Khi xe chúng tôi vượt qua đường hầm Hải Vân, (do Nhật xây dựng), với chiều dài hơn 6 km, và được xem là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, đó cũng là lằn ranh giữa Huế và Đà Nẵng – thành phố Đà Nẳng hiện ra mờ ảo xa xa. Đường bờ biển ở đây tưởng dài vô tận, nước biển xanh như màu mực thẳm và nghe nói đây là bãi biển sạch đẹp nhất nước. Đà Nẳng có những con đường rộng đẹp và đặc biệt không có "ăn xin", đó là niềm tự hào của người dân ở thành phố này. Điều này chứng tỏ khi chính quyền quyết tâm làm điều gì thì nó sẽ thành công với sự góp sức của người dân. Đà Nẳng mang 2 vẻ đẹp: tự nhiên và nhân tạo. Đà Nẵng có cả núi, đồng bằng và biển, với nhiều danh thắng thiên nhiên thu hút du khách như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân…Bên cạnh đó con người đã góp công xây dựng và biến nó trở nên thành phố của những cây cầu đẹp nổi tiếng, có 6 cây cầu bắc qua sông Hàn, con sông chính chảy qua thành phố.
Đà Nẳng về đêm
Đà Nẳng có cầu sông Hàn là nổi tiếng nhất – cây cầu thơ mộng này là biểu tượng của thành phố. Và cũng là cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam. Hàng ngày cứ 1h sáng là cây cầu quay ngang 90 độ, để cho tàu đi qua. Và 3h30 nó lại quay trở lại vị trí cũ. Tiếp đến là cầu Rồng, cây cầu có hình rồng sắt nằm quay mình ra biển thường phun lửa và nước vào 21h tối thứ 7 và chủ nhật. Nó là cây cầu có rồng sắt to nhất thế giới, với thiết kế có một không hai. Con rồng quay mình hướng thẳng ra biển Đông phun lửa, có thể mang một ý nghĩa sâu sắc nhằm nói lên nhiệt tình "thổi bay" bất cứ thế lực thù địch nào mưu mô chiếm biển đảo của tổ tiên người dân "Con Rồng Cháu Tiên" để lại từ bao ngàn năm qua!
Lần này đoàn đến Đà Nẳng vào dịp cuối tuần, nên chúng tôi quyết định tối đó sẽ đi du thuyền trên Sông Hàn để ngắm "Đà Nẳng by Night" và những cây cầu đẹp trên sông, rồi xem cầu Rồng phun lửa. Lần đầu tiên được đi du thuyền trên sông quê hương về đêm, hưởng không khí "trăng thanh, gió mát" thật thú vị. Mỗi du khách được phát 1 lon bia, nhưng chúng tôi từ chối vì không biết uống bia, dân Việt Nam bây giờ uống bia như uống nước lạnh. Đi đâu cũng thấy quảng cáo bia và kìa trước mặt chúng tôi, bên kia sông, trong bầu trời tối đen nổi bật lên bảng quảng cáo điện "Biere La Rue" hiệu con cọp nổi tiếng của VNCH trước 75, nay đã tái sinh. Phải chi những nếp sống văn hóa tình người trước 75 cũng được tái sinh thì hay biết mấy! Chúng tôi được phát mỗi người 1 áo phao để mặc vào trước khi tàu chạy. Buổi tối người ta thắp đèn dọc hai bên bờ sông và cả những cây cầu cũng lung linh đủ ánh đèn. Những du thuyền trên sông không chịu kém nên cũng khoác lên mình những chiếc áo đèn hoa lấp lánh ánh sáng đủ màu di chuyển tới lui. Tất cả tạo nên 1 "hội hoa đăng" nhỏ lấp lánh trên sông, như những cầu vồng ban đêm. Tàu đưa du khách lần lượt chui qua các cầu để ngắm cảnh và chụp hình, tôi thấy có cầu được thiết kế theo hình cánh buồm với ánh đèn màu đỏ nổi bật trong màn đêm. Cây cầu này cũng được khánh thành cùng với cầu Rồng, một trong những biểu tượng mới của thành phố. Rồi tàu đi sát bờ bên kia để du khách ngắm và chụp hình Cá Chép hóa rồng phun nước rất đẹp. Nghe nói Cá Chép cao 7m5, nặng đến 200 tấn, do hơn 200 nghệ nhân điêu khắc Quảng Nam góp sức làm nên để tạo ra 1 tác phẩm nghệ thuật để đời vừa đẹp vừa gửi gấm niềm mơ ước Việt Nam sẽ hóa rồng trong tương lai. Điều này hoàn toàn khả thi, nếu dân Việt Nam được đặt dưới sự lảnh đạo sáng suốt của những con người đặt tình yêu quê hương lên cao nhất trong trái tim mình. Chúng tôi thấy khách đứng đầy