Uncategorized

“Một nền văn minh không có chỗ cho người cao niên “

Các bạn thân mến! Bài giáo lý hôm nay và cho ngày thứ tư sau dành cho những người cao niên, trong khung cảnh gia đình, là những ông bà, chú bác, cô dì của chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về hoàn cảnh thực sự khó khăn của những người cao niên, và thứ tư sau, chúng ta sẽ suy tư tích cực hơn về ơn gọi bao hàm trong tình trạng đời sống này.

Các bạn thân mến! Bài giáo lý hôm nay và cho ngày thứ tư sau dành cho những người cao niên, trong khung cảnh gia đình, là những ông bà, chú bác, cô dì của chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về hoàn cảnh thực sự khó khăn của những người cao niên, và thứ tư sau, chúng ta sẽ suy tư tích cực hơn về ơn gọi bao hàm trong tình trạng đời sống này.

Nhờ các tiến bộ về y học, đời sống kéo dài hơn; nhưng xã hội lại không nới rộng đối với đời sống! Con số người cao niên ngày càng gia tăng, nhưng xã hội không được tổ chức đầy đủ để có chỗ dành cho họ, một cách cụ thể cho tình trạng mỏng dòn và phẩm giá của họ.

Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có khuynh hướng quên đi tuổi già, và coi như đây là một chứng bệnh phải tránh xa, rồi khi chúng ta già, nhất là khi chúng ta nghèo khó, bệnh tật hay cô đơn, chúng ta có cảm nghiệm về những thiếu sót của một xã hội được hoạch định cho sự hữu hiệu, và kết quả là bỏ quên những người cao niên. Nhưng chính họ lại là một kho báu chúng ta không thể bỏ quên.

Khi thăm một nhà hưu dưỡng, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã dùng những lời rõ ràng và tiên tri, khi ngài nói: “Phẩm chất của một xã hội, tôi muốn nói của một nền văn hóa, cũng được đánh giá theo cách thức những người cao niên được đối xử và chỗ đứng họ được dành cho trong đời sống cộng đồng” (12 tháng 11, 2012). Đúng vậy, sự quan tâm của xã hội đến người cao niên có ảnh hưởng đến nền văn hóa. Trong một nền văn minh, có ai chú ý đến người già không? Có chỗ đứng cho họ không? Nền văn minh này sẽ thăng tiến nếu tôn trọng sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của người già. Trong một văn hóa không dành chỗ cho người già, khi họ bị bỏ rơi vì họ gây nên những vấn nạn, thì xã hội này đang mang những vi khuẩn của sự chết.

Tại Tây Phương, các nhà khảo cứu trình bầy thế kỷ này như thế kỷ của sự già nua: con số người trẻ thuyên giảm, trong khi số người già gia tăng. Sự mất quân bình này kêu gọi chúng ta và là một thách đố lớn lao cho xã hội đương thời. Vậy mà một nền văn hóa lợi nhuận vẫn tiếp tục coi người cao niên như những gánh nặng, và là những người vô dụng. Không những họ không sản xuất được gì cả, họ còn là một gánh nặng. Thật đáng buồn khi phải thấy những người cao niên bị xa lánh, thật là buồn và đáng tiếc! Người ta không dám nói thẳng ra, nhưng người ta đã làm. Có một cái gì xấu xa trong thói quen của nền văn hóa của sự chối bỏ. Nhưng chúng ta đã quen hay chối bỏ con người. Chúng ta muốn giảm thiểu nỗi lo sợ về sự gia tăng của tình trạng yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta; nhưng khi làm như thế, chúng ta lại làm gia tăng nơi người cao niên nỗi lo âu vì không được trợ giúp đầy đủ và bị bỏ rơi.

