Hằng năm mỗi độ Tết về, Cộng Đồng Nguời Việt Miền Nam CA lại tổ chức diễn hành vào đầu năm mới tại Little Saigon, thủ đô tinh thần của người Việt Tự Do toàn thế giới , gọi tắt là "Tết Parade" giống như bây giờ ở đây mọi người thường chúc nhau "Happy Tết" ( vì nói "Happy New Year" sẽ bị lẫn sang Tết tây). Ngôn ngữ Việt cũng có đời sống riêng của nó, và nó cũng thay đổi thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng Diễn hành năm nay đặc biệt vì nó mang con số 40 (1975 – 2015). Mùa Xuân năm thứ 40, nguời Việt bỏ nước ra đi tìm Tự Do. Trong Cựu Ước 40 năm là con số linh thiêng mà tổ tiên người Do Thái đã phải "lang thang trong hoang địa", trải qua bao nhiêu gian khổ để tìm về miền "Đất Hứa". Người Việt chúng ta cũng trãi qua 40 năm lưu vong nơi xứ Người với bao nhiêu gian khổ khó khăn, vẫn góp phần đấu tranh để tìm miền "Đất Hứa" cho dân tộc : một Đất Nước Việt Nam Tự Do, Độc Lập thực sự. Bên cạnh đó chúng ta vẫn không quên cội nguồn của mình, vẫn muốn giữ gìn phong tục, văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó có lẽ là một trong những lý do "Tết Parade" xuất hiện mỗi năm, và năm nay là năm thứ 40 nên nó sẽ xuất hiện đặc biệt hơn mọi năm.
Trước hết năm nay chúng ta có Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo làm trung tâm, để dựng khán đài chính cho cuộc diễn hành. Mở đầu mọi người được mời cùng nhìn lên bầu trời xanh bao la để thấy một chiếc băng rôn dài với cờ VNCH và hàng chữ "Chúc Mừng Năm mới – 40 năm đoàn kết & phát triễn" được 1 máy bay kéo chạy vòng vòng trên bầu trời Little Saigon trong vòng 1 giờ 30'. Trời cũng chiều lòng người nên CA tuy đang mùa Đông, nhưng thời tiết dễ chịu với nắng nhè nhẹ, nhờ vậy các đòan diễn hành mới có thể mặc áo dài Việt Nam được. Có lẽ đến gần 70 % đoàn mặc áo dài (trừ những đoàn mặc quân phục đại diện cho các quân binh chủng QLVNCH hay đồng phục của các ban nhạc). Mỗi đoàn diện mặc áo dài với màu sắc, kiểu dáng khác nhau, nhưng tất cả đều đẹp và duyên dáng "mỗi đoàn mỗi kiểu 10 phân vẹn 10". Có lẽ đây là ngày Hội Ngộ Áo Dài lớn nhất chưa từng có trong lịch sử cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Điểm nổi bật không phải là chỉ có giới nữ mặc áo dài, mà cả nam giới cũng tham gia mặc Quốc phục : từ thị trưởng tới các vị dân cử, (kể cả nguời nuớc ngoài),các vị đại diện cộng đồng. Từ các nam sinh của các trường trung tiểu học trong ban nhạc cho tới các "anh hùng" lái xe Motor Harsley ai cũng áo dài khăn đóng đàng hoàng, thậm chí từ các em bé mẹ bồng trên tay tới các cụ già ngoài 90 (còn quàng thêm khăn cổ cờ VNCH) đứng xem diễn hành. Ai ai cũng trang trọng trong quốc phục Việt Nam để mừng ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Một lễ hội chưa từng có ở đâu từ trước tới nay! Đúng là "chúng ta đi mang theo Quê hương", mang theo phong tục, tập quán cổ truyền của tổ tiên để lại bao đời qua. Một chị ở Saigon qua Mỹ chơi, ngạc nhiên cảm động nói: "Tôi không ngờ cộng đồng Việt Nam ở đây, tổ chức diễn hành Tết chu đáo, đẹp đẽ oai hùng, hấp dẫn quá. Tết ở Mỹ rộn ràng hơn Tết ở Việt Nam nhiều, đó là chưa kể còn có mục đốt pháo nữa! Tôi cảm động khi thấy Tết ở Mỹ mà bà con, nam nữ mặc áo dài tràn ngập khu phố Little Saigon ; ở Việt Nam Tết thấy hiếm người mặc áo dài, toàn mặc jupe, mặc đầm không hà!"
