Uncategorized

Lá đổ chiều nghiêng: Đoản khúc tình buồn!

Ngồi kiểm điểm lại cuộc đời từ lúc vừa mới biết yêu cho đến hôm nay sắp bước vào cái tuổi gần đất xa trời Uyển Nhi có chính thức một đời chồng và một cuộc tình đầu đời có như là không, không như là có, giấu kín ở một góc riêng tư để khi buồn buồn mở ra xem cho thấy cuộc đời của chị hãy còn đó những lung linh tình ái nằm đong đưa trên mây trời gió hú, hay ru đời vắt vẻo trên cành cây khô

Ngồi kiểm điểm lại cuộc đời từ lúc vừa mới biết yêu cho đến hôm nay sắp bước vào cái tuổi gần đất xa trời Uyển Nhi có chính thức một đời chồng và một cuộc tình đầu đời có như là không, không như là có, giấu kín ở một góc riêng tư để khi buồn buồn mở ra xem cho thấy cuộc đời của chị hãy còn đó những lung linh tình ái nằm đong đưa trên mây trời gió hú, hay ru đời vắt vẻo trên cành cây khô chết đứng dưới thung lũng sâu.

Với người chồng, Uyển Nhi còn xơ múi được chút ít cái nghĩa ái ân cái tình chăn gối. Còn với người tình đầu đời thì ôi thôi số nàng xui xẻo tận cùng bằng số nên vớ phải một người mà ngay từ lúc chợt nghe trái tim mình đập nhịp rộn ràng xao xuyến thì chàng như cánh diều bay hút mất vào không trung. Chàng nỡ bỏ Uyển Nhi  tự tính mọi chuyện còn lại cho cuộc đời nàng. Không hiểu Uyển Nhi “tự tính” theo kiểu nào mà toàn bộ cuộc đời nàng bị buồn hiu buồn hắt như lá đổ chiều thu và te tua tơi tả như tàu lá chuối trong mùa gió chướng. Tìm hiểu sâu xa thêm mới được biết ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 Uyển Nhi nghe nhiều tin đồn nhảm nhí rằng: Đứa con gái nào từ mười tám tuổi trở lên hai mươi ba mươi tuổi mà chưa có chồng đều sẽ bị Việt Cộng bắt bỏ vô nhà tập thể để làm vợ chung cho tất cả  các anh giải phóng quân. Ai chống cự sẽ bị đem đi bắn bỏ!!

Uyển Nhi vốn rất nhạy cảm nên nàng bị hú hồn hú vía và nhanh chóng đi kiếm tìm cho mình một ông chồng cùi đui tàn tật gì cũng được xin miễn anh là đàn ông! Cuối cùng, người đàn ông mà nàng bỏ tiền ra để cưới anh cũng không đến nổi tệ cho lắm. Đại khái, anh đẹp trai sạch sẽ hiền lành nhưng cố chấp và xuất phát từ một gia đình tuy nghèo nhưng ăn chay trường và tôn thờ Đức Phật. Với anh đây là hai lý do sáng giá nhất để hằng ngày anh vịn vào đó mà lên mặt đay nghiến và dạy đời Uyển Nhi đủ kiểu đủ cách. Mặc cho anh nói gì thì nói, Uyển Nhi cứ nín thinh và giữ trong lòng một niềm tin không thay đổi. Bởi vì người đàn ông dù ở trong vai trò gì đối với người đàn bà, mà muốn cho người đàn bà vâng nghe theo mình gần như một cách tuyệt đối, trước hết người đàn ông phải là người đã qua quá trình dài từng được người đàn bà trân trọng và luyến mến. Đàng này… hai vợ chồng Uyển Nhi cưới nhau nhanh như sao xẹt trên bầu trời, bỏ qua thời gian tìm hiểu nhau cho thật rõ ràng. Thậm chí những lần ân ái giữa họ mô tả sự thu hút mãnh liệt giữa một giống đực với một giống cái, hơn là vì chúng mình yêu nhau tha thiết mà nay chúng mình tự nguyện kết thành một, chặt không bao giờ đứt, bứt không bao giờ rời.

