Trong mấy tuần qua, cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, đã bàn tán sôi nổi về cuốn phim “Terror in Little Saigon” (Khủng bố tại Little Saigon) được chiếu trên đài truyền hình CPS của Mỹ ngày 5.11.2015 nói về vụ 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt ở các thành phố trên nước Mỹ đã bị ám sát trong thời gian từ 1981 đến 1990.
Đảng Việt Tân, hậu thân của của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thường được gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh hay Mặt Trận, đã dùng nhiều cách để thanh minh rằng Mặt Trận không dính líu gì đến các vụ ám sát này. Còn cộng đồng người Việt được chia ra hai phe, một phe lên án Mặt Trận, hô hào làm thỉnh nguyện thư yêu cầu FBI đưa nội vụ ra truy tố, còn một phe bênh Mặt Trận, cho rằng người biên soạn phim là Adam Clay Thompson và hai cơ quan thực hiện cuốn phim là Frontline và ProPublica đã mạ lỵ cộng đồng người Việt!
Đây là một vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi cố gắng trình bày vắn tắt và giản dị.
CŨNG CHỈ LÀ CÔNG CỤ
Chúng ta nhớ lại, trong thời gian còn chiến tranh lạnh, với sự yểm trợ của Mỹ, tại một đại hội đã được tổ chức tại Washinton DC ngày 1.9.1981, một số tổ chức của người Việt đã quyết định thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, để đi qua Thái Lan thành lập cứ điểm đưa quân xâm nhập vào Việt Nam lập chiến khu chống lại Cộng Sản.
Người Mỹ chỉ muốn dùng cộng đồng người Việt tỵ nạn để quậy phá, không cho Đảng CSVN ngồi yên, trong khi đa số người Việt vẫn tin rằng họ đang “giải phóng quê hương”!
Biết rõ bản chất của cộng đồng người Việt là không ai lãnh đạo được ai và ai cũng muốn làm lãnh tụ, nên muốn thi hành “sứ mệnh”, Mặt Trận cần có một cơ cấu tố chức giống Đảng CSVN. Nếu không làm như vậy mà theo phương thức “dân chủ đa ngôn”, Mặt Trận khó thực hiện được “sứ mạng” giao phó và khó tồn tại. Có lẽ do sự chỉ đạo của “Anh Hai chống cộng”, ngày 10.8.1982 một “Đại Hội Dựng Đảng” đã được triệu tập và hình thành một tổ chức có tên là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Việt Tân. Chủ Tịch Đảng Việt Tân đầu tiên cũng là Tướng Hoàng Cơ Minh. Từ đó Đảng Việt Tân đứng đàng sau điều khiển và yểm trợ Mặt Trận.
Dĩ nhiên, những người không được chọn đóng vai trò Hoàng Cơ Minh hay ban lãnh đạo Mặt Trận, nhất là khi thấy Mặt Trận có thể làm ra tiền bạc, đã đánh Mặt Trận bằng đủ 36 kiểu, mặc dầu trong thực tế Mặt Trận chỉ là con bài thí.
HOẠT ĐỘNG NGOÀI VÒNG LUẬT PHÁP
Những người suy nghĩ và nhận định theo cảm tính thường rất sợ Sự Thật, kể cả các quy định của luật pháp, vì sự thật thường trái với những điều mà họ “xác tín”. Tuy nhiên, hôm nay chúng tôi cũng phải đưa ra sự thật, đó là Mặt Trận đã được tổ chức và hoạt động ngoài vòng luật pháp.
Khủng bố (terrorism) được định nghĩa trong Bộ luật Liên Bang Hoa Kỳ là "xử dụng một cách bất hợp pháp vũ lực (force) hay bạo hành (violence) đối với người hoặc tài sản để đe dọa hay ép buộc một chính phủ, dân thường, hoặc bất kỳ bộ phận nào của họ, nhằm thúc đẩy các mục tiêu chính trị hay xã hội" (28 C.F.R. Section 0.85).
Tội khủng bố được quy định trong Chương 113B, Phần I, Tiết Mục 8 của Bộ Luật Liên Bang (United States Code) với hình phạt được áp dụng rất nặng, tối đa là tử hình.
Theo điều 2331, được coi là “khủng bố quốc tế” (international terrorism) các hoạt động liên quan đến các hành vi bạo hành (violent acts) hay các hành động gây nguy hiểm cho sự sống con người nhằm mục tiêu đe dọa (intimidate) hay áp lực (coerce) đối với dân chúng, hay gây ảnh hưởng đến chính sách của một chính phủ hay sự điều hành của một chính phủ. Điều 2332a quy định rằng những ai xử dụng, đe dọa hay âm mưu xử dụng những vũ khí phá hoại hàng loạt (use of weapons of mass destruction) ở trong hay ngoài nước, đều có thể bị phạt tù có thời hạn, tù chung thân hay tử hình.
