không thích thú gì. Tuy nhiên, hiểu rõ việc đóng đinh sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu đã phải chịu đựng những gì vào ngày Người qua đời. Bài dưới đây dựa vào nhiều tài liệu y khoa, trong đó, có cuộc nghiên cứu của Bệnh Xá Mayo đăng trên Tạp Chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ năm 1989.

Sự kiện đóng đinh, dĩ nhiên, không thích thú gì. Tuy nhiên, hiểu rõ việc đóng đinh sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu đã phải chịu đựng những gì vào ngày Người qua đời. Bài dưới đây dựa vào nhiều tài liệu y khoa, trong đó, có cuộc nghiên cứu của Bệnh Xá Mayo đăng trên Tạp Chí của Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ năm 1989.

Hình phạt đóng đinh có lẽ bắt đầu bởi người Ba Tư (nay là Iran). Thoạt đầu, nạn nhân bị treo lên để chân không chạm đất thánh. Người Phênixi, đi buôn bán khắp nơi, hình như đã bắt chước thực hành này và đem đi phổ biến ở nhiều nền văn hóa khác, trong đó có nền văn hóa Hy Lạp.

Alexăng Đại Đế (người Hy Lạp) du nhập thực hành này vào Carthage, nơi nó được người Rôma tiếp thu. Người Rôma bắt đầu sử dụng nó khoảng vào thời Chúa Giêsu sinh ra.

Họ cải thiện việc đóng đinh, biến nó thành một hình phạt nhằm tối đa hóa sự đau đớn và thống khổ. Không phải chỉ để giết một người, mà là giết cách khủng khiếp nhất. Người bị đóng đinh chịu lượng đau khổ lớn lao nhất.

Đóng đinh cũng là hình thức hành quyết hạ nhục nhất. Nó thường được dành cho nô lệ, ngoại kiều, phiến loạn, và những tội nhân đáng khinh. Chỉ những công dân Rôma nào phạm tội đào ngũ mới bị đóng đinh mà thôi.

Thế nào là đánh đòn?

Đánh đòn được thực hiện trước việc đóng đinh. Nó nhằm đem nạn nhân tới trạng thái gần như đã chết. Nó gây đau đớn, cùng cực.

Roi đánh có những viên bằng sắt gắn vào cuối mỗi sợi dây da. Đôi khi, những chiếc xương chiên rất sắc còn được cột vào gần cuối sợi dây ấy nữa. Những viên bằng sắt nhằm gây những vết bầm thật sâu, trong khi sợi dây da sẽ xẻ da ra. Xương chiên sẽ làm cho diễn trình xẻ da nhanh hơn. Sau một vài cú đánh, da sẽ bị xé nát và các bắp thịt bắt đầu bị xẻ. Máu lênh láng chẩy ra và cơn đau có thể làm nạn nhân kích ngất (shock).

Một cuộc đóng đinh tiêu biểu sẽ như thế nào?

Sau khi bị đánh đòn, nạn nhân sẽ vác xà ngang của cây thập tự của mình (gọi là patibulum) từ khu vực bị đánh đòn bên trong thành tới khu vực bị đóng đinh ở bên ngoài tường thành. Khu vực đóng đinh luôn ở bên ngoài thành phố, vì diễn trình đóng đinh rất khủng khiếp và gây kinh hoàng cho người dân.

Phần đứng thẳng của cây thập tự đã được dựng sẵn tại khu vực đóng đinh. Phần được nạn nhân vác là xà ngang, nặng chừng từ 75 tới 125 cân Anh. Xà ngang này được đặt cân bằng trên vai nạn nhân, và hai cánh tay nạn nhân bị cột vào xà ngang này. Ở thế này, nếu nạn nhân bị té, họ không thể dùng tay để đỡ được, nên chắc chắn sẽ té dập mặt thẳng xuống đất.

Nạn nhân được vệ binh Rôma hộ tống (thường là một viên bách quản và một số binh lính), những người này có nhiệm vụ canh giữ nạn nhân cho tới khi nạn nhân chết. Một trong các binh lính này sẽ đóng một tấm bảng viết tội của nạn nhân trên đó.

Khi đã tới khu vực đóng đinh, nạn nhân sẽ được uống một thứ rượu pha với nhựa thơm có tác dụng làm giảm cơn đau. Đây là một nghĩa cử của các phụ nữ Giêrusalem.

