Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học, một điều mà cậu bé sợ đã trở thành sự thật, đó là mẹ câu bé nhận lời.
Đây là lần đầu tiên Bạn bè và Giáo viên phụ trách gặp mẹ cậu bé. Cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình, mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, nhưng chị lại có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi tại sao mẹ mình bị một vết sẹo lớn như vậy vì dưới mắt cậu, nó thật sự quá xấu.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của mẹ cậu bé, mặc cho vết sẹo đập vào mắt họ. Nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào trong góc tránh mặt mọi người, ở đó cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.
-Làm sao chị bị vết sẹo trên mặt như vậy? Cô giáo của cậu bé hỏi.
Người mẹ trả lời:
-Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì ngọn lửa bốc lên, mọi người đều sợ và không dám vào vì lửa bốc quá cao, và thế là tôi chạy vào, khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó, và tôi vội vàng lấy mình che cho nó, tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn nhờ có anh lính cứu hỏa cứu cả hai mẹ con tôi. Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt và nói tiếp: “vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho đến ngày nay, tôi không hề hối tiếc về điều mình đã làm.”
Đến đây cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu ôm lấy mẹ mình và cảm thông được sự hy sinh của mẹ dành cho mình, cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
Các con thân mến!
Sống hãy biết cảm thông. Người trong gia đình phải biết cảm thông cho nhau, phải biết chia ngọt sẽ bùi cùng nhau. Người người trong làng, trong xóm, người trong một quốc gia, trong dân tộc phải biết cảm thông trong những cảnh ngộ rủi ro, tang thương, thiên tai và những sự kém may mắn…Cảm thông có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác để nhận biết và hiểu được cảm xúc của người đó. Đó không có nghĩa là cảm thấy thương hại họ, nói những lời đãi bôi giả dối cho qua chuyện… mà là nhận biết và hiểu được cảm nhận của họ, những gì họ đã phải trải qua, cả niềm vui và đau khổ… hay nói một cách khác là các con không thể tỏ ra thờ ơ hay quá ích kỹ trước những hy sinh, đau khổ, mất mát và suy nghĩ của họ.
Cảm thông được biểu lộ bằng sự quan tâm, chăm sóc, lo nghĩ đến người người thân, kẻ khốn cùng khác. Trong khi sự thờ ơ, lãnh cảm lại hình thành từ thói tự cao, "cho mình là trung tâm vũ trụ" để mọi người phục vụ; rồi từ đó có lối sống, lối suy nghĩ rất thờ ơ và có xu hướng chuyển thành hành động ích kỷ, ghen ghét…
Chuyện kể rằng:
Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than.
Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
-Em à, anh thích bánh mì cháy mà.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
-Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.
Rồi ông nói tiếp:
-Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
Điều mà chúng ta học được qua năm tháng là cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Cảm thông là một lối ứng xử thông minh, lành mạnh và trưởng thành trong các mối quan hệ trong gia đình, giữa người và người và các quan hệ xã hội. Biết quan tâm hơn đến người khác sẽ làm tăng tính cách ấm áp của con người hơn, tâm hồn được rộng mở hơn, cao thượng hơn. Từ sự cảm thông, tâm hồn rộng mở sẽ khiến các con trở nên một người dễ thương hơn, sâu sắc hơn, dễ chịu hơn với mọi người chung quanh, sống có lòng trắc ẩn, sống biết dấn thân phục vụ và hẳn nhiên là người dễ mến và lôi cuốn hơn.
Hãy luôn sống với sự tha thứ khoan dung khi người khác phạm sai lầm. Vì thế, họ cũng mở rộng tầm nhìn này đối với chính bản thân, tha thứ cho mình thay vì chịu mặc cảm tội lỗi hoặc tự sỉ vả mình; họ học hỏi từ những sai lầm, thất bại và tiếp tục cải thiện tâm hồn mà không phải là cố tình phạm lỗi hoặc thích thú với những lỗi lầm của người khác.
Thương các con
Orange county tháng 8 ngày 02 năm 2015
Ngoan Nguyễn
Views: 0