Uyển Nhi càng bị thất bại ê chề trong đời sống hôn nhân hơn khi nàng để cho mầm móng “hai không” trong nàng tự do vươn cao, đó là: Không kính phục. Không quan tâm. Và, chỉ khi người chồng là một con búp bê đàn ông bằng nhựa mới chịu nổi tính khí “hai không” này của người vợ! Cuối cùng chồng của Uyển Nhi tự chọn cho mình một hướng giải thoát bằng cách anh làm Cư Sĩ tại gia và các Thầy của anh gồm đủ các bác các chú các anh thất thời lỡ vận từng có một thuở vang bóng ngoài xã hội và cũng đã từng khét tiếng trong những cuộc chạy đua thua thắng giữa hai miền Bắc – Nam Việt Nam trước năm 1975. Mỗi người hay vài ba người họ tụ lại thành một nhóm huynh đệ và cùng tu tập theo cách mà họ tự sáng lập ra. Nhóm thì tu tập theo phương pháp Ohsawa chuyên ăn cơm gạo lức với muối mè, rồi nghiên cứu thiền ngồi thiền để có chút hiểu biết về lãnh vực này mà ngồi nói chuyện đạo đức như ta đây là Đức Phật A Di Đà hóa thân hay ông Thánh ông Tiên từ trời cao rơi xuống đất, mặc cho các bà vợ nhà chém sóng lặn gió để kiếm tiền về nuôi gia đình. Người thì hô hào chuyện hằng ngày mình chỉ ăn ngũ quả, và đi chữa bệnh cho tha nhân bằng cách cho bệnh nhân uống toàn là nước lã và hít khói nhang thơm. Bên cạnh đó, có nhiều vị bị rối loạn thần kinh hạng nặng mà tự cho mình rất tỉnh táo trong việc đi tiểu vô một cái ca xong, liền lấy nước tiểu đó uống vô bụng vài hớp, số nước tiểu còn lại thì thoa lên mặt thoa lên cổ và đôi tai. Chồng của Uyển Nhi chọn cách tu trì nghe qua có thể tạm chấp nhận được, đó là cách anh quyết tâm diệt lửa dục tình  diệt tham sân si và xem đàn bà con gái nói chung là một thứ âm khí vô cùng ô trượt luôn làm trì kéo theo chiều ngược của mọi sự thanh cao. Uyển Nhi vốn “không quan tâm” chuyện của chồng, nàng hoan hô anh lấy lệ!!

Tuy nhiên, đàn ông mà, dù là kẻ tu hành chính gốc hay là người ở đời thường thì nín cho lắm cũng không qua khỏi một tháng cần phải làm cho nó bể đập vỡ đê ra…Kẻ tu hành chính gốc thường nhờ vào những giấc mơ hoang với người phụ nữ không rõ hình dáng rồi chuyện ấy cũng được giải quyết nhẹ nhàng. Còn cái anh Cư Sĩ tại gia là chồng của Uyển Nhi không cần truy hoang trong các giấc mơ làm chi cho mệt trí. Anh ngang nhiên làm thực tế bất cứ lúc nào anh muốn, và anh cho đây là bổn phận của nàng phải đáp ứng nhu cầu của anh!! Do vậy, chuyện chăn gối mùng mền của hai vợ chồng Uyển Nhi thường xảy ra nào khác chi một con vịt trống khi cao hứng lên là đi đè đạp mái một con vịt mái tội nghiệp trên bờ ao. Cái đuôi của con vịt trống quặp cong sát xuống đất, rồi cái phao câu của nó nguẩy ngoáy vài phát chưa đầy một phút là xong! Con vịt trống liền phóng ra khỏi con vịt mái, nó vươn cánh bay đáp xuống mặt ao và tắm lặn thoải mái như nó rất hài lòng trong cuộc ái ân vừa qua. Người chồng của Uyển Nhi cũng thế! Anh bao giờ cũng nhanh tàn cuộc như con vịt trống. Rồi anh lạnh lùng vén mùng bước xuống giường. Uyển Nhi nằm nghe tiếng anh múc nước xối rửa trong phòng tắm, cùng lúc với hai dòng nước mắt của nàng thi nhau chảy tuôn ra làm ướt một khoảnh trên mặt gối thêu hoa.

Mười chín năm sau, căn nhà lá được Uyển Nhi cho xây cất lại thành ngôi nhà tường có hai tầng lầu cao và thoáng mát, các phòng cũng có đầy đủ các vật dụng cần thiết. Thằng con trai đầu lòng của Uyển Nhi thi đậu vào đại học và đang theo học năm thứ nhất. Thằng con trai kế thua anh hai của nó ba tuổi, học lớp 11. Trong nhà, Uyển Nhi thuê một bà già còn khỏe mạnh để nấu bếp, dọn dẹp nhà cửa và giặt quần áo cho ba cha con. Thế là Uyển Nhi có phần an tâm. Nàng viết đơn xin ly dị chồng!

