Có biết bao bậc cha mẹ hy sinh tất cả cuộc đời để nuôi dưỡng con cái nhưng lại gặp phải những đứa con bất hiếu bất mục không đền đáp công ơn sinh thành mà còn hỗn hào, hất hủi, đuổi cha mẹ ra đường hay vào nhà dưỡng lão. Điều này càng tệ hơn trong các gia đình Việt Nam di cư trên đất Mỹ.
Cha mẹ bán hết cả gia sản để lấy tiền mua vàng gửi con vượt biên đi trước. Mươi năm sau, những đứa con này thành công, nhưng lại quá Mỹ hóa không còn nhớ gì đến sự hy sinh cao cả của cha mẹ chúng. Năm thì mười họa mới gửi tiền về nuôi cha mẹ, còn nếu bị hối thúc quá thì cũng miễn cưỡng bảo trợ cho cha mẹ sang đoàn tụ. Tuy nhiên, khi cha mẹ chúng đến ở với chúng thì chúng đối xử tàn nhẫn, không chăm lo săn sóc. Một cụ cao niên đã than là con cho ở basement mùa đông lạnh lẽo, chúng còn ăn chặn cả tiền già của hai cụ. Chúng còn cưng con chó Pekinese của chúng hơn hai cụ. Tối ngày tắm rửa, cho ăn, ẵm bế, hôn hít. Hai cụ đã phải dọn ra ở nhà già để đỡ tủi nhục. Có biết bao nhiêu cụ qua Mỹ ở với con cái một thời gian thì nằng nặc đòi trở về Việt Nam. Có biết bao nhiêu cụ chủ nhật muốn đi nhà thờ mà con cái không chịu chở, hay nếu có chở đi thì không chịu trở lại đón nếu các cụ muốn ở lại nhà thờ sinh hoạt với Hội Cao Niên. Chữ Hiếu là nền tảng của tập tục tôn kính tổ tiên của Việt Nam. Hiếu thảo với cha mẹ là một trong mười điều răn của Thiên Chúa. Bổn phận săn sóc, hầu hạ, nuôi dưỡng cha mẹ đã được nâng lên hàng đạo nghĩa. Đạo Hiếu được giảng dạy qua nguyên tắc Tam Cương của Khổng Phu Tử "Quân- Thần, Phụ- Tử, Phu-Phụ". Chữ Hiếu bao gồm cả sự lễ phép, vâng lời, thương yêu, tôn kính, lo lắng chăm sóc, không làm điếm nhục gia phong, có con trai để nối dõi tông đường, và phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Trong bài này chúng ta trước hết sẽ xem xét những nguyên nhân tại sao con cái chúng ta trên đất Hoa Kỳ lại thiếu sót về đạo Hiếu, sau đó chúng ta sẽ liệt kê những phương pháp để dạy dỗ con em về chữ Hiếu, và sau cùng chúng ta sẽ thảo luận bằng cách nào chúng ta có thể duy trì tập tục tôn kính tổ tiên trên đất Hoa Kỳ.
I. Những khó khăn trong việc trau dồi Đạo Hiếu trên đất Mỹ
1. Sự khác biệt về văn hóa: Vấn đề hội nhập văn hóa cũng gây ra nhiều trở ngại cho các bậc cha mẹ nhất là những người định cư sau con cái. Cha mẹ càng khư khư gìn giữ tập tục cổ truyền Việt Nam trong nhà thì con cái lại càng Mỹ hóa. Chúng hòa nhập với văn hóa Hoa kỳ nhanh chóng hơn, chúng nói tiếng Mỹ với nhau suốt ngày, chúng cũng suy nghĩ theo kiểu Mỹ. Cha mẹ thì cho là những đứa con này mất gốc, vô lễ, không chào kính đi thưa về gửi, không thăm hỏi, săn sóc và nếu là người công giáo thì thấy con cái khô khan hay bỏ lễ ngày chủ nhật, không xưng tội rước lễ. Ngược lại, con cái thì cho rằng cha mẹ cổ hủ, lạc hậu, không biết gì cả; hay nói nhiều hay lập đi lập lại; độc đoán, khó khăn, hay cấm đoán, hay vặn hỏi; không lắng nghe con cái, không muốn đối thoại mà chỉ ra lệnh; hay so sánh phân bì với các gia đình khác.
Xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng của các trào lưu tân tiến của Tây Phương từ thời Pháp thuộc đến nay. Những phong trào đòi quyền bình đẳng phụ nữ, giai cấp, chủng tộc… đã dẹp tan những tôn ti trật tự mà Khổng học đã thiết lập từ xưa. Đâu còn phẩm trật "Quân, Sư, Phụ"? Vua thì đã hết thời, còn thầy giáo đâu còn được xếp hạng trên cả cha mẹ? Vấn đề tu thân tề gia cũng không được chú ý. Cha mẹ không nhân đức, gương mẫu thì làm sao mà tề gia được? Con cái ích kỷ không nhúng tay vào công việc dọn dẹp nhà cửa. Cha mẹ muốn con giúp đỡ việc nhà như cắt cỏ, rửa xe, hút bụi, có khi còn phải thuê chúng và trả tiền.
2. Chủ Nghĩa Cá Nhân Vị Kỷ: Phải chăng văn hóa cá nhân vị kỷ của người Hoa Kỳ đã ảnh hưởng nhiều đến cách xử thế của con em Việt Nam? Tôi đã chứng kiến cảnh một cậu con trai của một Đại Tá Bộ Binh Hoa Kỳ mới 17 tuổi. Khi ông bố có lệnh thuyên chuyển đi nơi khác, cậu nầy đã không chịu đi theo. Trong khi cha mẹ dọn dẹp đóng đồ, sơn phết nhà cửa để bán, thì cậu con không ngó ngàng gì cả. Nó tuyên bố sẽ bỏ học để làm "kỹ sư vệ sinh" (sanitary engineer), nghĩa là làm phu đổ rác để tự lập, và sống chung với con bồ cũng 17 tuổi. Người Mỹ rất cưng chiều con cái khi chúng còn nhỏ, nhưng khi chúng lên trung học, trở thành vị thành niên, thì chúng trở thành gánh nặng. Chúng làm cho họ mất tự do, chúng có nhiều đòi hỏi quá đáng, chúng cũng ngang ngược không nghe lời. Do đó khi con cái học xong trung học là họ muốn chúng ra khỏi nhà, đi học đại học xa hay đi làm và tự lập. Cách đối xử này với con cái khiến cho chúng không còn quyến luyến mái ấm gia đình, khiến chúng khó cảm nhận và duy trì lòng biết ơn đối với cha mẹ về công ơn dưỡng dục.