Một số nét nổi bật của Tết Parade năm nay được xướng ngôn viên nêu lên :
-Đầu tiên là "Tin Vui" vào mồng 2 Tết, bảng tên "Asian Mall" ngay khu Phước lộc Thọ đã chính thức đổi tên "Saigon". Nhìn bảng tên "Saigon" ngay giữa trái tim thủ đô tị nạn Little Saigon,ai cũng thấy hãnh diện và vui mừng. Đó là nhờ công vận động của các vị dân cử Việt Nam.
– Có trên 100 đòan thể tham dự , đông nhất từ trước tới nay (có đoàn Korean cũng góp mặt).
– Thành phần tham dự Tết Parade năm nay, đa số là giới trẻ và Ban tổ chức cũng thuộc giới trẻ luôn. Chúng ta vui mừng khi thấy thế hệ thứ 2, 3 có thể thay thế thế hệ cha anh đảm nhận giỏi công việc giữ gìn văn hóa truyền thống Việt Nam.
– Đoàn San Diego là đoàn đi từ xa nhất và tới đây sớm nhất ( từ 30 tết). Các anh chị "bỏ ăn Tết", chịu nhiều cực khổ ngay những ngày đầu năm (ăn ngủ tại trailer) rồi làm xe hoa với hình ảnh Đại Đế Quang Trung và bản đồ Việt Nam để góp mặt với "Tết Parade" kỷ niệm 40 năm Người Việt viễn xứ.
– Hội Bảo vệ Văn Hóa Lịch Sử Việt Nam với biểu ngữ thật to :
"Noi gương Đức Trần Hưng Đạo chống Xâm lược
Toàn dân Việt Nam quyết bảo vệ vẹn toàn lảnh thổ" .
Dẫn đầu Xe hoa "Chiến Thuyền Hưng đạo Đại Vương" nổi bật với đầu rồng rất mỹ thuật ở ngay đầu chiến thuyền màu đồng và tượng Đức Thánh Trần uy nghi lẫm liệt.
– 7 Ban nhạc " Marching Brand' (mỗi ban khoảng 100 em) của các trường trung học Mỹ (có nhiều HS gốc VN) sẽ đánh trống, thổi kèn các bài hát Việt Nam (Ly rượu mừng, Xuân đã về).
– Đoàn 100 con Lạc Hồng ( 50 gái/ 50 trai). Các em sẽ cầm cờ lớn VNCH đi diễn hành ( đặc biệt các em gái sẽ mặc áo dài trắng trinh nguyên ).
– Có 17 xe hoa tham dự mang nhiều sắc thái khác nhau của cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Mở đầu chương trình diễn hành Tết, mọi người được mời đứng lên nghiêm chỉnh làm lễ chào Quốc Kỳ Việt Nam Công Hòa. Tưởng như mọi lần, mọi nguời sẽ cùng hát chung bản quốc ca Việt Nam, nhưng lần này ban nhạc của trường trung học La Quinta đã trân trọng tấu lên bản Quốc ca Việt Nam thật hùng tráng. Tôi đứng lặng xúc động khi nghe ban nhạc của 1 trường trung học Mỹ giờ đây đang tấu lên điệu nhạc trầm hùng bản Quốc ca thân thương, để Người Việt viễn xứ 40 năm đứng chào lá cờ VNCH yêu dấu của mình trong những ngày đầu Xuân ất Dậu 2015. Trên bầu trời từng chùm bong bóng đủ màu đang tung bay phất phới mừng ngày lễ hội. Sau đó tới phần đốt pháo theo tập tục ăn Tết lâu đời của người Việt Nam, rồi đoàn trống Thiên ân của trường trung học Westminter gồm 20 em nam, nữ đều mặc áo dài bước ra biểu diễn màn đánh trống càng tăng thêm không khí rộn ràng của ngày đầu năm mới.