Luật không hề phân biệt chính phủ bị xâm phạm có thiết lập bang giao hay không thiết lập bang giao với Hoa Kỳ.
Có người lại hỏi: Mặt Trận chỉ dùng bạo lực để chống cộng từ trên đất Thái Lan chứ có từ đất Mỹ đâu mà phạm luật?
Luật phân biệt chính phạm (principal) và tòng phạm (accomplice). Chính phạm là người thực hiện tội phạm, còn tòng phạm là người giúp đỡ thực hiện tội phạm (helpers in the crime). Theo luật pháp Hoa Kỳ, bạn có thể là chính phạm, tòng phạm, một người giúp đỡ, hay một người xúi giục hoặc kẻ đồng lõa căn cứ vào vai trò của bạn trong các tội phạm, nhưng thực tế bạn đã tham gia, dù ở cấp độ nào hoặc cách thức hoạt động nào hoặc ở trong thầm kín, làm cho bạn có tội.
(You may be the principal, the accomplice, an aider, or an abettor or accessory based on your role in the crime. But the fact that you participated–no matter at which level or how active or in-depth–makes you guilty).
Mặt Trận đã tổ chức, lập kế hoạch, vận động, tuyển dụng, quyên góp, hỗ trợ… từ Hoa Kỳ để đánh phá và lật đổ chính phủ CSVN nên bị coi là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
FBI và CIA, nói chung là chính phủ Hoa Kỳ, biết rất rõ việc thành lập và hoạt động của Mặt Trận là bất họp pháp, nhưng làm ngơ để cho người Việt tỵ nạn làm vì mục tiêu chính trị. A.C. Thompson xác định sau khi điều tra ông thấy rằng “chính phủ Hoa Kỳ hồi đó hỗ trợ Mặt Trận không có gì là nghi vấn cả”.
Mặt Trận đã mở ba cuộc hành quân Đông Tiến I (5/1986), Đông Tiến II (12/1986 và 7/1987) và Đông Tiến III (8/1989), nhưng tất cả đều thất bại. Tướng Minh bị tử trận trong Đông Tiến II. Tổng kết, có khoảng 100 trong tổng số 240 kháng chiến quân của Mặt Trận đã hy sinh hay mất tích. Số còn lại bị CSVN bắt giam và phạt tù từ 3 năm tới chung thân.
MỸ “XOAY TRỤC” NĂM 1991
Tháng 12 năm 1989, bộ đội Việt Nam hoàn toàn rút khỏi Campuchia. Ngày 29.9.1990: Ngoại Trưởng Mỹ J. Baker và Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã gặp nhau lần đầu tiên tại New York để bàn về quan hệ giữa hai nước. Hoa Kỳ ra lệnh cho Mặt Trận hủy bỏ chiến khu tại Thái Lan và chuyển sang đấu tranh chính trị, nhưng Mặt Trận cứ chần chờ.
Ngày 9.4.1991 Mỹ đưa ra “Bản lộ trình” 4 bước về bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ngày 22.4.1991, 5 nhân vật phụ trách về tài chánh của Mặt Trận là Hoàng Cơ Định, Nguyễn Kim Hườn, Phan Thị Hà (vợ Hoàng Cơ Định), Phan Duy Cần và Nguyễn Tấn Bình (em vợ của ông Hoàng Cơ Định) đã bị bắt, bị còng tay và đẩy lên xe cây chở đi vì các tội danh âm mưu khai gian thuế, trốn thuế, và không khai thuế. Các bị cáo bị truy tố trước Tòa Án San José, California, về 39 tội danh. Bản cáo trạng số CR 912005 ngày 1.4.1991 nói rằng “Các bị cáo đã âm mưu che giấu Cơ Quan Thuế Vụ (IRS) kế hoạch của chúng để chuyển những sự đóng góp cho Mặt Trận thành sở hữu của chúng (their owns usebenifits)” Các bị cáo phải đóng 100.000 USD tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra.
Tuy nhiên, sau khi Mặt Trận đồng ý phá bỏ chiến khu tại Thái Lan và tuyên bố chuyển qua vận động chính trị, toà đã hủy bỏ (dismiss) vụ án này chiếu theo đạo luật “Speedy Trial Act” năm 1974. Đây là đạo luật ấn định thời hạn phải hoàn thành các giai đoạn khác nhau về việc truy tố tội hình sự liên bang.