nghẹt 2 bên bờ sông để chờ xem Rồng phun lửa. Trong đêm đen ánh lửa rực rở và nóng bỏng của Rồng Việt Nam phun lửa thổi ra biển Đông đẹp uy nghi và hào hùng, tạo nên cảm giác phấn chấn trong lòng người dân Việt, nhất là trong bối cảnh hiện nay: Bao nhiêu tàu đánh cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn phá, đánh chìm ngay ngoài khơi Đà Nẳng – Quảng Nam. Ai là người còn chút tình quê hương ôm ấp trong lòng ắt hẳn phải xót xa! khi lòng chợt nhớ lại bài hát xưa: "Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm. Trên máu xương từng hát ca bài thành công"
Bà Nà Hills
Sáng hôm sau đoàn chúng tôi khởi hành đi Bà Nà, tôi đã đến thăm Đà Nẳng nhiều lần, nhưng đến bây giờ tôi mới có cơ duyên đi thăm Bà Nà. Nó cách Đà Nẵng 35 km về phía Tây Nam, toạ lạc ở độ cao 1487m so với mực nước biển. Bà Nà được mệnh danh là "một tiên cảnh" của Đà Nẵng. Đầu thế kỷ 20, để phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi của người Pháp tại miền Trung, nhiều nhà nghỉ, biệt thự, khách sạn đã mọc lên suốt dọc các triền núi, trên đỉnh Núi Chúa và đỉnh Bà Nà. Từ đó Bà Nà nhanh chóng trở thành một trong những nơi nghỉ mát nổi tiếng và lớn nhất Đông Dương, thu hút nhiều du khách ngang tầm với Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa. Và hiện tại cũng có rất nhiều nhà đầu tư xây dựng những resort đạt tiêu chuẩn 4 sao để phục vụ du khách đến du lịch.
Đi lên Bà Nà, không thể không nhắc đến các tuyến Cáp treo của Bà Nà đạt nhiều kỷ lục thế giới. Đó là công trình cáp treo vĩ đại nhất thế giới được xây dựng bởi nhà sản xuất Cáp nổi tiếng của Áo và Thụy Sĩ với kinh phí đầu tư lên đến 30 triệu Euro, đảm bảo tuyệt đối về các tiêu chuẩn kỹ thuật và độ an toàn. Điều này khiến bạn tôi an tâm đi cáp treo, vì nếu do nhà thầu VN hay China thì bạn tôi không dám giao sinh mạng mình để thử thách. Tuyến cáp treo số 3 Bà Nà đã vinh dự nhận bằng chứng nhận lập 4 kỷ lục thế giới do đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao tặng. Đó là các kỷ lục: cáp treo có chiều dài nhất (5.801m), cáp treo có độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1.368 m); tuyến cáp có tổng chiều dài nhất thế giới (11.587m) và tuyến cáp có trọng lượng nặng nhất thế giới (141,24 tấn). Đây cũng là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới lập cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới. Tuy nhiên điểm hấp dẫn nhất của cáp treo Bà Nà Hills là từ đây bạn có thể ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ từ trên cao. Có hai loại ca-bin kín và hở cho bạn chọn lựa và mỗi ca-bin có sức chứa tối đa 6 người. Đường lên phủ đầy mây mờ như tiên cảnh, đây đó xen vào là những dòng thác trên cao đổ xuống, cảnh chim hót, rồi suối chảy róc rách giữa những khu rừng thiên nhiên xanh mướt. Tất cả biểu hiện một sức sống hoang dại mãnh liệt, tràn trề sinh lực ít gặp ở những vùng núi khác. Nó tạo cho du khách cảm giác như đang hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ của núi đồi, vạn vật chung quanh. Thời gian đi cáp lên núi mất từ 15 – 20 phút. Cứ lên cao một chút không khí lại mát mẽ thêm một tí. Ngồi trong cabin nhìn xuống cảnh bên dưới tuyệt đẹp, bao la rừng cây, ngước lên thấy núi đồi xanh ngút ngàn. Du khách có cảm tưởng như mình đang "phi thân" trong những đoạn phim kiếm hiệp, bay qua các con suối, cưỡi lên các ngọn thác để vút lên các tầng mây xanh tít trên đỉnh núi cao. Đôi khi mây sà xuống nhiều, cabin chui qua một đám mây, cả cabin như được phủ một lớp mây màu xám, tạo cảm tưởng như mình đang ở trên tiên cảnh vừa hồi họp, vừa thích thú!