3. Nhu Cầu của Đời Sống Vật Chất: Chủ nghĩa vật chất cũng ảnh hưởng đến cách xử thế của con em chúng ta. Theo truyền thống ngày xưa, con cái còn sống bên cha mẹ thì tất cả đồng tiền kiếm được phải đưa về cho cha mẹ tiêu dùng, và chỉ được nhận lại một số tiền nhỏ cha mẹ phát cho. Bên Mỹ, vì mức sống đắt đỏ, vì nhu cầu phải có những tiện nghi, và phương tiện, con cái mặc dù có thể kiếm tiền sớm lại có những nhu cầu sớm. Một đứa trẻ 13 có thể giữ trẻ em, 14 tuổi có thể đi bỏ báo, 15 tuổi có thể đi cắt cỏ, 16 đi làm bồi bếp, rửa chén, hay đi bán hàng tại các siêu thị. Chúng sẽ cần quần áo cho hợp thời trang, cần cái xe để đi làm nếu trên 16 tuổi, và cần một điện thoại cầm tay. Lớn lên chút nữa, khi đã vào đại học thì cần trả tiền học, tiền sách, tiền nhà, tiền ăn, tiền đi chơi với bạn bè… Chúng ta vì những nhu cầu của đời sống vật chất trên đất Hoa Kỳ đòi hòi phải có nhà, có xe, nên suốt ngày đầu tắt mặt tối. Cả hai vợ chồng đều kéo cầy trả nợ nhà, trả nợ hai ba cái xe, trả tiền điện nước và các hóa đơn mua sắm. Vì đi làm suốt ngày từ lúc con cái chưa ngủ giậy và trở về sau khi chúng đã lên giường. Cả ngày con cái không thấy mặt cha mẹ. Có khi cuối tuần, cha mẹ còn phải làm thêm một "job" phụ thứ ba nữa. Con cái lớn lên thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ. Còn đâu là "quyền huynh thế phụ" "xảy cha còn chú, xảy mẹ bú dì". Đại gia đình không còn tồn tại trên đất Mỹ. Người Mỹ còn nói "It takes a village to teach a child" (cần có sự hợp tác của cả làng trong việc giáo dục một đứa trẻ). Ngay từ lúc mới một hay hai tuổi, các em đã bị gửi baby sitter hay day-care center, rồi sau đó là đi học mẫu giáo. Các em sống ở trường với bạn bè nhiều hơn với cha mẹ. Những bữa ăn tối hiếm có, những buổi đọc kinh chung gần như không có, nói chi đến việc ru con ngủ, hay đọc sách cho con sau khi chúng đã lên giường. Còn đâu những câu ca dao ru hời mẹ ru cho con ngủ trên lòng. Những câu ca dao đầy những tính chất luân lý giáo dục: "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"; hay "Công cha như núi ngất trời, nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông".
4. Ảnh Hưởng của Bạn Bè: Như trên đã nói, con cái chúng ta sống hàng ngày nơi học đường với bạn bè từ bẩy giờ đến tám giờ, trong khi chúng ta chỉ gần chúng vài giờ một tuần (1). Con cái dễ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của bạn bè, bị áp lực và ảnh hưởng nơi học đường. Những kiểu tóc lố lăng nhuộm xanh nhuộm đỏ; những chiếc quần xệ xuống ngang hông và rộng thùng thình, quét lê lết dưới đất; những chiếc vòng xiên môi, xiên lưỡi, xiên vành tai, xiên cả rốn; những sợi xích dài lòng thòng từ thắt lưng tới túi quần, khiến cho chúng trông không giống ai. Tuy nhiên chúng lại thấy đó là hay vì được bạn bè tán thưởng, được hội nhập vào cái nền văn hóa hippy và có bạn, thay vì lẻ loi cô độc chẳng ai chơi với. Từ quần áo, chúng bắt chước bạn bè cả lối sống bất cần đời, cách ăn nói thô tục, chửi thề văng mạng, cách đối xử vô lễ với thầy cô trong trường và dần đà hỗn xược với cả cha mẹ ở nhà. Chúng gia nhập băng đảng để nhậu nhẹt hút sách, và đánh lộn với các băng đảng khác để dành gái. Chúng dùng vũ khí khi đánh lộn, từ gậy gộc, baseball bat, nun-chuck, xích sắt, tới dao búa, và cuối cùng là súng ống. Phim ảnh bạo hành ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Những vụ đâm chém và bắn giết xẩy ra tại nhiều trường trung học và cả tiểu học. Con cái lấy trộm súng của cha mẹ để lấy le hay để thanh toán nhau. Dĩ nhiên những em nào bê bối thì không thể nào học giỏi và xếp hạng cao vì thì giờ đâu mà học bài và làm bài? Hơn nữa cái văn hóa hippy không chấp nhận những đứa trẻ thành đạt về học vấn. Cha mẹ có răn dạy thì chúng cãi lại, bỏ nhà ra đi, hoặc nếu có bị ngăn cấm thì cũng leo cửa sổ trốn nhà đi chơi suốt đêm. Khi chúng hỗn láo chửi thề thầy cô ở trường được thì chúng cũng sẽ dần dần đối xử như vậy với cha mẹ ở nhà. Vì cha mẹ là đại diện cho giới quyền bính, là những người đưa ra các quy luật gia đình chúng phải noi theo. Khi muốn gì không được thì chúng phản ứng bằng cách la lối hỗn xược và dần dần đi đến những hành vi vũ phu và đánh đập cả cha lẫn mẹ. Các em học sinh trong tuổi dậy thì dễ bị kích thích vì những cảnh bạn bè "hút mặt", "xà nẹo", ngồi trên lòng nhau và lăn lộn trên sân cỏ. Nhà trường có dạy dỗ về vấn đề tính dục (sex education) thì cũng chỉ giúp học sinh hiểu rõ về sinh lý con người và các phương pháp ngừa thai, ngừa bệnh truyền nhiễm. Vấn đề tự do luyến ái cũng rất tai hại, có những đứa trẻ 13 tuổi đã mang bầu và có con (2). Trẻ con sinh ra trẻ con thì làm sao mà biết nuôi nấng dạy dỗ cho đứng đắn.