Màn văn nghệ mở đầu cho phần diễn hành là hoạt cảnh "Welcome to Little Saigon" mới vừa được sáng tác cho Tết Parade 2015 do các em nữ sinh múa để minh họa cho bài hát. Trong nắng Xuân dịu dàng, nhìn các em nữ sinh với tà áo dài vàng nhạt, tay cầm cành đào tung tăng múa với chiếc nón lá bài thơ trong tay, ngay giữa đại lộ trong lòng thủ đô Litlle Saigon. Tự dưng tôi cảm nhận một điều gì đó thật ấm áp trong lòng, vì người Việt xa quê đã 40 năm, nhưng hình ảnh tươi vui cuả mùa Xuân Quê hương vẫn còn hiện diện nơi Saigon nhỏ, một Saigon ngoài Việt Nam. Chúng ta tuy xa quê hương nhưng tâm tình chúng ta vẫn còn gắn bó với quê hương. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn qua các đoàn diễn hành tiếp theo.Nó chứng minh cộng đồng Việt Nam mỗi ngày một lớn mạnh trong mọi lảnh vực từ Quân sự ( chúng ta đã có tướng Mỹ gốc Việt) cho tới khoa học , y tế, tư pháp, tôn giáo và cả phạm vi không gian Nasa… Ở đâu người Việt cũng đóng góp vào thành tựu chung của nước Mỹ, ngày nay nguời Mỹ nhìn vào cộng đồng Việt Nam với con mắt nể nang hơn. Thế hệ thứ 2 của người Việt đã chính thức hòa nhập vào dòng chính, ngay ở khu little Saigon đã có 3 thị trưởng người Việt ( Westminter, Garden Grove, Fountain Valley), Giám sát viên quận Cam (tương đương với Đô trưởng) vừa mới đắc cử là người Việt. Cao hơn nữa lên tới chức thượng nghị sĩ CA, bà Janet Nguyễn cũng vừa mới thắng cử vẻ vang trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.
Người Việt hãi ngoại chúng ta với tinh thần hiếu học, thông minh, cần cù và nhẫn nại đã thành công trên mọi lảnh vực ở quê hương thứ 2 này. Tuy vậy chúng ta vẫn không quên quê hương Việt Nam còn bỏ lại sau lưng, vẫn yểm trợ đồng bào trong nước còn đang khổ sở miệt mài "lang thang trong hoang địa 40 năm nay" để cùng tìm về "Đất Hứa" : một Nước Việt Nam Dân chủ, Tự Do, Độc lập thực sự. Đồng bào ta đã chấp nhận những thiệt thòi hy sinh gian khổ để tiếp tục đấu tranh cho miền "Đất Hứa" mà cả dân tộc cùng đang khao khát kiếm tìm, trong đó giới trẻ góp phần đắc lực nhất. Chúng ta đã có nhạc sĩ Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Huỳnh thục Vy… và mới đây ( theo tin đài VOA) có bạn trẻ Nguyễn Vũ Sơn đã can đảm dùng nhạc "Rap" để công khai chỉ trích, lên án chế độ cộng sản, em đã thu hút hằng ngàn bạn trẻ ủng hộ nhiệt liệt và còn nhiều… nhiều nữa những người tuổi trẻ sẳn sàng hy sinh cho quê hương được sống. Họ là những đóa hoa Xuân được tưới bằng máu và nước mắt nhưng vẫn ngát hương rực rỡ dân tộc . Chúng ta hãy đặt niềm tin vào Tuổi Trẻ dù ở trong nước hay ngoài nước. Ngày Xuân hãy mừng sự dũng cảm và truyền thống bất khuất cùa dân Việt.
Tôi thật cảm động khi nhìn các em học sinh của trường trung học Westminter trong trang phục áo dài và nón lá, tay cầm lá cờ Mỹ và VNCH, đang vừa múa vừa hát một bài hát do chính các em sáng tác mà tôi nghe câu điệp khúc được lập đi, lập lại nhiều lần: "They say yellow, I say gold" để nói lên niềm tự hào của các em về nguồn cội "da vàng" của mình. Dù các em được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhưng các em vẫn không quên màu da và nguồn cội dân tộc của mình. Đó cũng là điều mà Mẹ Việt Nam hằng tha thiết mong mỏi :
"Mẹ mong con chớ quên màu da,
Con chớ quên màu da, nước Việt xưa" (TCS)
"Chúng ta đi mang theo quê hương" không chỉ là mang những phong tục, tập quán, văn hóa mà còn mang theo truyền hống hào hùng bất khuất của cha ông. Nhiều xe hoa đã mang chủ đề này:
– Xe hoa " Hội Nghị Diên Hồng" của hội đồng hương Quảng Ngãi với hình ảnh các cô mặc quốc phục 3 miền tượng trưng cho sự quyết tâm chung của cả nước trong việc chống ngoại xâm phương Bắc. Khi xe hoa đi ngang khán đài chính, XNV đã hô to khẩu hiệu năm xưa trong Hội Nghị Diên Hồng :
"Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?"
Mọi người có mặt cùng đồng thanh hô to : "Quyết chiến" thể hiện tinh thần bất khuất của người dân Việt dù ở bất kỳ nơi đâu.