Sau khi xuống cáp treo, điểm đầu tiên du khách gặp là thiên đường vui chơi Fantasy Park. Đây là là một khu trò chơi được thiết kế 3 tầng, là điểm nhấn của Bà Nà Hills thu hút khá nhiều bạn trẻ khi du lịch Bà Nà. Tại công viên Fantasy Park có nhiều trò chơi miễn phí như công viên khủng long, cuộc du hành vào lòng đất, ngôi nhà ma, trò chơi cảm giác mạnh, các rạp phim 4D và 5D. Với những trò chơi phiêu lưu mạo hiểm như Tháp trượt lên xuống, Leo núi mạo hiểm, Khám phá căn hầm ma ám, Vòng xoay thế kỷ, Vua xe đụng… Mỗi trò chơi mang đến một cảm giác mạo hiểm riêng cho du khách. Khu này chắc chỉ thu hút giới trẻ và những ai có trẻ con, còn nhóm tụi tôi đã qua rồi cái thời thích mạo hiểm, nên mua vé để đi tàu hỏa leo núi, nghe thì thấy hấp dẫn, nhưng thực tế thì họ thiết kế 1 đoạn đường ray cho tàu hỏa chạy, và tạo cho bạn có cảm giác vượt qua các vách núi cheo leo. Cuối đường ray cũng có bến ga đàng hoàng. Điểm đến của tàu hỏa là vườn hoa tình yêu và khu hầm rượu Pháp, thành thử gần như ai cũng phải mua thêm vé đi tàu hỏa để được lên đây ngắm những cảnh đẹp trên Bà Nà Hill
Đặt chân lên đây điểm đầu tiên nhìn thấy là khu vườn hoa tình yêu, nơi đây hội tụ hàng trăm loài hoa quý hiểm trên toàn thế giới với bàn tay chăm sóc của các nghệ nhân. Ai cũng xúm lại chụp hình, các bác phó nhòm tha hồ làm việc. Tôi thấy cái quý của vườn hoa vì nó hiện diện trên đồi núi cao, chứ nếu so sánh công bằng thì những vườn hoa ở Đà Lạt đẹp hơn nhiều. Nhiều đoàn du khách tiếp tục đổ về vườn hoa, tôi bỗng nghe thấy "tiếng lạ" xì xà, xì xồ từ 1 HDV không phải tiếng Việt, mà cũng không phải tiếng Anh hay Pháp. Tôi ngạc nhiên dừng chân nghe ngóng thì ra đây là tour của người Tàu 100% từ HDV tới du khách, và tôi từ từ khám phá ra không phải chỉ 1 đoàn mà là rất nhiều đoàn??. Tôi hỏi thăm LH thì mới được biết hằng năm Đà Nẳng đón 80% du khách là người Tàu, thành thử đi giữa lòng thắng cảnh đẹp của quê hương, mà tôi cảm thấy mình như "lạc loài" vì chung quanh toàn "tiếng lạ". Bây giờ để ý mới thấy họ ở đâu ra mà nhiều thế, đi tới đâu cũng thấy họ, nghe ngôn ngữ họ, tạo cho tôi 1 cảm giác không thoải mái chút nào. Tôi tự hỏi quê hương tôi bây giờ đang thuộc về ai? Nhưng thôi hãy tạm quên họ đi để enjoy cảnh đẹp của Bà Nà Hills.