Tại nơi tôi lo việc mục vụ ở Buenos Aires, tôi đã chạm đến thực tại của các vấn đề này: “Những người già cả đã bị bỏ rơi, không chỉ về phương diện thiếu thốn vật chất. Họ bị bỏ rơi vì chúng ta ích kỷ không thể chấp nhận những sự hạn hẹp của họ, chính điều này phản ảnh những sự hạn hẹp của chúng ta. Họ có rất nhiều khó khăn phải vượt thắng để sống còn trong một nền văn hóa không cho phép họ tham gia, được đóng góp ý kiến, được tham khảo, vì theo kiểu mẫu của nền văn hóa tiêu thụ, họ chỉ nghĩ rằng “chỉ có người trẻ mới hữu dụng và có thể hưởng thụ.” Những người già này trái lại phải là suối nguồn của sự khôn ngoan cho dân tộc chúng ta! Lương tâm chúng ta dễ dàng ngủ say khi không có tình yêu!” (Seul l'amour nous sauvera / Solo l’amore può salvare, Città del Vaticano, 2013, t. 83). Và đây là điều xẩy ra. Tôi nhớ lại, khi tôi đến thăm các nhà hưu dưỡng và trò truyện với từng người tôi thường nghe là: “Cụ khỏe không? Con cái cụ khỏe không? Thưa khỏe lắm – Cụ có bao nhiêu con cái? – Nhiều lắm. – Chúng có đến thăm cụ không? – Có chứ chúng đền thường xuyên. – Lần cuối cùng chúng đến thăm là ngày nào?” Môt cụ bà đã trả lời: “Ồ Giáng Sinh đó.” Lúc đó đã là tháng Tám! Tám tháng không có con cái thăm viếng, tám tháng bị bỏ rơi! Đây coi như là một tội trọng! Ngày xưa khi tôi còn bé, bà tôi hay kể chuyện một ông già ăn uống vương vãi bẩn thỉu vì không thể đưa muỗng canh lên miệng. Và con ông, nghĩa là người chủ gia đình quyết định không cho ông được ngồi ăn với gia đình, và đã đóng một cái bàn nhỏ trong bếp, nơi ông cụ ăn uống một mình không ai nhìn thấy. Làm như vậy, khi gia đình có bạn hữu đến dùng bữa, họ không phải xầu hổ. Vài ngày sau khi đi làm về người chủ gia đình này thấy con trai mình đang chơi với gỗ, búa và đinh, và đang làm một vật gì, anh ta hỏi: “Con làm gì thế? – Bố à, con làm một cái bàn – Một cái bàn, để làm gì? – Để khi nào bố già bố có thể ngồi ăn.” Trẻ con có nhiều lương tâm hơn người lớn!

Trong truyền thống của Giáo Hội, có một hành trang về sự khôn ngoan luôn luôn nâng đỡ một nền văn hóa tiếp cận với người cao niên, với một thái độ đồng hành thân yêu và liên đới với họ trong những năm cuối đời của họ. Truyền thống này được bắt rễ trong Thánh Kinh, như thí dụ trong Sách Huấn Ca: (9.8) “ Ðừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp.”

Giáo Hội không muốn và không thể phù hợp với một não trạng không chấp nhận, thờ ơ và coi thường người già yếu. Chúng ta phải làm thức tỉnh quan niệm chung về sự biết ơn, cảm mến và hiếu khách, đối với người cao niên như họ là một thành viên sống động của cộng đồng.

Những người cao niên là những cụ ông, cụ bà, những người cha mẹ đã đi trước chúng ta trên hành trình của chúng ta, trong nhà chúng ta, trong cuộc chiến đấu hàng ngày của chúng ta để có một đời sống có phẩm giá. Đây là những cụ ông, cụ bà đã đón nhận chúng ta. Người già nua không phải là khách lạ. Người già chính là chúng ta: chẳng bao lâu nữa, hay còn lâu, nhưng đây là điều không thể tránh được, dù chúng ta không muốn nghĩ đến. Và nếu chúng ta không học hỏi cách đối xử tử tế với người già, chúng ta cũng sẽ bị đối xử giống y như vậy.

Chúng ta, những người đã già, hết thẩy đều yếu đuối một chút. Nhưng một số người già lại hết sức yếu đuối, nhiều người sống cô đơn và mang bệnh tật. Một số lệ thuộc vào những sự săn sóc không thể thiếu sót và sư quan tâm của người khác.Chúng ta có lùi bước trước sự kiện này không?  Chúng ta có nỡ bỏ rơi họ cho số phận của họ không? Một xã hội không có sự gần gũi, không có sự thương yêu và vị tha – đối với người già như đối xử với những người xa lạ – là một xã hội xa đọa. Giáo Hội, trung thành với Lời Chúa, không thể chấp nhận những sai lạc này. Một cộng đồng Kitô giáo trong đó sự thân cận và vị tha không được coi là thiết yếu, thì sẽ mất linh hồn. Nơi người ta không kính trọng người già nua, thì sẽ không có tương lai cho người trẻ.

BH Thư

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.