Chúa Nhật lễ Lá cũng là Chúa Nhật bắt đầu Tuần Thánh. Chúa vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua hầu đem lại ơn cứu độ cho loài người.
Bước vào giai đoạn cuối của con đường tình yêu, ngồi trên lưng lừa, Chúa Giêsu và các môn đệ tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của dân chúng: Hoan hô con Vua Đavít. Ngài đi đến đâu người ta cũng lấy áo mình trải xuống đường.Tất cả đoàn môn đệ cũng vui mừng lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa: “ Chúa tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa”, đến nỗi trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisiêu cảm thấy khó chịu đã đề nghị với Chúa Giêsu : “ Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ!” Nhưng Ngài đã trả lời: “ Tôi bảo các ông, họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!”.
Chuyện gì phải đến, sẽ đến! Ngài tiến vào thành Giêrusalem với tư cách của Đấng Mêsia. Một thoáng vinh quang ấy như để giới thiệu cho loài người biết Ngài là ai và xuống thế gian mặc lấy thân phận của con người vì mục đích gì. Một thoáng vinh quang ấy lại trở thành duyên cớ cho người ta tìm bắt và giết Ngài, và lại là khởi đầu cho cho một cuộc thương khó đầy tủi nhục mà Ngài sẽ phải trải qua.Trong niềm phấn khởi chóng qua ấy lại chất chứa những phản bội của một Giuđa, của Phêrô ba lần chối Thầy, của đám đông gào thét: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá.” Đoạn cuối của con đường tình yêu là cô đơn và phản bội, là nhục mạ và đòn roi!
Trong khi còn rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ba lần tiên báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ phải chết thế nào, và Ngài đã hứa hẹn với các môn đệ: “ Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Itraen” và Ngài đã lập phép Thánh Thể để ở cùng loài người cho đến ngày tận thế.
Nghĩ đến con đường tử nạn, có lúc Ngài cũng đã xao xuyến, lo sợ đến toát mồ hôi máu tại núi Ôliu : “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Ý Cha là yếu tố quyết định. Ngài hoàn toàn tuân phục thánh ý của Chúa Cha và gạt bỏ ý riêng của mình.
Từ khi bị bắt cho đến khi chịu đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh, im lặng chấp nhận để cho người ta xỉ vả, đánh đòn, vu oan và cả đến những phản bội của dân chúng và ngay cả đến các môn đệ của mình. Ngài lấy yêu thương, tha thứ để xóa lấp hận thù. Ngài đã nhìn lại Phêrô để ông sám hối ăn năn, đã dừng lại để an ủi những phụ nữ khóc thương Ngài, đã xin với Chúa Cha : “ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”và đã hứa Nước Trời cho tên trộm tỏ lòng sám hối. Ngài ý thức và chủ động bước vào con đường hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Đây là cuộc chiến thắng sự hận thù, bất công bằng tình yêu và lòng bao dung vô bờ bến.
Hôm nay, có thể chúng ta tung hô chúc tụng Chúa, nhưng ngày mai lại gào thét đóng đinh Ngài. Có thể hôm nay chúng ta theo Ngài, nhưng ngày mai lại chối từ Ngài. Cuộc sống hôm nay vẫn còn đó bất công hận thù tìm cách hãm hại anh em, vẫn còn đó những người công chính lương thiện bị trù dập và cô lập giữa xã hội vô cảm. Học lấy gương của Chúa Giêsu, chúng ta sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì người mình yêu thương. Chính tình yêu của chúng ta đem lại ý nghĩa cho nỗi đau khổ của chúng ta. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu đem lại lòng can đảm, sức mạnh và niềm hy vọng cho tất cả những ai đau khổ vì yêu.
Views: 0