5. Hiến Pháp Hoa Kỳ không cho phép dạy luân lý trong học đường: Vấn đề "separation of state and church" làm cho chương trình giáo dục của nhà trường không có môn luân lý đạo đức, ngoại trừ các trường Công Giáo. Nếu con cái không được học giáo lý ở nhà thờ thì việc học hỏi và tuân giữ các điều răn nhất là điều răn thứ tư "hiếu thảo với cha mẹ" dễ bị sao nhãng. Cha mẹ nhiều khi cũng chỉ lo làm ăn để có được mức sống thoải mái, để theo kịp những người qua trước. Nhu cầu nhà cao cửa rộng, xe đẹp và sang khiến họ phải đầu tắt mặt tối để lo trả nợ. Vì vắng mặt suốt ngày, có khi cả đêm nếu làm ca đêm họ ít khi thấy con cái để mà dạy dổ khuyên bảo hay nghe chúng tâm sự. Con cái sống trong trường với bạn bè cả ngày, trong khi gần gũi cha mẹ rất ít. Chúng nghe lời bạn bè và bắt chước vì bị ảnh hưởng của bạn hơn là nghe lời cha mẹ. Xã hội Hoa Kỳ cũng không phù hợp với lối sống đạo đức cổ truyền. Cha mẹ có muốn dạy dỗ con một cách cứng rắn theo kiểu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho đường" cũng e sợ vì con cái có thể gọi 911 hoặc nếu con cái có vết thâm tím trên mình mà thầy cô trong trường thấy được, họ gọi CPS (Child Protective Service) thì mình bị rắc rối với công lực.
6. Những thiếu sót của cha mẹ trong việc sống đạo: Vai trò của phụ huynh trong việc dạy dỗ con cái hết sức quan trọng. "Xem cây thì biết quả", phụ huynh phải nêu gương sống đạo đức thánh thiện cho con cái bắt chước. Muốn cho con cái hiếu thảo thì phải làm gương trước. Bậc làm cha mẹ không nêu gương sáng cho con cái, nhiều khi còn đối xử tàn tệ với cha mẹ của mình. Nếu la rầy cha mẹ mình khi họ đau yếu không tự lo lấy thân, ăn uống vung vãi, đi tiêu đi tiện không tự kiềm chế, thì con cái cũng bắt chước hỗn hào với ông bà. Người già có nhiều giới hạn về thể lý: mắt mờ, chân chậm, tai điếc, răng rụng, tay run rẩy, trí nhớ suy giảm, dễ quên. Người già có khi ăn rồi mà vẫn đòi ăn nữa, ra đường thì đi lạc không biết lối về nhà. Họ cần đến sự săn sóc của con cháu nhiều hơn là sự săn sóc cần thiết cho một đứa trẻ sơ sinh. Câu chuyện đứa trẻ làm bát gỗ và nói với bố là mai mốt bố già con sẽ cho bố ăn bát này để bố đừng làm bể, chính là một cái gương xấu người bố đã làm cho con bắt chước khi la rầy và bắt cha của mình ăn bát gỗ. Nếu cha mẹ chỉ lo tống khứ bố mẹ của họ vào viện dưỡng lão, không thăm viếng chăm sóc, không nhớ đến ngày sinh nhật, thì con cái nghĩ sao về họ? Con cái nghĩ sao khi cha mẹ chúng lo lắng chăm sóc và cưng chiều con chó con mèo của họ hơn là lo lắng chăm sóc cho ông bà của chúng? Khi gia đình không đạo đức thánh thiện thì con cái cũng dễ hư đốn. Khi chính cha mẹ cũng hay cãi cọ nhau, chửi rủa nhau, cũng như đánh lộn và đập phá, con cái cũng dễ bị ảnh hưởng, cũng la lối hỗn hào với cha mẹ. Gia đình không còn có cái tôn ti trật tự, chồng không cư xử ra chồng, vợ không cư xử ra vợ, con không ra con. Căn nhà không hẳn là một mái ấm gia đình nơi mọi người ăn chung, làm chung, và cầu nguyện chung. Căn nhà như căn nhà trọ, mạnh ai về trước căn trước, hay ôm bát ra một góc ngồi xem Tivi. Buổi tối gia đình không đọc kinh chung và chủ nhật gia đình không cùng nhau đi lễ, không tham dự các khóa hội thảo, các buổi giảng phòng, các khóa tĩnh tâm để cùng nhau học hỏi những điều cần thiết cho việc sống đạo. Khi không tham dự các bí tích đều đặn như xưng tội, chịu lễ thì ý thức về tội lỗi cũng phai mờ và điều này ảnh hưởng đến cuộc sống đạo đức thánh thiện.
II. Giáo Dục Về Chữ Hiếu
"Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư". Các cụ chúng ta ngày xưa luôn luôn dùng ca dao tục ngữ để dạy con cái về "công, dung, ngôn, hạnh" và "nhân nghĩa, lễ, trí, tín". Nền luân lý đạo đức cổ truyền của chúng ta thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh. Theo Khổng học, con người sinh ra ai cũng có tính thiện, "nhân chi sơ, tính bản thiện". Chỉ có dục vọng cá nhân làm cho lý trí con người mờ ám và làm mất đi tính thiện mà trời đã phú cho mỗi người. Do đó, theo Khổng Tử, muốn đưa con người trở về cõi thiện, cần phải rèn luyện lý trí, tạo cho lý trí nhận thức được lẽ phải để chế ngự bản năng dục vọng bên trong. Xã hội loài người đi đến chỗ thác loạn, mất cả luân thường đạo lý chỉ vì con người chạy theo dục vọng bản năng, ích kỷ, chỉ muốn được vừa lòng mình và thỏa mãn mọi tham vọng cá nhân. Con người sở dĩ làm mất đi tính thiện, vì con người không nhận thức được lẽ phải. Trẻ em biết lễ phép, vâng lời người trên là biết tự kỷ, và tôn trọng tôn ti trật tự. Do đó những điều dậy dỗ con em phải nhắm vào việc lễ phép, trên kính dưới nhường và biết vâng lời cha mẹ, chú bác, ông bà. Những điều cần thi hành để dạy con cái về chữ hiếu:
1. Việc giáo dục cho con cái về chữ hiếu và đạo đức phải khởi sự từ gia đình:
"Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về". Cơn cái dễ uốn nắn khi còn nhỏ dại, cha mẹ cần dạy dỗ bắt vào khuôn phép ngay khi chúng một hay hai tuổi. Cần có những quy luật trong gia đình về vấn đề vâng lời, lễ phép, không la ó, đập phá, không bầy bừa. Cần có những hình phạt sao cho con em không bị đau đớn hay không oán ghét cha mẹ. Những hình phạt như phát vào mông hai cái, bắt vào phòng ngồi một mình, không cho xem Tivi, không cho một cái quyền lợi nào đó là những điều nên làm.
