Uncategorized

Chuyện Cho Teen: Hãy học cách “làm người” trước đã (2)

Câu chuyện kể rằng có một cô tuổi ngoài 60 tuổi, mặc bộ quần áo cũ kỹ rách nát, đi đôi dép đã đứt quai, trông cô rất cam khổ vào một tiệm để mua phone. Thấy cô, người bán hàng chạy lại hỏi cô mua gì nhưng cô ngập ngừng không chịu nói. Mãi về sau cô mới nói là cô đi mua điện thoại iPhone.

Câu chuyện kể rằng có một cô tuổi ngoài 60 tuổi, mặc bộ quần áo cũ kỹ rách nát, đi đôi dép đã đứt quai, trông cô rất cam khổ vào một tiệm để mua phone. Thấy cô, người bán hàng chạy lại hỏi cô mua gì nhưng cô ngập ngừng không chịu nói. Mãi về sau cô mới nói là cô đi mua điện thoại iPhone. Thực sự bất ngờ cho một người đứng tuổi nhìn cô sống không se sua, không chuộng bề ngoài, hỏi ra mới biết là cô đi mua điện thoại cho con trai. Con trai cô năm nay lên lớp 11 nhưng nhất quyết không chịu đi học nếu không có xe đạp điện với điện thoại đẹp. Cô nói cô không có tiền mua xe…  cô kể tiếp giọng rưng rưng:

Cô chú có bao nhiêu tiền mà bao năm dành dụm, cố gắng đi vay mượn để mua cho thằng cu nhà cô cái điện thoại này thôi. Cô thì hàng ngày đạp xe đi lượm ve chai, cũng được dăm chục, hôm nào nhiều cũng được trăm nghìn cháu ạ. Chú nhà cô thì sức khỏe không tốt, thỉnh thoảng có việc người ta thuê gì thì chú làm đấy thôi.
Nghe cô nói, nhìn mắt cô như sắp khóc mà người bán hàng như nghẹn cả lòng. Cô nói tiếp:

Cô muốn con cô đi học lấy cái chữ để nở mày, nở mặt với dòng họ, bà con lối sớm, chứ đời cô chú ít học cũng khổ lắm rồi, làm việc không kiếm dược bao nhiêu, cái đói luôn cận kề. Thằng cu nhà cô còn nhỏ nên dại dột lắm, không mua điện thoại cho, nó mà nghỉ học thì cô chú lại thêm khổ tâm lắm cháu ạ!

Ba mẹ thì luôn yêu thương con cái hết mình, luôn muốn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Chắc cũng chẳng riêng gì bạn trẻ kia, mà cũng rất nhiều bạn trẻ khác cũng vì sĩ diện mà làm khổ ba mẹ, sống không biết mình là ai, nhà nghèo nhưng vẫn thích đàn đú ăn chơi, chưng diện trên mồ hôi nước mắt của ba mẹ; không biết trong đầu các bạn trẻ ấy ấy có gì nữa ngoài những món đồ chơi “Smart phone” đầy thông minh hơn cả cái đầu thiếu suy nghĩ của mình. Mong các con đừng bắt chước như cái anh bất hiếu kia nhá. Vì loại người như thế đấy có cho đi học cũng chả thành người tử tế và có ích cho xã hội đươc…Loài người mà muốn học đủ thứ nhưng không biết cách học làm người.

Thực tế có rất nhiều người trong số chúng ta không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có; điều mà ba không muốn đề cập ở đây là “đứng núi này trông núi nọ”, “sống ích kỷ cho riêng mình” nó khác hoàn toàn với tinh thần cầu tiến và thương yêu, hy sinh cho gia đình. Cuộc sống trong sự trưởng thành là có hai vấn đề khác nhau. Một bên là không ngừng vươn tới cái tốt đẹp hơn cho bản thân mình, cho gia đình, và cho xã hội hầu đền đáp công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy…Còn một bên là không bao giờ biết hài lòng, trân trọng và quí những gì mình có hiện tại để tập biết cách chấp nhận, hài lòng và trân trọng những gì đang có cũng như cố vượt qua mọi khó khăn và tận hưởng trong sự khiêm nhường, đơn sơ mà tình thân mình có được.

Nói tới đây, ba nhớ đến chuyện Khấu Chuẩn và quả cân. Một câu chuyện được lưu truyền trong các sách dạy làm người Phương Đông:

Khấu Chuẩn lúc nhỏ tính du đãng, vô phép, lại thích chơi chim, chơi chó. Bà Mẹ quở phạt mà ông vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận quá, cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa, phải chữa lâu ngày mới khỏi.

Từ ấy ông hồi tâm, chuyên lo học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng. Lúc vinh hiển thì mẹ ông đã mất. Mỗi khi sờ đến chiếc sẹo ở chân, thì ông nức nở khóc và nói rằng: “Chính vết thương này làm ta nên người!”

Các con thấy đấy cha mẹ la mắng làm cho con đến chảy máu chân, đến thành vết thương cũng là hơi quá. Nhưng chẳng qua cũng là một cơn giận dữ vì con hư, mê mãi rong chơi, bất ngờ đến nỗi thế. Chớ thực bản tâm là có ý muốn răn bảo con, cố làm cho con chừa được những nết xấu đi, thực là một bà hiền mẫu biết dạy con vậy. Còn ông Khấu Chuẩn, vì cái vết thương ấy mà nên người, cố học tập, trở thành một người quý hiển, mỗi khi trông thấy vết chân lại ngậm ngùi nhớ đến mẹ thì cũng là một người con biết nghe lời mẹ và thương mẹ suốt đời.

Nhân mùa Vu Lan, báo hiếu, ba muốn chia sẻ với các con về cách học làm người. Bởi vì trước khi các con học bất cứ thứ từ việc nhỏ tới việc lớn thì hãy học làm người trước đã. Sống làm sao không thẹn với trời, đất và mọi người. Chúng ta sinh ra ở đời, máu xương thịt đến từ cha mẹ, nên đạo làm người đầu tiên là đạo “Hiếu”. Các con đang sống trong thời đại mới – thời đại văn minh, khoa học, nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ cao. Nó đã và đang làm cho cuộc sống con người ngày được nâng cao về gia trị nhưng lại hạ thấp con người về nhân bản. Đáng tiếc thay giá trị đạo đức, nhất là Chữ Hiếu, đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, ích kỷ bản thân, duy vật chất. Đặc biệt là giới trẻ của các con lại quá kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, sống chỉ biết mình, không nghĩ đến cha mẹ, người thân và gia đình thậm chí còn giết cả cha mẹ như những vụ án chấn động vừa qua ở Việt Nam.

Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Mến chúc các con sống trong sự trong đạo đức, khôn ngoan và luôn học lấy nghĩa nhân để làm người.

 

          Thương các con

          Orange county tháng 8 ngày 17 năm 2015

 

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.