Chúng tôi rẻ vào 1 lối đi xuống hầm rượu thời Pháp, dấu tích làm rượu của 1 thời xa xưa với những đường hầm và những thùng gổ to chứa rượu Nho thời đầu thế kỷ 20. Ở cuối đường hầm có quầy bán rượu, bạn có thể mua những ly rượu nhỏ các loại để ngồi thưởng thức hầu nhớ lại hương vị ngày xưa.
Điểm mà tôi thich nhất là khi đứng trên Bà Nà Hills để hưởng không khí mát lạnh giữa mùa oi bức, thỉnh thoảng lại thấy các đám mây sà xuống như bao phủ, làm cả không gian bỗng tối um lại, và nhốt trong mây tất cả, trong đó có cả chính tôi. Rồi lát sau gió thổi cho mây bay đi, cảnh vật lại sáng sủa trở lại, mọi người lại tíu tít chụp hình với những phong cảnh đẹp chung quanh, được thiết kế khắp nơi. Từ đó tôi ước gì trong cuộc đời của mỗi người và của cả đất nước tôi những lúc mây phủ tối tăm u ám, sớm có ngọn gió thổi đến để xua cho mây bay đi, trả lại sự tươi sáng cho nhân gian thì hạnh phúc nhường bao!
Ngoài ra khi lên Bà Nà Hills bạn sẽ có dịp tìm thấy một văn hóa rất Pháp khi khám phá khu công trình kiến trúc Làng Pháp Bà Nà Hills, được thiết kế bởi chính những kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp. Nó được mệnh danh như một Châu Âu cổ kính giữa Bà Nà. Bạn như được đắm mình trong không gian xưa với hình ảnh những lâu đài cổ kính và một ngôi thánh đường đẹp uy nghi theo văn hóa xưa. Chúng tôi bước vào thánh đường cầu nguyện và bắt gặp 1 cặp cô dâu chú rễ trẻ đẹp cũng bước vào đây cầu nguyện và chụp hình lưu niệm. Khi trở ra ngoài nhà thờ chúng tôi lại gặp thêm 1 đôi tân hôn khác cũng đang chụp hình trước nhà thờ… Như vậy có nghĩa là giới trẻ vẫn còn yêu quý những nét văn hóa cổ kính, chứ không phải hoàn toàn chạy theo mốt mới mà bỏ quên những nét đẹp xưa…
Trên đường từ Bà Nà trở về Đà Nẳng khi đi qua đường Trường Sa, HDV cho chúng tôi biết đây là con đường đẹp nhất, con đường Vàng của Đà Nẳng toàn là các khu resort 4-5 sao, điều đặc biệt là HDV chỉ cho chúng tôi thấy "Crown Club International Hotel" chỉ đón nhận duy nhất khách Trung Quốc mà thôi! Tôi thắc mắc ngay trên đất nước Việt Nam, ngay trên con đường Trường Sa, mang tên 1 quần đảo của nước tôi, mà lại có hotel "đặc quyền" dành riêng cho khách Trung Quốc là sao? Nó có vẻ gì như 1 mỉa mai cho chủ quyền của đất nước tới hồi mạt vận! Cũng như trước đây nghe tin có những cửa hàng cũng chỉ dành riêng để tiếp khách Trung Quốc. Rồi tin những vùng đất đẹp nhất Đà Nẳng đểu nằm trong tay người Trung Quốc? Đó là chưa kể chưa bao giờ trên quê hương tôi, những "phố Tàu" (sinh hoạt và nói tiếng Tàu 100%) càng ngày càng mọc lên như nấm, nơi những xí nghiệp do Tàu đầu tư và mang công nhân Tàu sang làm việc, trong khi công nhân Việt Nam đang thiếu việc làm? Đồng tiền hay thế lực nào đã khuynh đảo tất cả? Câu hát của Việt Khang bổng trở về trong tim tôi như một nhức nhối khôn nguôi:
"Giờ đây, Việt nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tàu, ngang tàng trên quê hương ta?"
