Mỗi lần Chúa Nhật Lễ Lá mở đầu Tuần Thánh, Giáo Hội lại cho đọc lại những trình thuật về cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu vào Thành Thánh Giêrusalem. Gọi là cuộc khải hoàn, nhưng đúng hơn, đây là hình ảnh của việc chiếm ngự tâm linh mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện khi ngài chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Một hình ảnh của cuộc chiến thắng tinh thần. Cả người chiến thắng và những người tham dự vào cuộc chiến thắng này rất đơn sơ, khiêm tốn, hiền lành, và tự nhiên.
Trong cuộc khải hoàn và chiến thắng ấy không thấy bóng dáng những nhân vật quan trọng đạo, đời. Không có những diễn văn hùng hồn. Không có những màn trình diễn, duyệt binh rầm rộ với những chiến mã và đoàn xe hộ tống. Nhưng phương tiện duy nhất được dùng trong cuộc khải hoàn này là một con lừa con. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ ngài: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ, các con hãy mở dây mà dẫn về.” (Luca 19:30). Nhưng tại sao lại là con lừa con?
Hồi còn nhỏ, mỗi lần phá phách, nghịch ngợm mà mẹ bảo không nghe thì thường được nghe câu nói: “Mày là con lừa. Nhẹ không ưa, ưa nặng”. Có nghĩa là bảo nhẹ mà không nghe, liệu muốn bị đánh đòn không đây?! Con lừa ưa nặng. Như vậy là bản tính của nó hay tự nó muốn nặng. Có lẽ là do bản tính của nó hơn là nó muốn nặng. Lừa hay ngựa thì con gì mà chẳng muốn nhẹ, ưa nhẹ. Thật vậy, ngoài cái “ưa nặng” của lừa, nó còn là con vật im lặng, chịu đựng và nhẫn nại. Không ồn ào, không xông xáo, và cũng không hiếu chiến. Một con vật như vậy được dùng để tượng trưng cho sự nhẫn nhục, chịu đựng và hiền hòa của người đang cỡi trên lưng nó, và đoàn người đi theo người đó là một điều hết sức ý nghĩa.
Người ngồi trên lưng lừa:
Chúa Giêsu, đấng đang tiến vào Giêrusalem hôm nay với những tiếng tung hô tưng bừng, và niềm vui hớn hở của những kẻ theo ngài, cũng chính là đấng mà ít ngày sau giống như con lừa, vừa hiền từ, câm nín, và vừa chịu đựng.
Quang cảnh ở vườn Giệtsimani bị các môn đệ bỏ rơi vì mê ngủ. Bị Giuđa phản bội trao nộp. Quang cảnh bị dẫn đến dinh tổng trấn và dinh thượng tế và bị tra khảo. Bị chế nhạo bởi Hêrôđê, và bị kết án bất công bởi tổng trấn Philatô. Nhất là trước cuộc tra tấn dã man ở dinh tổng trấn, bị nhục mạ và chọn lựa sau tên cướp, bị vác thập giá lên Núi Sọ, và chịu đóng đanh ở đó. Ðặc biệt, như còn bị chính Chúa Cha từ bỏ: “Eli, Eli, lema sabachthani?” – Lạy Chúa Trời tôi. Lạy Chúa Trời tôi, sao nỡ bỏ tôi – (Mat 27:46).
Hình ảnh của Chúa Giêsu trong những ngày thuộc Tuần Thương Khó, ngập tràn những nét tiều tụy, đau thương, và thống khổ. Nhưng bên cạnh những bất hạnh ấy, là sự nhẫn nại, phó thác, tin yêu, và chấp nhận. Như một con lừa vẫn thường ngày chậm dãi bước đi mang trên vai những gánh nặng mà chủ nó đặt trên đó. Không một lời than thở. Không một lời trách móc. Và không ồn ào phản bác. Tất cả là hy sinh và chấp nhận.
Ðến đây chúng ta mới thấy rằng tại sao Chúa không dùng ngựa. Chúa ngồi trên một con chiến mã trông sẽ oai phong, lẫm liệt, và giống ông vua hơn. Nhưng có lẽ đấy cũng là điều mà ngài muốn chúng ta cần phải lưu ý khi muốn tìm gặp một hình ảnh trung thực của ngài trong cuộc đời.
Chúng ta sẽ không thấy ngài xuất hiển vẻ vang, oai phong, và lẫm liệt, nhưng có lẽ chúng ta thường thấy ngài lầm lũi, nghèo khổ, bệnh tật, bị trù dập và bị hất hủi. Và thật vậy, chính những hình ảnh ấy qua cặp mắt đức tin, chúng ta sẽ khám phá ra ngài. Ngài muốn chinh phục chúng ta bằng tình thương, bằng lòng nhân từ, và bằng sự khiêm tốn. Ngài không chiến thắng, không chinh phục lòng tin của con người bằng những vẻ huy hoàng và quyền lực nhưng bằng cái nội tâm nhân hậu và hiền lành. Bằng sự hy sinh đến chấp nhận chịu khổ và chịu chết. Như vậy, ngài mới thật là vua chiến thắng. Và như ngài đã nói: “Nước ta không thuộc về thế gian này” (Gioan 18:36).