Con cái phải tuân theo một số luật lệ trong gia đình. Cha mẹ cần ấn định những giới hạn cho con cái. Ông Michael O' Donnell, Giám Đốc Điều Hành Trung Tâm "Giáo Dục Phụ Huynh" ở Rochester Hills, Michigan đã có những đề nghị sau: 13 tuổi có thể ở nhà một mình vài giờ vào buổi tối; 15 tuổi có thể trang điểm son phấn; 16 tuổi có thể có điện thoại riêng trong phòng, có thể hẹn hò với bạn bè mà không cần có mặt của người lớn; 18 tuổi có thể có thẻ tín dụng và có thể được vào các trung tâm thương mại mua đồ một mình; không bao giờ cho xem sách báo của người lớn hay phim R và X (3). Con cái được uốn nắn trong môi trường đầy tình thương nhưng vẫn có những giới hạn sẽ không cảm thấy bị kiềm chế và muốn xé rào. Cha mẹ phải làm gương sáng trong việc hiếu thảo và hành xử ngoài đời. Bà Lucia Hodgson, Giám Đốc Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên ở trường Trung Hoc Crossroad, California nhắc nhở cha mẹ biết rằng: "Con cái họ đang theo dõi họ, và bất cứ hành động nào của người lớn trước mặt con cái đều chỉ dạy cho chúng về cách đối xử với mọi người"(4). Cha mẹ cần làm gương cho con cái bằng cách đối xử thương yêu, săn sóc và kính trọng ông bà của chúng. Cha mẹ là thầy dạy đầu tiên của con cái. Lối sống của cha mẹ đối với bạn hữu, với mọi người sẽ dạy con cái cách đối xử trong các trường hợp tương tự. Cha mẹ cần dành thì giờ để dạy dỗ con cái bằng cách giảng giải điều hay lẽ phải và dùng những bài học luân lý lịch sử về các tấm gương hiếu thảo hay các dụ ngôn trong Kinh Thánh. Một trong những cách thức dạy con thời xưa cuả các cụ nhà ta là dùng ca dao tục ngữ để ru con khi còn nhỏ, và kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ xưa, những hạnh các thánh về các gương nhân đức và hiếu đễ để nhắc nhở cho con khi chúng khôn lớn về bổn phận đối với ông bà cha mẹ. Cha mẹ cần chấp nhận cả những cái tốt lẫn cái xấu của con cái. Vì chấp nhận rất khó khăn, chúng ta cần phải có đức tin để hướng dẫn và thay đổi chúng. Chúng ta cần tha thứ lỗi lầm của chúng thì mới chấp nhận chúng được. Tha thứ là điều kiện then chốt để sự chấp nhận có thể tạo nên một sự cải tiến đẹp đẽ hơn. Khi con cái mắc phạm những lỗi lầm ghê gớm phải tìm cách giúp con sửa đổi bằng cách chạy đến với những nhà chuyên môn để xin giúp đỡ (thí dụ: vô lễ, bạo hành cha mẹ, hút sách, rượu chè, băng đảng,…) Cha mẹ cần biết mình: Như triết gia Socrate đã nói: "Hãy biết mình". Hãy biết mình và chấp nhận chính mình, và sau đó hãy cải tiến chính con người của mình. Vì nếu không dành thì giờ ra để nhận biết và sửa sai những khuyết điểm của mình thì chúng ta không thể hiểu biết và chấp nhận những khuyết điểm của con cái. Việc này phải được thực hiện trước khi chúng ta mong ước thay đổi được con cái. Cha mẹ cần theo học các khóa hội thảo về việc dạy dỗ con cái (parenting education), đọc các sách dạy về việc này hay theo rõi các chương trình truyền hình có tính cách giáo dục. Ngoài việc cha mẹ phải học hỏi tất cả gia đình cần tham gia các hội đoàn và sinh hoạt giáo xứ để con em có môi trường sinh hoạt đứng đắn và có dịp để học hỏi những lời giảng dạy của các cha, thầy và cô. Cha mẹ cần giúp con em phát triển các giá trị, khuyến khích và thành thực khen ngợi con cái khi chúng làm điều tốt. Khi con em chúng ta có ý niệm tốt về con người của chúng thì chúng có lòng tự tin và tự trọng. Nếu chỉ phê bình chỉ trích suốt ngày sẽ làm cho con em bị tự ti mặc cảm. Chúng sẽ chán đời và biếng học cũng như dễ đua theo bè bạn xấu. Chúng sẽ nổi loạn, trở nên hỗn xược và không vâng lời. Nên khen chúng khi chúng lễ phép với mình, với ông bà, với bạn bè của mình (5 ). Phải kiên nhẫn với chúng, con cái không thể nào một sớm một chiều học hỏi những giá trị tốt. Cha mẹ đừng thất vọng khi cứ tiếp tục phải chứng kiến những hành vi lố bịch hỗn hào của con cái. Không nên đòi hỏi quá đáng, giá trị tốt không có nghĩa là phải tuyệt hảo. Những cái nhún vai, những lối trả lời quá Mỹ hóa có thể làm cho cha mẹ rất khó chịu nhưng chúng ta cần kiên nhẫn để giảng giải cho chúng thế nào là đúng, là sai. Con cái học hỏi những giá trị tốt qua việc quan sát các tấm gương tốt nơi người lớn, và qua các kinh nghiệm cá nhân chúng thâu lượm được (6). Không nên la hét, chửi rủa và đánh dập con cái một cách tàn nhẫn . "Cả giận, mất khôn", điều này chỉ chứng tỏ rằng chúng ta không thể tự kiềm chế con người của mình, chúng ta mất bình tĩnh và mất khôn ngoan. Khi con cái bị đánh đập quá đau và quá tàn tệ chúng sẽ oán ghét cha mẹ, chúng sẽ trở nên những đứa trẻ bạo hành đối với những đứa em của chúng, với bạn chúng ở trường, và sau này với chính những đứa con của chúng. Ông Murray Straus thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Gia Đình thuộc Đại Học New Hampshire nói rằng: "Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy hậu quả tai hại của việc đánh con. Đây là nguyên nhân gây ra những ẩn khuất, những bí mật về tâm lý trẻ em"(7). Không nên quá đối xử quá nghiêm khắc. Cần vui vẻ hòa nhã, và bầy tỏ tình yêu thương với con cái. Con cái dễ vâng lời nghe theo chúng ta khi chúng ta ân cần dịu ngọt hơn là khi chúng ta cau có gắt gỏng. Không nên quá độc