Như thường lệ Chúa nhật hằng tuần, tôi đến thăm Viện Dưỡng Lão (Nursing home), ngôi nhà chung của những người già yếu bệnh tật phải ngồi xe lăn, mà BS Đổ Hồng Ngọc đã từng mô tả:
“Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân…”
Đa số là vậy, nhưng không phải tất cả. Dù sao họ vẫn cần thấy những nụ cười để cảm nhận cuộc đời còn có chút niềm vui, hay những lời thăm hỏi để thấy cuộc sống còn ấm áp tình người. Nhờ vậy họ có dịp “mở miệng” ra để “nói với đời”. Nếu không cuộc sống họ chỉ là chuỗi ngày “nín lặng”, là những chiếc bóng âm thầm đi bên cạnh cuộc sống lúc chiều đã xế tàn!
Mỗi Chúa nhật chúng tôi đến để đẩy xe lăn đưa họ ra nơi cầu nguyện chung, cùng đọc kinh chung, nghe đọc Phúc âm, rồi họ được rước Mình Thánh Chúa, hát vài bản thánh ca, để âm nhạc có dịp đi vào đời sống “buồn tênh” của họ. Sau đó lại đẩy họ về phòng riêng hay tới phòng họp lớn, nơi đó thường có các nhóm Volunteer đến “ca hát cho đời mua vui” giúp họ phần nào quên lãng những ngày tàn bóng xế của mình.
Trong hoàn cảnh đó tôi quen Sandy, hình như bà là người Mỹ duy nhất trong nhóm cầu nguyện hằng tuần. Ở VDL này đa số là Việt Nam hay Mễ và người Mỹ thì thật hiếm hoi, có lẽ vì vậy mà Sandy ít có bạn. Do đó tôi thường hay chiếu cố đẩy xe lăn cho Sandy để có dịp nói chuyện đôi câu với bà. Tôi hiểu rõ nỗi cô đơn và lạc lỏng của Sandy khi ở trong môi trường mà chung quanh toàn những người lạ không cùng ngôn ngữ. Sandy khoảng ngoài 60, có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, cặp mắt xanh lơ và mái tóc hoe vàng. Có lẽ khi trẻ Sandy cũng từng một thời “nhan sắc”, mà ai lại chẳng đẹp khi tuổi còn xuân.
Một lần trước mùa Xmas tôi đưa tặng Sandy 1 món quà Xmas nhỏ (vì tôi biết đây là tập quán lâu đời của nguời Mỹ). Sandy cảm động nắm lấy tay tôi cám ơn và ân cần mời tôi tham dự đám cưới của S vào tháng tới. Tôi ngạc nhiên quá đỗi vì trong VDL mà cũng có đám cưới sao?? Tôi không tin vào tai mình nên phải hỏi lại cho chắc, S gật đầu và dặn dò tôi nhớ có mặt ngày đó để chung vui với S. Tôi thầm nghĩ một đám cưới đặc biệt đây! nên thế nào cũng phải thu xếp giờ để tham dự. Nhưng khi về nhà, chợt nhớ lại tôi đã plan đi về Việt Nam và thời điểm đó tôi không có mặt ở Mỹ.