Sau khi bị FBI và IRS hỏi thăm sức khỏe, Đảng Việt Tân đã thay đổi cả tổ chức lẫn chủ trương và đường lối hoạt động. Kể từ năm 2004 Đảng Việt Tân bắt đầu hoạt động công khai và thành lập các tổ chức ngoại vi để tham gia các sinh hoạt cộng đồng và vận động chính trị, chẳng hạn như Liên Minh Việt Nam Tự Do, Hội Chuyên Gia Việt Nam Hải Ngoại, Đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu, Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ gốc Việt (VPAC), Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường,….
Về chủ trương và đường lối, website viettan.org viết rõ: “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng chủ trương tiến hành cuộc cách mạng bằng chính sức mạnh và trí tuệ của dân tộc Viêt Nam để chấm dứt ách độc tài cộng sản hầu có điều kiện tiến hành công cuộc canh tân đất nuớc. Chủ trương này được thực hiện với hai nỗ lực Chấm Dứt Độc Tài và Canh Tân Đất Nước.”
Nói một cách tổng quát, kể từ năm 2004 Việt Tân bắt đầu lột xác, tổ chức và hoạt động theo mô thức các tổ chức vận động chính trị ở Mỹ. Đối với Việt Nam, Việt Tân đã bám sát chiến dịch “diễn biến hòa bình” của Mỹ. Vì có nhân lực và tài lực dồi dào, lại đi đúng đường lối của Mỹ, nên khó có doàn thể đấu tranh chính trị nào của người Việt hải ngoại có thể theo kịp Việt Tân.
MỸ “XOAY TRỤC” 2015
Như chúng tôi đã nói, trước khi Chủ Tịch Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ họp với Tổng Thống Obama ngày 25.7.2013 và đưa ra Tuyên bố chung về thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”, các viên chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau nhiều lần để thiết lập những thỏa thuận mà hai bên sẽ làm. Riêng Ngoại Trưởng John Kerry đã đi Việt Nam 17 lần. Qua các diễn biến của tình hình, chúng ta thấy có ba tổ chức chống đối Hà Nội đang hoạt động trên đất Mỹ đã bị Hà Nội lưu ý, đó là Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
Về việc xóa bỏ Giáo Hội Ấn Quang, có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đã giao cho Võ Văn Ái, một người ăn Fund do Quốc Hội Mỹ cấp để chi phối Giáo Hội Ân Quang từ lâu. Về nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm, ban Việt ngữ đài RFA của Mỹ do Nguyễn Văn Khanh cầm đầu, đã dùng văn công Việt Cộng viết những chuyện bịa đặt rồi phổ biến để hạ Ngô Đình Diệm xuống và đưa Hồ Chí Minh lên. Đây là chuyện chưa hề xảy ra trước đây, nhưng nay RFA đã làm. Riêng Mặt Trận hay Việt Tân, một tổ chức bị Hà Nội kết án nặng nề nhất, đang gây khó khăn cho Mỹ vì Việt Tân vốn là một trong các lá bài của Mỹ.
Tại hải ngoại, nếu mở Google hay Facebook ra, chúng ta sẽ thấy có hàng trăm bài kết án Việt Tân là Cộng Sản hay tay sai Cộng Sản được phổ biến. Có người hay tổ chức đã mở những trang Web để đăng toàn các bài tố cáo Việt Tân là Cộng Sản, chẳng hạn như tinparis.net, hon-viet.co.uk, dangchihung.blog, danchuleaks.blog conongviet.com, v.v. Buồn cười là trong khi "phe ta" tố Việt Tân là tay sai Cộng Sản, Ngày 29.5.2007 Tổng thống Bush đã mời đại diện của đảng Việt Tân đến tòa Bạch Ốc nói chuyện để hiểu thêm về chính sách chính trị đối nội của Việt Nam trước khi gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào ngày 22 tháng 6!
Còn Việt Cộng nói gì về Việt Tân?
Có rất nhiều cơ quan thông tin của Hà Nội như Thông Tấn Xã Việt Nam, Công An Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô, vov.vn… đã lên án các hoạt động của Đảng Việt Tân ở trong nước và tường thuật các phiên tòa xét xử các đảng viên Việt Tân bị bắt. Một thí dụ cụ thể, báo An Ninh Thủ Đô của Công An Hà Nội viết về kế hoạch hoạt động của Đảng Việt Tân ở trong nước như sau:
“Chúng lập ra cái gọi là “Ban phát triển quốc nội”, bí danh “Nhóm công tác C21” phụ trách công tác tuyển mộ và quản lý cơ sở nội địa do tên Nguyễn Quốc Quân, trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, “Việt Tân” đã đưa lực lượng về các địa bàn như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Malaysia, là những nơi tập trung đông số du học sinh và lao động Việt Nam…
“Tại đây, chúng đã tung ra những chiêu bài khác nhau dưới hình thức trợ giúp pháp lý, dạy nghề, thăm viếng, tặng quà, tổ chức ca nhạc miễn phí… nhằm rủ rê, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin rồi tuyển chọn, tiến hành huấn luyện các kỹ thuật khủng bố, đợi thời cơ tung về nước hoạt động.
