"Theo sóng vàng cát lở sông bồi
Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi"
Lời ngân nga u hoài trong bài hát "Điệu buồn Phương Nam" của Vũ Đức Sao Biển có lẽ phù hợp với hoàn cảnh những người dân nghèo xóm đạo mà đoàn từ thiện chúng tôi sắp ghé thăm. Cuộc đời họ gắn liền với sông nước từ "Biển Hồ" bao đời bên Campuchia rồi bị "cáp duồn" trôi nổi như lục bình về quê hương tấp chỗ này, dạt chỗ kia. Cuối cùng họ tụ về đây cùng sống với nhau bên lòng hồ Trị An để sống lại với cái nghề đánh bắt cá "tuy nghèo mà vui" trong xóm đạo nhỏ, nhưng ấm áp ân tình.
Cha sở là 1 vị linh mục già đã 79 tuổi, nhưng ngài còn nhanh nhẹn hoạt bát và siêng năng chăm lo cho đời sống dân nghèo. Cha ưu tiên lo làm đường cho dân đi lại để đở tai nạn trợt té vì lầy lội , rồi lo bắt điện vô tận cùng hang hẻm cho dân hưởng chút ánh sáng văn minh, có ti vi coi buổi tối… trước khi lo xây nhà thờ. Tôi nghe được những điều này từ các chị trong đoàn đã đến công tác nhiều lần trước đây, khi xe dừng chân nghỉ ở Túc Trưng để ai muốn "giải sầu" hay muốn ăn "dằn bụng" vì lát nữa sẽ làm việc 1 mạch có khi tới 2 giờ chiều mới ăn trưa. Chúng tôi vào 1 quán chay bên đường vì đa số các chị là phật tử lại ăn chay trường, nên lần nào các chị cũng kiếm quán chay để ghé vô. Nhờ đó mà chúng tôi có những cuộc nói chuyện trao đổi ngắn gọn với nhau, chứ tới nơi ai lo việc nấy làm không kịp thở, còn giờ đâu mà nói. Tôi từ chối ăn thêm vì túi xôi vò quá ngon của BS A. mua tặng mỗi người, lúc sáng khi lên xe, ăn vẫn còn thấy no. T, một học sinh cũ đi chung với tôi, bất chợt nói:
– Tiếc quá, ngày mốt cô bay về Mỹ rồi, chứ nếu không em rủ cô đi thăm và phát quà cho mấy em nhỏ bị ung thư thấy tội lắm cô à!
Một chị ngồi gần đó nghe thấy vội quay lại nhìn tôi:
-Ủa, cô là Việt kiều Mỹ hả? Sao em nhìn cô không giống chút xíu nào! Người ta chưng diện, se sua, xách bóp xịn không hà! Còn trông cô thiệt giản dị, bình dân quá, nhìn cái túi vải cô đeo vai, ai nhận ra cô là Việt kiều?.
T vội trả lời thay tôi:
-Cô em là vậy đó! nên đi đâu cũng ít ai biết. Đi từ thiện tới những xóm nghèo lại càng không nên để người ta biết…
Mọi người lục tục lên xe để đi tiếp hành trình. Xe bắt đầu đi vào những con hẻm quanh co trước khi tới xóm đạo, nhưng đường đổ xi măng rất bằng phẳng không lồi lõm như các xóm nghèo khác. Đúng như lời các chị trong đoàn đã giới thiệu lúc nảy, khác với những ngôi nhà thờ to lớn với tháp chuông uy nghi cao ngất trời mà tôi mới nhìn thấy san sát dọc theo quốc lộ, ở đây tôi nhìn thấy 1 tháp chuông cũ, nhỏ và mái che vừa rỉ sét vừa bị mưa gió giật sập 1 góc. Nó thiệt phù hợp với ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn nằm cạnh bên. Ở 1 góc sân sau nhà thờ, tôi thấy rất nhiều người dân ngồi chờ ngoài nắng để đợi đoàn y tế tới khám bệnh. Họ ngồi chờ đoàn từ sáng sớm, nên khi thấy xe đoàn tới, họ đứng dậy mừng rở reo lên "Tới rồi, tới rồi bà con ơi !". Nghe họ reo mừng rỡ mà đoàn thấy mắc cỡ vì mình đã đến trễ hơn giờ ấn định cả tiếng. Do đó mọi người vội vàng bắt tay vào việc ngay, cha sở chỉ cho chúng tôi khu khám bệnh là 2 nền nhà trống không có nóc (chắc là bị gió thổi bay mất?) và mấy cái bàn học gỗ cũ, thô sơ, mấy cái băng ghế dài bạc thếch, có cái còn xiêu vẹo. Chúng tôi kê lại để 4 cái bàn phía trong cho bác sĩ khám bệnh, và 2 cái bàn ngoài để tiếp bệnh nhân ghi tên và đo huyết áp. Tôi và T ngồi 1 bàn, em ghi danh rồi chuyển qua tôi đo huyết áp. Các bệnh nhân thì ngồi dưới đất phía trước theo thứ tự để chờ tới phiên.