Tuần sau tôi đến gặp S mang theo 1 món quà nhỏ và 1 tấm thiệp để chúc mừng đám cưới S, và xin lỗi vì không thể tham dư đám cưới S được, để bù lại tôi sắp xếp thời gian ngồi lại nghe S tâm sự về mối tình cuối đời của mình: Sandy găp John ngay trong VDL này, John đã ở đây 10 năm, còn S mới ở đây được hơn 2 năm. Sandy chỉ cho tôi nhìn thấy John ngồi ở phía xa kia, John tuy đã 70 (vợ chết) và ngồi xe lăn, nhưng xem ra vẫn còn “bảnh trai”, có lẽ tuổi trẻ cũng từng một thời “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như BS ĐHN đã nói :
Mới hôm qua thôi…
Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng…
Vì ở VDL này quá ít người Mỹ nên đã đẩy họ lại gần với nhau hơn. Từng ngày qua những ân cần, chăm sóc, “tập đi” với nhau, lo lắng cho nhau và hiểu nhau (vì cùng văn hóa, cùng ngôn ngữ) đã biến đổi tình bạn lúc ban đầu của họ thành tình yêu lúc nào không hay. Quả là họ đã dần cảm nhận:
“Từng chiều xuống hay đêm dịu dàng
Đã đi vào nỗi đời riêng
Đã cho hạnh phúc thầm kín
Với bao ngày sống buồn vui
Có những tình yêu tìm thấy”. (TCS)
Và giờ đây họ muốn công khai “hạnh phúc thầm kín” đó của mình bằng một lễ cưới chính thức để được Chúa chúc phúc, mọi người thân quen chúc lành cho “tình yêu giờ thứ 25” của họ. Thực tế hơn, sau khi chính thức thành hôn họ được BGĐ của VDL chọ phép họ được dọn về ở chung 1 phòng (1 phòng trong VDL có 2 giường) để từ nay họ có thể bầu bạn sớm tối, cận kề bên nhau, lo cho nhau… Khi Sandy kể về tình yêu của mình, về niềm hạnh phúc viên mãn sắp đến của mình, tôi đọc được niềm vui tỏa sáng trong đôi mắt màu xanh biếc, gương mặt Sandy tươi trẻ và đẹp hẳn ra. Đúng là:
“Tuổi già không ngăn được tình yêu
Nhưng tình yêu có thể ngăn được tuổi già”.
Tôi chúc mừng cho “tình yêu vừa tìm thấy” của S và hứa sẽ cầu nguyện cho hạnh phúc cuối đời của Sandy được viên mãn. Đúng là Sandy và John đã thực hiện được câu nói nổi tiếng “Mọi người sinh ra đều bình đẳng…đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.” chứ đâu phải quyền “đi tìm hạnh phúc” là chỉ dành riêng cho giới trẻ. Tôi nghĩ có lẽ chỉ dân Mỹ mới dám làm như vậy chứ Việt Nam thì e không dám! Hạnh phúc của Sandy và John đã mở ra cho tôi một cách nhìn mới: Tình yêu có thể đến ở bất kỳ độ tuổi nào, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là ở VDL, dù là ngồi xe lăn, dù là sức khỏe yếu kém…cuộc đời vẫn có thể nở những đóa hoa Hy vọng . Có lẽ đúng như TCS nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để biết rằng nơi ấy còn có những bông hoa” chứ không phải chỉ “ngồi mơ mộng giữa hoàng hôn muôn đời, trong cõi chết”..
Viện dưỡng lão không phải là nơi xấu, đó là mái nhà cần thiết của những người già đau ốm bệnh tật sống cuối đời. Nhưng dù điều kiện có tốt đẹp đến đâu thì cũng thiếu một thứ rất quan trọng và cần thiết. Đó là nhu cầu về tình yêu thương gia đình, sự quan tâm gắn bó với người thân yêu
…………………………………………
Tôi về Việt Nam để đi hành hương và làm công tác từ thiện, đó là lần đầu tiên tôi về Việt Nam mà không bị ràng buộc về thời gian với công việc và gia đình nên tôi ở tới 3 tháng. Trong 3 tháng đó, tôi “bụi đời” theo chân các nhóm từ thiện đi ta bà khắp mọi miền đất nước, đến những nơi mà người dân cảm thấy: “chúng tôi nghèo qúa rồi, nghèo riết rồi nên không thấy mình nghèo
nữa, khổ quen rồi cho khổ luôn”. Và nếu nói theo ngôn ngữ của BS Phong trưởng đoàn thì chúng tôi đi làm “Đại gia” vì đi tới đâu cũng:
“…Thấy gì ngoài cảnh khổ
thậm chí không thể nào nghèo khó hơn!