Cuộc ly hôn được hết thảy mọi người thân thích và cật ruột tìm đủ mọi cách để hòa giải. Nhưng Uyển Nhi luôn bảo vệ ý kiến sắt đá của mình. Còn anh Cư Sĩ chồng của nàng thì cũng nhất quyết không từ bỏ con đường tu diệt lửa dục tình và diệt bỏ tất cả tham sân si. Anh còn cho rằng thỉnh thoảng anh dùng Uyển Nhi để giải quyết sự ứ động của riêng anh là chuyện rất tự nhiên và là quyền tự do của anh! Cuối cùng tờ đơn xin ly hôn chồng của Uyển Nhi lên tới Toà Án. Tại Tòa Án Uyển Nhi chỉ cần nhắc lại chuyện con vịt trống đè đạp mái con vịt mái chưa đầy một phút là xong, giống y chang như thái độ làm tình của anh đối với nàng trong nhiều năm qua. Đã vậy anh chưa bao giờ từng đưa cho vợ một cắc một xu nào gọi là chung góp để xây dựng mái ấm gia đình. Vị Thẩm Phán không cần hỏi hai người gì thêm, ông bảo cô thư ký đánh máy ra Quyết Định Ly Hôn nhanh gọn như người ta dùng một bữa điểm tâm vào một ngày đẹp trời. Vì ông cho rằng trong gần hai mươi năm qua, anh vừa thiếu trách nhiệm của người cha người chồng, vừa đã xúc phạm cao độ đến nhân phẩm của người phụ nữ cho dù trên mặt pháp lý Uyển Nhi là vợ của anh.

Và,  ngày hôm nay là ngày u ám và tồi tệ nhất đối với cậu sinh viên năm thứ nhất. Cậu nghe nghẹn ngào trong lồng ngực nước mắt không muốn khóc mà nó cứ đua nhau chảy ra khi cậu cúi rạp người cố gắng đạp cho nhanh chiếc xe đạp cọc cạch về hướng Tòa Án. Hình như cậu vừa nhận ra trách nhiệm của người con trai cả trong gia đình, đó là trách nhiệm van xin ba mẹ đừng ly hôn nhau! Thế nhưng khi cậu tới nơi, ba mẹ cậu cùng đã ký tên vô bản ly hôn rồi. Khác với các cặp vợ chồng ly hôn khác, vợ chồng Uyển Nhi niềm nở bắt siết tay nhau trước mặt quý quan Tòa và nhiều người tham dự. Sau đó hai người mời nhau đi vô một quán cà phê gần bên ngồi uống nước nghỉ mệt. Cậu con trai lững thững tiến gần bên ba mẹ với gương mặt hoàn toàn thất vọng và đôi mắt hãy còn đỏ hoe. Uyển Nhi biết con mình đã khóc…và nó sẽ khóc nữa trước mặt của ba mẹ, nếu không kiềm lòng được, cũng như không có bất cứ người mẹ người cha nào mà không nghe đứt ra từng đoạn ruột trong hoàn cảnh như thế này. …

Uyển Nhi xin nghỉ hưu non, nàng đành phải xa rời đám học trò lớn nhỏ rất yêu kính nàng và chuyển đi ở trọ trong một căn phòng nhỏ của tòa soạn báo địa phương khá nổi tiếng có đường dây phát hành lên tới Sài Gòn, nhờ nàng được người Tổng Biên Tập giao cho làm chủ bút một trang chuyên trả lời thư thắc mắc của độc giả và viết các bài về nhân bản nhằm định hướng tương lai tốt đẹp cho giới thanh thiếu niên và giúp các cặp vợ chồng đều được hạnh phúc trăm năm bên nhau. Uyển Nhi không phải là nhà tâm lý học, nàng chỉ là một cô giáo bình thường. Nhưng nàng viết bài nào cũng đều ươm chứa tiếng nấc khóc nghẹn ngào, vì nhớ hai con và do lòng ăn năn tiếc nuối những việc đã qua biết đến bao giờ mới vơi? Nhờ vậy Uyển Nhi trở thành một cây bút nữ được không ít độc giả gần xa lúc bấy giờ quí mến.