Đa số bệnh nhân già yếu, nhưng cũng còn gánh chịu lắm gian nan, họ là những người trôi giạt từ Campuchia về đây sau nạn "cáp duồn" (1970) bỏ nhà, bỏ của chạy về quê hương. Ngẫm lại sao dân Việt mình thật lắm long đong: nội chiến Nam – Bắc rồi đến cáp duồn Campuchia, rồi tị nạn Cộng Sản, bây giờ thì lại "Tàu lạ" bắn giết ngư dân ngoài biển Đông… Về xã hội thì cán bộ mỗi lúc một giàu nhanh quá sức tưởng tượng, còn người dân thì mỗi lúc một nghèo xơ xác. Một cặp vợ chồng già ngoài 70, làm nghề đánh cá lâu đời, có 9 người con, có gia đình riêng đi làm ăn xa. Tụi nó cũng nghèo quá, lâu lắm mới về thăm 1 lần, không giúp được gì, có khi tụi tui còn phải chắt bóp cho thêm cháu. Hai người mà chỉ có 1 phiếu khám bệnh, thấy họ già yếu nên tôi linh động cho khám bệnh cả hai, họ mừng quá, cám ơn rối rít. Bà má bệnh nhân tiếp theo 85 tuổi, răng cái còn cái mất, nhưng mỗi ngày phải còng lưng lột vỏ hột điều mướn nuôi 3 đứa cháu ngoại mồ côi: "Má nó chết vì bịnh tim, ba nó buồn bỏ xứ đi lấy vợ khác, bỏ luôn mấy đứa con, nên tui phải lo lột vỏ hột điều, gánh gồng nuôi mấy đứa cháu!" – "Bà lột vỏ hột điều tiền công khá không? – "lột 1 ký được 6 ngàn, già rồi lột mau mỏi lưng, mắt mờ nên không được bao nhiêu!" Kể lại mà nước mắt bà lưng tròng, nhìn đôi mắt già nua lèm kèm ướt nhèm mà lòng tôi thấy rưng rưng. Tôi vội mở giỏ móc bao thư lấy tiền rồi giúi vào tay bà. Bà nắm tiền trong tay, rồi chắp 2 tay xá xá "Đội ơn cô nhiều lắm!". Tôi cản bà lại: "Bà ơi, bà đừng làm vậy mà con mắc tội".
