Có thật “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề. Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở” như Hồ Dzếnh đã viết trong bài thơ nổi tiếng “Ngập Ngừng” của ông hay không?
80% người Hoa Kỳ sẽ kết hôn ít nhất một lần trong đời. (U.S. Bureau of the Census, 2006). Trong đời sống hôn nhân người ta hạnh phúc hơn những người độc thân, góa bụa, hoặc ngay cả những cặp tình nhân sống chung với nhau. Theo kết quả khảo cứu thì 40% những người kết hôn cho biết đời sống hôn nhân của họ hạnh phúc, trong khi đó chỉ có 18% những người ly dị, 15% những người ly thân, và 22% những người góa bụa, những người sống chung với nhau cho biết là họ hạnh phúc (Waite & Gallagher, 2000). Ngoài ra, những người có gia đình được thống kê cho biết họ là những người thành công hơn trong nghề nghiệp, công ăn việc làm, lợi nhuận thu nhập nhiều hơn những người độc thân, ly dị hoặc hai người chỉ sống chung với nhau. (Waite & Gallagher, 2000; Antonovics & Town, 2004). Con cái những gia đình có cả cha lẫn mẹ học hành giỏi giang hơn, ngoan ngoãn hơn, và thành công hơn trong vai trò lãnh đạo sau này (Waite & Gallagher, 2000; Manning & Lamb, 2003), và các em vị thành niên trong các gia đình này cũng đỡ gây ra những phiền phức (Carlson, 2006).
Như vậy, tại sao nhiều người có cái cơ may sống một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lại hay than thở, phàn nàn, và coi thường nó, tạo nên hình ảnh về cuộc sống ấy như “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khởi, người mong bước vào!” (Ca dao)
Kinh nghiệm chung hay kinh nghiệm riêng của mỗi cá nhân đều cho thấy rằng, sở dĩ có sự nhàm chán, buồn tẻ, và cãi vã trong hôn nhân bởi vì sống đời sống hôn nhân, ít nhiều gì chúng ta thường hay mắc vào những khuyết điểm sau:
1.Quan niệm sai về hôn nhân:
Có thể nói, phần lớn những đổ vỡ sau này của nhiều cặp hôn nhân xẩy ra là vì một trong hai người, hoặc cả hai đã thiếu chuẩn bị, đặc biệt, sự chuẩn bị về tinh thần trước khi kết hôn. Từ đó dẫn đến những quan niệm sai lầm và lệch lạc về đời sống hôn nhân cũng như về những giá trị thật của hôn nhân.
Chúng ta thường nghe lập đi, lập lại tư tưởng cho rằng không có ngành nghề gì quan trọng, cao cả nhưng cũng đầy rẫy khó khăn, rủi ro cho bằng nghề làm chồng và làm vợ. Nói một cách đơn giản là đời sống hôn nhân chính là một thách đố lớn lao nhất giữa những lựa chọn cho tương lai của một người. Bởi đó, khi không đặt giá trị và hiểu đúng ý nghĩa của hôn nhân, thì hậu quả sẽ dẫn đến những đổ vỡ rất tai hại. Tiếc thay, chẳng mấy ai quan tâm đến điều này, và vì thế khi nói đến việc chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân, thông thường người ta chỉ lo chuẩn bị những cái bên ngoài. Thí dụ, đám cưới được tổ chức ở đâu và tổ chức như thế nào? Trong đám cưới ấy sẽ mời những ai, chi phí cho việc tổ chức là bao nhiêu?…
Một khảo cứu cho thấy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào đời sống hôn nhân có thể giảm bớt 30% những trường hợp đổ vỡ (Stanley, Amato, Johnson & Markman,2006). Cũng theo kết qủa từ 11 cuộc khảo cứu khác, 79% những người chuẩn bị chu đáo đã thăng tiến được cuộc sống hôn nhân của họ (Carroll & Doherty, 2003).
2.Đánh giá sai về người phối ngẫu:
“Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” (Trịnh Công Sơn) đã trở thành một quan niệm sống thực tế đối với hầu hết những ai bước vào tình trường. Bị cuốn hút bởi tình yêu, và do những bồng bột của bước đầu, nhiều người đã đánh giá sai về người yêu của mình. Do việc quá thần tượng người yêu trong thời gian quen nhau, nên khi về chung sống với nhau dễ đem đến khó chịu, coi thường và nhàm chán khi khám phá ra người yêu của mình không như mình nghĩ. Tình trạng này chỉ xẩy ra sau khi đã kết hôn, lúc mà cuộc sống thật đẩy con người va chạm với thực tế, và từ đó cho thấy con người thật của nhau như thế nào!
