Khi thấy vợ chồng nào chia tay “đường ai nấy đi”, chấm dứt một đoạn đường mà họ đã vai kề vai sánh bước bên nhau sau những năm chồng vợ, người đời thường nói, họ “duyên nợ đã hết!” Và người trong cuộc thì ai cũng dựa vào định kiến “duyên nợ” ấy để tự an ủi mình, hoặc để tự bào chữa cho mình sau những đổ vỡ ấy.
Nhưng thực tế, khi hai người sau đã tìm hiểu nhau, yêu nhau tha thiết, và kết hôn với nhau, đã sinh con, đẻ cái rồi vì một lý do nào đó bỏ nhau, chia tay nhau, coi nhau như kẻ thù thì đâu là “duyên”, đâu là “ tình”, và đây là “nợ”?!
Thí dụ, một bà được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ, và dĩ nhiên, có chồng bà cùng đi. Nhưng cái trớ trêu trong trường hợp này, là bà thừa biết, khi vợ chồng sang được đến Hoa Kỳ, chắc chắn ông sẽ li dị bà rồi chờ sau khi thành công dân Mỹ, sẽ về Việt Nam đưa người tình của ông qua Mỹ với ông. Chuyện ông ngoại tình thì bà cũng biết, các con ông bà cũng đã biết, và đúng hơn, chính các con bà đã khuyên bà đừng đưa ông qua Mỹ để bị ông lợi dụng mà thêm đau khổ! Nhưng bà trả lời: “Đó là duyên nợ. Tao nợ ba chúng mày bây giờ tao phải trả. Trả trước hay trả sau, nếu có cơ hội thì trả cho xong, như vậy sẽ nhẹ nhõm những ngày còn lại.”
Nếu có ai thắc mắc về món nợ mà bà đã nợ với ông, thì được bà cho biết, thuở còn yêu nhau, ông đã hy sinh cái học bổng để ở lại bên bà, và để cưới được bà. Bà cho đây là một món nợ bà đã nợ chồng bà. Bà muốn trả món nợ ấy bằng cách nhân cơ hội được người nhà bảo lãnh, cho ông ta một vé máy bay qua Mỹ.
Câu hỏi được nêu lên ở đây phải chăng đó là một món nợ mà bà phải trả? Không hẳn thế. Hoàn toàn không? Bà chẳng nợ gì ông cái học bổng ấy, vì đó là quyết định của ông, và vì ông muốn được bà. Âu cũng là cái giá của tình yêu. Hoặc cũng có thể ông nghĩ rằng nếu ông xa bà trong thời gian du học, ông sẽ mất bà về tay một người đàn ông khác, nên để chắc ăn, ông đã ở lại. Nếu suy nghĩ như vậy mà ông bỏ học bổng thì đâu bà có nợ nần gì ông. Đó chẳng qua là tại ông thiếu tự tin, và thiếu niềm tin vào người yêu mình! Hay tại ông muốn làm một cú chơi ngông để chinh phục trái tim người yêu?!
Hoặc như thiếu nữ kia đã cưu mang một chàng trai nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Giúp cho học hành, chung sức xây dựng một gia đình hạnh phúc, nhưng sau khi đã thành danh thì phản bội vợ bằng những cuộc tình khác thì thiếu nữ này “nợ” người chồng phản bội kia cái gì? Kết luận sau cùng thường cho rằng, những món nợ ấy bắt nguồn từ kiếp trước. Những suy nghĩ như vậy dựa vào triết lý của nhà Phật vì tin rằng cái duyên, ngay cả cái duyên chồng vợ là “một ràng buộc đã định sẵn trong đời người ta.” (Từ Điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2009). Linh mục Anthony Trần Văn Kiệm, trong Từ Điển Văn Học Việt Nam cũng định nghĩa chữ duyên như sau: “nên vợ chồng theo số trời định”. Ở trong định nghĩa này, ông nhắc đến hai chữ “duyên hương lửa” và “duyên nợ.” ( Lm. Anthony Trần Văn Kiệm. Từ Điển Văn Học Việt Nam, phần thứ nhì – cuốn 1, in lần thứ nhất 2007.)