Tôi nhủ thầm tiền đi làm từ thiện đâu phải của riêng tôi, mà của nhiều bạn góp vô. Ngoài chị N là bảo trợ chính, tôi may mắn có nhiều bạn cùng tần số tri âm từ thiện. Mỗi lần biết tôi đi Việt Nam là các chị tự nguyện đóng góp, chị L còn nhiệt tình hơn, vì sợ không kịp ngày tôi đi, chị email cho các bạn trong nhóm: "Ai muốn góp từ thiện bao nhiêu, cứ email hay ĐT cho tui biết, tui sẽ ứng truớc, rồi mấy chị trả sau nha!" Từ đó mới có câu chuyện của chị P, chị mới dọn nhà nên tui ghé thăm xem có giúp gì được không? Ai dè vừa thấy tui chị nói liền: "Em ơi, chị mới dọn nhà nên sạch túi rồi mà còn nợ thẻ tùm lum. May nhờ có L chịu ứng trước nên em nhớ nói L ứng trước giùm chị 200$, tháng tới chị lãnh lương babysit 400$, chị sẽ trả L sau nha!". Tôi ái ngại: "Thôi khỏi, vì chị đang khó khăn, mà chị cho chi nhiều quá vậy?. Em cũng có chuẩn bị tiền từ thiện rồi, chị đừng lo!" Chị lắc đầu: "Đó là phần của em, đâu phải phần của chị" rồi chị cười xua tay : "Qua nói qua làm là qua làm, nhỏ đừng cản qua làm chi. Qua sẽ kêu phone cho L. Thôi dìa đi cưng, tới giờ qua đi babysit rồi".Tôi ra về mà thấm thía: Đúng là lòng từ thiện không tùy thuộc vào sự giàu, nghèo của mỗi người, mà tùy thuộc vào cái Tâm bác ái của họ. Tôi nhớ tới đọan phúc âm Chúa khen bà góa vì đã bỏ đồng xu cuối cùng vào thùng tiền nhà thờ, chị P ở đây còn hơn bà góa, vì dù nghèo, lương ít, nhưng tâm hào phóng với người nghèo nên chị muốn mượn tiền để làm từ thiện. Trong khi có nhiều người khá giả hơn chị rất nhiều, siêng đi nhà thờ, nghe giảng tỉnh tâm nhiều hơn chị, nhưng mỗi lần nghe tới giúp từ thiện thì làm lơ, dù là chỉ 5,10$…
Mỗi lần bấm máy đo huyết áp trong khi chờ đợi con số hiện lên, tôi lại có dịp thăm hỏi chuyện trò đôi câu với bịnh nhân để thấy rõ hơn đời là bể khổ mênh mông, mỗi người một cảnh khác nhau. Dân ở đây những ai còn sức khỏe thì đi giăng lưới cá ở Hồ Trị An, công việc cũng rất cực nhọc, họ phải đi từ 2,3 giờ sáng tới 1,2 giờ chiều mới về Mỗi ngày kiếm được 7, 8 chục ngàn tới 100.000 ( khoảng 4, 5 đô). Ngày nào sóng gió quá thì không có cá, không có tiền. Thường họ đi đánh cá là cả 2 vợ chồng cùng đi, chồng lặn xuống nước thả lưới, vợ trên thuyền kéo lưới phụ. Bắt được cá rồi gở cá, lựa cá xấu đem về ăn, còn cá tốt đem bán lấy tiền mua gạo nuôi bầy con. Ở đây cũng có nhiều "bà già neo đơn" ở một mình, không có ai thăm viếng. Hình như số người "neo đơn" ở một mình càng lúc càng gia tăng trong xã hội hôm nay kể cả ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam, lý do gần giống nhau: con ở xa cũng bận rộn mưu sinh. Một bà già 84 tuổi; " có 2 con gái ở xa, nhưng tụi nó nghèo quá, lo cho đám con nó chưa xong, làm sao lo tới mình, nên tui ở cu ky có 1 mình, bửa rau, bửa cháu, tự lo cho mình cô oi!" Bà nói mà mắt ngấn lệ, tay bà run lẩy bẩy. May lần này tôi rút kinh nghiệm từ mấy lần trước nên trước khi đi đã chuẩn bị đổi tiền nhỏ (giấy 100, 200 sẳn) nên có thể giúp nhiều người hơn. Hơn phân nửa những người tới khám bệnh đều có hoàn cảnh đáng thương cần giúp đở thêm. Một bà già đi theo con gái để trả lời giùm những câu hỏi, vì con gái bà bị tâm thần, ngơ ngẩn: " Hồi trẻ nó bị đàn ông gạt vác bụng bầu, làm báo hại tui phải còng lưng nuôi cả mẹ lẫn con. Bây giờ con nó 10 tuổi rồi, 3 thế hệ đùm bọc nhau mà sống. Bửa nào nó khỏe tui cho nó đi làm mướn cũng đở bửa nào được bửa đó." Một chị khác tâm sự: "Chồng tui đi tù cải tạo, tui theo nuôi mấy năm trời. Bây giờ ông bỏ theo vợ bé, nên một mình tui phải bươn chải nuôi đám con, cực lắm cô ơi!" Ủa ! sao nhìn đi nhìn lại ở đâu tôi cũng thấy phụ nữ là người gánh chịu nhiều nỗi đau khổ trên đời. Phải chăng do quan niệm phong kiến đã ăn sâu vào xương tủy: Phụ nữ phải chịu cực, chịu khổ, hy sinh "thân cò gánh gạo" nuôi chồng, nuôi con; còn đàn ông thì có quyền "gia trưởng" và "quyền 5 thê, 7 thiếp" ?? Trong khi phụ nữ cũng có trái tim và cảm xúc có khi còn nhiều hơn đàn ông, sao luôn bắt họ phải chịu nhiều thiệt thòi??
