Tại Nam Hàn, trở thành Kitô hữu cũng có nghĩa là gia nhập một hiệp hội hay phong trào và dấn thân sống đức tin Kitô hết mình, theo các điều lệ xác định cung cách sống, đóng góp niên liễm tham dự hằng năm, và hàng ngày phải đọc một số kinh nguyện nào đó. Khi gia nhập Giáo Hội, thì tín hữu chấp nhận tất cả. Và đó là tinh thần sống đạo của người Đại Hàn: hoặc là chấp nhận và dấn thân, hay là không chấp nhận và bỏ đạo.
Cha Paul Kim Bo Rok cũng còn cho biết tại Nam Hàn, tôn giáo là một chuyện nghiêm chỉnh bắt buộc tín hữu phải dấn thân. Đương nhiên là luôn luôn có nguy cơ của kiểu giữ đạo hình thức, hời hợt bề ngoài, thiếu hiểu biết và không xác tín, nhưng cũng có tất cả một nền văn hóa dấn thân nghiêm chỉnh. Còn hơn thế nữa, Kitô giáo là một sức mạnh chính yếu tạo ra ý thức cá nhân và sự tự do của con người. Tuy nhiên cũng có các nguy cơ đi ngược lại của khuynh hướng vụ hình thức, sự tục hóa và chủ thuyết duy vật thực tiễn, khiến cho tín hữu xa rời tinh thần tôn giáo.
Hiện nay, Giáo Hội Nam Hàn đang sống chương trình gọi là ”Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay lên 10 triệu.
Có thể Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn sẽ không đạt tới con số này, nhưng nội sự kiện Giáo Hội phát động phong trào rao giảng Tin Mừng từ năm 2008, chứng minh cho thấy tinh thần truyền giáo hăng say của tín hữu Nam Hàn, và mọi người đều biết rằng anh chị em giáo dân là các tác nhân chính của công cuộc truyền giáo này. (Linh Tiến Khải, Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn – Sức phát triển mạnh mẽ)
Giáo Hội Nam Hàn đang tích cực thực hành trung thực di ngôn của Chúa Giêsu: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Hôm nay, Hội Thánh long trọng mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi với đoạn cuối cùng Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng, làm phép rửa muôn dân và luôn có Chúa đồng hành đến tận thế. Thánh sử Gioan bao lần xác tín Thiên Chúa là Tình Yêu, tình yêu thần thánh, siêu nhiên, vượt lên trên tình yêu tự nhiên của con người hay thay đổi.
Vì quá yêu thương con người, Thiên Chúa Ba Ngôi, Tình Yêu tuyệt đối, muốn in dấu ấn Tình Yêu đó trên toàn thể nhân loại, qua bài sai quan trọng của Chúa Giêsu với các Tông Đồ: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân,..”
Phổ Quát
Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ hiện hữu giới hạn nhỏ hẹp trong tâm hồn những người đã lãnh nhận, đã được chọn làm Con Chúa, nhưng cần được chia sẻ, trao tặng, cho đi với tha nhân, với muôn dân, không phân biệt dân tộc, sắc tộc, giàu nghèo, giai cấp, để mọi người đều được chung hưởng, đều được thánh hoá, xứng đáng trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Như thế, Tình Yêu vượt ra khỏi mọi rào cản cá nhân, vị kỷ, dửng dưng, vô cảm, vô tình, bất nhân, đố kỵ, ganh ghét, hận thù để chân thành, nhiệt tình đến với tha nhân, bất kể quen hay lạ, thân hay thù. Vì yêu thương chính là giới răn quan trọng của Chúa Giêsu ban cho toàn thể nhân loại.
Mến Chúa yêu người là điều Thánh Gioan không ngừng khuyên nhủ: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 7-21)
Giao Hoà
Không chỉ phổ quát trong nhân gian theo chiều ngang, Tình Yêu siêu nhiên, siêu việt còn giao hoà giữa Thiên Chúa với con người qua Bí tích Rửa tội theo chiều dọc. Chúa Giêsu dạy tiếp: Hãy “làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Rao giảng để khai tâm, để hướng con người trở về với cội nguồn là Thiên Chúa, rồi tái sinh qua phép rửa tội để xoá tan đi những lệch lạc, lầm lỗi, phản nghịch với Đấng Tạo Hoá. Khi được giao hoà với Thiên Chúa , cũng có nghĩa là con người được hưởng phúc bình an, bởi vì Thiên Chúa là nguồn bình an. (Rm 16, 20)
Khi được sống giao hoà, hiệp thông, tin cậy và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, người Kitô hữu được chúc phúc bình an tràn trề viên mãn trong tâm hồn. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27)
Hiệp nhất
Nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để rửa tội, người Kitô hữu được hiệp nhất vào Tình Yêu tuyệt đối. Sự hiệp nhất tuyệt hảo này nhờ ơn cứu chuộc của Đức Chúa Giêsu, cùng nhờ ơn tái sinh qua Lửa Tình Yêu của Đức Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu được trở nên nghĩa tử đích thực, được vinh dự gọi Thiên Chúa là Cha: “Abba Cha ơi!”
Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tất cả mọi người được hiệp nhất trong Thiên Chúa, đều chung hưởng ơn Cứu độ, được sống viên mãn muôn đời: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17, 20-21)
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt, 28, 20) Những lời cuối của Tin Mừng thánh Matthêu cũng là lời cam kết sau cùng của Chúa Giêsu, sẽ đồng hành, an ủi, che chở, nâng đỡ, phù hộ, cứu giúp các Tông Đồ, các tín hữu Kitô đến ngày tận thế. Như thế từng con chiên được Chủ Chiên Nhân Từ hết mực thương yêu đùm bọc chăm sóc, hiệp nhất làm một trên đường hy vọng, mặc cho bão táp, giông tố, mãnh thú, ác nhân, ma quỷ vây quanh hãm hại, bắt bớ, giết chóc.
“Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông Đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai… Tóm tắt, là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô.” (Đường Hy Vọng, số 292)
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin ghi dấu ấn Tình Yêu quảng đại, giao hoà và hiệp nhất trên chúng con, mỗi khi chúng con làm dấu Thánh Giá, để chúng con luôn chọn Thiên Chúa làm Cha, hầu được sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, cùng luôn đem Tin Mừng chia sẻ đến mọi người.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con xin vâng theo Thánh Ý Chúa, làm chứng tá giữa đời, hầu đưa tha nhân về hiệp nhất trong Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0