Người theo đón tiếp:
Nếu để ý đọc lại những trình thuật về cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu vào Giêrusalem, chúng ta cũng thấy rằng không có bộ mặt lớn nào trong giới chính quyền và giáo quyền xuất hiện để tiếp đón ngài hôm đó. Ngược lại, chỉ có những người tầm thường và con nít. Nhưng khi ngài bị bắt, bị trao nộp, thì những bộ mặt lớn ấy lại xuất hiện. Thượng tế Anna và Caipha. Vua Hêrôđê. Tổng trấn Philatô. Vậy điều này nói lên cái gì?
Có nghĩa là những kẻ muốn theo Chúa, và thực sự là thế, là những kẻ khiêm nhường, bé mọn, và đơn sơ. Chính những người này đã nhận ra Chúa. Và họ vui mừng đón rước Chúa. Những kẻ quyền thế, cao sang, không thấy xuất hiện trong đám rước ngày hôm nay, nhưng họ lại đang sẵn sàng chờ đợi, để khi có dịp là ra mặt trấn át, bắt bớ và thủ tiêu ngài. Họ là những người đại diện cho thế giới tội lỗi, kiêu căng và thù hận. Họ là đại diện của thế giới vật chất, và phù phiếm. Nơi họ không có sự khiêm tốn, đơn sơ và bác ái.
Phải chăng, đó cũng là tâm trạng của chính mỗi người chúng ta khi muốn đón tiếp ngài. Ðón tiếp ngài giữa công hội, giữa đám đông, hay đón tiếp ngài âm thầm vào nhà mình. Thật vậy, trước hết là chúng ta không thể tìm đâu ra Chúa Giêsu giữa những ồn ào, huyên náo. Giữa những rừng cờ phất phới. Giữa những tiếng nhạc quân hành, và những đoàn quân chiến thắng. Giữa những vó ngựa reo vang.
Chúng ta cũng không nhìn ra khuôn mặt của Chúa nơi những khuôn mặt của những kẻ chiến thắng, vênh váo, và tự đắc. Nhưng chúng ta chỉ có thể tìm thấy ngài giữa những cảnh sống đơn sơ, nghèo hèn, hoặc bắt bớ, và tù đày. Ở đó chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu qua những anh chị em nghèo, túng, thiếu ăn, thiếu mặc, và lam lũ. Ở đó, chúng ta nhìn thấy Chúa qua những anh chị em bệnh tật, tù đầy và bị ức hiếp. Những người mà khi chúng ta làm những việc như cho một bát nước, một chén cơm, một manh áo. Hay những lần chúng ta nở một nụ cười chào thăm, là chúng ta làm cho chính Chúa: “Ta bảo thật, khi các ngươi làm những việc ấy cho một trong những anh em hèn mọn nhất của ta là làm cho chính ta” (Mt 25:40).
Con lừa:
Hình ảnh con lừa xem như được dùng nhiều trong Thánh Kinh. Ít nhất nó cũng được nhắc tới trong cuộc hành trình về Belem của Thánh Giuse và Ðức Mẹ. Nó được nằm kề bên máng cỏ trong đêm Chúa Giáng Trần để cùng với đoàn vật hà hơi ấm cho Chúa Hài Nhi giữa đêm trường lạnh giá. Và hôm nay, nó lại được Chúa dùng để vào Thành Thánh Giêrusalem. Nhưng ở bất cứ hoàn cảnh nào, nó vẫn là con vật nhẫn nhục, chịu đựng, và không ồn ào.
Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh ấy qua việc so sánh về thái độ chấp nhận và hy hiến của Chúa Giêsu từ khi ngài cỡi lên mình nó, cho đến lúc ngài tắt thở trên thập giá. Và chúng ta cũng có thể tìm thấy hình ảnh của nó nơi tất cả những ai khiêm tốn, và đơn sơ đang dong duổi tìm kiếm Chúa trong hành trình đức tin của mình. Và hình ảnh ấy cũng chính là hình ảnh mà tôi cần phải học đem ra áp dụng trong đời sống tâm linh của mình. Tôi phải khiêm tốn, đơn sơ, nhẫn nhục và chịu đựng. Không phải vì miễn cưỡng, mà vì lòng yêu mến Ðức Kitô. Tôi phải là con lừa để ngài cỡi và để tôi có thể đem ngài đến với bất cứ ai, bất cứ đâu mà ngài muốn. Ðiều này cũng có nghĩa là qua tôi, người ta nhìn thấy và tìm gặp được ngài.
Views: 0