Chào anh chị em thân mến,
Trong những Chúa Nhật này, Phụng Vụ cống hiến cho chúng ta trích đoạn Phúc Âm của Thánh ký Gioan về những lời của Chúa Giêsu liên quan đến Bánh Sự Sống là chính Bản Thân Người đồng thời cũng là Bí Tích Thánh Thể. Đoạn Phúc Âm hôm nay (Gioan 6:51-58) cho thấy phần cuối cùng của những lời này, và nhắc đến một số trong dân chúng cảm thấy chướng tai bởi Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Gioan 6:54).
Tâm trạng bàng hoàng ngỡ ngàng của những người nghe hôm ấy là điều cũng dễ hiểu. Thật vậy, Chúa Giêsu đã sử dụng cách nói của các vị tiên tri để gợi lên nơi dân chúng – cũng như nơi chúng ta – những vấn nạn, để rồi cuối cùng đi đến một quyết định. Vấn nạn đầu tiên là: Việc “ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu” nghĩa là gì? Phải chăng đó chỉ là một biểu tượng, một cách nói, một dấu hiệu vậy thôi, hay nó nói về một điều gì đó có thực? Để trả lời cho vấn nạn này, người ta cần phải suy nghĩ về những gì đang xẩy ra trong lòng của Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh nuôi đám đông dân chúng đói ăn bấy giờ. Nhận ra rằng Người cần phải chết trên thập giá vì chúng ta, Chúa Giêsu đã đồng hóa Bản Thân Mình với tấm bánh bẻ ra và ban phát ấy. Và bánh ấy đối với Người trở thành “dấu chỉ” về Hy Tế đang đợi chờ Người. Tiến trình này đã đạt tới tột đỉnh ở Bữa Tiệc Ly, khi mà bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu của Người.
Thánh Thể là nơi Chúa Giêsu lưu lại cho chúng ta một mục đích chính yếu, đó là chúng ta trở nên một với Người. Thật vậy, Người đã nói rằng: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (56). Lưu lại: Chúa Giêsu ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Hiệp thông là ở chỗ khi ăn Người chúng ta trở thành Người. Thế nhưng điều này cần chúng ta phải “đón nhận”, cần chúng ta gắn bó với đức tin.
Nhiều lúc, trong khi tham dự Thánh Lễ, nghi vấn có thể được đặt ra thế này “đâu là mục đích của Thánh Lễ? Tôi đến thánh đường khi nào tôi cảm thấy thích và tôi cầu nguyện một mình thì hay hơn”. Thế nhưng, Thánh Thể không phải là một lời cầu nguyện riêng tư hay là một cảm nghiệm thiêng liêng sốt sắng, Thánh Thể không phải là một thứ tưởng niệm sơ sài về những gì Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Nếu chúng ta hiểu rõ rằng Thánh Thể là một việc làm “tưởng nhớ”, thì đó là một tác động hiện thực hóa và hiện hữu hóa biến cố tử nạn cùng phục sinh của Chúa Giêsu, khi bánh thực sự là Mình của Người đã hiến ban cho chúng ta và rượu thực sự là Máu của Người đã đổ ra vì chúng ta.
Thánh Thể là Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn hiến Bản Thân Mình cho chúng ta bằng việc nuôi dưỡng chúng ta bởi Người và việc chúng ta lưu lại trong Người nhờ việc Hiệp Lễ. Một khi chúng ta tin tưởng thực hành, thì Thánh Thể biến đổi đời sống của chúng ta. Thánh Thể biến đổi đời sống của chúng ta thành một lễ vật dâng lên Thiên Chúa và thành một quà tặng cho anh chị em mình. Việc nuôi dưỡng mình bởi “bánh sự sống” này nghĩa là trở nên hòa hợp với cõi lòng của Chúa Kitô, là đồng nhất với những gì Người chọn lựa, với những gì Người suy nghĩ, với những gì Người tác hành. Nghĩa là tiến vào một tình yêu hy hiến sống động và trở thành một con người của hòa bình, của tha thứ, của hòa giải trong tinh thần đoàn kết. Nghĩa là giống như những gì Chúa Giêsu đã thực hiện.
“Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (6:58). Phải, việc sống hiệp thông thực sự cụ thể với Chúa Giêsu trên trái đất này sẽ làm cho chúng ta vượt qua sự chết mà vào sự sống. Nước trời thực sự được bắt đầu nơi mối hiệp thông này với Chúa Giêsu.
Trên Thiên Đàng, Mẹ Maria của chúng ta đang chờ đợi chúng ta – mà hôm qua chúng ta đã cử hành mầu nhiệm này – Xin Mẹ giúp chúng ta được ơn luôn tin tưởng nuôi dưỡng mình bằng Chúa Giêsu là Bánh Sự Sống.
http://www.zenit.org/en/
Views: 0