Uncategorized

Hãy tỏ lòng sám hối…

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ II – Mùa Vọng. Với tuần thứ I, chúng ta được kêu gọi hãy tỉnh thức và cầu nguyện, còn hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa, qua trích đoạn Tin Mừng thánh Luca, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy sám hối.

**  

Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ II – Mùa Vọng. Với tuần thứ I, chúng ta được kêu gọi hãy tỉnh thức và cầu nguyện, còn hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa, qua trích đoạn Tin Mừng thánh Luca, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy sám hối.

**  

Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê… Kha-nan và Cai-Pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa”(x.Lc 3, 1-2)

Ông Dacaria là ai? Thưa, là một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, ông có người vợ tên là  Elisabeth, cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù vợ ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông, Người đã cho ông sinh được một cậu con trai, một cách đặc biệt.

Cậu con trai đó, sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên là Gio-an, thì người cha là Dacaria được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Và quả thật, ông Gio-an sau khi trải qua những ngày sống ẩn dật, cho đến khi Thiên Chúa phán cùng ông, “ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-dan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”(x.Lc 3, 3)

Lời rao giảng của ông, đúng như lời chép trong sách ngôn sứ Isaia, rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Lời rao giảng của ông tưởng chừng như là những lời lạc lõng giữa sa mạc. Trái lại, Kinh Thánh ghi rằng, người ta “lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa”.

**

“Hãy tỏ lòng sám hối”, phải chăng, đây cũng là lời mời gọi cho mỗi chúng ta?

Thưa, đúng vậy.  Đúng là bởi,  chúng ta hay lầm lẫn và nghĩ rằng, mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không trộm cắp, không bất công với ai,  thì có gì phải “sám hối”.

Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phao lô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).

Vì-mọi-người-đã-phạm-tội. Xưa, vua David đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Vâng, thật não lòng khi David thú tội: “Con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”.

Và ngày nay, Bà Catherine Samba-Panza, nữ tổng thống lâm thời cộng hòa Trung Phi, vào Chúa Nhật 29/11/2015, khi tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đến thăm Bangui, cũng nhận rõ điều này, nên đã lớn tiếng nhân danh các nhà cầm quyền Trung Phi, xin “được tha thứ” vì đã góp phần đưa đất nước mình “xuống địa ngục”.

Hôm đó, để “tỏ lòng sám hối”, bà ta đã “xưng tội” trước đông đảo cử tọa, như sau: “Nhân danh tầng lớp lãnh đạo của đất nước này và cũng nhân danh cho tất cả những người đã góp phần cách này cách khác đã đưa đất nước này xuống hỏa ngục, tôi xin xưng tất cả sự dữ đã phạm cho đất nước này trong quá trình lịch sử, và tự đáy lòng tôi, tôi xin được tha thứ”.

Rất chân thành, bà ta đã nói lên tột cùng của những lời thú tội, rằng: “…Làm sao tự cho mình là tín hữu mà đi phá hủy nơi thờ phượng, giết người anh  em, hãm hiếp người khác, phá hoại tài sản người khác, gây bạo lực dưới mọi hình thức”.
Cuối cùng bà ta, hai lần nói, “Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ.. Chúng tôi cần sự tha thứ…”  (nguồn: internet)

Lời khẩn cầu đó, có gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng: bà ta đã thật sự “tỏ lòng sám hối”!

Và bây giờ là đến chúng ta. Hãy  tự hỏi lòng mình rằng: Làm-sao-tự-cho-mình-là-tín-hữu, với bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta, thế mà, đã được bao nhiêu lần  ta thực thi lời kêu gọi của ông Gioan tiền hô “tỏ lòng sám hối”?

Thế nên, hãy tự thú tội bằng một lời “hạch tội” mình, rằng: Với  bao nhiêu lần Mùa Vọng đi qua đời ta, thế mà được bao nhiêu lần ta thật sự “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em” rằng “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu xót”?

“Nhân danh là một gia trưởng”, đã có lần nào chúng ta thú nhận rằng, tôi còn thiếu xót nhiều trong vai trò thuyền trưởng của một gia đình, trong việc dạy dỗ con cái, trong việc làm gương tốt trước mặt các con v.v…?

Còn… còn rất nhiều thiếu xót, trong nhiều vai trò khác nhau của ta, trong cuộc sống thường nhật, mỗi ngày.

Thế nên, đừng quên lời thánh Phao-lô khuyên dạy, rằng: hãy làm cho “lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào”, chính lòng mến, thánh nhân nói tiếp: “khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn” (x.Pl 3, 9)
Có lòng mến, có được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn… Vâng, đó chính là lực đẩy giúp ta nhận ra những thiếu xót, giúp ta sửa đổi những quanh-co-dối-trá trong tâm hồn, giúp ta san phẳng núi-tham-lam, núi-hận-thù, núi-chia-rẽ, núi-đam-mê, hố-dục-vọng, núi-kiêu-căng-tự-mãn  v.v…

Nói cách khác, nó giúp ta “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”, phải không, thưa quý bạn?

Mà, khi đời sống đức tin của chúng ta sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối, ai dám phủ nhận ta đã thật sự “tỏ lòng sám hối”!

Vâng, một lần nữa, chúng ta cùng nghe lời kêu gọi của ông Gio-an tiền hô: “Hãy tỏ lòng sám hối”

Petrus.tran

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.