Uncategorized

Chuyện kể cho con: Lòng biết ơn (2)

Hôm qua sáng ngày thứ bảy đẹp trời, ca đoàn của ba hát thánh lễ tiễn chân cho một người bạn, lòng buồn với nhiều câu hỏi ngổn ngang cho kiếp làm người:

Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…
Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ
Mảnh hình hài không có, có không… (Cao Bá Quát)

Hôm qua sáng ngày thứ bảy đẹp trời, ca đoàn của ba hát thánh lễ tiễn chân cho một người bạn, lòng buồn với nhiều câu hỏi ngổn ngang cho kiếp làm người:

Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…
Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ
Mảnh hình hài không có, có không… (Cao Bá Quát)

Cuộc đời, sống đến tuổi này như Ba hay người bạn mà ba tiễn chân hôm nay có quá nhiều cái để suy gẫm, để hối tiếc và để biết ơn. Tạ ơn Trời, biết ơn đời, và biết ơn mọi người khi chúng ta vẫn sống còn có nhau và vẫn biết “Yêu Thương.” Chúng ta có thể sẽ bỏ lỡ biết bao nhiêu điều trong cuộc sống sau khi nhắm mắt xuôi tay nếu chờ đợi để nhận được điều mình muốn trước khi cảm tạ Thượng Đế và mọi người về những điều chúng ta đã có. Chúng ta luôn khát khao một tương lai tốt đẹp, nhưng lại bỏ quên hiện tại đang có; chúng ta tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, nhưng lại khước từ hạnh phúc hiện tại trong tầm tay; chúng ta luôn đứng núi này trông sang núi nọ, nhưng đâu biết rằng kho tàng đang chờ đợi ở dưới chân ta…

Chuyện kể rằng một Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt âu sầu tới bên giường bệnh của một ông già . Cô nói :

-Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!

Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, xiết chặt , không rời tay ra như cần một sự an ủi. Cô y tá lăng săng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn. Người bệnh già thì chẳng nói đuợc câu gì , chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.

Sáng ra, người bệnh nhân trên giường thở hắt ra và chết. Bên cạnh ông, một người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động cứ nắm chặt của ông xuống bên giường, và đi báo tin cho cô y tá.

Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên, thì nghe chàng này hỏi cô rằng:

-Ông ấy là ai vậy? tên là gì? Cô y tá ngạc nhiên:

-Tôi tưởng ông ta là cha anh?

Chàng thanh niên trả lời:

-Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.

Cô y tá kêu lên:

-Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!

Chàng thanh niên nọ chậm rãi trả lời:

-Khi tôi đến bên giừơng được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi, mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được, ông ta đã yếu quá cũng không nhận ra được ai cả, ông ta cứ nắm lấy tay tôi. Tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi, nên tôi ở lại cũng có sao đâu!

Cô ý tá nhìn theo sau dáng anh thanh niên xa dần mà miệng lẩm bẩm:

-Ông ấy cần tôi, nên tôi ở lại …có sao đâu? Ông ấy cần tôi, nên tôi ở lại …có sao đâu…

Các con thân mến!

Hoàn cảnh của mỗi con người mỗi khác nhau, chi tiết của mỗi cuộc sống là độc nhất vô nhị, là vui buồn, là sướng, khổ, hay cay, đắng, mặn, nồng…niềm hạnh phúc hay những nỗi cay đắng có thể đến với cuộc đời chúng ta thăng trầm qua năm tháng; nhưng chúng ta có thể cảm nhận một điều là chúng ta có thể làm một điều gì đó để làm cho cuộc sống thú vị hơn, vui vẻ hơn, và thậm chí còn có ý nghĩa hơn. Đó là chúng ta có thể biết ơn! Có thể về cuối đời chúng ta vẫn còn biết ơn người đã khóc cho chúng ta hay đưa tiễn chúng ta đi về lòng đất như câu chuyện ở trên:

“Triệu người quen, có mấy người thân.
Khi lìa trần có mấy người đưa…”

Một đứa con không biết ơn cha mẹ là một niềm đau xót vô bờ bến cho cha mẹ. Những người không ghi nhận công khó của vợ hay chồng mà chỉ xem đó là trách nhiệm người kia phải chu toàn sẽ khiến người bạn đời đau buồn vì cảm thấy mình bị lãng quên, bị lợi dụng. Một khi cố gắng làm điều gì cho ai mà không được người đó biết đến, chúng ta sẽ nản lòng, không muốn làm gì nữa. Ngược lại, khi chúng ta làm mà được ghi nhận công khó, được cảm ơn, chúng ta sẽ không mệt mỏi, không quản ngại khó khăn mà còn hăng hái phục vụ nhiều hơn.

Có lẽ các con đều đồng ý rằng, sống bên cạnh những người vô ơn, không biết nghĩ đến những điều tốt mà người chung quanh đã làm cho mình thật là chán, và vô vị phải không các con? vì công khó của chúng ta sẽ không bao giờ được ghi nhận hay nhắc đến. Có những người không biết quý sự giúp đỡ của bạn bè, có những người chồng không bao giờ nói với vợ hai tiếng cảm ơn, có những người vợ không nhận biết công khó của chồng và cũng có bao nhiêu đứa con không biết nghĩ đến công ơn cha mẹ. Những người thọ ơn mà không nói lời cảm ơn, không biết ơn, cũng không bày tỏ lòng biết ơn bằng hành động cụ thể không những khiến người đã ban ơn buồn và thất vọng, xã hồi đầy tràn những bất công, vô cảm, cũng nói lên sự thiếu trưởng thành của con người hay xã hội không dân chủ.

Để không bị xem là người vong ơn và không trưởng thành, trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần ghi nhận công ơn của người chung quanh và bày tỏ ra một cách cụ thể. Chúng ta cần có cái nhìn của người có tinh thần biết ơn. Đó là chúng ta hãy nhìn vào những gì mình đang còn thay vì tiếc nuối những gì mình đã mất.

Cuộc đời thật ngắn ngủi, sống sao cho đáng sống hết một kiếp người với lòng biết ơn vì người có tinh thần biết ơn sẽ không có thì giờ để than phiền, nhưng người hay than phiền sẽ không bao giờ biết ơn.

Mến chúc các con dù trong hoàn cảnh không được như ta mong muốn, xin cho tinh thần biết ơn và yêu quý những gì Thượng Đế đã trao ban cho cuộc đời chúng ta sẽ luôn gắn bó mật thiết với các con – Biết ơn và vui sống.

Thương các con
Orange county tháng 9 ngày 21 năm 2015
Ngoan Nguyễn

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.