tài độc đoán, chúng ta có thể sai nhầm, hay chúng ta có thể không biết rõ tất cả những dữ kiện cần thiết để lấy quyết định có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời của chúng. Nhất là những quyết định có ảnh hưởng lâu dài trên cuộc đời của chúng như: học ngành gì, học trường nào, lập gia đình với ai. Bà Noel Brook, tác giả của cuốn sách "101 Đề Nghị Để Tăng Cường Con Trẻ và Gia Đình" nói rằng: "Nhận thức của chúng ta đã có nhiều sai lầm, và bây giờ phải duyệt xét lại"(8). Nên cho con cái một số những đề nghị và khuyên chúng lựa chọn một giái pháp tốt đẹp nhất trong những giải pháp mà mình đưa ra. Vạch ra cho con cái biết những ưu và khuyết điểm của từng giải pháp. Việc lựa chọn bạn đời của chúng là vấn đề hạnh phúc suốt đời của chúng. Chúng ta chỉ có thể khuyên bảo chúng về vấn đề lựa chọn tôn giáo cho phù hợp, gia cảnh, tính nết, đức hạnh, học vấn mà thôi. Vì con tim của chúng cũng có những lý lẽ của chúng. Chúng ta quá cứng rắn độc đoán, con cái sẽ không nghe lời, bỏ nhà ra đi hay oán hận cha mẹ, cứ tự ý lựa chọn và xa lánh cha mẹ. Cha mẹ cần lắng nghe ý kiến của con cái, cần khuyến khích chúng bầy tỏ cảm nghĩ một cách tự do trong bữa ăn thay vì la rầy và nói "trẻ con không được nói leo". Ngày xưa các cụ quan niệm con nít chỉ được nghe chứ không được nói. Cấm không cho chúng nói sẽ làm cản trở khả năng ăn nói của chúng khi ra ngoài đời. Cho con cái phát biểu cảm tưởng chúng ta mới biết được con cái nghĩ gì, bị ảnh hưởng gì nơi bạn bè của chúng, bị tiêm nhiễm những gì bởi sách báo, phim ảnh, và học hỏi những gì nơi các thầy cô ở nhà trường. Cần đối thoại cởi mở và góp ý với con cái để hướng dẫn chúng. Con cái có thể cho là chúng ta lạc hậu hay không biết gì cả về những điều chúng nói ra. Chúng ta cũng không nên dùng quyền của phụ huynh để đòi chúng nghe theo những điều chúng ta nói và cho tất cả là đúng. Cha mẹ có khi cần phải học hỏi nơi con cái để san bằng sự chênh lệch và khoảng cách giữa các thế hệ đã gây ra bao nhiêu cuộc chiến tranh lạnh trong các gia đình (9). Cuối cùng cần đề cao những người tốt trong cộng đồng và dùng họ là những tấm gương tốt cho con cái. Nói cho con cái biết về những người láng giềng, hay lãnh đạo cộng đồng biết cư xử bác ái hay có những hành động nêu gương về chữ hiếu.
2. Những gì nhà trường cần phải thực hiện cho học sinh:
Nếu không dạy về luân lý thì nhà trường cần tổ chức các khóa hội thảo về các quy tắc xử thế (ethics) ở bậc trung học. Nhiều trường Trung Học tại miền Bắc Virginia đã tổ chức hàng năm một ngày lấy tên là "Ethics Day" cho tất cả các học sinh lớp 12 (10). Họ cũng có môn "Character Education" để trau dồi những đức tính tốt cho học sinh như: sự danh dự, lòng tự trọng, sự kính trọng người khác, tôn trọng phẩm giá con người, lòng trung thực, và nhu cầu phục vụ tha nhân (11). Nhà trường còn cần giảng giải cho học sinh về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, vấn đề vâng lời và tuân theo các luật lệ trong gia đình. Sách giáo khoa cho trẻ em có nhiều chỗ sai lầm: Ông Paul Vitz, giáo sư tâm lý học ở Đại Học Nữu Ước có nói rằng: "Sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng ai có quyền kiểm xoát các sách giáo khoa thì người ấy nắm quyền kiểm xoát tương lai của một quốc gia hơn cả các chính trị gia." Ông nói thêm là "cần có một sự cải tiến quan trọng về các sách giáo khoa cho các trường trung học về hôn nhân và đời sống gia đình" (12) Đặc biệt nên có các bài viết trong sách giáo khoa về các tấm gương đạo đức hiếu thảo.
3. Những gì các nhà lãnh đạo tinh thần nên thực hiện: Các nhà lãnh đạo tinh thần cần tổ chức các khóa hội thảo về các đề tài liên quan đến việc sống đạo, vấn đề kỷ luật và bác ái trong gia đình, giáo xứ và xã hội, học hỏi Thánh Kinh, phương thức cầu nguyện. Các đề tài liên quan đến việc dạy dỗ về chữ hiếu cần đề cập đến mối tương quan giữa cha mẹ và con cái. Các đề tài về giáo lý cần nhấn mạnh đến các câu chuyện Thánh Kinh và giới răn của Thiên Chúa và Hội Thánh, nhất là điều răn thứ tư "thảo kính cha mẹ". Các cha xứ cần tổ chức các hội đoàn để mọi thành phần già trẻ trong giáo xứ đều có dịp sinh hoạt với nhau để học hỏi, cầu nguyện và nâng đỡ nhau sống đạo. Các cha cũng cần thăm viếng các gia đình để giúp đỡ họ đối phó với các vấn đề dạy dỗ và nuôi dưỡng con cái. Các con em gia nhập các hội đoàn như Thiếu Nhi Thánh Thể, Hướng Đạo sẽ học hỏi được tinh thần kỷ luật, tinh thần đồng đội. Chúng sẽ học tập được các nhân đức vâng lời, bác ái, vị tha….