Vùng quê hẻo lánh
Hoang sơ và lạc hậu
Mình đã có tất cả những gì
Mà bà con không có…”
Chúng tôi lang thang từ Bắc vô Nam, nói Bắc cho oai vì thực ra chúng tôi có vượt sông Bến Hải để đi về bên kia “vĩ tuyến 17” làm từ thiện ở một vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, mà đường đi đến xa hun hút, ngoằn ngoèo như đi vào hang động bí hiểm, nên vừa đi vừa hồi họp. Do đó tôi thích nhất là đi về phương Nam vì khung cảnh phương Nam có nhiều “sông sâu nước biếc” vừa dài vừa rộng, đồng lúa mênh mông xanh ngát nên tính tình người dân phương Nam cũng phóng khoáng, thoải mái. Cách nói năng đơn sơ, thật thà, chất phác không khách sáo màu mè… Một chiều ghé nhà dân ngủ qua đêm để sáng mai công tác sớm, tôi ra nhà sau phụ lo bửa ăn tối, dì chủ nhà vui vẻ nói:
– Gọi dì là dì 7, cho dì biết cô thứ mấy để dễ gọi? (Tôi thích cách xưng hô kiểu này của người Nam khá hay, đơn giản mà thân tình, chứ người lạ chưa hề quen biết hỏi tên và gọi tên có vẻ “vô phép” với người trên và “sỗ sàng” với người dưới).
– Dạ thưa dì: thứ 3
– Vậy cô 3 lặt dùm rổ rau này, để tui lo chuyện khác nha.
– Dạ được, dì 7 cứ để đó.
Buổi tối ăn xong, tôi tìm sách để đọc, lục ba lô mới biết quên ở nhà. Tôi có tật mê đọc sách, đi đâu cũng thủ theo sách để đọc, bất kỳ ở chỗ nào có thể đọc được (phi trường, nhà ga, bến xe, phòng đợi…). Nhìn quanh ngó lên kệ sách thấy có cuốn tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đây là nhà văn trẻ miền Nam mà tôi rất thích đọc. Văn phong của cô giản dị hồn nhiên, nhưng đậm chất tình người, tiêu biểu cho phong cách sống của người dân phương Nam chân chất.
Tôi bèn đi kiếm Dì 7 để hỏi mượn sách đọc, dì 7 vui vẻ trả lời:
– Tủ sách đó là của con Tư, nó là cô giáo dạy trên tỉnh, cũng mê đọc sách lắm. Cô 3 cứ mượn coi, khi nào dìa nhớ trả là được
– Dạ cám ơn dì 7 nhiều lắm!
Tôi cầm cuốn truyện trong tay, lật mục lục coi truyện nào hấp dẫn đọc trước, vì sợ không có giờ đọc hết. Tựa đề “Bà già đi bụi” đập vào mắt tôi, coi bộ hấp dẫn nha! Vì thường “đi bụi” là dành cho giới trẻ hay những nguời lãng tử, mà đây lại là bà già nhà quê mới gân chứ! Vậy là nó thu hút tôi đọc trước tiên:
Ngoại và bồ của ngoại? Ngoại có bồ?
“Bà già đi bụi” không cần kể lể ông ngoại đã mất, bà vợ người tình của bà bây giờ cũng đã khuất núi … Truyện kể cho ta nghe những điều hồn nhiên, dí dõm của cuộc sống “già mà không già” Rằng “bà ngoại và ông bồ của bà vẫn trêu đùa từng nét ăn nét ở khi đã về già của nhau; vẫn nhớ nhung nhau khi chiều sập xuống, nắng hửng lên; vẫn chưa hề biết mệt, biết chán đường xá xa xôi, đò xe cách trở trong những lần “đi bụi” để tìm tới nhau mong được sống bên nhau theo kiểu “Sống bên nhau thật là hồn nhiên”. Và còn điều này, cả hai đều yêu thích vẻ đẹp và sự khoáng hoạt của thiên nhiên, tâm hồn còn trẻ trung chán vì cả hai đều thích xê dịch… ta bà đây đó.” Nghe tả cuộc tình giờ thứ 25 mà sao thấy cũng đầy nét lãng mạn và tình tứ quá chứ! thì ra tình yêu ở tuổi nào cũng có những nét đẹp riêng của nó.