-Viết cho giới học trò cấp II và cấp III, Uyển Nhi nhắn nhủ học trò nếu có yêu nhau thì đó chỉ là tình yêu lớt phớt của tuổi học trò và nhớ thường xuyên tặng nhau số điểm được thầy cô giáo chấm cao nhất trong lớp học.

-Viết cho các cô thiếu nữ ở tuổi thường mộng mơ Uyển Nhi  bảo ngoài chuyện lo học hành cho tới nơi tới chốn hãy nhớ tới bốn chữ Công – Dung – Ngôn – Hạnh và lấy chúng làm trang bị vững chắc cho cuộc sống hôn nhân mai sau.

-Viết cho những người vợ người mẹ trong gia đình, Uyển Nhi thường lấy chuyện hôn nhân thất bại bi thảm và trầm trọng của chính mình ra làm ví dụ. Sau đó nàng khuyên: Nếu quá tôn thờ chủ nghĩa cá nhân thì nên sống độc thân tới già tới chết. Còn nếu đã có chồng có con thì hãy nhớ cuộc đời của mình không còn là của mình nữa, mà là của chồng và của các con. Sự hy sinh cao cả đó của người đàn bà trong gia đình đã từng được các áng thơ hay, các truyện dài truyện ngắn ca tụng.

-Viết cho quí ông chồng Uyển Nhi khẳng định: Không có bất cứ sức mạnh nào trên đời này mà có thể “đánh gục” được người vợ trong gia đình bằng chính sức mạnh tình yêu chân thành và luôn nóng bỏng của người chồng dành cho người vợ. Ngoài ra, người chồng sẽ bị thất bại trong vấn đề hôn nhân gia đình, rồi còn kéo nhây đến sự thất bại sự nghiệp ngoài xã hội nữa, nếu người chồng để cho người vợ vượt thoát ra khỏi rào cản vốn được đan kết bằng chính tình yêu chân thật của mình. Điểm nổi bật cần lưu ý nữa là Uyển Nhi cho rằng đàn bà dù giàu sang hay nghèo túng, dù đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong guồng máy chính trị của một quốc gia đi nữa, thì họ vẫn luôn cần có một người chồng hay một người tình bên cạnh. Không phải chỉ để làm chuyện đó trên giường, mà để được an ủi chở che mọi nơi mọi lúc, và để được chăm sóc vỗ về những lúc nàng bị ốm đau bệnh tật. Tóm lại, đàn bà con gái từ thuở nào cho đến thời buổi nào, họ luôn luôn là những sinh linh vô cùng mỏng manh và vô cùng yếu đuối.

Hai mươi năm sau nữa, Uyển Nhi về sống chung với hai vợ chồng người con trai đầu lòng tại thành phố Sài Gòn. Thỉnh thoảng đứa con trai thứ hai đưa vợ con từ Cần Thơ lên Sài Gòn thăm mẹ. Anh Cư Sĩ chồng của nàng đã chánh thức xuất gia mười bảy năm qua. Anh bây giờ là một Đại Đức sống nép mình trong một ngôi chùa rộng lớn và là một người bạn khá thân thiện với Uyển Nhi. Còn người là người yêu đầu đời có như là không của Uyển Nhi thì đã qua đời sau một cơn bị nhồi máu cơ tim cách nay không lâu. Nhưng đối với Uyển Nhi hình ảnh người ấy không bao giờ bị phôi pha trong ngõ ngách sâu thẳm của trái tim nàng.

Thế là, trang sử cuộc đời lỗi lầm và đầy sóng gió vì vội vàng ly hôn chồng của  Uyển Nhi như đang dần được khép lại. Nàng nghỉ dưỡng an toàn và hạnh phúc trong vòng tay của các con cháu. Điều cầu mong nhiều nhất bây giờ của Uyển Nhi là chị vẫn còn mãi sức khỏe dồi dào và trí óc minh mẫn để tiếp tục viết. Các bài viết của nàng sẽ như những tiếng chuông ngân vang tha thiết kêu gọi: Hỡi những người chồng, hỡi những người vợ, hỡi những người con, hãy luôn sống bên nhau với tinh thần tôn trọng yêu thương đùm bọc và biết tha thứ cho nhau.

Sài Gòn
Kỷ niệm những ngày Mừng Xuân Ất Mùi 2015
HN

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.