Uncategorized

Khải Hoàn Ca

Trong thời thế chiến II, linh mục Titus Brandsma làm viện trưởng một đại học tại Hòa Lan. Ngài bị Đức Quốc Xã đem về trại tập trung ở Dachau. Nơi đây, ngài bị biệt giam trong một chiếc cũi nhốt chó cũ kỹ. Bọn lính gác mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như chó mỗi lần chúng đi ngang qua. Cuối cùng ngài bị chết vì bị tra tấn.

Trong thời thế chiến II, linh mục Titus Brandsma làm viện trưởng một đại học tại Hòa Lan. Ngài bị Đức Quốc Xã đem về trại tập trung ở Dachau. Nơi đây, ngài bị biệt giam trong một chiếc cũi nhốt chó cũ kỹ. Bọn lính gác mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như chó mỗi lần chúng đi ngang qua. Cuối cùng ngài bị chết vì bị tra tấn.

Bọn lính kia đâu có ngờ rằng ngay giữa cơn thử thách, vị linh mục ấy vẫn tiếp tục viết nhật ký, giữa những dòng chữ in trong quyển sách kinh cũ của ngài. Ngài kể lại rằng, sở dĩ ngài có thể chịu đựng được nỗi đau đớn, là vì ngài biết rằng Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ như thế.

Trong một bài thơ ngỏ gởi Chúa Giêsu, ngài viết: “Sẽ không có đau đớn nào làm con gục ngã, bởi con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy khổ đau của Chúa. Con đường cô độc mà Chúa từng đi qua đã giúp con chịu đựng nỗi cay đắng một cách khôn ngoan. Tình yêu của Chúa đã biến màn đêm tăm tối trong con thành nguồn sáng rực rỡ. Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, chỉ cần ở lại thôi. Con sẽ chẳng còn sợ hãi chi nếu khi đưa đôi tay ra con cảm thấy Chúa đang ở bên con.” (Lm. Mark Link SJ. Ba Nỗi Đau Khổ, Kilian Healy, Walking with God)

Sức chịu đựng bền bỉ đau khổ, hành hạ, nhục nhã của Linh mục Titus Brandsma bắt nguồn từ niềm tin cậy mến, nhất là từ sự kết hiệp chặt chẽ với Đức Giêsu qua lời cầu nguyện liên lỉ. Vì thế, ngài mới cảm nhận được Chúa luôn an ủi, che chở và chia sẻ.

Chúa nhật Lễ Lá hôm nay, người Kitô hữu cùng hiệp thông với dân chúng Do Thái hơn hai ngàn năm trước, tưng bừng đón rước Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Rồi cùng sâu lắng tưởng niệm sự thương khó và cái chết thảm khốc của Người qua Tin Mừng thánh Luca.

Đức Giêsu đã hoàn tất nhiệm vụ của Người Tôi Tớ Đau Khổ, mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo.“Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt, khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”(Is 50, 6-7)

Sau ba lần công khai loan báo cuộc thương khó sắp phải chịu, Đức Giêsu cùng các môn đệ vinh quang tiến vào cửa Đông thành Giêrusalem, với hàng vạn dân chúng hân hoan cành lá đón chào. Tất cả báo hiệu cuộc khải hoàn của Đấng Cứu Thế, Đấng Messia hằng bao đời chờ mong. Thiên hạ tưởng bỗng dưng được đổi đời nhờ vị minh quân xuất hiện, cứu dân khỏi ách nô lệ Roma. Nhưng không, Người chẳng màng đến chính trị, quân sự, quyền lực, mà chỉ đến khai sáng Nước Trời ở giữa thế gian ô trọc này. Người liền xua đuổi ngay những kẻ buôn bán trong khuôn viên Đền Thờ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cướp!” (Lc 19, 45-46)

Việc cầu nguyện luôn được Đức Giêsu cực kỳ chú trọng, đề cao, dành ưu tiên vào buổi chiều tối và sáng sớm. Người luôn kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha, để lắng nghe và thực thi Thánh Ý. Đó cũng chính là sức sống và lương thực của Người. (Ga 4, 34)