“Bà già đi bụi” đã thực hiện được ước muốn của bà bao nhiêu lần cả thẩy rồi ? Thương bà ngoại quá đi thôi, hình như số lần bà ngoại đi trọn một chuyến xe, chuyến tầu như dự định (để gặp “ bồ” cho dù chỉ là dăm ba ngày ) rất thưa thớt, rất ít ỏi nếu so với những lần khăn gói ra đi mà không thành. Lý do của những lần bà ngoại quay về còn đáng thương hơn …là vì con, vì cháu, đứa này bịnh bất ngờ, đứa kia mới bị đau bụng, thằng nhỏ vừa chơi dao đứt tay… Thế đấy, thì ra cản trở lớn nhất cho những chuyến “đi bụi” của bà ngoại, cho ước mơ được sống những ngày cuối cùng cuộc đời “theo ý mình” chỉ vì bà ngoại còn thương lo và trách nhiệm với đám con cháu. “Gái Lớn biết ngoại có mối tình ở đâu đó rất xa, vài tháng lại hẹn hò một lần, và những chiều nắng đẹp ngoại hay đờ đẫn…. Giống như Gái Giữa vẫn nhớ ngoại đã từng nói muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cho mình, nhưng sao khi ngoại nhìn bản đồ để biết đường đi, ngoại thấy mỗi năm xuất hiện một vài con đường mới, riêng con đường mình thèm cất bước sao cứ khép dần…” Nghe sao mà thấy thương quá đỗi!
Với văn phong “rặt” tính cách người dân phương Nam, cách nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, không câu nệ hình thức bên ngoài, hay đạo đức theo kiểu “Tiết hạnh khả phong”, Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn người đọc vào thế giới những người yêu nhau vào giờ thứ 25 của cuộc đời Cảm nhận ra, biểu hiện được những trăn trở, những khát khao, những nghĩ suy còn sống động, tươi tắn, còn phập phồng nhận và cho – tức những gì “chưa chịu già” ở những con người đang “lão hóa”, đang chịu sự đào thải tự nhiên – đó mới chính là thái độ đồng cảm, biết trân trọng lớp người tuổi tác ở ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Từ đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao nhà văn như ấp ủ, như nâng niu, chằm bẵm trên bàn tay mình mãnh tình cuối đời của “Bà già đi bụi”. Một cuộc tình dám sống thật với lòng mình vì khi trái tim còn đập là vẫn còn yêu, dám nói lên nguyện ước sống những ngày cuối đời theo ý mình. Quả là 1 tư tưởng tiến bộ lớn mà những người già Việt Nam ở Mỹ chưa chắc đã dám sống và làm như vậy hay có làm thì cũng chỉ làm trong lén lút. Tôi thầm nghĩ đâu phải chỉ có Sandy và John ở Mỹ mới dám sống cho tình yêu cuối đời của mình mà ở đây, một miền quê xa lắc cách 1/2 vòng trái đất,"bà già đi bụi" cũng không ngần ngại dám sống theo tình yêu giờ thứ 25 của mình. Hoan hô tinh thần "bà già đi bụi", chỉ tội nghiệp" bà già đi bụi" còn bị ràng buộc nhiều bởi sự cần giúp đở của con cháu. Tôi chợt nhớ tới lời hứa sẽ cầu nguyện cho hạnh phúc cuối đời của Sandy được viên mãn, mà thôi có lẽ chẳng cần thiết vì Sandy đâu có tội nghiệp như “bà gìa đi bụi” vì còn bận lo cho con cháu. Hoàn cảnh sống của Sandy và John trong viện dưỡng lão đâu có gì bận tâm về gạo tiền, cơm áo, nhà cửa…thăng tiến nghề nghiệp như những cặp vợ chồng trẻ mới cưới khác, nên họ chỉ cần enjoy tình yêu giờ thứ 25 của họ mà thôi…Nhưng ở đời có nhiều điều “tưởng vậy mà không phải vậy”.
Tôi trở lại Mỹ sau 3 tháng “ta bà” làm “đại gia” ở Việt Nam. Nói kiểu này sẽ có nhiều người hiểu lầm “Đại gia” là chơi sang là giàu có hơn người, vì có nhiều “Việt kiều” khi về nước vẫn thích khoe khoang ta đây là “Việt kiều” nhất là “Việt kiều Mỹ” lại càng có giá hơn. Trong cách ăn mặc, nói năng, sinh hoạt họ hay làm ra vẻ ta đây khác người, họ thích vào những nhà hàng sang trọng, họ thích đeo nhẫn hột xoàn thiệt bự, với những nữ trang đắt tiền, đeo bóp loại xịn. … Để làm gì? để mọi người nể phục hơn chăng? để bị “chém giá” hay là để dễ làm mồi cho kẻ cướp tấn công? Giá trị một con người đâu phải ở cái "mác" hay những thứ ta đeo bên ngoài mà là những phẩm chất bên trong. Hơn nữa ông bà mình thường nói “Nhập gia tùy tục”, nên khi về Việt Nam tôi muốn mình hòa nhập như 1 nguời Việt Nam bình thường, khi đi làm từ thiện “ai sao, tui vậy” mấy em ngủ trên nền nhà, tui cũng vậy, mấy em lội bộ, tui cũng lội theo… Trong đoàn tui ít để ai biết tui “xuất xứ” từ đâu? chỉ có lần cuối, tôi sợ đoàn về tới Saigon trễ, thì tôi sẽ không đủ giờ chuẩn bị kịp ra phi trường cho chuyến bay về Mỹ, nên nhắc trưởng đoàn đừng ghé chỗ này chỗ kia nhiều quá. Thế là thỉnh thoảng có em chạy đến hỏi :
– Ủa, cô từ Mỹ về hả cô?