Tội nghiệp cha sở lâu lâu lại chạy tới thăm chừng mấy cô làm việc coi có khát để cha đi lấy nước cho uống ? Cha có vẻ quan tâm và hiểu rõ hoàn cảnh sống của từng giáo dân mình: Ông này bị tai biến mạch máu nảo, đi lại khó khăn, cha mới nhờ người vô nhà chở ra khám bệnh. Bà này bịnh nan y không có tiền mua thuốc, BS nhớ cho thuốc nhiều nhiều để dành uống mấy tháng…Cha đúng là hình ảnh Chúa nói : "Ta biết các chiên ta, và các chiên ta biết ta". Cha luôn quan tâm chăm sóc, đở nâng, an ủi từng gia đình nghèo, hèn gì mà các chị trong đoàn luôn dành cho cha sự kính phục, dù không cùng tôn giáo. Nghe cha kể ở xóm có khoảng 2500 – 3000 dân, chừng 500 hộ nghèo. Một lần chỉ chọn ra 200 hộ (không phân biệt tôn giáo), rồi luân phiên nhau. Mỗi hộ được phát 1 phiếu tới khám bệnh, nhận thuốc và nhận quà (5 gói mì, dầu ăn, sửa hộp, dầu gió) Vậy mà họ quý lắm, ở Mỹ nghe nói ăn mì gói là sợ chất độc, có hại sức khỏe…với dân nghèo mì gói là thực phẩm cao cấp, dùng để nấu canh, bỏ nước nhiều nhiều rồi thêm rau, chan ăn chung với cơm, ngon lắm! Nghe mà thấy thương! Trong khi đó ở các hotel sang trọng của Saigon nghe kể: 1 ly kem bạc hà (11 dollars), 1 bữa ăn trưa (26 dollars) 1 bửa ăn tối (42 dollars). Điều này khiến 1 chị Việt kiều về thăm Saigon rồi viết bài than thở "Saigon vô cảm, Saigon không có nụ cười…"Tại chị cứ ra trung tâm Saigon, tới Central Power lộng lẫy 72 tầng, rồi tới những nhà hàng, khách sạn sang trọng 5 sao, nên mới thấy như vậy. Mời chị tới hẻm 96 hay người dân còn quen gọi là hẽm "Ông Tiên" thuộc quận Phú Nhuận, chị sẽ thấy tình người ấm áp, vì dân trong hẽm quan niệm "được làm từ thiện là niềm vui chung của mọi người" Do đó trong hẽm có tới 5,6 dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo, người khuyết tật như vá xe, sửa xe, hay sửa giày dép miễn phí. Trà đá uống khỏi trả tiền, tủ thuốc y tế ngay đầu hẻm: gồm bông băng, sơ cứu khi bị tai nạn, thuốc nhức đầu, thuốc đau bụng, dầu gió…ai cần cứ tới lấy xài. Bên cạnh đó trong xóm còn có dịch vụ chở xe ôm giùm cho những người già khuyết tật đau ốm cần đi bác sĩ, bịnh viện. Ai nghèo quá chết không có thân nhân lo, thì có cơ sở mai táng trong xóm lo giùm với sự góp tay của bà con. Trong xóm bà con gặp nhau lúc nào nụ cười thân thiện cũng nở trên môi thăm hỏi nhau. Nói đâu xa, ngay trong đoàn từ thiện hôm nay cũng toàn dân Saigon. Có nhiều anh chị BS, DS về hưu vẫn tiếp tục đi làm từ thiện giúp đồng bào nghèo, có những em BS trẻ mới ra trường, như B.S Hạnh làm ở BV Q 10 tôi gặp lần rồi, lần này em lại tiếp tục tham gia. Đó là chưa kể tôi mới đọc được bản tin mà lòng thấy vui và tự hào biết bao về lòng nhân ái, hào phóng của dân Saigon:
"Hẳn bạn đã quen với những hình ảnh Sài Gòn "miễn phí", từ thùng trà đá, đến chỗ bơm vá xe mỗi ngã tư đường… Và bây giờ, lại thêm một "thùng bánh mì miễn phí".