Cầu nguyện

Trước cuộc thương khó kinh hoàng, Đức Giêsu vào Vườn Cây Dầu cùng ba môn đệ tuyển chọn là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, để cùng Người canh thức và cầu nguyện.“Hãy cầu nguyện cho khỏi sa cơn thử thách!” Nhưng cả ba lần cầu nguyện xong trở lại, Người đều thấy các ông vẫn tiếp tục chiều theo nặng nề xác thịt, ngủ vùi. “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”

Trong giờ phút trọng đaị này, viễn cảnh đau thương, thê thảm sắp xảy đến, biết bao cơn cám dỗ cùng ào ạt ùa lại, vây hãm Đức Giêsu, khiến Người dao động, căng thẳng, lo lắng đổ cả mồ hôi máu. Nhưng Người vẫn một mực trung kiên vâng lời Đức Chúa Cha tiếp tục đi trọn con đường chông gai, đau khổ, nhục nhã, để hoàn thành công trình cứu độ nhân loại. Chính nhờ cầu nguyện, hiệp thông mật thiết với Đức Chúa Cha, nên Người đã vượt qua chính mình, thân xác, thế gian và ma quỷ.

Làm sao Đức Chúa Cha có thể lạnh lùng ngoảnh mặt bỏ rơi, khi Người thống thiết khẩn cầu tận tuỵ vâng phục. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.” Lời khẩn cầu liền được Đức Chúa Cha chấp thuận, ban thêm cho Người sức mạnh chiến đấu bền vững và kiên cường.”Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người.” Những giây phút cuối cùng trên thập giá, Đức Giêsu vẫn tiếp tục chân thành nguyện xin Thiên Chúa, khoan dung tha thứ cho những kẻ dữ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Và trút hơi thở cuối cùng, Người nguyện trở về cùng Đức Chúa Cha:“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!”

Cũng như sau này, thánh Phaolô đã tái khẳng định vô cùng mạnh mẽ với tín hữu thành Côrintô: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Người Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách.” (2 Cr 1, 3-4)

Các môn đệ không thắng nổi bản thân, ngủ vùi, buông trôi theo bản năng xác thịt, chẳng chịu canh thức cầu nguyện cùng Người, nên đã sớm phụ bạc Thầy, chạy trốn, hoặc liên tiếp chối từ Người.

Chiến đấu

Nhờ liên lỉ cầu nguyện, Đức Giêsu đã bền bỉ chiến đấu dũng mãnh với sự dữ, với Kinh sư, Tư tế, Pharisiêu, với quan quân Roma, nhưng nhất là với chính mình cả thế chất lẫn tinh thần. Trước bao đòn vọt, khổ hình, Người ráo riết kềm hãm, hoàn toàn khống chế bản năng sinh tồn trỗi dậy. Trước bao lời cáo vạ, chế giễu, khích bác, vu oan, xúc phạm, Người vẫn cứ thinh lặng nhẫn nhục, chế ngự tâm hồn bất bình, nhân phẩm bị chà đạp, uy danh bị biêu riếu, không thốt ra một lời nào bào chữa, tự vệ. Người chỉ trả lời về sự thật: “Vậy ra ông là Con của Thiên Chúa?” Người đáp: “Đúng như các ông nói, chính tôi đây.” Hay khi quan Philatô hỏi: “Ông là vua dân Do Thái sao?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó.”

Không chỉ chiến đấu với bản thân, Đức Giêsu còn chạm trán quyết liệt nỗi cô đơn, bị phản bội, bị khai trừ. Còn nỗi đau nào hơn người Thầy bị các môn đệ bỏ rơi, phó mặc cho quân dữ? Còn nhục nhã nào hơn chính môn đệ thân yêu chối bỏ? Còn chua xót nào hơn Người vừa được dân chúng tôn vinh, lại phũ phàng quay lưng kết án tử hình?