– Ừa, thì cô vẫn là nguời Việt Nam mà, có gì khác đâu em…
Sau khi về Mỹ, Chúa nhật đầu tiên tôi đến Viện dưỡng lão hơi trễ, vì chưa kịp thích nghi giờ giấc ngày và đêm, nên lúc đến nơi thì mọi người đã bắt đầu giờ cầu nguyện. Tôi đưa mắt tìm Sandy, tôi có mang cho Sandy một món quà nhỏ. Ủa sao xe lăn Sandy lại tách ra ngồi ở 1 góc riêng ? mặt Sandy buồn xo ? Tôi đưa tay làm hiệu chào, nhưng Sandy cúi mặt nên không nhìn thấy. Mọi lần tôi thấy Sandy hăng hái ngồi xe lăn cạnh mọi người và còn đọc được kinh Tin Kính bằng tiếng Việt, tôi vẫn khen Sandy đọc kinh Tiếng Việt giỏi. Chuyện gì đã xảy ra vậy?? Tôi những tưởng sẽ thấy lại khuôn mặt Sandy ngập tràn hạnh phúc sau đám cưới. Trong đầu tôi hằng loạt câu hỏi xuất hiện: Hay là John đã phản bội Sandy, như thái tử Charles đã phản bội công nương Diana ngay sau đám cưới? Thiệt là “Ôi đàn ông, hỡi đàn ông!” đó là đề tài mà mấy chị bạn thúc hối tôi viết hoài, nhưng chưa có dịp, rồi tui sẽ viết! Nhưng ngẫm nghĩ lại… không đúng vì John ngồi xe lăn làm sao đi đâu được mà lăng nhăng với ngoại tình như chàng thái tử kia, cái thứ mà chỉ mới nhìn mặt là tui đã thấy ghét rồi. Thứ đó mà có cho không tui, tui cũng liệng cho cá sấu ăn vì vừa xấu người vừa xấu nết! Tui bực quá vì không tìm ra được lý do giải thích nỗi buồn của Sandy. Đầu óc tôi đâu có tập trung cầu nguyện gì được đâu, cứ lẩn quẩn với những câu hỏi: Hay là Sandy có người thân mới qua đời? Hổng phải luôn, vì Sandy đã từng nói với tôi, Sandy không còn ai là người thân trên đời. Tôi nhớ 1 lần dịp Tết, Sandy muốn chụp hình chung với tôi, nên tôi đỡ Sandy đứng dậy khỏi xe lăn rồi nhờ một y tá chụp hình dùm, tôi choàng tay quanh người Sandy và Sandy ôm eo tôi. Chụp hình xong trước khi buông tôi ra Sandy xiết người tôi rất chặt, tôi chợt nhớ tới câu “Đôi khi cái ta cần nhất, chỉ là một cái ôm” (Sometimes, a hug is all what we need), tôi hiểu Sandy đang cần “một vòng tay yêu thương”, nên tôi rất mừng khi Sandy từ nay đã có John. Nhưng tại sao bây giờ sau đám cưới Sandy lại buồn sầu không hạnh phúc? Chẳng lẽ Tình Yêu không có thật trên cõi đời này sao? vì vậy:
“dù trái tim em thiết tha
em vẫn phải khổ đau
vì khó gặp Tình Yêu
giữa cuộc đời này”?
Một câu hỏi, nhiều câu hỏi…chưa có lời giải đáp, đành phải đợi sau buổi cầu nguyện thôi…
Phượng Vũ
Views: 0