Nhưng nếu hỏi các bạn trẻ, những đôi vợ chồng trẻ ngày này khi hai vợ chồng chia tay nhau thì các bạn ấy gọi hành động này là gì? Câu trả lời là, ly dị – divorce. Mà divorce được định nghĩa là “the legally ending of a marriage “their marriage ended in divorce”. (Longman – Dictionary of American English, third edition, 2004). Một kết thúc đời hôn nhân một cách hợp pháp, được luật pháp công nhận. Đơn sơ chỉ có thế.
Nếu coi hôn nhân là một định chế của xã hội, thì việc chấm dứt hôn nhân một cách hợp pháp theo định chế ấy là đúng, nhưng hôn nhân không chỉ là một khế ước, một lời hứa trước mặt quan tòa hay người chứng giám. Hôn nhân còn mang một ý nghĩa cao hơn tiềm ẩn trong tâm linh, trong định luật tự nhiên mà Thượng Đế đã ghi tạc vào lòng mỗi người. Mọi nền văn hóa, và qua mọi thời đại việc cử hành hôn nhân luôn pha lẫn giữa những truyền thống xã hội và các nghi lễ tâm linh. Hơn hai ngàn năm trước, khi trả lời về vấn nạn ly dị, Đức Kitô đã nói với những người chủ trương ly dị những lời này: “Các ông hẳn chưa đọc rằng Ngài đã tạo dựng họ từ ban đầu CÓ NAM VÀ NỮ, và phán, ‘BỞI THẾ, NGƯỜI ĐÀN ÔNG SẼ LÌA BỎ CHA MẸ MÌNH VÀ KẾT HỢP VỚI VỢ MÌNH, VÀ CẢ HAI SẼ TRỞ THÀNH MỘT XƯƠNG THỊT’? Vì thế họ không còn là hai, nhưng một xương thịt. Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly” (Mt 19:4-6).
Qua câu trả lời của Đức Kitô, chúng ta tìm thấy ý nghĩa tiềm ẩn của duyên phận theo tư tưởng nhà Phật, và ý nghĩa “nên vợ chồng theo số trời định” trong định nghĩa của linh mục Trần Văn Kiểm. Nhưng cần hiểu rằng, Thượng Đế không buộc hai người lại với nhau, rồi bắt người này phải trả món nợ tiền kiếp của người kia. Duyên tình hay duyên số ở đây là những hoàn cảnh, những điều kiện thuận lợi sẵn có mà hai người có thể đến với nhau, tìm hiểu, yêu thương và kết hôn với nhau. Cốt lõi của cái “duyên” – sự liên kết mà Thượng Đế muốn có nơi hai người là tình yêu chung thủy. Vì thế, sự chọn lựa ấy của hai người được gọi là một ràng buộc mang tính vĩnh viễn, dựa trên nền tảng vững bền là tình yêu. Nó cũng nói lên sự quyết định rõ ràng, mạnh mẽ, và trưởng thành của hai người khi tiến tới hôn nhân. Vì đặc tính chính của tình yêu là hy sinh, là vĩnh cửu. Và hôn nhân được xây dựng trên tình yêu.
Như vậy, nếu không chấp nhận sự tan vỡ của hôn nhân là một phần của định mệnh. Không chấp nhận coi hôn nhân như một món nợ (duyên nợ) mà hai người nợ nhau dù ở kiếp này hay kiếp trước phải trả. Chúng ta phải có tư tưởng như thế nào trước những đổ vỡ ngày càng nhiều của đời sống hôn nhân? Chúng ta có cần phải đề cập tới thời gian tìm hiểu, lý do bước vào hôn nhân, nhất là mình đã suy nghĩ, đã sống, đã hành động như thế nào trong hôn nhân không?