Rồi họ trao cho Người rượu pha nhựa thơm, nhưng Người không dùng nó – Máccô 15:23.

Sau đó, nạn nhân sẽ bị đóng đinh vào xà ngang cây thập tự. Đinh sẽ thâu qua cổ tay, chứ không phải bàn tay, vì làm vậy sẽ không giữ được sức nặng của thân xác.

Xà ngang cây thập tự sẽ được nâng lên và tra vào cột đứng thẳng, là cột được dùng để đóng đinh gót chân nạn nhân vào.

Một khi đã bị đóng đinh, nạn nhân thường sống thêm được chừng vài giờ tới vài ngày. Sống bao lâu phần lớn tùy ở việc đánh đòn dữ dằn ra sao.

Nếu không ai xin xác nạn nhân, xác này sẽ bị để nguyên trên thập tự để các loài chim ăn thịt. Tuy nhiên, gia đình có thể xin xác về chôn cất. Trong trường hợp này, một binh sĩ Rôma sẽ dùng gươm hay giáo đâm ngực nạn nhân để bảo đảm nạn nhân đã chết.

Thực ra điều gì đã giết nạn nhân?

Việc đánh đòn đã làm suy yếu nạn nhân, gây cho nạn nhân mất rất nhiều máu, và có thể làm họ kích ngất. Tới lúc nạn nhân vác xà ngang cây thập tự tới khu vực chịu đóng đinh, họ đã kiệt sức rồi.

Một khi đã bị treo trên thập tự, sức nặng của thân xác nạn nhân trì trên đôi cánh tay. Ở thế này, rất khó thở đủ hơi. Nạn nhân thỉnh thoảng phải cố hít những hơi thở ngắn, nhưng rồi cuối cùng cũng phải cố nâng mình lên để thở những hơi dài.

Đến đây, 3 điều sẽ xẩy ra:

◗ Sức nặng của nạn nhân nay hoàn toàn do đôi chân chống đỡ. Các chiếc đinh đâm thâu qua hai bàn chân chắc chắn sẽ đụng vào hai dây thần kinh lớn chạy qua khu này. Kết quả là đau đớn khôn tả cho đôi chân.

◗ Các chiếc đinh ở cổ tay chắc chắn sẽ đâm vào dây thần kinh lớn chạy qua cánh tay. Khi nạn nhân kéo mình lên để thở, cổ tay sẽ xoay quanh chiếc đinh, đụng đến dây thần kinh và gây nên cái đau khôn cùng cho cánh tay. Một số người có thế giá còn tin rằng thế bị đóng đinh làm trật bả vai hoặc khủyu tay. Bất cứ cử động nào cũng làm tăng cơn đau từ những vết thương này.

◗ Các vết thương ở lưng nạn nhân do bị đánh đòn sẽ cọ sát vào phần cứng của cột đứng thẳng của thập tự. Việc này có khuynh hướng làm sưng tấy các vết thương, dẫn tới nhiều đau đớn và mất máu hơn nữa.

Tất cả những đau đớn ấy cộng lại khiến nạn nhân mau chóng phải hạ mình trở lại như cũ. Cuối cùng, nạn nhân sẽ mất hết khả năng nâng mình lên và sẽ ngộp thở. Kích ngất do việc mất máu lúc bị đánh đòn càng làm diễn trình này nhanh hơn.

Trong một số trường hợp, đôi chân của nạn nhân còn bị đánh gẫy khiến họ qua đời sớm. Vì việc này ngăn họ không còn khả năng nâng mình lên nữa, khiến họ ngộp thở trong vòng mấy phút.

Những điểm chuyên biệt trong việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Việc đóng đinh Chúa Giêsu phần lớn theo thủ tục bình thường, dù có một số khác biệt. Các khác biệt này giúp giải thích sự kiện Người qua đời tương đối rất nhanh sau một thời gian ngắn trên cây thập tự.

Lâm chiến, Người cầu nguyện càng khẩn thiết hơn, và mồ hôi Người như máu nặng giọt rỏ xuống đất. – Luca 22:44.

Có một tình trạng gọi là đổ mồ hôi máu (hemohidrosis hoặc hematidrosis) xẩy ra nơi những người chịu căng thẳng cùng cực về thể lý hay xúc cảm. Các mạch máu trong các tuyến mồ hôi vỡ ra và rỉ máu vào trong mồ hôi của họ. Hậu quả là những giọt mồ hôi máu. Nhiều người có thế giá tin rằng đây là lời giải thích có lý cho những gì xẩy ra với Chúa Giêsu.