Tôi chợt nhớ tới bản tin vừa nghe được: Ngư dân Đà Nẳng – Quảng Nam đầu năm mới đã trúng 1 mẻ cá quá lớn, nhưng thay vì vui mừng, họ lại buồn rầu nói : "khi nào nhìn về đất liền mà thấy vẫn còn sự hiện diện của "họ" qúa đông, thì biết năm nay rồi sẽ có tang thương, chết chóc, đau khổ cho những người đi biển chúng tôi…" Nghe sao mà ngậm ngùi cay đắng cho ngư dân Việt Nam "bơ vơ" không ai bảo vệ ngay trên biển quê hương bao đời của mình! Trong khi ngư dân Philippine được chính phủ họ ra sức bảo vệ và hổ trợ hết mình để chống lại Trung Quốc, ngay khi chúng vừa mới ngo ngoe cản trở việc đánh cá của ngư dân Phi. Như vậy mới đúng là chính phủ của dân do dân và vì dân. Ôi đâu rồi hình ảnh thân thương ngày xưa:
".. đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh…
Nhìn trùng dương hát câu no lành" (PD)
Ai? ai đã cướp đi hình ảnh đẹp đẽ "no lành" này của quê hương tôi??
Phố Cổ Hội An
Buổi tối chúng tôi về thăm Phố Cổ Hội An, tôi đã đến thăm nơi này nhiều lần, nhưng mỗi lần đến lại thấy có nhiều đổi mới. Lượng du khách đổ về đông hơn rất nhiều, nên khu trung tâm của phố cổ Hội An đã trở thành "phố đi bộ" chỉ có xe đạp được đi vào khu vực này. Cửa hàng buôn bán 2 bên tấp nập du khách ghé thăm, tôi thấy có quán Tranh với nhạc TCS không lời dìu dặt bên trong, có lẽ để dành cho những du khách muốn thư giản đôi chút giữa những ồn ào của phố chợ chung quanh. Chúng tôi được đưa đi thăm những ngôi nhà cổ lâu đời ở đây và nơi sản xuất thủ công mỹ nghệ. Chùa Cầu thì hình dáng vẫn như xưa, nhưng được tu bổ sơn phết lại lịch sự hơn. Nhờ LH nhắc hình ảnh Chùa Cầu được in trên giấy bạc 20$, mọi người vội lục bóp kiếm tờ 20$ ra để xem. Đúng là có những điều nằm trong tầm tay mà ta không hề để ý, đến khi có ai nhắc ta mới chợt nhớ ra, đôi khi hạnh phúc ta đang có trong tay, cũng như vậy! Khi có thời gian "Tự Do" tôi đi vòng quanh phố để ngắm nhìn các món ăn địa phuơng, tôi thấy họ bán những món như mì Quảng, bún bò Huế, bánh xoài, bánh bèo, bánh nậm… Có lẽ chỉ có món "Cao Lầu" là "đặc sản" vùng này, mà tôi đã thưởng thức ở 1 nhà hàng chánh gốc tại đây trong lần đi tour kỳ trước và tôi đã thất vọng nên không muốn thử nữa. Tôi để ý thấy có khá nhiều gánh hàng để bảng "Tàu Phớ", tôi không hiểu là món gì, nên tò mò tới gần xem, thì ra nó là tàu hủ nóng nước đường, món này lành mạnh nên có thể ăn được. Tôi ngồi xuống ăn 1 chén và hỏi cô bán hàng tại sao "Tàu Hủ" mà lại để bảng là "Tàu Phớ" thì ra cô cho biết du khách Tàu đông quá, và họ gọi nó là "Tàu Phớ", nên cô phải để bảng vậy cho họ biết, kẻo họ hỏi xì xồ lôi thôi, cô không biết đường trả lời. Ôi người Tàu sao bây giờ càng lúc càng hiện diện đông hơn trên quê hương tôi, đến nổi 1 món ăn dân dã của VN cũng phải đổi tên vì họ?!