Tuy nhiên, tình yêu lúc ban đầu nếu đem lại cho nhau sự cuốn hút, thì tình yêu sau khi kết hôn phải dẫn tới sự cảm thông và cùng nhau hướng về cuộc sống. Nếu chỉ dừng lại ở cảm tính và những lãng mạn tình cảm, không ai có thể vượt qua được những khó khăn và thử thách của đời sống hôn nhân. Bởi vì ai cũng biết hạnh phúc của hôn nhân không chỉ được xây dựng trên tình cảm.
3.Khủng hoảng đời sống tình dục:
“Đêm bảy, ngày ba, vào ra không kể” (Tục ngữ Phong dao). Câu nói tưởng như đùa cợt, nhưng lại diễn tả rất đúng với thực tế cuộc đời, đặc biệt trong hôn nhân. Tâm lý hôn nhân cũng cho thấy hầu hết những lủng củng trong đời sống vợ chồng đều xảy ra ở trên cái giường. Kết luận này không phải không có bằng cứ khi con người đi vào những khác biệt của tâm sinh lý giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, cũng như của nhu cầu và bản năng tính dục. Sự nhàm chán hôn nhân do sinh lý gây ra đến từ cả hai phía, nhưng phần lớn là do phía phụ nữ không chú tâm hoặc lơ là đối với nhu cầu tâm sinh lý của chồng. Do đó, những phụ nữ khôn khéo và hiểu biết đều giữ được tình yêu nồng ấm bằng cách điều hòa sinh hoạt tình dục của mình và chồng. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn có cảnh “chán cơm thèm phở”, nhưng tâm lý chung vẫn là “hễ no cơm tẻ thì thôi mọi bề” (Tục ngữ phong dao).
Trong khảo cứu mang tự đề “Sexual dysfunction among married couples living in Kumasi metropolis, Ghana” được thực hiện do Amidu et al, phổ biến trên BMCUrology 2011, 11:3, các nhà khảo cứu đã đưa ra kết luận: “khủng hoảng sinh lý trong các cặp vợ chồng được so sánh cùng với mức độ khủng hoảng chung của đàn ông cũng như đàn bà, và hơn nữa bị tồi tệ đi trong thời gian chung sống với nhau. Điều này có thể ảnh hưởng cách sâu xa trên sự tự tin của người phối ngẫu và làm giảm bớt giá trị của đời sống.” (The prevalence of sexual dysfunction in married couples is comparable to prevalence rates in the general male and female population and is further worsened by duration of marriage. This could impact significantly on a couple’s self-esteem and overall quality of life.)
4.“Gần chùa gọi bụt bằng anh”:
Sau những sai lầm về nhận thức, những khủng hoảng về tâm sinh lý, đời sống hôn nhân trở nên thiếu hấp dẫn do sự “nhàm chán” và “coi thường” nhau. “Cỏ nhà hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình” luôn luôn vẫn là một thử thách cho sự tự tin vào chính mình cũng như nơi người phối ngẫu. Không biết đã có bao nhiêu lần vợ chồng cãi vã, buồn giận nhau về quan niệm này. Vợ mình không khen, khen vợ hàng xóm, hoặc ngược lại, chồng mình không khen, khen chồng người hàng xóm. Tư tưởng sống này đến từ quan niệm thiếu trưởng thành về mặt tâm lý và tình cảm. Nhưng thực tế đã cho biết là chỉ khi nào mà người ta mất đi cái mình đang có mới thấy hối tiếc. Một trong những day dứt và tiếc nuối đối với nhiều người sau khi ly dị không phải là đã mất đi điều mình không yêu, nhưng đã để mất đi cái mà mình còn yêu!
5.Đời sống đơn điệu:
“Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (Heraclit) đồng nghĩa với thay đổi, học hỏi và cầu tiến. Dòng nước sông luôn luôn thay đổi và nhờ sự lưu chuyển ấy đem lại nước sạch, nước trong, nước mát cho dòng sông. Triết lý này đi ngược với thái độ nhàm chán của đời sống đơn điệu. Để sống đời hôn nhân hạnh phúc là một nghệ thuật: Nghệ thuật sống và yêu. Bước đầu của hôn nhân chỉ là khởi điểm cho một hành trình luân chuyển của dòng sông tình yêu, trong đó đòi hỏi sự trau dồi, phát triển nghệ thuật yêu và sống để biến nó trở nên hấp dẫn mỗi ngày. Hạnh phúc hôn nhân không rơi xuống từ trời sau ngày cưới.