(13) III. Làm Sao Để Duy Trì Tập Tục Tôn Kính Tổ Tiên Trên Đất Hoa Kỳ? Đã 40 năm qua, từ khi cả triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi. Gần bốn mươi năm sống trên đất Mỹ các gia đình Việt Nam đã tiêm nhiễm nhiều thói tục của miền đất mới này. Họ ăn mừng sinh nhật con cái, cha mẹ, ông bà và bạn bè rất linh đình. Họ gửi thiệp, tặng hoa, mua bánh sinh nhật, thắp nến, hát "Happy Birthday to You". Nếu ở xa, họ cũng gửi quà và đặt các bó hoa trên Internet, để được đem tới nơi đúng ngày. Ngoài ngày Lễ Giáng Sinh, họ còn bắt chước người Mỹ để ăn mừng những ngày Father's Day, Mother's Day, Valentine, Halloween, Thanksgiving, Fourth of July, và New Year. Họ nhớ những ngày này vì có ghi trên lịch, vì là những ngày nghỉ của học sinh hay ngày nghỉ của quốc gia và tiểu bang. Ngoài ra báo chí, truyền hình luôn luôn quảng cáo bán sale vào các dịp lễ lớn của Hoa Kỳ này. Ngày Valentine thì quảng cáo sô-cô-la, thiệp và hoa, ngày Thanksgiving thì quảng cáo bán gà tây, ngày Halloween thì quảng cáo bán pumpkins, và apple pie, ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ thì quảng cáo bán pháo. Chỉ có một ngày tưởng nhớ đến các linh hồn là ngày Memorial Day. Vào ngày này, người ta ra nghĩa trang để sửa sang các phần mộ của người chết trong gia đình, và cắm hoa. Trái lại các ngày lễ của Việt Nam thì không được nhắc nhở, Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của chúng ta lại không nhằm ngày nghỉ. Học trò phải xin phép đặc biệt mới được vắng mặt, còn người lớn thì khó có thể xin nghỉ việc đề ở nhà ăn Tết. Có bao nhiêu con cháu Việt Nam nhớ đến ngày giỗ của ông bà tổ tiên? Có bao nhiêu người còn đặt bàn thờ để tôn kính tổ tiên trong nhà? Muốn duy trì tập tục tôn kính tổ tiên không phải là dễ. Những việc sau đây các gia đình có thể làm: Cha mẹ cần dạy cho con em biết hãnh diện về nền văn hóa Việt Nam. Chúng cần được dạy dỗ về nguồn gốc của dân tộc, về lịch sử của quê hương, về những vị anh hùng dân tộc. Để thực hiện điều này con cái cần tiếp tục được học tiếng Việt, được tham khảo các tài liệu về địa dư sử ký, phong tục, tôn giáo, nghi lễ cổ truyền. Muốn cho con em biết thưởng thức văn hóa nghệ thuật Việt Nam, chúng cần được nghe nhạc Việt, xem tranh ảnh của các họa sĩ và nhiếp ảnh gia Việt Nam. Nếu có những phim ảnh Việt Nam có giá trị tinh thần và đạo đức dân tộc, cha mẹ cũng nên cho các con em coi. Những cuốn sách về phong tục và cổ tích cần cho con em xem hay đọc cho các em nghe như Đất Lề Quê Thói (14) hay Chuyện Xưa Tích Cũ (15) là những tài liệu cần có. Mỗi gia đình nên có những tủ sách gia đình để lưu trữ các tác phẩm về lịch sử và văn chương Việt Nam, như Việt Nam Sử Lược (16) hay Việt Nam Văn Học Sử Yếu (17). Nên đọc hay kể cho con cháu nghe các chuyện cổ tích Việt Nam để chúng biết được những chuyện về nhân nghĩa lễ trí tín, nhất là về chữ hiếu, như hai mươi bốn câu chuyện về gương hiếu thảo của Nho Giáo trong sách Nhị Thập Tứ Hiếu (18), và 156 Gương Hiếu Thảo của Phan Như Huyên (19) Tuy nhiên cũng cần giải thích cho con em là các bài học của người xưa rất khó noi theo và có khi hơi vô lý. Nên giúp con em biết tìm về nguồn cội. "Uống nước phải nhớ lấy nguồn" và "Nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra em.". Mỗi gia đình nên truy lục các hình ảnh nếu có của ông bà cha mẹ tổ tiên đã qua đời để lồng kính đặt trên bàn thờ. Cũng nên có những cuốn album chứa đựng các hình ảnh của những người thân yêu còn sống trong gia đình, viết tên tuổi hay ngày sinh tháng đẻ để con cháu có thể làm quen với diện mạo của họ. Một việc nên làm khác là thiết lập lại gia phả của tông ti họ hàng nếu có thể. Người Hoa Kỳ cũng là những người di dân từ tứ phương, tổ tiên họ đến từ các nước Âu Châu, Phi Châu, Nam Mỹ và Châu Á. Sau cả hàng trăm năm, họ mới có dịp trở về quê cũ để truy lục gia phả và tái thiết cái cây gia đình (family tree). Bên Việt Nam bây giờ ngay cả người miền Bắc cũng thi đua xây đắp mồ mả của tổ tiên. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để dựng các mộ bằng đá cẩm thạch hay granitô. Họ tìm tòi những ngôi mộ cổ đã bị san bằng hay lở đất nhưng còn các tấm bia viết chữ nho để truy tìm xem mộ đó là của người quá cố nào trong dòng họ. Người Việt Nam luôn luôn tự hào có một nền văn hóa bốn ngàn năm văn hiến.
Chúng ta có một lịch sử rất hào hùng và việc sưu tầm tài liệu và truy lục nguồn gốc gia phả tương đối dễ hơn các sắc dân khác trên đất Hoa Kỳ. Rất nhiều con cháu nhà Mạc đã kéo về Kiến An để cùng vẽ lại cái cây gia đình ngược giòng lịch sử đến tận năm1085 với Trạng Nguyên Mạc Hiển Tích (20). Có nhiều cách thức để bày tỏ lòng thương nhớ người quá cố. Tại một gia đình kia không có đạo, người cha mất sớm, người mẹ mỗi bữa ăn để một chén cơm ngay chỗ người chồng thường ngồi để nhớ đến ông. Trước khi ăn các con cũng vẫn mời người cha ăn y như hồi ông còn sống. Đây cũng là một cách để con cái tôn kính và tưởng nhớ đến cha mẹ mặc dù đã qua đời. Các ngày giỗ 49 ngày, 100 ngày, giỗ hàng năm, giỗ mãn tang, nên xin lễ, và cả gia đình đi lễ để cầu nguyện cho các linh hồn tiên nhân. Gia đình cũng nên xin lễ bất cứ khi nào có thể và khuyến khích con cháu cầu nguyện cho các linh hồn này. "Kinh Vực Sâu", một kinh mà người Công Giáo đọc trong các Lễ An Táng, các buổi canh thức, các lễ cầu hồn là một kinh các gia đình có thể tập cho con cái đọc mỗi ngày trước bữa ăn thay vì đọc Kinh Lạy Cha hay các lời khấn nguyện khác. Trong kinh có câu "Xin cho linh hồn ông bà cha mẹ, anh em bạn hữu tôi. Xin Chúa tôi mở cửa Thiên Đàng cho các linh hồn ấy vào. Xin cho các linh hồn ấy được sự sáng vô cùng hằng soi cho liên, Amen." Đây cũng là một cách để dạy dỗ con cái biết tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn những người thân nhân đã qua đời được sớm vào nước Thiên Đàng.