Tôi đi qua cầu mới, rộng bắc trên sông Hoài, con sông chảy qua phố cổ, để về phía "chợ Đêm" bên kia. Cầu với đèn hoa kết treo trên cao tạo nên không khí lễ hội về đêm cho phố cổ. Nhưng bên cạnh cầu là hình ảnh chiếc thuyền cũ mèm và bà mẹ cùng vài đứa con nheo nhóc. Theo chân đoàn du khách và những ánh đèn lồng đầy sắc màu, tôi bước lần tới chợ Đêm. Ở đây họ bán đủ loại vật lưu niệm, đặc biệt là những chiếc đèn lồng được thắp sáng cả một khu chợ, gọi nhớ hình ảnh những ngày hội hè xưa…Trên đường trở về, ngay lề đường bên cạnh cột đèn với ánh sáng vàng hiu hắt, tôi bắt gặp 1 bà cụ già nua với 1 mẹt những đồ vật linh tinh, cất tiếng khàn khàn mời mua. Tôi dừng chân và ngồi xuống lựa vài thứ để có dịp hỏi thăm cụ. Cụ cho biết con cụ cũng nghèo đói lắm, nuôi con nó còn chưa xong, nên cụ phải tự bươn chãi hằng đêm để kiếm chút cháo qua ngày. Tôi nhặt vài thứ trên cái mẹt của cụ, để lấy cớ giúi vào tay cụ một số tiền cho cụ khỏi mặc cảm là mình "ăn xin". Nhìn chung quanh những tòa nhà cao ốc sang trọng 4,5 sao, đã và còn đang tiếp tục phát triển nữa, mới thấy mức độ chênh lệch giàu nghèo ở đây thật là khủng khiếp. Bên cạnh những nơi quá sang trọng, người ta vung tiền xài như giấy lộn là những bà cụ già lom khom ngồi lề đường bán hàng xén, nhặt từng xu trong đêm gió lạnh. Trời đã tối hẳn, khí lạnh đã tràn về, tôi rảo bước qua cầu trở về điểm hẹn để gặp đoàn, bỗng có một bày tay già nua níu tôi lại: "Cô ơi!, làm ơn mua giùm đèn hoa giấy để thả xuống sông đi cô!". Tôi nhìn khuôn mặt nhăn nheo của bà, không nở từ chối nên hỏi: "Bà ơi! rồi làm sao thả?". Bà mừng quá vội réo gọi 2 đứa cháu ngoại khoảng 8,9 tuổi cầm "cần thả đèn" chạy tới. Đó là 1 cái cần dài bằng tre, phía dưới loe ra như hình cái phểu để mình bỏ đèn giấy màu, trong đó có đốt ngọn nến nhỏ, rồi đứng trên cầu thòng nó xuống sông. Khi nào đèn giấy tiếp giáp với mặt nước thì nó sẽ trôi ra sông và lững lờ theo dòng nước chảy, tạo nên những đèn màu lung linh trên nước khá đẹp mắt. Mấy bà cháu hằng đêm kiếm sống bằng nghề bán đèn hoa cho du khách, bửa đói, bửa no, vì "cung nhiều hơn cầu". Nhìn những ánh đèn hoa trôi trên sông với gió thổi chập chờn được một lúc rồi tắt ngủm giữa bóng đêm mênh mông, sao giống như hình ảnh những người dân nghèo ở đây vui lập lòe chốc lát theo niềm vui du khách, rồi lại chìm lĩm đời mình trong bóng tối nghèo khổ mênh mông cả đời.
Ngắm phố cổ Hội An về đêm với ánh đèn lồng lung linh trong gió, du khách thanh nhàn thả bộ rong chơi bên sông, rồi đọng lại trong tôi là những hình ảnh kiếm sống nhọc nhằn của người dân nghèo nơi đây, khiến tôi chợt nhớ lại đoạn bút ký của một nhà văn tôi mới đọc sao mà giống tâm trạng tôi lúc này đến thế: "Ôi ! Những chuyện quê nhà thì nói sao cho hết. Chuyện vui thì qua mau, chuyện buồn thì ở lại. Mỗi lần về là một lần xót xa. Cứ nhủ lòng thôi không về nữa. Thế mà một hai năm sau, nguôi ngoai một chút lại thu xếp quay về" Biết làm sao đây? Có lẽ vì chân bước đi, nhưng lòng chưa nở rời!
Phượng Vũ
Views: 0