Hơn nữa, Đức Giêsu, Đấng Messia hằng bao đời đợi chờ, còn phải chiến đấu căng thẳng, kịch liệt trước những lời kết tội, vu oan giá hoạ bởi những nhà lãnh đạo thần quyền, giới Tư tế, Kinh sư, Pharisiêu, lẫn thế quyền, quan Tổng trấn Philatô và vua Hê rôđê, cùng cáo buộc phá đạo, phá đời. Người cũng chẳng hề phản bác, thanh minh đến nửa lời.

Sinh ra giữa những kẻ khốn cùng, mục đồng chăn chiên dê bò, đến khi thác đi, chịu chết giữa những tội phạm gian ác, Đức Giêsu chiến đấu quyết liệt với thói đời “thượng tôn hạ đạp” hay “trọng phú khinh bần.” Người đã tự chọn cho mình vị thế cùng cực, gần gũi, hoà mình vào những mảnh đời bị khai trừ, để an ủi, cứu giúp và cảm hoá, băng bó, chăm sóc đem về những con chiên lạc. Bởi vì ngay khi bắt đầu rao giảng Người đã long trọng tuyên bố cho mọi người biết rõ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".(Mc 2, 17)

Noi theo Đức Giêsu chiến đấu bằng lời cầu nguyện, Thánh Phaolô nêu lên một tấm gương sáng rất cụ thể, khích lệ tín hữu Côlôxê trong lời chúc cuối thư: “Anh Êpápra, ngưởi đồng hương với anh em và là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh không ngừng chiến đấu cho anh  em bằng lời cầu nguyện, để một khi đã trưởng thành và hoàn toàn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự, anh em được đứng vững.” (Cl 4, 12)

Chiến thắng

Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19, 30) Cuối cùng, sau bao nhiêu tra tấn tàn bạo, bao trận đòn thừa sống thiếu chết, sau chặng đường vác thập giá tủi nhục, Đức Giêsu chịu đóng đinh tay chân và treo lên thập giá. Khi chịu chết đau đớn, Người đã chiến thắng khải hoàn, vì đã trung kiên chu toàn Thánh Ý Đức Chúa Cha, trở nên Đấng Cứu Thế, con chiên hiến tế, gánh hết tất cả tội lỗi nhân loại, cho con người được cứu thoát, được sống viên mãn trường sinh.“Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.” (Cl 2, 15)

Vậy cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1Cr 15, 54)

Không có cơn thử thách nào lớn lao bằng cơn thử thách của Chúa Giêsu trên thánh giá, lúc xác hấp hối, tâm hồn lại cảm thấy chính Đức Chúa Cha như cũng bỏ mình, Chúa Giêsu phải nói lên nỗi khổ e chề nhất trong đời Ngài: "Sao Cha bỏ con!" Hãy hiệp nhất với Chúa Giêsu trong những giây phút hãi hùng, tăm tối nhất của đời con. Bình an sẽ trở lại và con sẽ nói được như Chúa Giêsu: "Con phó mạng sống con trong tay Cha!" (Đường Hy Vọng, số 715)

Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con đau đớn, khổ sở, hoạn nạn, bệnh tật, bị bạc đãi, bất công, khinh miệt, xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức, rằng vì Lòng Thương Xót, Chúa đã từng cô đơn, bị bỏ rơi, phải nếm trải hết những thử thách cay nghiệt nhất, hầu cứu thoát chúng con khỏi án phạt muôn đời. Xin Chúa dạy chúng con biết chân thành ăn năn, sám hối, cùng dốc lòng chừa, hầu có thể giảm bớt đi một vết roi, một mũi gai nhọn, một cái đinh bén trên thân thể Chúa chịu nạn. Xin Chúa nhắc nhủ chúng con luôn tin cậy chạy đến nương tựa nơi Người, hầu được hưởng hồng ân cứu độ.

Lạy Mẹ Maria Sầu Bi, Mẹ đã đồng hành với Con Mẹ suốt cuộc thương khó thảm khốc. Trái tim Mẹ đã chịu lưỡi đòng nhức nhối thâu qua, vì Mẹ đồng công cứu chuộc. Xin Mẹ giúp đỡ chúng con chịu các sự khó cho nên, hầu được vinh hạnh hiệp thông vào mầu nhiệm cứu thế của Con Mẹ. Amen.

AM. Trần Bình An

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.