– Hội đồng hương Quảng Nam với chiến thuyền của tướng Trần Quốc Tuấn đang múa gươm điều khiển những chiến thắng lẫy lừng lịch sử : Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp.
– Hội Hùng Sử Việt San Diego với xe hoa mang tinh thần chiến thắng ngoại xâm của Đại Đế Quang Trung.
– Thuyền Tị Nạn ( Boat Parade) của Madam Lài mang tên "Bạch Đằng Giang".
Dễ thương nhất là các em thiếu niên thuộc các đoàn hướng đạo sinh, các trung tâm võ thuật, có nhiều em chỉ 4, 5 tuổi. Đặc biệt là hình ảnh các em học sinh trong ban nhạc của một trường tiểu học với quốc phục áo dài khăn đóng, tay cầm đàn sẳn sàng biểu diễn.
Ô kìa ! 2 con dê trắng dễ thương của Học khu Westminter, lần đầu tiên năm "con Dê" tôi được nhìn thấy dê thật (bằng xương, bằng thịt hẳn hoi) ngay trước mắt mình.Nom chúng cũng hiền lành, dễ thương (chứ không đáng sợ!) đi ngoan ngoản theo người hướng dẫn.
Đối với tôi hình ảnh đẹp nhất trong "Tết Parade" này, chính là hình ảnh các em nữ sinh trong tà áo dài trắng trinh nguyên cầm Đại Kỳ Quốc gia VNCH đi diễn hành trong đoàn "100 con Lạc Hồng". Nó gọi nhớ cho tôi hình ảnh năm xưa thuở thanh bình, hằng ngày cắp sách đến trường trong tà áo dài trắng trinh nguyên:
"Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ".
Và hình ảnh cảm động nhất là hình ảnh các em học sinh trong chương trình giáo dục song ngữ Việt – Mỹ của học khu Garden Grove với các tấm bảng giơ cao ghi những hàng chữ đơn sơ : "Em biết nói tiếng Việt", "Em yêu Văn Hóa Việt", "Em tự hào là Người Việt". Ôi ! tâm tình thể hiện qua những dòng chữ của các em đáng yêu biết là chừng nào, nếu chúng ta nhớ là các em sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhưng các em vẫn không quên nguồn cội của mình. Đó là một nổ lực đáng khen và rất đáng biểu dương. Ở cuối đoàn tôi thấy có một tấm bảng nhỏ hơn với hàng chữ "Cha mẹ nuôi con ăn học" Ôi dòng chữ đơn sơ nhưng nói lên tấm lòng biết ơn cha mẹ nuôi dưỡng con nên người, một truyền thống đạo Hiếu tốt đẹp của người Việt Nam:
"Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Tâm tình này gần như đã bị "mai một" nhiều nơi xứ người. Ỏ những xứ sở văn mình, nhà trường chỉ chú trọng dạy các em những kiến thức khoa học kỷ thuật và gần như đã bỏ quên "kiến thức và đạo lý làm người". Do đó tình trạng ông bà, cha mẹ buồn phiền vì bị quên lãng, bị bỏ rơi khá phổ biến trong cộng đồng Việt Nam nơi xứ Người. Ngày xưa Phạm Quỳnh đã nói "Tiếng Ta còn, nước Ta còn", ngày nay chúng ta sẽ nói "Tiếng Ta còn, Văn hóa Ta còn" tuy phải xa quê hương nhưng nếu chúng ta vẫn tìm cách giữ gìn được "Tiếng Việt" nơi thế hệ con cháu chúng ta, thì thật là một điều đáng trân quý. Nhờ học tiếng Việt con em mới được giáo dục, nhắc nhỡ về những luân thường đạo lý, những thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Đó cũng chính là tâm nguyện khiến các thầy cô giáo dạy Việt Ngữ vẫn âm thầm, cố gắng miệt mài hằng tuần tự nguyện đến với các em hầu gìn giữ và phát triển "mầm yêu Văn Hóa Việt, Tiếng Việt" nơi các em. Dù một số người trong chúng tôi như những đóa hoa sắp tàn, nhưng có hề chi vì:
"Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay " (TTY).
Mỗi người xin hãy là "đóa hoa nở hết mình" vì tương lai Văn hóa Việt, Tiếng Việt nơi xứ người. Mong lắm thay !
Little Saigon ( Nam CA) – Xuân Ất Mùi 2015
Phượng Vũ
_________
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
Views: 0