Người phụ nữ, người vợ thường nhàm chán chồng mình ở điểm gì? Ngoài câu nói: “Tôi vậy đó, tính tôi như vậy chịu hay không chịu là tùy”, một câu nói thiếu ý thức trưởng thành ra, thì ngay cả lối sống và những biểu lộ tình cảm một cách máy móc, vô cảm của chồng là những yếu tố làm cho vợ cảm thấy chán ngán. Đối với nữ giới, bê bối và coi thường nhan sắc của mình là điều khiến cho nhiều ông chồng nghĩ đến một bóng hồng nào khác, không chỉ thùy mỵ hơn, dễ thương hơn, mà còn “đẹp” hơn vợ mình.
6.Thiếu ý thức trách nhiệm:
Đây là điểm sau cùng khiến đời sống hôn nhân trở nên thiếu hấp dẫn và có thể đưa tới đổ vỡ, đó là thái độ thiếu trách nhiệm, hoặc không ý thức về trách nhiệm của mình là người chồng hay người vợ. Lối sống này sẽ tạo nên những gánh nặng, những thử thách làm cho cuộc sống chung càng ngày càng trở nên nặng nề, buồn tẻ và phức tạp.
Sau những đổ vỡ của hôn nhân, một số người thường tự bào chữa và cho mình là không làm gì lỗi với vợ, với chồng hoặc con cái cả. Tất cả những lỗi lầm đó gây ra là do người phối ngẫu. Nhưng nếu hỏi thêm về tình trạng công ăn việc làm, tình trạng gia đình, mối liên hệ với con cái, và ngay cả những tương quan vợ chồng, người ta mới vỡ lẽ ra rằng chính cái không làm gì lỗi kia lại là một lỗi lầm rất lớn. Lý do là vợ con bị bỏ rơi nheo nhóc, đói khổ mà người chồng cứ như không biết gì ngoài việc ăn nhậu, bài bạc, la cà với bạn bè, hay miệt mài dán mắt vào màn hình TV hay computer. Hoặc nhà cửa bề bộn, dơ bẩn, con cái thả lổng không dậy dỗ trong khi đó người vợ lại có dư thời giờ mua sắm, nói chuyện với bạn bè trên phone, iphone, ipad, facebook…
Đau khổ. Hy sinh. Thử thách. Đó là những thách đố, những cái giá phải trả cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng cũng chính từ những động lực ấy sẽ nẩy sinh sức sống đổi mới làm tươi mát cuộc sống. Vì khi hai người quyết tâm xây dựng hạnh phúc của mình trên hiểu biết, nhẫn nại, trách nhiệm và chấp nhận nhau thì tình yêu sẽ mỉm cười với họ.
Tài liệu tham khảo:
-Antonovics, K. & Town, R. (2004). Are all the good men married? Uncovering the sources of the marital wage premium. American Economic Review, 94, 317-321.
-Carlson, M.J. (2006). Family structure, father involvement an adolescent behavioral outcomes. Journal of Marriage and the Family, 68 (1), 137-154.d
-Carroll, J.S. & Doherty, W.J. (2003). Evaluating the effectiveness of premarital prevention programs: A meta-analytic review of outcome research. Family Relations, 52, 105-118.
-Manning, W.D. & Lamb, K.A. (2003). Adolescent well-being in cohabiting, married, and single-parent families. Journal of marriage and family, 65 (4), 876-893.
-Stanley, S.M., Amato, P.R., Johnson, C.A., & Markman, H.J. (2006). Premarital education, marital quality, and marital stability: Findings from a large, random household survey. Journal of Family Psychology, 20, 1, 117-126. The importance of family dinners II (2005). The National Center of Addiction and Substance Abuse at Columbia University.
-U.S. Bureau of the Census. (2006). Statistical abstract of the United States (122nd ed). Washington, DC: U.S. Government Printing Office. (http://www.census.gov)
-Waite, L.J., & Gallagher, M. (2000). The case for marriage: Why married people are happier, healthier, and better off financially. New York: Doubleday.
Views: 0