Thùng bánh mì cứ lặng lẽ đứng một góc, sẵn sàng gửi bánh cho những người đang cần đến mình, cũng như hàng trăm thứ khác mà lúc nào Sài Gòn cũng sẵn lòng "miễn phí".
Bánh mì Sài Gòn, không chỉ thơm ngon mà còn chứa đầy tình cảm của những người Sài Gòn, hào hiệp và tử tế. Thùng bánh mì miễn phí nằm lặng lẽ trong ánh nắng buổi sớm của Sài Gòn, đẹp như tấm hòng hồn hậu cùa người dân nơi đây. Nhìn hình ảnh ổ bánh mì được nâng niu như thế, tự dưng thấy thương Sài Gòn, thương cả những người ở nơi đây"…
Có tiếng khóc ré của đứa bé lôi tôi ra khỏi dòng suy nghĩ lan man, tôi vội lục giỏ tìm thanh kẹo chocolate đem ra dụ trẻ "Nín đi!, rồi cho con kẹo sô cô la nè!". Đứa bé nhìn thấy thanh chocolate thích quá, nín liền rồi đưa tay ra lấy. Mẹ em kể "Có mua bảo hiểm y tế cho dân nghèo, nhưng hết hạn rồi. Phải chờ 2 tháng nữa mới có bảo hiểm mới. Mấy bửa nay nó nóng, ho quá, mà đâu có tiền đi bác sĩ. May mà có đoàn y tế tới làm phước, thiệt mừng quá. Vậy mà kêu nó đi, cứ khóc không chịu đi, phải lôi nó tới đây đó…" Nghe chị tâm sự ba xấp nhỏ đi phụ hồ khiêng nặng nhiều quá, nên bây giờ bị đau nhức bên hông và vai, phải tạm nghĩ ở nhà. Tui phải làm "thợ đụng"- "thợ đụng" là sao chị? – "Thì đụng đâu làm đó, ai mướn gì cũng làm hết: Chẻ hột điều, giặt đồ mướn, làm rẩy… Tối về mệt quá thì làm việc nhẹ, rán thức tới 4 giờ sáng lột vỏ hột điều. Sau chị là tới phiên một bà già kéo ghế ngồi trước mặt, tôi nhìn thấy đôi bông tai vàng nhỏ bà đeo, bèn nói đùa: "Bà giàu quá, có vàng đeo tai nữa" – " Giàu gì đâu cô, tại tính tui hay lo xa, tui để dành lâu đời còn chút xíu này đeo để phòng thân, lỡ chết rồi, thì con cháu gở ra bán làm đám ma cho mình, chứ tụi nó nghèo quá xá, tiền đâu lo nỗi?" Tôi thầm nghĩ như vậy đây cũng là hình thức "Bảo hiểm nhân thọ" kiểu nhà nghèo. Khi bệnh nhân bắt đầu vơi bớt, tôi mới chợt để ý tới trên mặt bàn gổ cũ kỹ có khắc dòng chữ :"Tôi yêu Việt Nam, nước tôi" dòng chữ làm tôi cảm động, vì nó xuất hiện ở 1 xóm nghèo, bửa no, bửa đói, nhưng lòng yêu nước vẫn tồn tại. Đúng là " Người ơi ! Nước Nam của người Việt Nam" nên dù là ở chân trời góc bể, nó đều nằm trong tim người Việt Nam còn biết yêu quê hương.