“Tình yêu như trái phá.
Con tim mù lòa” (Trịnh Công Sơn)
Cộng thêm quan niệm yêu cuồng, sống vội, nhiều bạn trẻ đã lao vào tình yêu một cách mãnh liệt, mù quáng như con thiêu thân trước ánh đèn. Họ tỏ ra thiếu trưởng thành, ngay cả thiếu suy nghĩ chín chắn trong yêu đương. Những mối tình này nếu có dẫn đến đổ vỡ sau khi kết hôn mà đổ tại duyên số thì là một lối cắt nghĩa gượng gạo, tội nghiệp cho chữ nghĩa. Tương tự như nhiều ông chồng bỏ vợ con vì một bóng hồng khác đẹp hơn, hấp dẫn hơn, rồi cho rằng tại duyên số. Hoặc nhiều người vợ bỏ chồng con chạy theo một người đàn ông khác giầu hơn, đẹp trai hơn, có địa vị hơn chồng mình rồi cũng lấy duyên số ra để tự bào chữa: “Duyên nợ tôi với chồng tôi đã hết. Tôi đã trả món nợ ấy với ông 10, 20, hoặc 30 năm nay rồi!”
Lý do nào bước vào hôn nhân? Vì tình yêu chân thật hay có những lý do tiềm ẩn như tiền, tài, danh vọng, nhan sắc, và dục vọng? Hoặc do sức ép của gia đình, của bạn bè, của xã hội?… Nếu bước vào hôn nhân với những lý do như thế và khi đổ bể mà đổ thừa cho duyên số, thì cũng rất tội nghiệp cho hai chữ duyên số. Đúng ra, một hoặc hai người trong trường hợp này phải đối diện với sự thật để nhận ra rằng hôn nhân họ không đi đến kết quả vì họ kỳ vọng ở tiền, tài, danh vọng, và nhan sắc cũng như dục vọng. Đây không phải là yêu, không phải là nền tảng của hôn nhân.
Sau cùng bạn đã bước vào hôn nhân với tinh thần trách nhiệm, với nhận thức về những khó khăn sẽ gặp phải và đã hành động như thế nào trước những khó khăn ấy? Bỏ chạy, trốn thoát, nguyền rủa, bực tức, hoặc đổ lỗi cho nhau. Nếu bạn giải quyết những khó khăn của hôn nhân theo suy nghĩ này, theo cảm tính này, thì dù hôn nhân của bạn có khởi đầu đẹp đến mấy đi nữa, cũng sẽ đưa đến một kết quả không như ý bạn muốn. Hôn nhân là một hành trình của hai kẻ yêu nhau. Họ đi bên nhau, chia sẻ với nhau tất cả những niềm vui và nỗi buồn, những thành công và thất bại. Trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc một mình. Không có chuyện người chồng hạnh phúc mà người vợ không hạnh phúc hay ngược lại.
Tóm lại, đây chỉ là một lối nhìn, một suy tư về những gì mà thường ngày chúng ta vẫn đối diện khi nghĩ về hôn nhân, khi nói về hôn nhân, và khi va chạm với đời sống thực của hôn nhân. Nhưng dù gì đi nữa, thì sự đổ vỡ của một cuộc tình không thể qui hướng cho số mệnh, cho duyên nợ. Nó phải có những lý do đến từ cả hai vợ chồng. Chỉ khi nào suy nghĩ như vậy, chúng ta mới tìm được câu trả lời cho những khó khăn thường gặp phải trong đời sống hôn nhân. Thự tế hơn, mời bạn tham dự một Khóa Nazareth để hiểu hơn về tình yêu, về hôn nhân, và về những lối giải quyết khi gặp những khó khăn trong hôn nhân. Bạn có thể vào trang nhà www.giadinhnazareth.org để biết thêm chi tiết về Khóa Nazareth sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10 năm nay.
Views: 0