Có nhiều hình thức để tỏ lòng tôn kính. Hàng năm đến ngày giỗ và ngày Lễ Các Linh Hồn các gia đình có thể làm bữa cơm thịnh soạn không phải để cúng cho người chết hưởng thụ và chứng giám cho lòng thành, nhưng là để cho con cháu họ hàng có dịp tề tựu để ăn uống và nhắc lại những kỷ niệm đẹp của người quá cố. Việc thắp nhang trên bàn thờ gia tiên và vái hình ảnh của ông bà tổ tiên để tỏ lòng tôn kính nên được khuyến khích. Khi chắp tay vái và cúi đầu con cháu tỏ lòng kính yêu cũng như những khi vái chào lúc họ còn sống. Việc bái lạy mà không quỳ sụp xuống và sấp đầu dưới đất sẽ tránh được việc tôn thờ tổ tiên như thần thánh. Chúng ta vái lạy chứ không khấn vái, vì khấn có ý nghĩa khấn xin vong linh ông bà tổ tiên phù hộ cho mình. Ngày Memorial Day vào cuối tháng Năm Dương Lịch cũng là ngày nên ra nghĩa trang để tảo mộ y như tập tục Tết Thanh Minh vào ngày ba tháng Ba Âm Lịch của người Việt Nam và Trung Hoa. “Thanh Minh trong tiết tháng Ba, lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh” (21) Tảo mộ là sửa sang cho ngôi mộ được sạch sẽ, đạp thanh là dày xéo lên cỏ xanh (22). Cả gia đình tụ tập tại nghĩa trang để tưởng nhớ đến linh hồn người quá cố, sau khi đã dọn dẹp ngôi mộ. Người bên lương thì mang vàng hương đi đốt và khấn vái, còn người theo đạo thì mang hoa đi cắm và đọc kinh. Các cô dâu mới cũng nhân dịp này đi nhận biết mồ mả của nhà chồng. Các trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ để biết đến những ngôi mộ của gia tiên, sau là để bố mẹ tập cho con cái sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ (23). Giáo phận Hương Cảng năm 1998 đã ra thông cáo ấn định các chi tiết cho một nghi thức Tảo Mộ nhân dịp Lễ Thanh Minh để giúp cho người Công Giáo cầu nguyện cho tổ tiên của họ theo truyền thống thờ kính tổ tiên của người Trung Hoa. Nghi thức này gồm có một kinh cầu, rẩy nước thánh, cúi đầu bái ba lần trước mộ phần tổ tiên và dâng hương hoa và quả. Ủy Ban Phụng Tự của giáo phận này còn phát các tấm thiệp có ghi bài kinh cho giáo dân vì người Công Giáo tại địa phương này thường hỏi về tập tục dâng hương, hoa và quả, cũng như quỳ gối bái đầu trước mồ mả tổ tiên. Giáo phận cũng đề nghị tránh dâng gà và heo quay cũng như đốt vàng mã như tập tục của người ngoại đạo. Ngày 28 tháng 3, 1998 Đức Giám Mục Giuse Zen Ze-Kiun, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Hương Cảng đã dâng thánh lễ cầu hồn cho cả ngàn người Công Giáo (24). Tại Đài Loan người Trung Hoa cũng rất chú ý đến các nghi lễ an táng như biểu tượng chính của tục lệ tôn kính tổ tiên. Theo thói tục xưa cổ, hàng năm họ cũng dành một ngày để dọn dẹp và săn sóc các phần mộ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Năm 1935 chính phủ Đài Loan đã ban bố sắc lệnh ấn định ngày Lễ Thanh Minh là ngày Lễ Tảo Mộ để nhấn mạnh tầm quan trọng của nghi thức này (25). Theo ảnh hưởng của Phật Giáo trong Tam Giáo, hàng năm dân ta vẫn có tục lệ cầu siêu cho cha mẹ trong ngày Lễ Vu Lan. Lễ Vu Lan nhằm vào ngày rầm tháng bảy Âm Lịch, tức ngày xá tội vong nhân, con cái cùng cha mẹ ông bà, ra nghĩa trang làm lễ rước vong linh tổ tiên về chùa để nghe kinh (26). Còn những vong hồn không có người cúng tế, thì nhà chùa tổ chức cúng theo như văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du. Theo truyền thống Phật giáo thì tập tục này là do có Địa Tạng Bồ Tát nguyên không được vào niết bàn thành Phật và cho chúng sinh thoát ra địa ngục để về coi tịnh độ cúng phật Di Đà.
Còn rất nhiều tục lệ khác đã được các gia đình không có đạo tuân theo từ lâu đời, tuy nhiên vì là phong tục Việt Nam, chẳng ít thì nhiều người có đạo cũng có thể áp dụng phần nào miễn là không trái với huấn dụ của giáo hội. Những tục lệ này giúp cho con cháu nhớ ơn tổ tiên và tôn kính các ngài như ngày Tết đi thăm mộ gia tiên, đọc văn khấn gia tiên, chúc thọ các cụ. Ngoài ra còn Lễ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3, là ngày giỗ Tổ của dân tộc Việt Nam và ngày hội Đền Hai Bà Trưng ngày 5 tháng 3. Đây là hai ngày dân chúng trong các làng mạc làm 100 cái bánh trôi, đem 50 chiếc thả trên bè sen trôi sông, và 50 chiếc đem lên núi để nhắc lại sự tích 100 người con Lạc Long Quân lên núi và xuống biển (27). Chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và tham khảo ý kiến của các nhà có thẩm quyền về vấn đề phụng tự để tránh việc tôn thờ tổ tiên như những vị thần linh có thể che chở và phù hộ cho những người thân trong gia đình. Để giúp cho đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm đã ra một thông cáo ngày 14-11-1974, dựa trên thông cáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14-6-1965 và những quyết định của Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19-4-1972, để nhận định rằng "các cử chỉ, thái độ, và lễ nghi sau đây, có tính cách thủ tục, lịch sự xã giao để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động" (28):
1/ Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bầy biện điều gì mê tín dị đoan.
2/ Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ Gia Tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm.
3/ Ngày Kỵ Nhật được Cúng Giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương miễn 1à loại bỏ những gì là dị đoan mê tín và giảm thiểu, canh cải những 1ễ vật biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn Ông Bà.
4/ Trong hôn 1ễ, dâu rể được 1àm 1ễ Tổ, 1ễ Gia Tiên trước bàn thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi 1ễ tỏ 1òng biết ơn với ông bà.
5/ Trong tang 1ễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, để thương mến theo phong tục địa phương, để tỏ 1òng cung kính người đã khuất.