Phần làm việc của chúng tôi xem như xong sớm nhất, còn phần của bác sĩ khám bệnh và phần sau cùng là phòng phát thuốc. Có giờ rãnh tôi đi lang thang trong khuôn viên nhà thờ, đi ngang qua hành lang phòng cha sở, nhìn vào mới thấy cha sống thật đơn sơ: chỉ có 1 chiếc giường gổ nhỏ, trãi phía trên là tấm chiếu manh, 1 bộ bàn nhỏ để cha làm việc. Gần đó có vài cái móc áo treo vài bộ đồ và 1 áo chùng đen. Sống giữa lòng xóm nghèo, cha đúng là "Chủ chiên có mùi chiên" như lời ĐTC Phanxico đã nói. Cha mới đúng là "Linh mục của Chúa", tôi cảm phục và hãnh diện về cha, dù tôi chỉ mới gặp cha hôm nay.Tôi xuống bếp, xem có phụ gì được không? nghe mấy bà bếp kể chuyện về cha. "Cha giỏi lắm nói được 4,5 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh, Campuchia và tiếng Tàu).Tội nghiệp đáng lẽ cha về hưu lâu rồi, nhưng còn bận tâm phải lo cho dân nghèo và sang năm xây nốt nhà thờ cho giáo dân có nơi thờ phượng đàng hoàng rồi bước qua 80 tuổi cha mới bàn giao giáo xứ cho cha khác rồi về Long xuyên nghỉ hưu."
Nhìn trong số vài chị ở nhà bếp, tôi thấy 1 chị còn khá trẻ mặc chiếc áo T- shirt có dòng chữ " Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam". Tôi hỏi "Ở đâu chị có áo này?" – "Người ta cho em, em thích vì nó nói lên đảo đó của mình. Em phụ bán quán, nên em hay mặc áo đó, để có dịp nhắc nhở mọi người tới quán đọc và nhớ điều đó". Câu trả lời giản dị của chị chứng tỏ lòng yêu nước đâu cần phải cầu kỳ. Tôi yêu quý người dân phương Nam, thích cách nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, đơn giản, thoải mái. Chị nói: "Hôm nay nghỉ phụ quán 1 bửa để cùng mấy chị đây nấu cơm cho đoàn y tế cũng là làm việc thiện nguyện vậy!". Đúng rồi mỗi người làm 1 việc khác nhau, nhưng đều là phục vụ việc chung.
Bữa ăn đã chuẩn bị xong, có 2 mâm:1 cho người ăn chay và 1 cho người không ăn chay. Tôi nghe nhà bếp tiết lộ có món cá khô nhỏ xíu, đặc biệt chỉ có lòng hồ Trị An mới có, nên thấy cũng háo hức. Quả thật tới bửa ăn xem ra ai cũng thích thú với món ăn này, vì ngon và lạ miệng, mấy chị DS lo gủi tiền nhờ mua giùm. Sẵn dịp có chị rỉ tai "nói nhỏ" cho nhau nghe:"Giáo xứ ở đây nghèo quá, nên tụi mình hùn tiền để gửi lại chi phí bữa ăn, vì tiền cha để lo cho người nghèo, chẳng lẽ mình ăn của người nghèo sao? Vậy là từng người hoan hỉ lấy 50 ngàn ra đóng góp, mà cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng. Riêng tôi cảm thấy thật vui vì hôm nay được gặp nhiều người cùng tần số từ thiện với mình. Ở đời gặp được "tri âm" là đủ vui rồi, dù nhóm chúng tôi không cùng tôn giáo, nhưng chúng tôi cùng gặp nhau ở việc " lấy niềm vui chia sẻ với người nghèo làm niềm vui của mình" Vì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: "Mục đích của tất cả những truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới không phải là để xây dựng những ngôi đền to lớn bên ngoài, mà là để xây dựng những ngôi đền thiện lành và từ bi bên trong trái tim chúng ta"
Phượng Vũ
Views: 0