“Vào cuối năm 2006, những kẻ cầm đầu của “Việt Tân” đã vạch ra kế hoạch mà chúng đặt tên là “kế hoạch sang sông” hay còn gọi là “Đông Tiến 07”, với mục tiêu trong năm 2007 sẽ công khai hóa bằng được tổ chức trong nước với mưu đồ châm ngòi nổ cho việc hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam.
“Để thực hiện mục tiêu nói trên, chúng cử các toán “Việt Tân hải ngoại”, trong đó có các tên cầm đầu xâm nhập về nước trực tiếp chỉ đạo số cơ sở trong nội địa tiến hành các hoạt động phá rối an ninh…”
Dĩ nhiên, khi Mỹ đã ký hiệp ước đối tác toàn diện với Hà Nội và công nhận Đảng CSVN, Hà Nội không muốn Mỹ để cho Đảng Việt Tân có những hoạt động như thế nữa. Do đó, Mỹ phải dùng cuốn phim "Terror in Little Saigon" để nói chuyện với Hà Nội và Việt Tân.
Mặc dầu trong các cuộc điều tra 5 vụ hạ sát các ký giả gốc Việt nói trên, FBI kết luận rằng cho đến nay, họ chưa có đủ bằng chứng để theo đuổi việc truy tố, nhưng đa số người Việt vẫn tin rằng Mặt Trận đã hạ sát những người này. Chắc chắn chính phủ Hoa Kỳ cũng biết như vậy, nhưng vì tình thế lúc đó, nếu không làm như vậy Mặt Trận rất khó có thể phát động cuộc kháng chiến, nên FBI làm ngơ.
Bản phúc trình của A.C. Thompson không có đầu, không có đuôi và không đưa ra được yếu tố nào mới có thể khiến phải tái phát động công tố quyền để truy tố thủ phạm. Thompson chỉ kết luận rằng tất cả những người bị hạ sát đều là những người chống Mặt Trận. Những chuyện được kể trong phim không phải là bằng chứng pháp lý. Tuy nhiên, với cuốn phim “Terror in Little Saigon” Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có thể nói với Hà Nội rằng Hoa Kỳ đang có “biện pháp” đối với Mặt Trận, đồng thời nói với Việt Tân rằng phải điều chỉnh phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới.
A.C. Thompson nói rõ rằng cuốn phim này do Frontline tài trợ, và Frontline thì được Corporation for Public Broadcasting (CPB) tài trợ một phần. Tiền của CPB do Quốc Hội Hoa Kỳ cấp. Dĩ nhiên, Việt Tân phải gặp các viên chức Hoa Kỳ để biết phải điều chỉnh lại đường lối như thế nào.
PHẢI QUAN TÂM CHUYỆN MỸ “XOAY TRỤC”
Có thể nói trong cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay, không còn một tổ chức nào có đủ nhân lực và tài lực để vận động chính trị như hay hơn Việt Tân. Nhưng trong cộng đồng này, cứ thấy ai làm cái gì hơn mình là chụp cho nó cái Nón Cối! Vì thế, gần như đi đâu cũng thấy Nón Cối. Có thể nhại thơ của Trần Dần để mô tả tình trạng đó: “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên… đầu Nón Cối.”
Bà Hoàng Dược Thảo khi bị báo Người Việt kiện về tội mạ lỵ phỉ báng vì cho rằng báo này là của Việt Cộng, bà đã viện dẫn bản thông cáo nhận định báo Người Việt là “tay sai Cộng Sản” của 151 đoàn thể và nhân sĩ để chứng minh, nhưng khi tòa xét xử chẳng có đoàn thể hay nhân sĩ nào dám ra làm chứng! Cuối cùng bà phải lãnh án một mình. Vì vậy đừng quan tâm đến “Nón Cối” làm gì.
Nhưng chơi với Mỹ phải luôn quan tâm đến việc Mỹ “xoay trục”. Trước 30.4.1975, các nhà lãnh đạo VNCH chẳng biết gì đến chuyện Mỹ “xoay trục” nên miền Nam đã mất.
Nhân ngày lễ Tạ Ơn, xin ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh cho chính nghĩa tự do.
Ngày 25.11.2015
Lữ Giang
Views: 0