6/ Được tham dự nghi 1ễ tôn kính vị Thành Hoàng tại đình làng, để tỏ 1òng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với Dân Tộc, hoặc là ân nhân của dân làng. Tóm lại, đạo đức và luân lý là nền tảng cho gia đình lành mạnh và giữ được tôn ti trật tự, cho giáo xứ có tinh thần sống đạo và cho xã hội cường thịnh. Gia đình bê bối thì giáo xứ yếu kém và xã hội sa đọa. Con cái vô lễ, bất tuân lời cha mẹ dạy bảo, không học hành đàng hoàng, chơi bời lêu lổng thì trách nhiệm đầu tiên ở nơi cha mẹ chúng, rồi đến các cơ quan khác như trường học, nhà thờ và xã hội. Việc dạy dỗ con em về đức dục là ưu tiên hàng đầu của phụ huynh, thầy cô giáo lý, các vị lãnh đạo tinh thần và học đường. Thể dục, trí dục và đức dục phải luôn luôn được coi trọng ngang nhau để giúp cho con cái chúng ta được bồi dưỡng về thể xác, trí tuệ và tinh thần. Được như vậy gia đình mới yên vui, và con cái chúng ta mới trở nên những thành phần ưu tú, giúp ích được cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Việc tôn kính tổ tiên là phương thức giúp cho con cháu chúng ta nhớ được cội nguồn, cho chúng biết việc tưởng nhớ đến công ơn của tiên nhân là điều quan trọng. Muốn cho con cháu chúng ta trên đất Hoa Kỳ không bị mất gốc chúng ta cần nhắc nhở cho chúng là tổ tiên của chúng ta là Vua Hùng Vương và chúng ta là giòng giống Lạc Hồng.
_________________________________________
1. Bùi Hữu Thư, "Nuôi Dưỡng Con Cái, Một Bổn Phận Thiêng Liêng của Cha Mẹ" Chân Lý, Tập Bảy – Số Bốn, t. 38-40.
2. Bùi Hữu Thư, "Trẻ Vị Thành Niên và Vấn Đề Tính Duc", Dân Chúa, số Tháng 8 và 9, 2000.
3. Michael O' Donnell, & Nick Stinnett, Good Kids: How You and Your Kids Can Successfully Navigate the Teen Years, New York: Doubleday, 1995.
4. Lucia Hodgson, Raised in Captivity: Why Does America Fails Its Children?, St. Paul, Minnesota: Graywolf Press, 1997.
5. Bùi Hữu Thư, "Dạy Dỗ Con Cái Lễ Phép Trong Một Thế Giới Vô Lễ", Dân Chúa, tháng 4, 2001, t. 37.
6. Jane Fay & Foster W. Cline, M.D., Becoming a Loving and Logic Parent, Cline. Fay Institute, Inc., 1993.
7. Murray Straus, "Is Corporal Punishment by Parents Wrong?", Family Research Journal, New Hampshire: New Hampshire University Press, 1997.
8. Noel Brook, Back To Basics: 101 Ideas for Strengthening Our Children and Our Families, Vancouver, Washington: Champion Press Ltd., 1999.
9. Nguyễn Ngọc Nam, "Làm Sao Để Con Cái Hiếu Thảo Với Cha mẹ?", Chân Lý, Tập Năm, Số Hai, 1998, t. 21.
10. Bùi Hữu Thư, "A Report on the First Annual Ethics Day at Marshall High School", Faifax County Public Schools, VA, April 2000.
11. John Platt, “Character Education”, Marshall High School’s School Plan for 1999-2000, FCPS, VA, June 1999.
12. Paul Vitz, "Censorship: Evidence of Bias in Our Chidren's Textbooks", A Report on American High School Textbooks, New York: Institute for American Values, 1986.
13. Bùi Hữu Thư, "Việc Giáo Dục Con Em về Nhân Đức", Chân Lý, Tập Tám, So Một,, 2001, t. 35-38
14. Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất Lề Quê Thói, Phong Tục Việt Nam, Glendale, CA: Đại Nam, 1968; ngoài ra còn có: Hội Hè Đình Đám, 2 quyển, của Toan Ánh, do tác giả tự xuất bản năm 1969; Truyền Thống Dân Tộc của Lê Văn Siêu, do nhà xuất bản Sống Mới, Fort Smith, AR xuất bản, không rõ năm; và Tục Ngữ Phong Giao, hai tập, của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Sống Mới xuất bản tại Fort Smith, AR, không rõ năm.
15. Sơn Nam, Chuyện Xưa Tích Cũ, Miền Nam xuất bản, không rõ năm; ngoài ra còn có: Truyện Cổ Nước Nam của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, do Tú Quỳnh Books xuất bản tại Garden Grove, Cali, không rõ năm;
16. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Fort Smith, AR: Sống Mới, 1978.
17. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Westminster, CA: Sống Mới, 1979. Các sách khác là: Văn Học Việt Nam của Dương Quảng Hàm, do Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu xuất bản năm 1968 tại Saigon; Thi Ca Bình Dân Việt Nam, 3 tập, của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, do nhà xuất bản Xuân Thu ấn hành năm 1980 tại Cali; Văn Học Việt Nam, hai quyển của Phạm Văn Diêu, do nhà sách Tân Việt, Saigon xuất bản năm 1960.
18. Lý Văn Siêu, Truyền Thống Dân Tộc, Fort Smith, AR: Sống Mới, t. 100-106.
19. Phan Như Huyến, 156 Chuyện Gương Hiếu Thảo, tác giả xuất bản tại Garden Grove, Cali, 1998.
20. Trần Khuê – Nguyễn Thị Thanh Xuân, Định Giá Lại Vương Triều Nhà Mạc, Saigon: Trung Tâm Nghiên Cứu Hán Nôm, 1994.
21. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thông Tin, 1988, t. 15.
22. Toan Ánh, Tìm Hiểu Phong Tục Việt Nam Qua Tế Lễ Hội Hè, Glendale, Cali: Đại Nam, 1997, t. 103-105.
23. Ibid., t. 106.
24. Joseph Ng Yat-wah, "Catholic Grave-Sweeping Rite Incorporates Chinese Filial Piety", UCAN Report, Hong Kong: HK 9747.0970, April 6, 1998.
25. Republic of China, Government Office, "Attention to Funeral Rites and Filial Reflections – Tomb Sweeping Day", ROC Government Document, 1996 (http://www.gio.gov.tw/info/festival_c/tomb_e/tomb.htm).
26. Stephen F. Teiser, "Ghost and Ancestors in Medieval Chinese Religion; The Yu-Lan-P'en Festival as Mortuary Ritual", History of Religions, August 1986, vol. 26, #1.
27. Toan Ánh, ibid., t.100.
28. Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá Phúc Âm, "Thông Cáo về Lễ Nghi Tôn Kính Ông Bà Tổ Tiên của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam", Nha Trang: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 14-11-1974.
Views: 0