Dù việc mất máu trong tình trạng này không đáng kể, nó vẫn chứng tỏ Người bị căng thẳng rất lớn, khiến Người yếu hẳn đi về thể lý.

Hai người canh giữ Người bắt đầu chế giễu và đánh đập Người. – Luca 22:63.

Rồi một số bắt đầu khạc nhổ vào Người; họ bịt mắt Người, đấm vào Người mà nói, Hãy nói tiên tri đi! Và các lính canh túm lấy Người và đánh đập Người. – Máccô 14:65.

Rồi họ khạc nhổ vào mặt Người và đấm vào Người. Những người khác vả vào Người. – Mátthêu 26:67.

Khi Chúa Giêsu nói thế, một trong các viên chức gần đó vả vào mặt Người. Anh ta hỏi: Đó là cách ngươi trả lời vị thượng tế sao? – Gioan 18:22.

Trước khi bị đánh đòn và đóng đinh, Chúa Giêsu đã bị các lính canh đánh đập, việc này làm Người mất sức. Thêm vào đó, Người không được ngủ vào đêm hôm ấy, lại còn phải đi tới đi lui để bị xét xử hết lần này tới lần khác.

Một người đàn ông nào đó quê ở Cyrene, tên Simon, cha của Alexander và Rufus, đi qua đó trên đường từ vùng quê, và họ bắt ông ta vác cây thập tự. – Máccô 15:21.

Khi ra đến ngoài, họ gặp một người đàn ông quê ở Cyrene, tên Simon, và họ buộc ông vác cây thập tự. – Mátthêu 27:32.

Khi dẫn Người đi, họ bắt Simon quê ở Cyrene, lúc ấy đang từ vùng quê đi tới, và đặt cây thập tự lên vai ông và buộc ông vác nó phía sau Chúa Giêsu. – Luca 23:26.

Một cách tiêu biểu, tù nhân phải vác cây thập tự của mình tới địa điểm chịu đóng đinh. Sự kiện Simon bị ép vác cây thập tự của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người quá yếu sức đến độ không thể vác được cây thập tự của mình.

Hôm đó là Ngày Chuẩn Bị (nghĩa là ngày trước ngày Sabát). Nên lúc màn đêm sắp buông xuống, Giuse quê ở Arimathea, một thành viên của Thượng Hội Đồng, và là người đang mong chờ Nước Thiên Chúa, đã can đảm đến dinh Philatô và xin xác Chúa Giêsu.

Philatô ngạc nhiên nghe tin Người đã chết. Cho vời viên bách quản, ông hỏi ông này xem có phải Chúa Giêsu đã chết thật rồi hay chưa. – Máccô 15:42-44.

Vì ngày Sabát của người Do Thái bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, nên điều quan trọng là không được để xác trên thập tự, luật Do Thái buộc phải chôn cất trước ngày Sabát.

Hãy ghi nhớ: Philatô ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu đã chết.

Nay là ngày Chuẩn Bị, và hôm sau là ngày Sabát đặc biệt. Vì người Do Thái không muốn xác người trên các cây thập tự trong ngày Sabát, nên họ xin Philatô cho đánh dập hai ống chân và hạ xác xuống:

Do đó, các binh lính tới và đập dập các ống chân của người đầu tiên cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, rồi các ống chân của người kia. – Gioan 19:31-32.

Như đã nói ở trên, đánh dập ống chân người bị đóng đinh sẽ khiến họ chết ngộp trong vòng ít phút, vì họ hết khả năng nâng mình lên để thở.

Nhưng khi đến chỗ Chúa Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập các ống chân của Người. Thay vào đó, một trong các binh sĩ dùng giáo đâm thâu ngực Người, máu và nước lập tức tuôn ra. – Gioan 19:33-34.

Một lần nữa, đây cũng là thực hành tiêu biểu của việc đóng đinh: đâm nạn nhân để bảo đảm nạn nhân đã chết trước khi trao cho thân nhân.

Nước mà Thánh Gioan ở đây mô tả như tuôn ra có lẽ là chất huyết thanh ở màng phổi (pleural) và màng tim (pericardial): chất lỏng này thường tụ lại vì kích ngất và mất máu. Chất lỏng này có khuynh hướng tụ lại ở lồng ngực và phổi.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.